Xã Hàng Gòn (TP.Long Khánh) hiện đang sở hữu nhiều ngọn đồi có độ cao tương đối từ 250-300m, có khí hậu ôn hòa phù hợp với nhiều loại cây trồng xứ lạnh. Đã có nhiều thử nghiệm thành công khi trồng cả vườn cây thông năm lá (thông Đà Lạt); cây lá phong và các loại hoa, mà cứ tưởng chỉ có ở Đà Lạt mới trồng được.
Xã Hàng Gòn (TP.Long Khánh) hiện đang sở hữu nhiều ngọn đồi có độ cao tương đối từ 250-300m, có khí hậu ôn hòa phù hợp với nhiều loại cây trồng xứ lạnh. Đã có nhiều thử nghiệm thành công khi trồng cả vườn cây thông năm lá (thông Đà Lạt); cây lá phong và các loại hoa, mà cứ tưởng chỉ có ở Đà Lạt mới trồng được.
Chị Từ Thị Nhiếm trong vườn hoa hồng do chị trồng. Ảnh: H.Long |
Mới đây, chị Từ Thị Nhiếm (sinh năm 1985, tổ 2, ấp Đồi Rìu, xã Hàng Gòn, TP.Long Khánh) đã trồng thành công vườn hoa hồng, cho hoa rất đẹp không khác gì hoa hồng ở Đà Lạt. Chị Nhiếm chọn trên đỉnh đồi một vuông đất để trồng hoa hồng cho vui, cùng với nhiều loại hoa, cây kiểng và vườn cây ăn trái khác. Sau khi thấy cây hoa hồng phát triển tốt, cho hoa nhiều, chị Nhiếm bắt đầu nghiên cứu việc chiết xuất nước cất hoa hồng (để làm đẹp da) và làm trà hoa hồng để phục vụ người tiêu dùng.
Thấy việc chiết xuất nước cất hoa hồng bằng công nghệ cũng khá đơn giản, giống như quy trình nấu rượu nhưng yêu cầu hoa hồng phải sạch, an toàn, chị Nhiếm bắt tay vào đầu tư dụng cụ chiết xuất nước cất hoa hồng, rồi mày mò học tập trên mạng, qua các đối tác… Kết quả là đã có những sản phẩm nước cất hoa hồng lần lượt ra đời, ban đầu chị cho bạn bè, người thân dùng thử. Lâu dần, nước hoa hồng đã chinh phục được một bộ phận người tiêu dùng. Tuy nhiên, do chưa sản xuất hàng loạt nên sản phẩm của chị chỉ cung cấp theo hình thức online, khi có khách đặt hàng.
Chị Từ Thị Nhiếm vốn có công việc ổn định ở TP.HCM, nhưng vì muốn an nhiên nên đến Hàng Gòn, tìm mua đất để làm vườn cho gia đình và cha mẹ vui lúc tuổi già. Chị nói rằng bản thân chưa bao giờ nghĩ đến việc làm kinh tế, mà chỉ muốn làm vườn để tạo không gian sống xanh cho gia đình. Nhưng sau này, khi năng suất hoa nhiều hơn, thấy tiếc khi để lãng phí nguồn hoa sạch nên chị tìm cách chế biến để giữ được hoa lâu hơn, nhiều công dụng hơn. |
Hiện trong khu vườn của chị Nhiếm có 1.200 gốc hồng với hơn 50 giống hồng khác nhau. Chị Nhiếm cho biết: “Việc trồng và chiết xuất hoa hồng, hay làm trà hoa hồng là vì yêu thích và đam mê của bản thân, trước là dành tặng bạn bè, sau nữa là nghiên cứu. Tôi muốn xem vùng đất Hàng Gòn có phù hợp cho việc trồng hoa hồng như mọi người vẫn thường đồn đại rằng đây là “Đà Lạt của miền Đông” không?”.
Mỗi tháng, chị Nhiếm cho ra khoảng 10 lít sản phẩm nước hoa hồng và khoảng 3-5kg trà hoa hồng, phục vụ cho khách quen đặt hàng, cho thu nhập từ 10-15 triệu đồng. Số tiền này được chị phụ thêm vào chi phí duy trì, chăm sóc vườn. Hiện sản phẩm của chị Nhiếm mang tên “nước hoa hồng hữu cơ” đang được người tiêu dùng sử dụng, đánh giá, thẩm định. Sau đó, chị Nhiếm sẽ hoàn tất các thủ tục đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, để chính thức cho ra mắt sản phẩm nước hoa hồng trên thị trường.
Anh Lê Cao Trực, chủ nhân đồi Hoa Sen (ấp Hàng Gòn), cũng đang chăm sóc trên 1 ngàn gốc hồng, ngày nào hoa cũng nở tỏa ngát hương. Anh Trực cho biết: “Đất Hàng Gòn trồng hoa hồng được lắm! Nhà tôi từ nhiều năm nay đã hình thành vườn hoa hồng với nhiều chủng loại (chủ yếu là hoa ngoại), vẫn cho hoa đều và đẹp. Nếu như có cơ sở chiết xuất nước hoa hồng thì tôi sẽ ủng hộ ngay”.
Theo anh Trương Đình Khánh, chủ nhân đồi hoa vàng, ấp Tân Phong, xã Hàng Gòn, nếu đầu tư trồng hoa hồng đúng quy trình sẽ cho thu nhập cao hơn các loại cây nông nghiệp khác, bà con nông dân nên quan tâm. Đồi hoa vàng cũng đã thử nghiệm trồng hơn trăm gốc hoa hồng, thấy phát triển tốt, sắp tới sẽ nghiên cứu quy hoạch trồng thêm, nhưng phải đầu tư hệ thống nhà lưới mới đảm bảo hoa hồng sạch và an toàn được.
Việc chị Từ Thị Nhiếm trồng và chiết xuất nước hoa hồng khiến nhiều nông dân trong khu vực Long Khánh bất ngờ, tìm đến học hỏi kinh nghiệm. Tin rằng trong thời gian tới sẽ xuất hiện nhiều đồi hoa hồng trên đất Hàng Gòn vừa làm cho thiên nhiên nơi đây thêm đẹp, vừa thay đổi cơ cấu kinh tế cho bà con nông dân, góp phần tăng thu nhập, nâng chất cuộc sống…
H.Long