Báo Đồng Nai điện tử
En

Cùng doanh nghiệp vượt khó thời dịch

10:09, 18/09/2020

Thời gian qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động. Đến nay, đã có những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dần phục hồi hoạt động mặc dù vẫn còn những khó khăn. Bên cạnh đó, Chính phủ đã có những gói hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Thời gian qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động. Đến nay, đã có những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dần phục hồi hoạt động mặc dù vẫn còn những khó khăn. Bên cạnh đó, Chính phủ đã có những gói hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Khách hàng mua sắm tại một cửa hàng kinh doanh giày dép ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Bích Nhàn
Khách hàng mua sắm tại một cửa hàng kinh doanh giày dép ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Bích Nhàn

* Doanh nghiệp vượt khó

22 năm trước, gia đình chị Nguyễn Thị Lệ bắt đầu mở cơ sở làm giày và lấy tên hiệu giày Tuấn Tài (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa). Trong hơn 2 thập kỷ qua, Cơ sở Giày Tuấn Tài có mức phát triển và doanh thu tương đối ổn định, năm sau mở rộng hơn năm trước do lượng khách hàng “quen thuộc” lớn và chất lượng sản phẩm tốt. Tuy nhiên, năm 2020, việc kinh doanh của cơ sở bắt đầu bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 xảy ra bất ngờ và kéo dài. “Trước đây, cơ sở có doanh thu từ vài trăm triệu đến hơn 1 tỷ đồng/tháng. Nhưng năm nay, doanh thu giảm sút chỉ còn khoảng 30-40% so với cùng kỳ năm ngoái” - chị Lệ cho hay.

Một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 là dịch vụ giải trí. Trung tâm Giải trí Papa for Me (đóng tại P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) là khu phức hợp gồm nhiều hình thức như: khu vui chơi trẻ em, café sân thượng, yoga, trung tâm năng khiếu cho trẻ em… Suốt gần nửa năm 2020, trung tâm này gần như “tê liệt” không có bất cứ hoạt động gì do dịch bệnh. Điều này khiến trung tâm gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi tháng, trung tâm vẫn phải chi trả hơn 100 triệu đồng tiền thuê mặt bằng, chưa kể số tiền bỏ ra để duy trì lương cho nhân viên dù phải tạm thời nghỉ việc. 

Để ứng phó với đại dịch Covid-19, Cơ sở Giày Tuấn Tài đã sử dụng quỹ dự phòng để trang trải hoạt động kinh doanh. Từ đầu tháng 5 đến nay, tình hình kinh doanh của cơ sở đã bắt đầu khởi sắc hơn. Trước tình hình dịch bệnh xảy ra ở nhiều nước, việc nhập nguyên liệu bị ảnh hưởng nên cơ sở đã tìm nguồn vật liệu khác để thay thế. Đây cũng là yếu tố quyết định sự phục hồi trong hoạt động kinh doanh của cơ sở.

Khi được hoạt động trở lại, Trung tâm Papa for Me đã đưa ra nhiều hình thức để thu hút khách hàng trong trạng thái vừa hoạt động, vừa chống dịch. “Tất cả các hình thức truyền thông, quảng cáo, làm mới và vệ sinh kỹ lưỡng khu vui chơi… là cách mà chúng tôi tích cực làm để thu hút khách hàng. Chúng tôi cũng trang bị thêm nước sát khuẩn tay cho các bé khi đến chơi. Nhờ vậy, mức doanh thu cũng đang dần đi vào ổn định, đạt khoảng 60% so với thời điểm chưa có dịch. Nguồn thu này đáp ứng được phần nào chi phí thuê nhà, lương nhân viên cho các tháng tiếp theo” - anh Nguyễn Thanh Giang, quản lý Trung tâm Papa for Me chia sẻ.

Theo anh Giang, để tái hoạt động có hiệu quả, trung tâm đã giảm giá dịch vụ đến 80% cho các bé đến chơi ở khu vui chơi; tổ chức ngày hội gia đình… Anh Giang cũng hy vọng, khi dịch đã được kiểm soát tốt, hoạt động của trung tâm sẽ đi vào ổn định và đạt doanh thu 80% so với các năm trước.

* Doanh nghiệp vực dậy nhờ nội lực

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu tỉnh, dịch Covid-19 đã khiến doanh thu của các doanh nghiệp sụt giảm mạnh. Các doanh nghiệp liên quan đến sản xuất, thương mại, dịch vụ giải trí hoặc du lịch, tổ chức sự kiện… ảnh hưởng rất nặng, nhất là các doanh nghiệp chưa có hệ thống quản trị hoặc chưa quan tâm đến yếu tố quản trị doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất. “Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng vào năm tới, các nghị quyết, nghị định của Chính phủ mới ban hành hỗ trợ doanh nghiệp sẽ giúp cho các doanh nghiệp có thêm niềm tin từ chính sách như: giảm, chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hay thuế giá trị gia tăng trong quý IV... Đặc biệt, doanh nghiệp cần chủ động quan tâm đến vấn đề quản trị doanh nghiệp như quản trị dòng tiền trong rủi ro, kế toán thuế” - ông Tuấn nói.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong ngành giải trí, dịch vụ hy vọng sẽ phục hồi nhanh sau dịch. Trong ảnh: Trẻ em vui chơi tại Trung tâm Papa for Me
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong ngành giải trí, dịch vụ hy vọng sẽ phục hồi nhanh sau dịch. Trong ảnh: Trẻ em vui chơi tại Trung tâm Papa for Me

Gần đây, ông Tuấn đã tham dự buổi tọa đàm, lấy ý kiến của doanh nghiệp về đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đến năm 2025 do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng Nai và Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai tổ chức. Đề án này đã đề cập đến việc hỗ trợ chi phí đào tạo cho các chủ doanh nghiệp để nâng tầm và hoạt động hiệu quả.

Qua công việc tư vấn và gặp gỡ nhiều doanh nghiệp những năm qua, ông Tuấn đánh giá, các doanh nghiệp có “sức bật” sau đại dịch dựa phần lớn vào năng lực của chủ doanh nghiệp và hệ thống quản trị của doanh nghiệp vừa và nhỏ. Sự hồi phục này không liên quan đến ngành nghề của doanh nghiệp. Thực tế, nhiều doanh nghiệp nhỏ vẫn mở rộng hoạt động ở các tỉnh, thành khác nhau dù có dịch.

Bích Nhàn

Tin xem nhiều