Báo Đồng Nai điện tử
En

Tìm việc thời dịch...

09:08, 28/08/2020

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều người rơi vào tình cảnh mất việc. Đến đầu tháng 8 này, tình hình khả quan hơn khi toàn tỉnh đã có 150/207 doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh đã phục hồi sản xuất; đồng nghĩa với việc nhiều người lao động sẽ có cơ hội việc làm trở lại. Tuy nhiên họ cũng cần phải thay đổi, nhạy bén để phù hợp với yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều người rơi vào tình cảnh mất việc. Đến đầu tháng 8 này, tình hình khả quan hơn khi toàn tỉnh đã có 150/207 doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh đã phục hồi sản xuất; đồng nghĩa với việc nhiều người lao động sẽ có cơ hội việc làm trở lại. Tuy nhiên họ cũng cần phải thay đổi, nhạy bén để phù hợp với yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Đại diện một doanh nghiệp phỏng vấn người lao động trực tiếp tại sàn giao dịch việc làm
Đại diện một doanh nghiệp phỏng vấn người lao động trực tiếp tại sàn giao dịch việc làm. Ảnh: Bích Nhàn

* Người tìm việc: Khó

Vừa học hết THPT, anh Phùng Nguyễn Quang Dương, 24 tuổi, ngụ P.Bình Đa, TP. Biên Hòa đã “đầu quân” làm công nhân cho một công ty gạch men tại Khu công nghiệp Amata. Suốt 6 năm qua, công việc của anh Dương khá ổn định với mức thu nhập 6 triệu đồng/tháng. Nhưng dịch Covid-19 xuất hiện khiến anh Dương mất việc từ 3 tháng nay. Anh Dương miệt mài đi tìm việc ở nhiều công ty nhưng vẫn chưa nhận được hồi âm như mong đợi. Anh Dương bày tỏ: “Tôi mong kiếm một công việc phù hợp với mức lương 6 triệu đồng/tháng. Tôi chờ đợi nhưng việc vẫn chưa “tìm” người. Tôi cũng lên các trang mạng tuyển dụng, đến trực tiếp các công ty ở các khu công nghiệp Biên Hòa 2 hay Amata nhưng vẫn chưa kiếm được việc làm”.

Theo thống kê của Sở LĐ-TBXH, tính đến ngày 7-8, có hơn 43 ngàn người thất nghiệp. Ước tính số người thất nghiệp nộp hồ sơ đề nghị hưởng chế độ bảo hiểm vượt gần 30% so với năm ngoái.

Trước tình hình này, Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh (thuộc Sở LĐ-TBXH) đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm kết nối doanh nghiệp và người lao động như: tổ chức sàn giao dịch việc làm online kết nối với 13 tỉnh, thành khác; đăng thông tin tuyển dụng, nhận hồ sơ xin việc qua các tài khoản Zalo, Facebook của trung tâm…

Theo anh Dương, nguyên nhân anh chưa tìm được việc là yêu cầu của nhà tuyển dụng khá cao, vượt khả năng của anh. Các công ty ở 2 khu công nghiệp Amata và Biên Hòa 2 thiếu công nhân lành nghề hoặc những người có trình độ cao đẳng, đại học. Trong khi đó, anh Dương lại không có chuyên môn sâu ở lĩnh vực mà các công ty cần. “Công ty không muốn nhận người vào để đào tạo lại từ số 0. Ngay cả lao động phổ thông, họ vẫn muốn tìm được ứng viên đã có sẵn chuyên môn vì họ không muốn mất thời gian, tiền bạc vào việc đào tạo” - anh Dương nói.

Trước thực tế này, anh Dương phải làm bảo hiểm thất nghiệp để duy trì cuộc sống trong khi chờ việc. Anh Dương cũng dự định sẽ đi học nghề để có chuyên môn sâu về một lĩnh vực nào đó.

Cùng hoàn cảnh với anh Dương, chị Võ Thị Anh (25 tuổi, ngụ P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) cũng nghỉ việc từ tháng 3-2020. Trước đây, chị Anh làm việc tại một công ty về in ấn (Khu công nghiệp Biên Hòa 2). Vợ chồng chị Anh đều làm công nhân nên khi dịch Covid-19 xảy ra, chị đã phải xin nghỉ việc để trông 2 con nhỏ. “Một mình chồng tôi đi làm nuôi cả gia đình nên rất khó khăn. Tôi phải cắt nhiều khoản chi tiêu mới đủ chi phí sinh hoạt cho gia đình 4 người. Các con chuẩn bị đi học trở lại, tôi cũng bắt đầu tìm việc hơn 1 tháng nay nhưng chưa được” - chị Anh tâm sự.

Không chuyên môn, không bằng cấp, chị Anh chỉ mong có việc để làm ở bất cứ công ty nào với mức lương 5 triệu đồng/tháng.

* Việc vẫn đang “tìm” người

Dù dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nhiều công ty vẫn cần lao động nhưng các công ty đã có sự thay đổi trong nhu cầu tuyển dụng của mình.

Từ vài tháng nay, Công ty TNHH Công nghệ điện tử nghe nhìn BOE (đặt tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2) cũng khó tuyển lao động. Công ty tổ chức tuyển dụng bằng nhiều hình thức như: đăng yêu cầu tuyển trực tuyến qua các trang tuyển dụng hay tham gia các sàn giao dịch việc làm.

Do Công ty TNHH Công nghệ điện tử nghe nhìn BOE mới thành lập và đang mở rộng sản xuất nên thiếu đến 13 vị trí việc làm khác nhau như: quản lý sản xuất biết tiếng Trung, kế toán, kỹ thuật viên bảo trì thiết bị… Riêng công nhân lao động trực tiếp, công ty này cần tuyển từ 20-50 người/tuần. Chế độ đãi ngộ mà Công ty TNHH Công nghệ điện tử nghe nhìn BOE đưa ra khá hấp dẫn với mức lương từ 9-25 triệu đồng/tháng, tùy vị trí. Các chế độ cơm trưa, cơm tối và 3 loại bảo hiểm (bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm xã hội) đều được thực hiện đầy đủ.

Chị Vũ Tố Như, Phụ trách tuyển dụng Công ty TNHH Công nghệ điện tử nghe nhìn BOE chia sẻ, hiện nay, lượng người thất nghiệp đông. Tuy nhiên, công ty hoạt động trong lĩnh vực điện tử nên cũng “kén” người làm, kể cả lực lượng công nhân làm việc trực tiếp. “Chúng tôi chỉ có thể tuyển những người đã được đào tạo chuyên ngành về điện tử và gắn bó lâu dài. Trong khi đó, những người có chuyên môn này lại thường tìm việc ở các thành phố như: Biên Hòa, TP.HCM nên việc tuyển đúng người lại càng khó hơn” - chị Như tâm sự.

Không chỉ tuyển dụng lao động bậc cao khó khăn, ngay cả lao động phổ thông có kinh nghiệm cũng không dễ tuyển. Theo chị Lê Thị Hồng Ngọc, chuyên viên nhân sự Công ty TNHH OtMotor Vina (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2), công ty chỉ thiếu 20 lao động có kinh nghiệm về đúc nhưng rất vất vả trong việc tuyển người đáp ứng yêu cầu. Trong một lần tham gia sàn giao dịch việc làm gần đây, chị Ngọc “may mắn” nhận được 7 hồ sơ xin việc tương đối phù hợp. “Chỉ cần người lao động đáp ứng được nhu cầu của công ty, chúng tôi sẽ có mức trả lương thỏa đáng” - chị Ngọc chia sẻ.

* Kết nối cung - cầu lao động

Lý giải về thực tế nhà tuyển dụng và người lao động chưa “gặp nhau”, bà Trần Thị Thùy Trâm, Phó giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh cho rằng, những lao động thất nghiệp đa số là lao động phổ thông hoặc lớn tuổi. Còn các doanh nghiệp lại có nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ và tay nghề. Dù lượng doanh nghiệp tuyển lao động phổ thông vẫn nhiều nhưng giai đoạn này lại đòi hỏi người lao động có tay nghề vững.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều người phải chật vật tìm việc
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều người phải chật vật tìm việc

Để giải “bài toán” cung - cầu lao động chưa gặp nhau như hiện nay, Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh đã thực hiện chính sách hỗ trợ lao động thất nghiệp học nghề. Chính sách này được thực hiện từ năm 2012, đã giúp hàng ngàn người lao động nâng cao tay nghề, tìm được công việc phù hợp, ổn định cuộc sống. Trong thời điểm khó khăn khi dịch Covid-19 xảy ra, nhiều lao động thất nghiệp học nghề để chuyển đổi công việc.

Điển hình như trường hợp chị Nguyễn Thị Phượng, ngụ tại P.Tân Phong, TP.Biên Hòa. Suốt 10 năm, chị Phượng làm công nhân tại một công ty chuyên gia công, đóng gói mỹ phẩm. 4 tháng trước, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, công ty ít đơn hàng nên chị Phượng phải nghỉ việc. Ngay khi đó, chị Phượng đã đăng ký học lớp cắt may thời trang do Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh hỗ trợ. Chị Phượng cho hay: “Sau hơn 3 tháng học nghề, tôi đã biết may áo sơ mi, quần tây. Giờ có nghề rồi, tôi đi tìm việc cũng tự tin hơn”.

Theo bà Trâm, những người thất nghiệp khi muốn học nghề chỉ cần đăng ký tại Trung tâm. Hiện tại, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh đang dạy nghề cho trên 200 lao động thất nghiệp ở 8 ngành nghề bao gồm: may công nghiệp, sửa chữa thiết bị may, cơ khí hàn, cắt gọt kim loại, tin học, điện công nghiệp, ô tô, điện tử gia dụng. Ngoài ra, trung tâm còn phối hợp với các đơn vị tổ chức dạy một số nghề như: nấu ăn, pha chế, trang điểm, làm tóc, lái xe… “Mỗi người thất nghiệp đều được hỗ trợ học một nghề sơ cấp với số tiền 1 triệu đồng/tháng. Việc hỗ trợ không quá 6 tháng. Số tiền này sẽ chuyển trực tiếp cho các cơ sở đào tạo đã được chúng tôi thẩm định về chất lượng đào tạo” - bà Trâm chia sẻ.

Bích Nhàn

Tin xem nhiều