Không chỉ làm nhiệm vụ truyền đạt kiến thức, giáo viên còn là những "kỹ sư tâm hồn". Với nhiều giáo viên, việc giúp đỡ, hành động để học sinh được hạnh phúc cũng không kém phần quan trọng so với hoạt động chuyên môn.
Không chỉ làm nhiệm vụ truyền đạt kiến thức, giáo viên còn là những “kỹ sư tâm hồn”. Với nhiều giáo viên, việc giúp đỡ, hành động để học sinh được hạnh phúc cũng không kém phần quan trọng so với hoạt động chuyên môn.
Học sinh hạnh phúc là mục tiêu được nhiều giáo viên đề ra trong năm học này. Trong ảnh: Học sinh Trường tiểu học Sông Mây (H.Vĩnh Cửu) vui chơi ngoài sân trường Ảnh: T.VI |
[links()]* Mong bù đắp sự thiếu thốn tình cảm cho học sinh
Ba năm dạy học tại Trường tiểu học Phú Điền (H.Tân Phú), cô giáo trẻ Lê Thị Bích Hạnh dần hiểu và ngày càng cảm thông hơn với những cô cậu học trò nhỏ ở vùng quê này. Kinh tế của vùng đất thuần nông vốn đã nhiều khó khăn, phụ huynh không có điều kiện để chăm lo việc học cho các con. Vì kế sinh nhai, nhiều người phải rời quê đi làm ăn ở thành phố. Các con được gửi lại cho ông bà nội, ngoại ở quê chăm nom, dạy dỗ.
“Các lớp mà tôi từng dạy có rất nhiều trường hợp như thế. Nhiều học sinh ở với ông bà già yếu, không còn sức lao động nên việc chăm sóc các em cũng không được đầy đủ. Nhiều người không biết chữ nên rất khó khăn trong việc phối hợp với nhà trường để dạy học cho các bé”- cô Hạnh kể.
Chưa hết, vì đời sống khó khăn, nảy sinh mâu thuẫn nên nhiều phụ huynh ly hôn và phó mặc con cho ông bà. Trẻ em trong những gia đình này không chỉ thiệt thòi về điều kiện sống mà còn chịu nhiều tổn thương về tâm lý, tình cảm. Do vậy, giáo viên ở trường chính là những người an ủi, vỗ về, quan tâm và bù đắp cho sự thiếu hụt tình cảm đó của học sinh.
Cô Hạnh phân trần: “Với điều kiện của bản thân, là một giáo viên mới ra trường vài năm, tiền lương mỗi tháng còn chưa đủ để trang trải cuộc sống nên chúng tôi chỉ biết bù đắp cho các em bằng tình thương, ủng hộ tinh thần; cố gắng tạo môi trường học tập tốt để bù đắp phần nào cho các em”.
Một may mắn cho học sinh Trường tiểu học Phú Điền là có được đội ngũ Ban giám hiệu năng động, tâm huyết. Họ đã vận động được nhiều mạnh thường quân tham gia tài trợ, trao nhiều suất học bổng để tiếp sức học sinh nghèo đến trường. Nhờ những tình cảm ấy, rất nhiều học sinh nghèo đã không phải nghỉ học giữa chừng. Các em cũng có những ngày tháng tuổi thơ vui vẻ hơn bên bạn bè, thầy cô.
* Để học sinh cảm thấy vui khi đến trường
Là trường học thuộc huyện vùng sâu, vùng xa của H.Cẩm Mỹ, năm học này, Trường tiểu học Long Giao chỉ có 316 học sinh (trong đó có 67 học sinh lớp 1). Từ nhiều năm nay, trường áp dụng mô hình Trường học Việt Nam mới (VNEN) với sĩ số học sinh ít. Vì thế, giáo viên của trường có nhiều thuận lợi trong triển khai chương trình, sách giáo khoa mới. Vì vậy, trong suốt 1,5 tháng hè vừa qua, đội ngũ giáo viên của trường vẫn liên tục tham gia các khóa tập huấn giảng dạy chương trình mới.
Cô Vũ Thị Thùy Dương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, bước vào năm học 2020-2021, trường sẽ vận động mạnh thường quân và thực hiện xã hội hóa để mua 2 tivi dùng cho 2 lớp 1. Việc mua tivi này nhằm hỗ trợ giáo viên khai thác hết nguồn tài nguyên học liệu của chương trình giáo dục phổ thông mới, phục vụ cho giảng dạy.
Ngoài ra, trường còn tận dụng 1 phòng dư để làm phòng hoạt động trải nghiệm. Học sinh khối lớp 3, 4, 5 đã được sắp xếp thời khóa biểu mỗi tuần 1 tiết hoạt động trải nghiệm sáng tạo. “Nội dung này sẽ được bố trí sát với thời gian dạy môn kỹ thuật để có thể luân phiên lịch học, tuần này 2 tiết trải nghiệm thì tuần sau 2 tiết kỹ thuật… Như vậy, học sinh mới có đủ thời gian cho một hoạt động trải nghiệm sáng tạo” - cô Dương cho biết.
Riêng khối lớp 1 năm nay đã có tiết Hoạt động trải nghiệm theo chương trình mới. Như vậy, năm nay Trường tiểu học Long Giao chỉ có học sinh lớp 2 là chưa được học tiết Hoạt động trải nghiệm. Bên cạnh đó, trường cũng tổ chức học tiếng Anh tự chọn cho học sinh 5 khối lớp, dạy Tin học cho 3 khối lớp (3, 4, 5).
Ngoài chương trình lớp 1, giáo viên của trường chưa được tập huấn giảng dạy/tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Do đó, bản thân giáo viên phải tự nghiên cứu và hy vọng có thể triển khai nội dung môn học mới này một cách tốt đẹp. Giáo viên của trường đang rất hồ hởi và mong dịch Covid-19 được khống chế để cô trò có một năm học suôn sẻ.
Cô Thùy Dương bộc bạch: “Những hoạt động trên cùng với chủ trương xây dựng kỷ luật tích cực trong nhà trường, chúng tôi hy vọng là học sinh sẽ cảm nhận được niềm vui mỗi ngày đến trường. Các em sẽ không bao giờ cảm thấy sợ khi đến trường nữa. Muốn vậy, chúng tôi cần sự “chia lửa” của đồng nghiệp và phụ huynh”.
Tường Vi