"Gần 34 năm công tác trong ngành Y tế nhưng đối với tôi, gần 5 năm làm việc tại Khoa Hồi sức cấp cứu là quãng thời gian đáng nhớ nhất. Với tinh thần "cứu người hơn cứu hỏa", nhiều bệnh nhân đến với chúng tôi tưởng chừng như không qua khỏi đã bình phục, trở về cuộc sống đời thường".
BS Thái Phạm Thị Thọ nhận bằng khen của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam vì đạt thành tích xuất sắc trong phong trào Giỏi việc nước, đảm việc nhà. Ảnh: H.Dung |
“Gần 34 năm công tác trong ngành Y tế nhưng đối với tôi, gần 5 năm làm việc tại Khoa Hồi sức cấp cứu là quãng thời gian đáng nhớ nhất. Với tinh thần “cứu người hơn cứu hỏa”, nhiều bệnh nhân đến với chúng tôi tưởng chừng như không qua khỏi đã bình phục, trở về cuộc sống đời thường”.
Đó là chia sẻ của BS CKI Thái Phạm Thị Thọ, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Trung tâm Y tế H.Trảng Bom khi nói về công việc của mình.
* Nỗ lực vươn lên
Năm 1987, sau khi tốt nghiệp Trường trung cấp Y tế Đồng Nai (nay là Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai), y sĩ Thọ được phân công làm việc tại Trạm Sinh đẻ kế hoạch tỉnh Đồng Nai (nay là cơ sở 3 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh). Sau đó, chị được đơn vị cử đi công tác tại các trạm y tế xã Giang Điền, Bàu Hàm, Hưng Lộc, Phòng khám Cây Gáo của H.Trảng Bom, mỗi nơi từ 4 tháng đến 2 năm.
Để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năm 1993 chị Thọ đăng ký dự thi và trúng tuyển vào Trường đại học Y dược TP.HCM. Năm 1996 tốt nghiệp bác sĩ đa khoa, chị được phân công về làm việc tại Trạm y tế xã Đông Hòa. Trong thời gian chị Thọ làm việc tại trạm y tế, Bệnh viện Đa khoa Trảng Bom đang thiếu bác sĩ siêu âm nên chị Thọ được cử đi học về siêu âm, rồi về làm Phó trưởng khoa Cận lâm sàng của Bệnh viện Đa khoa Trảng Bom, sau đó được bổ nhiệm Phó trưởng khoa Khám bệnh, rồi Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh.
Với tinh thần luôn học hỏi, năm 2011 chị Thọ tiếp tục thi tuyển BS CKI Nội tổng quát của Trường đại học Y dược Huế. Từ năm 2017 đến nay, BS Thọ được tín nhiệm giữ chức Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Trung tâm Y tế H.Trảng Bom.
BS Thọ cho hay, kinh qua nhiều công việc, ở nhiều vị trí và nơi làm việc khác nhau, chị học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm và tích lũy cho mình thêm nhiều kiến thức, kỹ năng để có thể làm tốt công việc hiện tại. So với những công việc trước đó, khi làm việc tại Khoa Hồi sức cấp cứu, chị có cơ hội được tiếp xúc với bệnh nhân nhiều hơn. Hằng ngày, chứng kiến sự bình phục của bệnh nhân, nữ bác sĩ càng có thêm động lực để tiếp tục sự nghiệp chữa bệnh cứu người.
“Có những bệnh nhân khi được đưa vào khoa trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở. Với tinh thần “cứu người hơn cứu hỏa”, tập thể y, bác sĩ trong khoa đã nỗ lực cấp cứu để bệnh nhân qua cơn nguy kịch, sau đó chuyển lên tuyến trên để tiếp tục điều trị. Cũng có những thời điểm xảy ra tai nạn lao động, tai nạn giao thông hay ngộ độc thực phẩm tập thể, không riêng gì các bác sĩ trong khoa mà cả các y, bác sĩ những khoa, phòng khác trong trung tâm đều chung tay, căng mình cứu sống các bệnh nhân”- BS.Thọ bộc bạch.
* Giải thích tận tình để không xảy ra mâu thuẫn
Do tính chất công việc gấp gáp nên Khoa Hồi sức cấp cứu tại Trung tâm Y tế H.Trảng Bom nói riêng và các bệnh viện, trung tâm y tế trong cả nước nói chung thường xảy ra tình trạng bệnh nhân, người nhà bệnh nhân hành hung, đe dọa bác sĩ.
Mới đây nhất, có một bệnh nhân bị sốc sau khi sử dụng ma túy được một người bạn đưa vào trung tâm y tế cấp cứu trong tình trạng hôn mê. Nhìn triệu chứng của người bệnh, BS Thọ nhận biết ngay bệnh nhân này bị sốc ma túy. Tuy nhiên, người bạn đi cùng không khai báo với bác sĩ tình trạng bệnh của bệnh nhân.
Khi BS Thọ đang khám mắt kiểm tra đồng tử cho bệnh nhân, người bạn của bệnh nhân chạy đến, xưng hô mày - tao và quát lớn sao bác sĩ không cấp cứu bệnh nhân mà vạch mắt bệnh nhân để làm gì. Biết được tâm lý của người này, BS Thọ bình tĩnh giải thích cho bạn bệnh nhân biết vì sao phải kiểm tra mắt cho người bệnh. Lúc này, bạn của bệnh nhân mới khai thật là bệnh nhân bị sốc ma túy sau khi sử dụng ma túy, đồng thời xin lỗi bác sĩ vì có những hành động quá khích.
BS Thái Phạm Thị Thọ từng được UBND tỉnh tặng bằng khen vì đạt thành tích cao trong chương trình đào tạo sau đại học; Hội Nữ tri thức trẻ Đồng Nai trao chứng nhận nữ tri thức trẻ tài năng; Liên đoàn Lao động tỉnh tặng bằng khen, đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua Giỏi việc nước, đảm việc nhà. |
BS Thọ cho rằng, việc bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân do không hiểu đầy đủ về tính chất của ca cấp cứu nên chuyện nóng ruột, bức xúc là bình thường. Vấn đề là bác sĩ phải hết sức bình tĩnh, đặt mình vào vị trí của người nhà bệnh nhân để giải thích cho họ hiểu vì sao bác sĩ lại làm như thế. Thậm chí, có những trường hợp nhiều bệnh nhân cấp cứu vào cùng một lúc, có người bị chấn thương phần mềm, chảy máu, tưởng chừng như nguy hiểm nhưng lại không nguy hiểm bằng người không bị chảy máu nhưng bị chấn thương bụng kín, khó thở. Do vậy, các bác sĩ sẽ tập trung để cứu chữa cho người bệnh đang gặp nguy hiểm đến tính mạng trước, sau đó sẽ xử lý cho những ca bệnh nhẹ hơn.
“Nếu bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đang bức xúc mà bác sĩ cũng nói nặng lời hoặc có hành vi không đúng thì rất dễ xảy ra những chuyện không hay, ảnh hưởng đến công tác cứu chữa người bệnh” - BS Thọ tâm sự.
Nói về BS Thái Phạm Thị Thọ, bệnh nhân Nguyễn Thị Thu Dung (58 tuổi, ngụ xã Bắc Sơn, H.Trảng Bom) cho hay, bà bị nôn ói, rối loạn tiền đình, cao huyết áp, nằm điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu 12 ngày. Trong khoảng thời gian bà nằm viện, ngày nào BS Thọ cũng đến khám bệnh ân cần, nói chuyện vui vẻ, động viên bà ăn uống để nhanh hồi phục sức khỏe, mau xuất viện. Chính những thái độ, cử chỉ, lời nói của bác sĩ khiến những bệnh nhân như bà cảm thấy vui vẻ, thoải mái hơn rất nhiều dù đang phải nằm viện.
* Tấm gương sáng để đồng nghiệp noi theo
Khoa Hồi sức cấp cứu Trung tâm Y tế H.Trảng Bom hiện có tổng sổ 30 y, bác sĩ, điều dưỡng. Trung bình mỗi ngày, khoa tiếp nhận và điều trị cho từ 40-50 bệnh nhân, riêng bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú khoảng 15-30 bệnh nhân.
BS Thái Phạm Thị Thọ thăm khám, trò chuyện ân cần với bệnh nhân |
Để công việc luôn diễn ra suôn sẻ, với vai trò là Trưởng khoa, BS Thọ sắp xếp, phân công công việc phù hợp với từng người; đồng thời hỗ trợ các bác sĩ trẻ đi học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Bản thân BS Thọ, sau một ngày làm việc tại trung tâm, về nhà chị thường xuyên đọc sách chuyên ngành để nâng cao trình độ, kiến thức, tích cực tham gia các khóa đào tạo, tập huấn để học hỏi kiến thức, kinh nghiệm từ những người đi trước và đồng nghiệp. Những kiến thức có được, chị sẵn lòng chia sẻ, cập nhật lại cho các bác sĩ trẻ trong khoa.
BS Lê Minh Nam, Khoa Hồi sức cấp cứu cho biết, anh vào làm việc tại trung tâm đã được gần 2 năm. Trong 2 năm qua, ngoài thực hiện nhiệm vụ chuyên môn là khám, chữa bệnh cho bệnh nhân thuộc diện cấp cứu, anh còn được lãnh đạo trung tâm và khoa tạo điều kiện cho đi học thêm về lọc máu để hỗ trợ công việc ở Đơn nguyên thận nhân tạo.
“Tôi cảm thấy rất may mắn khi được làm việc với BS Thọ. Tôi được BS Thọ chỉ bảo rất tận tình, chu đáo từ cách nhận bệnh đến khám, chữa bệnh, giao tiếp với bệnh nhân, kinh nghiệm xử trí khi bệnh nhân gây rối. Tôi học được ở BS Thọ sự ân cần, quan tâm, chăm lo cho bệnh nhân, khám bệnh rất kỹ lưỡng, không bỏ sót bất kỳ triệu chứng nào của người bệnh. Là bác sĩ trưởng khoa, chị luôn hòa đồng, vui vẻ với tất cả mọi người, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các bác sĩ trẻ phát huy năng lực” - BS Nam tâm sự.
Hạnh Dung