Báo Đồng Nai điện tử
En

Danh nhân văn hóa thế giới - đại thi hào Nguyễn Du: 'Mai cốt cách, tuyết tinh thần'

10:09, 18/09/2020

Nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh (1765-2020), tưởng niệm 200 năm ngày mất (1820-2020) danh nhân văn hóa thế giới - đại thi hào Nguyễn Du, Đồng Nai Cuối tuần có cuộc trao đổi với nhà văn, nhà giáo Nguyễn Thế Quang - tác giả tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Du.

Nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh (1765-2020), tưởng niệm 200 năm ngày mất (1820-2020) danh nhân văn hóa thế giới - đại thi hào Nguyễn Du, Đồng Nai Cuối tuần có cuộc trao đổi với nhà văn, nhà giáo Nguyễn Thế Quang - tác giả tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Du.

* Thưa ông, tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Du (với lần xuất bản gần nhất năm 2015) được đón nhận nồng nhiệt từ giới phê bình lẫn độc giả gần xa. Nhìn lại tác phẩm này, có những gì ông hài lòng và những gì ông muốn chỉnh sửa, bổ sung?

- Nguyễn Du là nhân vật quá lớn, quá quen nên quá khó với người cầm bút. Có thể có hàng trăm cách tiếp cận khác nhau. Tôi rất vui vì đã chọn được vấn đề cốt yếu xưa nay để khai thác: đó là quan hệ giữa Hoàng đế và kẻ sĩ; quyền lực và trí thức.

Tôi cũng thể hiện khá sinh động các số phận, vai trò các nhân vật cả về hai phía trong những biến động dữ dội của lịch sử. Đó là Hoàng đế Gia Long và kẻ sĩ Nguyễn Du cùng hàng loạt trí thức khác. Hai lực lượng này vừa đối lập vừa ảnh hưởng với nhau, không đơn điệu một chiều mà đa thanh, đa dạng trong những xung đột lúc thâm trầm, lúc dữ dội khôn cùng. Ngay trong mỗi con người cũng chứa đựng những mâu thuẫn, những nét tính cách đối lập nhau.

Trong lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc ta, Truyện Kiều của Nguyễn Du là một trong những tác phẩm được nhân dân yêu quý nhất. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề bảo tồn, phát huy, khai thác và quảng bá các giá trị di sản văn hóa như Truyện Kiều?

- Đây là vấn đề rất quan trọng và cần thiết. Ngày 24-11-1946 tại Hội nghị Văn hóa lần thứ nhất, Hồ Chủ tịch đã nói: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Nghị quyết số 33-NQ/TW Hội nghị lần 9 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa  nêu rõ: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Chúng ta đã có những cố gắng trong hoạt động này, đã có những thành tích nhất định nhưng chưa cao. Về lĩnh vực sáng tạo văn học nghệ thuật nghị quyết cũng chỉ rõ: “Còn ít những tác phẩm văn học có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật”. Đó là nhận xét đúng. Tôi nghĩ, điều cốt yếu của nền văn học nghệ thuật của chúng ta là phải nỗ lực để có những tác phẩm hay, mang đậm cốt cách, tinh hoa của con người Việt Nam. Từ đó, chúng ta mới có thể quảng bá tốt văn học Việt với bạn bè quốc tế.

Trước một Gia Long độc quyền uy lực, đa nghi, giữa đám triều thần ham hố tranh giành quyền lực, Nguyễn Du đã biết hành xử như thế nào. Bất đắc dĩ phải ra làm quan cho triều Nguyễn tựa “thân thể trong lồng cũi” nhưng ông vẫn sống theo cách của mình. Nguyễn Du tiếp nhận tinh hoa văn hóa của nhiều miền, trải qua bao bể dâu, dâu bể, giữa chốn triều đường Nguyễn bề ngoài kính cẩn, lo làm trọn chức phận của mình, nhưng trong lòng dốc bao tâm huyết quyết chí viết nên một Đoạn trường tân thanh trĩu nặng nỗi đau, chứa đựng lòng nhân ái bao la với cảm thức nhân loại. Quá đau khổ phải sống trong cảnh “vô bệnh cố câu câu” (không bệnh mà phải cúi lom khom), Nguyễn Du vẫn “vung lên một đường gươm chọc trời quấy nước”.

Làm quan đến bậc Á khanh, quan lộ đang thênh thang, nhưng Nguyễn Du về quê quyết phá long mạch để con cháu không ai ra làm quan, tránh cái “bệnh gù lưng” phải cúi mình trước quyền lực. Có thể nói, Nguyễn Du là hiện thân của khát vọng tự do. Đã có một Đoạn trường tân thanh, ông còn muốn viết thêm bi kịch của những kẻ sĩ mà không làm được. Ông không vượt qua được bi kịch của lịch sử bấy giờ.

Đón nhận nhiều ý kiến của bao bạn đọc, nhiều nhà nghiên cứu lý luận phê bình qua 10 năm kể từ khi viết tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Du, tôi nghĩ tác phẩm có những thành công nhất định trong việc xây dựng hình tượng kỳ vĩ của đại thi hào Nguyễn Du. Còn có những chỗ khiếm khuyết cần sửa chữa, nhưng tôi không làm thế. Cứ để nguyên vậy để tác giả chịu trách nhiệm về sự “non yếu” của mình để viết tốt hơn.

* Trong tiểu thuyết của mình, ông đặt vai trò và vị trí của thi hào Nguyễn Du như thế nào trong bối cảnh rối ren của buổi đầu triều Nguyễn?

- Đây là vấn đề rất cần làm rõ khi viết về vấn đề quyền lực và trí thức. Thế nhưng trong cuốn này, tôi chưa đặt ra vấn đề đó. Phải đến tiểu thuyết lịch sử Thông reo ngàn hống (2015, tái bản 2018) viết về Nguyễn Công Trứ và các trí thức cùng thời, tôi mới đặt ra vấn đề này. Đó là cùng với quân vương, kẻ sĩ phải chịu trách nhiệm trước mọi sự hưng vong của đất nước. Đến tiểu thuyết lịch sử Đường về Thăng Long (2019) viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ngài Trần Trọng Kim, học giả Hoàng Xuân Hãn, ông Nguyễn Tường Tam…tôi khẳng định: những trí thức có tinh thần dân tộc, biết gắn bó với nhân dân sẽ phá tan được bi kịch bị quyền lực áp chế, làm nên đại nghiệp, nếu không vẫn tiếp tục rơi vào bi kịch.

Quay trở lại trong tiểu thuyết Nguyễn Du, tôi tập trung vào bi kịch của kẻ sĩ và cốt cách cứng cỏi của Nguyễn Du. Đề từ cuốn tiểu thuyết này tôi chọn câu thơ trong Truyện Kiều “Mai cốt cách, tuyết tinh thần” chính là để nói về cụ Nguyễn Tiên Điền.

* Theo cá nhân ông, cuộc đời đại thi hào Nguyễn Du để lại những chiêm nghiệm quý báu gì?

- Tôi nghĩ, cuộc đời và sự nghiệp của cụ Nguyễn Du cho chúng ta nhiều bài học lớn. Trong vòng vây của nền quân chủ độc quyền phong kiến, nếu kẻ sĩ - trí thức có cái nhìn thực tế, không ảo tưởng, biết lấy cái lớn, cái toàn cục làm trọng, có phương pháp tốt, sẽ làm được nhiều điều hữu ích cho dân tộc, khẳng định vai trò tích cực của mình trong việc xây dựng và tạo lập các giá trị văn hóa đích thực. Đó chính là cái cốt yếu cần có của người trí thức.

Nhà văn Nguyễn Thế Quang nguyên là nhà giáo, là tác giả các tiểu thuyết lịch sử: Nguyễn Du, Khúc hát những dòng sông, Thông reo Ngàn Hống, Đường về Thăng Long… Ông đã đoạt giải A Giải thưởng Hồ Xuân Hương lần thứ V (2015), Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2015 và Giải thưởng Văn học ASEAN 2016…

Tiểu thuyết Nguyễn Du nói về cuộc đời của Nguyễn Du, đại thi hào kiêm quan văn của triều đình nhà Nguyễn Gia Miêu. Chuyện bắt đầu từ khi Gia Long thống nhất đất nước đến khi Nguyễn Du qua đời (1820). Có thể nói, 18 năm làm quan dưới thời nhà Nguyễn, từ tri huyện, tri phủ đến chánh sứ và Tham tri bộ Lại, trải qua 2 đời vua Gia Long và Minh Mệnh, cuộc đời của một kẻ sĩ làm quan của Nguyễn Du không chỉ có thăng mà chứa nhiều nốt trầm. Nguyễn Du viết nên kiệt tác Đoạn trường tân thanh sẻ chia với những khổ đau của nhân dân bấy giờ, lấy chuyện nước người để nói chuyện nước mình, bày tỏ thái độ của người trí thức trước cường quyền phong kiến.

Yến Thanh (thực hiện)

 

Tin xem nhiều