Núi Chứa Chan (H.Xuân Lộc) có độ cao 837m so với mực nước biển. Đây là ngọn núi cao thứ 2 ở miền Nam, sau núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh). Với hệ thực vật phong phú, ngọn núi kỳ vĩ này cũng là nơi phát nguyên của nhiều dòng suối lớn như: suối Tôm, suối Tiên, suối Gia Miên, suối Gia Lào…
Núi Chứa Chan (H.Xuân Lộc) có độ cao 837m so với mực nước biển. Đây là ngọn núi cao thứ 2 ở miền Nam, sau núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh). Với hệ thực vật phong phú, ngọn núi kỳ vĩ này cũng là nơi phát nguyên của nhiều dòng suối lớn như: suối Tôm, suối Tiên, suối Gia Miên, suối Gia Lào…
Anh Nguyễn Ngọc Tịnh (ngụ ấp Trung Sơn, xã Xuân Trường, H.Xuân Lộc) chui xuống hang xử lý sự cố cát, đất tràn gây tắc đường ống nước |
Đặc biệt, trên núi Gia Lào còn có nhiều mạch nước lớn nằm sâu trong các hang động. Những mạch nước này được người dân địa phương ví như những “túi nước” khổng lồ để dự trữ, nuôi dưỡng cây rừng và cung cấp nước sinh hoạt cho hàng trăm hộ dân sinh sống ở bên sườn núi và ngay dưới chân núi (thuộc xã Xuân Trường, H.Xuân Lộc).
* Ly kỳ chuyện tìm nước dưới hang sâu
Trước những năm 1990, người dân sinh sống ở bên sườn núi và ngay dưới chân núi Chứa Chan thường dùng nước ở các con suối lớn để sinh hoạt. Tuy nhiên từ sau những năm 1990, các con suối này dần bị ô nhiễm không thể sử dụng để ăn, uống sinh hoạt. Nguyên nhân do người dân khai hoang làm rẫy, sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật; rác thải, nước thải từ các hoạt động du lịch khi lượng khách đổ về tham quan, hành hương ở núi Chứa Chan - chùa Gia Lào ngày càng tăng cao.
Do vậy, vào những năm 1990-1991, một số người dân sinh sống ở hai bên đường lên núi Chứa Chan phải cất công đi lên núi tìm nguồn nước sạch từ các hang động mang về sử dụng.
Ông Nguyễn Xuân Tâm (60 tuổi, ngụ ấp Trung Sơn, xã Xuân Trường), một trong những người đầu tiên ở xã Xuân Trường đi tìm nguồn nước trong hang động mang về dùng nhớ lại, hồi đó theo chỉ dẫn của một số thợ rừng (người dân tộc Chơro bản địa tại xã Xuân Trường), ông đã đi sâu vào rừng, lần theo các vách đá, nơi có nhiều thân cây bụi, dây leo xanh tốt để tìm hang nước.
Đến khi phát hiện có một cửa hang nhỏ, ông liền ghé tai thật sát để lắng nghe tiếng nước chảy dưới đáy hang. Quá vui mừng, ông Tâm cố lách mình qua cửa hang để đi xuống.
Bà Nguyễn Thị Hạnh (ngụ xã Xuân Trường) đã sử dụng nguồn nước trong hang núi Chứa Chan suốt gần 30 năm |
Ông Tâm kể lại, trong hang lúc đó rất tối nên ông bật đèn pin để tìm lối đi, bỗng giật thót mình khi có một đàn dơi bay ào từ hang ra. Sau khi bình tâm trở lại, ông đã đi vào trong hang. Địa hình trong hang rất phức tạp với nhiều ngõ ngách, có những đoạn dễ đi, có những đoạn hẹp phải chui hoặc trườn qua. Để xác định đúng ngõ hang có nước chảy, thỉnh thoảng ông lại nằm xuống để ghé tai nghe tiếng nước chảy. Khi di chuyển xuống cách miệng hang chừng 40m, ông bị trượt chân, ngã xuống suối. Lúc ấy, chiếc đèn pin cũng văng khỏi tay rồi tắt ngóm.
“Dưới hang sâu, trời tối đen như mực, tôi giơ hai bàn tay ra trước mặt nhưng cũng không thể nhìn thấy gì. Lúc ấy tôi cố gắng hét thật to để cầu cứu nhưng đều vô vọng, chỉ có tiếng vọng lại qua những vách đá. Cảm giác sợ hãi ngày càng tăng cao khi tôi không thể xác định được hướng ra” - ông Tâm kể.
Sau một lúc định thần, ông Tâm tự động viên bản thân phải tìm cách vượt ra khỏi hang. Ông bắt đầu mò mẫm tìm đường và phát hiện trong hang có rất nhiều rễ cây. Ông Tâm bứt từng sợi rễ nhỏ nối lại với nhau thành một đoạn dây dài khoảng 40m (tương đương đoạn đường ông đi xuống). Sau đó, ông cột cố định một đầu dây vào một rễ cây, đầu còn lại ông cột vào người rồi di chuyển (đi hết đoạn dây mà chưa tìm được lối ra thì quay lại để tìm hướng khác, tránh tình trạng càng lạc sâu vào trong hang). Cứ như thế, ông Tâm lần mò hết ngõ ngách này đến ngõ ngách khác để tìm lối ra cửa hang.
Cuối cùng ông Tâm cũng phát hiện ra những tia sáng nhỏ quét qua trước mặt. Lúc ấy ông cố gắng hét thật to để kêu cứu và đã được đoàn người đang đi tìm ông Tâm nhanh chóng tìm đến giải cứu. Ông Tâm cho biết, hang nước đó chỉ sâu chừng 40m, vậy mà ông đã cứ luẩn quẩn trong đó suốt từ 16 giờ đến 24 giờ mới thoát ra được.
Ông Đặng Minh Sơn, một người dân sinh sống bên sườn núi Chứa Chan cũng cho biết, hang nước gia đình ông lấy về sử dụng sâu hơn 70m. Nhờ rút được kinh nghiệm từ lần đi lạc của ông Tâm nên ông đã chuẩn bị tốt hơn. Trước khi xuống hang, ông và người cháu trai trang bị đến 2 đèn pin và bóng đèn dự phòng. Khi leo xuống ông cột sẵn dây vào người để khi trở ra sẽ không bị lạc.
“Đường vào hang rất nguy hiểm vì các tảng đá bị xói mòn không biết sập bất cứ lúc nào. Trong hang cũng có rất nhiều côn trùng như: bò cạp, rắn, rết và cả vắt rừng” - ông Sơn cho hay.
* “Dẫn” nước xuống núi
Theo kinh nghiệm của người dân địa phương, người dân thường đi tìm hang nước vào mùa nắng vì thời điểm này mới xác định chính xác mạch nước từ trong núi chảy ra, nguồn nước này không lo bị cạn kiệt. Khi xác định được vị trí nguồn nước dưới hang, người dân nơi đây sẽ luồn ống nước xuống hang (thường là ống phi 21mm hoặc phi 27mm). Để tạo áp suất dẫn nước ra thì người bên dưới sẽ bịt kín một đầu ống, người phía trên sẽ lấy nước mồi vào ống đến đầy. Lúc đó, người giữ đầu ống bên trên sẽ ra hiệu bằng cách giật dây để hai bên cùng lúc thả ống, khi đó dòng nước sẽ được rút từ trong hang dẫn xuống núi.
Thượng tọa Thích Quảng Đạo, trụ trì chùa Bửu Quang cũng cho hay, cách đây khoảng 30-40 năm, sư thầy và các đệ tử của chùa này đều lấy nước từ dòng Suối Tôm về sử dụng. Tuy nhiên càng về sau, số lượng người đến khu vực này càng đông, Suối Tôm không còn sạch nữa nên nhà chùa mới lấy nước trong các hang động về sử dụng.
Nhờ nguồn nước trong các hang động dồi dào nên vào các mùa lễ hội tháng giêng, tháng 2 âm lịch, chùa Bửu Quang vẫn có thể đáp ứng đủ nước sinh hoạt cho khách đến đây hành hương lễ Phật. Vừa qua, nhà chùa cũng đã đầu tư xây dựng 1 bể chứa nước khoảng 50m3 để lọc và dự trữ nước sinh hoạt.
Tìm được nguồn nước đã khó khăn, việc dẫn nước về cũng khá vất vả, tốn kém do đường dẫn nước xa hàng cây số. Hơn nữa do các ống nước nằm lộ thiên trên mặt đất nên dễ bị hư hỏng do thời tiết, cây cối đổ ngã làm bể ống hoặc bị các con vật trong rừng gặm nhấm làm hư ống. Ngoài ra, sau những trận mưa to, đất, cát trên núi thường tràn vào ống gây tắc nghẽn, buộc phải gỡ ra từng đoạn để súc rửa. Do vậy, thông thường mỗi hang nước sẽ có một người quản lý, bảo dưỡng đường ống. Theo đó, mỗi hộ dân sử dụng nước sẽ phải đóng góp một khoản phí nhỏ để trả công bảo dưỡng ống và mua dây ống thay thế.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, người dân sống dọc theo lối lên chùa Bửu Quang (ngụ xã Xuân Trường) cũng cho hay, gần 30 năm qua, gia đình bà sử dụng nguồn nước từ hang núi chảy về. Nhờ nguồn nước thiên nhiên trong mát này, gia đình bà luôn có nước sạch để dùng, chứ sống ở bên sườn núi mà không có nước sinh hoạt sẽ rất khó khăn, bất tiện.
Nguồn nước quý để chữa cháy rừng Ông Phan Như Huê, Tổ trưởng Tổ Bảo vệ rừng thuộc Trung tâm Văn hóa thông tin và thể thao H.Xuân Lộc cho biết, nhiều năm trở lại đây, công tác bảo vệ rừng tại khu vực núi Chứa Chan rất tốt, tỷ lệ che phủ cao, lớp thực bì ngày càng dày lên nên nguồn nước ngầm trong các khe núi ngày càng dồi dào. Ngoài việc phục vụ nước sinh hoạt cho một số cơ sở thờ tự và các hộ dân sườn núi và dưới chân núi, nguồn nước này còn đáp ứng kịp thời cho công tác phòng, chống cháy cho toàn khu vực núi Chứa Chan khi có sự cố cháy rừng xảy ra. |
Hải Đình