Nhớ khi tôi còn nhỏ sống ở Đồng Nai, mẹ tôi có lúc kiêm nghề bán xôi bắp cho những người đi làm sớm, những đứa trẻ đi học, bên cạnh làm rẫy.
1. Nhớ khi tôi còn nhỏ sống ở Đồng Nai, mẹ tôi có lúc kiêm nghề bán xôi bắp cho những người đi làm sớm, những đứa trẻ đi học, bên cạnh làm rẫy. Tôi được giao nhiệm vụ phụ mẹ nhiều việc, ngoài việc hằng tuần đi chà bắp (loại bắp trắng, dẻo), hằng ngày còn đi rọc lá chuối và cắt bẹ thơm giúp mẹ. Lá chuối thì rọc trong vườn nhà, vốn được chọn kỹ từ những tàu lá to, không bị rách. Còn bẹ thơm cũng được cắt trong vườn, vốn được trồng cặp theo bờ ranh. Thơm là giống cây có họ hàng với khóm, nhưng trái to hơn, mọng nước hơn, ngọt hơn và ăn không bị rát lưỡi như ăn khóm. Cũng vì to nên chỉ cần mươi bẹ thì cũng đủ cho một buổi bán. Khi hết bẹ thơm thì dùng sống lưng của tàu lá chuối thay thế.
Ảnh minh họa. Nguồn: https://mythuatms.com/ |
Xôi bắp được nấu từ bắp chà với nếp, vừa thơm vừa dẻo, ăn với dừa nạo và muối đậu (đậu phộng rang, giã nát trộn với đường và ít muối). Khi bán, xôi được mẹ tôi khéo léo gói trong tấm lá chuối đã được lau sạch. Mỗi gói xôi được tặng kèm một “cái muỗng” bằng bẹ cây thơm cắt ra. Mùi xôi quyện với mùi lá chuối làm món ăn thêm đậm đà và đáng nhớ. Xôi được “múc” ăn bằng cái muỗng “sinh học” càng có hương vị riêng không lẫn vào đâu được.
Dĩ nhiên không phải chỉ có mẹ tôi là như vậy. Những người bán xôi khác cũng làm tương tự và mọi người đều thấy đó là điều nên làm, vì sự tiện lợi và hiệu quả kinh tế của nó.
2. Ngày đó quê tôi, vùng Tân Phú - Định Quán, còn có một cái nghề rất độc đáo là hái lá giá tỵ để bán. Giá tỵ (còn gọi là gố tếch, teak) là giống cây lấy gỗ có giá trị, thân to, thường chỉ khai thác khi đã trên 10 năm tuổi. Bấy giờ, rừng giá tỵ đặc dụng quê tôi cũng đã được trồng trên 30 năm rồi, có nhiều cây lớn hơn vòng tay người lớn, những cây nhỏ hơn thì cũng cao cả chục thước. Sáng sáng trong rừng thế nào cũng có vài nhóm người đi hái lá. Người ta hái bằng hai cách: cách phổ biến là dùng một chiếc sào dài để thọc các chiếc lá vừa sẫm màu, không bị rách; lá rơi xuống thì được một người nhặt và xếp lại thành từng chồng một, hai chục lá chẳng hạn, rồi dùng dây chuối cột lại. Cách thứ hai mạo hiểm hơn là leo lên cây để chọn hái những lá tốt nhất...; thường chỉ leo vài cây thì đủ cho một buổi chợ rồi. Công việc có phần nguy hiểm này tuy cũng có thu nhập kha khá nhưng thực ra cũng không nhiều người làm, bởi lá giá tỵ cũng không phải quá đắt hàng!
Lá giá tỵ được bỏ mối ở các chợ, từ đó những người bán hàng mua lại để gói đồ cho khách. Người bán cá, bán rau, bán dưa cải, bán thịt... đều có thể dùng lá giá tỵ để gói hàng được. Người ta khéo léo cuộn lá lại để đồ không bị rớt ra, nếu cần thì dùng dây chuối hay lạt tre buộc lại. Dĩ nhiên, một số món hàng ướt thì vẫn có thể bị chảy nước, nhưng khi người đi chợ cho hết vào cái giỏ kẹp hoặc giỏ đệm thì cũng không ảnh hưởng gì đáng kể.
3. Quê tôi ngày trước từng có một mùa lá chuối rộn ràng, sôi động. Cách đây khoảng 30 năm, Tân Phú, Định Quán là vùng trọng điểm trồng mãng cầu (na) của miền Đông Nam bộ. Mãng cầu vùng này trái to, thịt dai ngọt. Đến mùa, cả vùng sôi động hẳn lên: hầu như nhà nào có rẫy đều có trồng mãng cầu, nhà nào ít thì đi mua đám (mua cả vườn) của nhà người khác để bán lại kiếm lời, người nào có sức khỏe, chuộng mua bán thì đi vào rẫy mua của nhà vườn đem ra bán ở các vựa. Ở chợ, cách vài nhà có một vựa, họ mua mãng cầu của nhà vườn, của những người mua dạo và bán đi khắp nơi từ Sài Gòn đến miền Tây, miền Trung... Mãng cầu sau khi phân loại (thường theo các loại: hàng cơi (loại to nhất), hàng mặt, hàng lỡ, hàng don, hàng bi...) được đóng vào các cần xé tre; để trái không bị bầm người ta lót độn lá chuối quanh thành cần xé; cứ vài lớp trái là một lớp lá mềm và phủ rất nhiều lá bên trên trước khi may miệng cần xé bằng cao sợi đay.
Mùa mãng cầu cũng là mùa lá chuối. Nhiều người vào các vườn chuối mua lá chuối để bán cho các vựa, xem đó là một nghề kiếm sống rất khá. Người ta đẩy bằng xe thồ, xe đạp, chỉ một số ít có xe máy, vượt qua những con đường lầy lội trong mùa mưa để đến các vựa. Một số chủ rẫy cũng xem việc bán lá chuối thu nhập khá không thua gì bán trái...
Mùa lá chuối bây giờ gần như không còn. Đồng Nai đã chuyển đổi cây trồng, mãng cầu không còn là cây chủ lực nữa. Mà người thu mua mãng cầu cũng không dùng cần xé nên chẳng dùng lá chuối - người ta dùng thùng mút, gói trái bằng giấy báo hoặc túi xốp bọc trái. Lá chuối gần như vắng bóng ở các vựa trái cây.
4. Khoảng 30 năm trước, người ở quê tôi rất ít dùng túi ny-lông. Những thứ dùng lá chuối, lá giá tỵ được thì người ta tận dụng loại lá này, bởi khi đó ny-lông vẫn đắt hơn các loại lá. Một số mặt hàng không dùng lá thì vẫn có cách khác để người mua tiện mang, xách, như cá lóc, thịt heo... thì dùng lạt tre để xỏ xâu cho khách treo lên xe hoặc bỏ vào giỏ mà không làm dính tay. Dĩ nhiên, lá chuối được dùng rất nhiều, từ việc gói rau, cá, thịt... đến các thức ăn đã chế biến rồi, như bánh, bún... Còn người đi mua đồ ăn nước như: phở, bánh canh, cháo, cơm... thì thường mang theo cái cà mèn (gamelle) để đựng. Chỉ những thức thực sự không còn cách nào khác thì người ta mới dùng túi ny-lông, như chè, đậu hũ...
Ngay khi túi ny-lông được dùng nhiều rồi thì nhiều người vẫn rất tiết kiệm trong việc dùng loại túi này. Như mẹ tôi hay giặt các túi không quá bẩn để dùng lại hoặc đem “đổi” các chị bán dạo (ở quê tôi trước đây hay có những người gánh hoặc đạp xe đi bán dạo cá, thịt, rau, bánh trái... cho những người trong rẫy, xa chợ, ít có điều kiện đi chợ; hiện những người này đã thay bằng xe máy) để họ đựng đồ và được “tặng lại” thêm nhúm hành, củ tỏi...
*
Thời ấy đã đi qua khá lâu; một số công việc bây giờ đã trở thành dĩ vãng. Nhớ lại, tôi thấy ngùi ngùi, dẫu đã sống qua một thời khó khăn, vất vả nhưng giản dị, thuần phác, gần gũi với thiên nhiên, còn hiện nay - thời của đời sống công nghiệp, có nhiều tiện lợi nhưng cũng tạo ra nhiều thử thách và để lại nhiều hệ lụy, đặc biệt với môi trường... Ngày xưa ơi!
Nguyễn Minh Hải