Khi cuộc sống phát triển, cư dân đô thị bên cạnh việc có nhiều cơ hội nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, họ còn chịu nhiều áp lực như: áp lực về cơ hội học tập, việc làm, các chi phí sinh hoạt cùng nhiều nỗi lo khác.
Khi cuộc sống phát triển, cư dân đô thị bên cạnh việc có nhiều cơ hội nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, họ còn chịu nhiều áp lực như: áp lực về cơ hội học tập, việc làm, các chi phí sinh hoạt cùng nhiều nỗi lo khác.
Chị Nguyễn Thị Kim Ngân (hàng đầu, thứ hai từ phải qua, sinh viên Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM, ngụ P.Tam Hòa, TP.Biên Hòa) tham gia Tiếp sức mùa thi năm 2020 để cuộc sống ý nghĩa hơn. Ảnh: NVCC |
Làm sao để giải tỏa căng thẳng do các áp lực cuộc sống mang lại để chất lượng sống được nâng cao, hướng đến hạnh phúc… là mong mỏi không chỉ của giới trẻ mà còn của các bậc làm cha làm mẹ đối với các con mình.
* Nhiều áp lực…
Kỳ thi THPT năm 2020 vừa hoàn thành trong một hoàn cảnh đặc biệt khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại nhưng không vì thế mà nó mất đi vai trò, ý nghĩa đối với gần 1 triệu thí sinh, cùng với đó là hàng triệu phụ huynh trong cả nước như kỳ thi của mọi năm. Bởi lẽ, nói gì thì nói, ngày nay dù có nhiều con đường khác nhau để vào đời lập thân, lập nghiệp, nhưng tự trong bản thân mỗi người, mỗi gia đình đều mong muốn và gửi gắm nhiều hoài bão, ước mơ được công thành danh toại nơi giảng đường đại học.
Để con tự tin bước vào các trường đại học tốp đầu ở các đô thị lớn, suốt 12 năm đèn sách, một bộ phận không nhỏ các bậc cha mẹ ở các đô thị lớn đã tốn không ít thời gian, công sức và chi phí để đồng hành cùng con đến những lớp học thêm, trung tâm ngoại ngữ, các lò luyện thi, cũng như các lớp học kỹ năng… Áp lực học hành, thi cử đã được đặt lên trẻ ngay từ bé…
Phó giám đốc Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Hoàng Đức Nguyễn Công Bình cho biết: Áp lực trong công việc và cuộc sống là điều chúng ta cần biết cách và cần có kỹ năng đối mặt. Mỗi người cần duy trì trạng thái tích cực, lạc quan trước các vấn đề cuộc sống; luôn hoạch định cho mình những kế hoạch và mục tiêu cụ thể trong công việc, sử dụng thời gian một cách hiệu quả. |
Trải qua năm tháng học tập, nhiều người còn khó khăn khi xoay xở với các cơ hội việc làm tại đô thị. Khi đông người ứng tuyển vào cùng một vị trí việc làm thì yêu cầu tuyển dụng sẽ được nâng cao, ngoài yêu cầu tốt nghiệp đại học khá trở lên còn phải có các kỹ năng mềm khác như: ngoại ngữ, kỹ năng làm việc nhóm…
Do vậy, việc sở hữu được công việc theo đúng chuyên ngành đã học, môi trường làm việc tạo sự phát triển cho bản thân, thu nhập ổn định có thể trang trải chi phí cuộc sống đắt đỏ nơi đô thị… là mơ ước của không ít người. Chị Nguyễn Thị Kim Ngân (sinh viên Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM, ngụ P.Tam Hòa, TP.Biên Hòa) cho biết: “Ngoài áp lực học tập, tốt nghiệp đúng thời hạn chung của ngành theo học, tôi cũng như nhiều sinh viên khác còn thường trực một nỗi lo, suy nghĩ về các cơ hội việc làm trong tương lai: công việc có ổn định, có cơ hội phát triển và có được làm đúng chuyên ngành hay không…”.
Bên cạnh mơ ước về lập thân lập nghiệp, mỗi người trẻ ở đô thị còn có áp lực về hôn nhân - gia đình. Thực tế, tình yêu và hôn nhân là lĩnh vực về tình cảm riêng tư của mỗi người, nhưng do những người trẻ ở đô thị vì quá chú trọng việc phát triển sự nghiệp, mong muốn ổn định kinh tế, công việc trước khi kết hôn… nên dễ dẫn đến thực trạng nam/ nữ kết hôn trễ, sau 30 tuổi. Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng và xảy ra đối với một vài cá nhân, mà đã trở thành một xu hướng, nỗi lo của xã hội, nhất là tại các đô thị lớn như: TP.HCM, Đồng Nai…
* Áp lực quá nhiều sẽ thành “gánh nặng” tâm lý
Xưa nay, các bậc làm cha làm mẹ đều quan niệm khi các con thành gia lập thất thì họ mới yên tâm, xem như đã hoàn thành phần nào bổn phận của cha mẹ với con. Do đó, không ít người trẻ lâm vào cảnh dở khóc dở cười, khó xử khi chính cha mẹ và người thân nhiều lần đề cập đến chuyện kết hôn.
Một bạn nữ xa quê vào Đồng Nai lập nghiệp và có công việc ổn định tại một đơn vị hành chính sự nghiệp của tỉnh. Đến nay ngấp nghé tuổi ba mươi, chị cho biết đã có người yêu ở quê nhưng vì công việc, hai người phải yêu xa. Dù đã nghĩ đến phương án chị xin nghỉ việc để về quê lấy chồng, không phải tốn chi phí ở trọ, nhưng chị và bạn trai đều lo lắng ở quê khó tìm được cơ hội việc làm phù hợp với chuyên môn, khi kinh tế chưa ổn định thì hôn nhân cũng khó bền vững… Năm tháng trôi qua, đến nay chị và người yêu vẫn chưa chốt thời điểm tiến đến hôn nhân nên nhiều lần chị ngại gọi điện thoại về thăm cha mẹ vì lý do bị hối cưới, lo con gái “ế”…
Cơ hội việc làm luôn là nỗi trăn trở của nhiều người, nhất là tại đô thị. Trong ảnh: Nhiều người tìm việc tại một sàn giao dịch việc làm vào năm 2019. Ảnh: Hồ Thảo |
Ở một khía cạnh khác, không ít lần báo chí phản ánh trường hợp các em học sinh vì thi không đậu đại học, hoặc lỡ phạm phải sai lầm trong cuộc sống, sợ làm cha mẹ thất vọng nên đã nghĩ đến các con đường bế tắc... hay như trường hợp những người trẻ không muốn làm công việc này nhưng phải thi và học vì mong ước của cha mẹ.
Phó giám đốc Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Hoàng Đức Nguyễn Công Bình nhận định: “Hiện nay, thực trạng chung cho thấy hầu như các bậc cha mẹ thường kỳ vọng, mong muốn con đạt được những điều cha mẹ đặt ra và hướng tới. Những áp lực của các bậc cha mẹ vô tình dẫn tới những hành vi tưởng chừng như vô thức như: việc ép con học thêm, học tăng ca, học các môn năng khiếu… hay so sánh năng lực của con mình với người khác và vô tình biến con trở thành người hiện thực hóa ước mơ trước đây của cha mẹ. Đó chính là áp lực mà cha mẹ thường đè nặng lên thế hệ trẻ hiện nay. Khi áp lực quá lớn và kéo dài thì nguy cơ dẫn đến các khó khăn tâm lý như: stress quá mức, lo âu... dẫn tới các vấn đề sức khỏe tâm thần”.
* Phấn đấu cho mục tiêu phù hợp và tìm ý nghĩa cuộc sống
Đối với các bậc cha mẹ, anh Nguyễn Công Bình cho rằng: Một kỳ vọng phù hợp với con sẽ thúc đẩy và là động cơ để con phát triển. Do đó, việc tạo mục tiêu cho con vừa phải chính là động cơ giúp cho con đạt được những kỳ vọng, khả năng của bản thân, hay giải quyết tốt được những vấn đề bản thân đối mặt. Chiều ngược lại, kỳ vọng quá cao với năng lực của con thì vô tình gây sức ép lớn, kìm hãm sự phát triển, sáng tạo của con, dẫn tới việc thiếu động cơ, chán nản, tự đánh giá về giá trị bản thân thấp và là nguy cơ dẫn đến những hành vi cảm xúc lệch chuẩn.
Theo các chuyên gia, để giảm bớt áp lực khi hoạch định kế hoạch cuộc sống, mỗi người cần đặt cho mình những mục tiêu phù hợp trong khoảng thời gian nhất định và phấn đấu. Chị Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: “Tôi cho rằng, tuổi trẻ là khoảng “thời gian vàng” để nỗ lực và phấn đấu. Thay vì lo lắng, áp lực thái quá thì mình phải hành động cho mục tiêu của mình. Nếu thành công là điều tốt, còn nếu thất bại, thì tôi cũng không hối tiếc vì đã nỗ lực hết mình. Tôi đặt cho mình mốc thời gian 5 năm để chuẩn bị, trau dồi kiến thức, các kỹ năng liên quan đến ngành học. Song song đó, tôi cũng sẽ rút ra kinh nghiệm cho chính mình trong quá trình thực tập, làm việc liên quan đến ngành nghề. Tôi vẫn tin nếu mình đáp ứng các yêu cầu, công việc tốt sẽ đến với mình”.
Dĩ nhiên, trong cuộc sống sẽ có những lúc “xuống tinh thần” vì áp lực và những người trẻ có thể tìm được ý nghĩa sống và động lực hơn khi mở lòng mình ra để sẻ chia, kết nối với bạn bè, người thân, cũng như tham gia các công việc từ thiện, xã hội bổ ích…
Lâm Viên