Báo Đồng Nai điện tử
En

Peru: Vì sao sợ chết vì đói hơn sợ chết vì Covid-19?

03:08, 14/08/2020

"Tôi vừa đi chợ về, đường phố vẫn đông đúc, dân tình vẫn lao ra đường làm ăn. Có vẻ họ sợ chết vì đói hơn là sợ chết vì dịch bệnh Covid-19" - chị Phan Quỳnh Dao, một người Việt ở Peru chia sẻ với Đồng Nai Cuối tuần ngày 13-8, khi quốc gia ở Nam Mỹ này đã lọt vào tốp 6 quốc gia có số ca nhiễm virus nhiều nhất thế giới (nửa triệu người) và hơn 20 ngàn người thiệt mạng.

“Tôi vừa đi chợ về, đường phố vẫn đông đúc, dân tình vẫn lao ra đường làm ăn. Có vẻ họ sợ chết vì đói hơn là sợ chết vì dịch bệnh Covid-19” - chị Phan Quỳnh Dao, một người Việt ở Peru chia sẻ với Đồng Nai Cuối tuần ngày 13-8, khi quốc gia ở Nam Mỹ này đã lọt vào tốp 6 quốc gia có số ca nhiễm virus nhiều nhất thế giới (nửa triệu người) và hơn 20 ngàn người thiệt mạng.

Chị Phan Quỳnh Dao với các em thổ dân Ayguas ở Iquitos - thủ phủ nằm cạnh sông Amazon ở Peru
Chị Phan Quỳnh Dao với các em thổ dân Ayguas ở Iquitos - thủ phủ nằm cạnh sông Amazon ở Peru

Là người định cư ở Peru 22 năm qua và lập gia đình với người bản xứ, hiện sống ở thị trấn Juliaca (tỉnh Puno, cách thủ đô Lima 1.700km), chị Phan Quỳnh Dao không khỏi âu lo trước tình hình dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng tại đất nước có thánh địa văn minh cổ đại Macchu Picchu nổi tiếng này.

“Người dân Peru vốn rất hiền lành, thân thiện, cuộc sống khá giản dị, thuộc loại “sống chậm” thanh bình, yên ả. Đất nước này công bố ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên từ trung tuần tháng 3-2020 và ngay lập tức đã tiến hành cách ly xã hội, đóng cửa toàn bộ các dịch vụ không cấp thiết, chỉ có hiệu thuốc, chợ và ngân hàng được phép hoạt động. Tuy nhiên, dân tình chỉ tuân thủ và chịu đựng cách ly được khoảng tầm… nửa tháng, rồi thì bắt đầu lại đi ra đường nhiều, không mấy chấp hành các lệnh phòng, chống Covid-19 nghiêm ngặt nữa nên hậu quả là tình trạng lây nhiễm vẫn tăng đều” - chị Quỳnh Dao thông tin.

* Như vậy dịch bệnh Covid-19 ở Peru kéo dài là do thiếu kiểm soát và duy trì việc cách ly, ngăn lây nhiễm?

- Chính phủ Peru không đóng cửa biên giới sớm và không ngăn cách, khoanh vùng giữa các khu vực, tỉnh thành nên người bị lây nhiễm virus chẳng những thâm nhập vào Peru mà còn mang bệnh từ tỉnh nọ tới tỉnh kia. Việc điều tra nguồn lây, người bị lây F0, F1… cũng không nỗ lực và quyết liệt như Việt Nam. Bệnh viện, giường bệnh, máy thở… đều không đủ nên ngay từ đầu, chính phủ khuyến khích người dân ai bị nhiễm virus thì nên tự cách ly chứ không nên đến bệnh viện!

Người mua - bán vẫn tấp nập tại các khu chợ trời Tupac, St.Maria… thời điểm giữa tháng 8-2020, khi số ca nhiễm lẫn người tử vong vì Covid-19 gia tăng chóng mặt ở Peru. Ảnh: Phan Quỳnh Dao chụp cho ĐNCT
Người mua - bán vẫn tấp nập tại các khu chợ trời Tupac, St.Maria… thời điểm giữa tháng 8-2020, khi số ca nhiễm lẫn người tử vong vì Covid-19 gia tăng chóng mặt ở Peru. Ảnh: Phan Quỳnh Dao chụp cho ĐNCT

Người dân lao động vốn phải tự kiếm sống mưu sinh hằng ngày nên trong thời gian cách ly vẫn làm lụng, buôn bán để kiếm tiền nên dịch càng lan tràn. Từ ngày 1-7, Peru bỏ cách ly trên toàn quốc dù dịch bệnh càng lây lan “kinh khủng”. Đến ngày 1-8, buộc phải ban lệnh cách ly trở lại một số tỉnh, huyện có mức độ lây nhiễm cao. Dù vậy, nhiều người dân vẫn làm ngơ, mọi sinh hoạt hầu như “vũ như cẩn”.

Có thể nói, vì bối cảnh trên mà dịch bệnh Covid-19 bùng phát không thể kiểm soát ở Peru như hiện nay.

* Chị có thể cho biết Chính phủ Peru có hỗ trợ gì giúp người dân vượt qua khó khăn?

- Peru có tuyên bố trợ cấp khó khăn vì dịch Covid-19 như trợ cấp 360 nuevo sol (khoảng 2,3 triệu đồng) cho mỗi người khó khăn, song chưa có nhiều người khốn khó nhận được số tiền này. Ngoài ra là cho mấy giỏ thực phẩm đến những gia đình khó khăn. Tuy nhiên, những người tôi có mối quen biết hầu như chả ai nhận được những phần trợ cấp này.

* Khu vực chị cư ngụ tình hình có nghiêm trọng không, thưa chị?

- Xung quanh nhà tôi, nhiều người hàng xóm rồi cả những người bán rau, bán thịt mà tôi thường mua ngoài chợ đều bị lây nhiễm SARS-CoV-2 cả. Có anh thanh niên gần nhà hấp hối mà không đường dây cấp cứu nào trả lời cuộc gọi SOS. Chúng tôi phải đưa cậu ấy đi cấp cứu mà không bệnh viện lẫn phòng khám tư nhân nào nhận chữa. May là phần số cậu này chưa kết thúc và tuổi cũng còn trẻ, sức để kháng cao nên vượt qua nguy kịch.

Hai anh em Icchian Dương và Đắc Enrique giải trí tại gia thời cách ly vì Covid-19
Hai anh em Icchian Dương và Đắc Enrique giải trí tại gia thời cách ly vì Covid-19

Chị Phan Quỳnh Dao thông tin: “Cộng đồng Việt Nam ở Peru hiện có khoảng 100 người (con số này không chính xác tuyệt đối do có nhiều người Việt sang đây công tác vài năm rồi về nước cho nhóm khác sang). Trong số này chỉ có tôi và hai Việt kiều nữa thuộc thành phần định cư lâu năm là anh Nguyễn Tiến Văn có mở một tiệm ăn ở thủ đô Lima và chị Nguyễn Quỳnh Nhung làm nội trợ, sống cùng chồng là ông Antonio làm nghề dịch vụ truyền hình cáp ở thành phố Arequipa. Một số thanh niên Việt Nam sang Peru làm việc từ vài năm trước có cơ duyên kết hôn với người bản xứ, làm rể ở Peru và ở lại đây định cư luôn. Riêng vùng Juliaca (tỉnh Puno) nơi tôi ở đã có 3 chàng rể người Việt cưới vợ Peru. Nhiều người làm việc trong ngành viễn thông và cũng có ý định mở thêm nhà hàng để nâng cao đời sống”.

Có hai anh em mang hai dòng máu Việt Nam - Peru, thuộc thế hệ sinh ra và lớn lên hoàn toàn ở xứ người là Icchian Dương, tốt nghiệp Đại học Mỏ địa chất và làm việc ở thành phố Cuzco và Đắc Enrique hiện đang học năm cuối cùng bậc trung học phổ thông. Đắc cho biết do Covid-19 nên những tháng qua đều phải học online qua mạng mà không hề tới trường.

Gia đình bên chồng tôi có khá nhiều bà con gần xa bị lây nhiễm, thậm chí có những trường hợp toàn bộ thành viên cả gia đình đều bị nhiễm hết. Có gia đình bị lây do có người làm y tá ở bệnh viện sau khi phát hiện bị dương tính với virus thì bệnh viện cho cách ly nhưng lại… không cho báo tin với gia đình nên những người trong gia đình thuộc diện nhiễm F1 hoàn toàn không hay biết gì, lại tiếp tục lây cho những người khác.

Có 4 người bạn của gia đình tôi đã chết vì Covid-19. Một người Việt sống ở Arequipa kể cho tôi hay có người hàng xóm của họ nằm chết trong nhà mấy ngày mới phát hiện ra. Mới nhất hôm 10-8, tôi nhận được hung tin về người em dâu của bạn chồng mới 45 tuổi đã ra đi vì Covid-19 sau khi phát bệnh chỉ một tuần lễ.

* Xin thành thật chia buồn với chị và người thân, bạn bè ở Peru. Dịch bệnh hẳn đã ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống và công việc của chị và gia đình?

- Tôi có mở nhà hàng bán cơm từ 16 năm qua. Sau đợt cách ly, tôi mở bán trở lại hồi tháng 6 song chỉ bán thực phẩm cho khách mang đi (delivery). Nhưng tôi đã quyết định đóng cửa tiếp vì tình hình ế ẩm, doanh thu kém hẳn so với thời gian trước Covid-19. Quan trọng hơn là tôi sợ chuyện bán buôn, tiếp xúc đôi khi sơ ý sẽ không an toàn nên “ngừng bán là thượng sách”. Ở nhà hạn chế ra ngoài, tôi dành thời gian cho việc nấu ăn, tập gym, chia sẻ bài giảng qua mạng và cầu nguyện để vượt qua nỗi căng thẳng, lo lắng.

* Cộng đồng người Việt ở Peru thì thế nào, thưa chị?

- Theo những tin tôi biết là ở thị trấn Juliaca có 4 người Việt Nam đều bị nhiễm SARS-CoV-2. Họ rất mệt mỏi, người bị bệnh nặng quay cuồng đến mức như “vật từ trên giường xuống đất”. Người bị nhẹ hơn phải ráng chăm sóc cho bạn bị nặng hơn, có đêm phải thức trắng vì sợ bạn đồng hương bị tắc thở bất thình lình. Có anh bị bệnh nặng nhất phải thuê xe cấp cứu, có y tá và bình thở đi theo, chạy thẳng lên thủ đô Lima nhập viện. Rất may là anh ấy đã vượt qua khỏi cơn nguy kịch. Các anh em bị nhiễm virus SARS-CoV-2 đã chống cự kiên cường và hồi phục dần. Những người Việt còn lại ở các tỉnh khác tại Peru hiện hầu hết vẫn mạnh khỏe và không sao cả.

Bản thân tôi cũng nhận được nhiều lời khuyên, động viên của các bạn bè xa gần khi tin tức dịch bệnh Covid-19 ở Peru ngày một xấu đi nghiêm trọng. Người thân ở Việt Nam nói hay thôi tìm cách bay về Việt Nam lánh dịch, nhưng tôi nghĩ trong giai đoạn này tốt nhất là ai ở đâu thì ở đó, “chịu trận” đến cùng và tin là mọi sự sẽ qua.

* Thời dịch Covid-19, ở Peru có nhiều hình ảnh người dân mang vác các bình khí màu xanh to đùng khiến thế giới cảm thấy lạ lẫm. Chị có thể lý giải về cảnh tượng này?

- À, Peru có lẽ là quốc gia duy nhất trên thế giới mà dân tình phải xếp hàng chen nhau mua oxy! Ai nấy đều phải tự thân vận động, tự cứu mình. Họ mua mấy bình oxy, nạp oxy vô trữ sẵn để khi dính bệnh và ngạt thở thì lấy ra xài chứ nào mong được lên bệnh viện có máy thở hỗ trợ. Mà chuyện mua oxy cũng khó khăn khi các điểm bán đóng cửa, người muốn mua quá nhiều. Nhà tôi cũng nhờ người bạn làm bác sĩ mua hộ từ tận thủ đô Lima chuyển về. Ngoài ra tôi còn mua đèn chiếu tia UV để diệt khuẩn, các loại thuốc cấp cứu được cho rằng có tác dụng chữa được bệnh do virus gây ra. Chính quyền nơi tôi ở vừa thông báo là cuối tháng 8 này sẽ đặt một nhà máy để cung cấp oxy và dựng thêm trạm xá, tăng cường thêm giường để đón bệnh nhân Covid-19.

* Có tin Peru có các loại lá cỏ tác dụng chống được Covid-19 bày bán ngoài chợ. Thực hư ra sao, thưa chị?

- Loại cỏ đấy tên là matico, được cắt mang đến từ miền rừng Amazon, thấy nhiều người đồn là có tác dụng cung cấp oxy cho tế bào. Nhiều người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 uống matico pha với mật ong thấy có vẻ đỡ mệt mỏi, nhưng hiệu quả, công dụng thật sự của matico chưa được cơ quan chức năng hay ngành y tế có ý kiến chính thức gì. Còn dân thì cứ dùng thôi. Thời Covid-19 hoành hành, tôi cũng thường xuyên uống các loại nước pha hỗn hợp như gừng, tỏi, chanh, sả với lá eucalipto và matico, súc miệng nước muối với tỏi, tối thì làm nồi lá xông mũi họng nữa.

* Cảm ơn chị và xin chúc chị, gia đình cũng như cộng đồng người Việt Nam tại Peru thật nhiều sức khỏe, an toàn và ổn định cuộc sống trong đại dịch Covid-19 nơi xứ người.

“No pasa nada” - Đừng quá âu lo…

Ông Roberto Salas
Ông Roberto Salas

 “Covid-19 đang tạm thắng người Peru” - đó là thừa nhận của ông Roberto Salas - một kỹ sư đóng tàu sinh trưởng tại Cusco (thành phố phía nam Peru) với Đồng Nai Cuối tuần.

Ông Roberto Salas cho hay sở dĩ ông nói vậy vì số người nhiễm bệnh, người chết vì Covid-19 dẫn đến sự “hoảng loạn” của dân chúng, chứ chưa kể đến những hậu quả khác như kinh tế đất nước suy sụp.

Trước đây ông Salas dạy tại trường đại học rồi mở công ty dịch vụ kỹ thuật viễn thông, nhưng từ dạo cách ly xã hội thì hầu như cũng không có việc mấy. Trước thời Covid-19, ông thích gặp gỡ bạn bè uống rượu, đá bóng… Giờ ông phải ở nhà dành thời gian rảnh rỗi sửa chữa đồ đạc, dọn dẹp, sửa sang nhà cửa.

Ông Salas bảo: “Cách chống chọi duy nhất của Peru là tiếp tục cách ly và trợ cấp cho dân, ngoài ra không có biện pháp gì tốt đẹp hơn như: sáng chế vaccine hay xây thêm bệnh viện, gia tăng nguồn cung cấp thuốc men. Nhiều người Peru chỉ bám víu duy nhất vào sự che chở và giúp đỡ của Chúa trời, cùng với sức đề kháng cơ thể tự thân”.

 “Mỗi khi gặp chuyện khó khăn, người Peru chúng tôi thường hay an ủi lẫn nhau bằng câu “cửa miệng” rằng “No pasa nada”, nghĩa là “không vấn đề gì cả đâu”, “đừng quá lo lắng về điều đó”. Hoặc câu “Hay que tener fe” - nghĩa là “Chúng ta phải tin tưởng” (vào mọi chuyện tốt đẹp). Lần này giữa đại dịch Covid-19, người dân Peru cũng cố giảm bớt lo lắng, phiền muộn và tin tưởng Đấng tối cao luôn bảo vệ và giúp đỡ mình, vậy thôi” - ông Salas nói.

Trung Nghĩa (thực hiện)

 

Tin xem nhiều