Báo Đồng Nai điện tử
En

Những người làm nông tha phương

08:08, 14/08/2020

Đồng Nai là tỉnh phát triển công nghiệp nhưng diện tích đất sản xuất nông nghiệp cũng không ít. Vào mùa thu hoạch nông sản, nhiều người dân địa phương, người từ các tỉnh miền Tây, miền Trung về Đồng Nai làm thuê.

Đồng Nai là tỉnh phát triển công nghiệp nhưng diện tích đất sản xuất nông nghiệp cũng không ít. Vào mùa thu hoạch nông sản, nhiều người dân địa phương, người từ các tỉnh miền Tây, miền Trung về Đồng Nai làm thuê.

Những người làm thuê cắt tỉa ngọn củ sắn cho nhà vườn tại xã Xuân Tây (H.Cẩm Mỹ)
Những người làm thuê cắt tỉa ngọn củ sắn cho nhà vườn tại xã Xuân Tây (H.Cẩm Mỹ)

Đối với các loại nông sản khác, việc chăm sóc, thu hoạch khá đơn giản, nhưng với nhiều loại trái cây như: sầu riêng, măng cụt, mít, dừa phải là người có kinh nghiệm mới làm được. Đây là công việc cực nhọc, theo vụ mùa nhưng cũng đem lại nguồn thu không nhỏ cho những người làm nghề.

* Nghề vất vả

Đối với đại đa số người lao động, làm nông là công việc vốn rất quen thuộc, vất vả, thu nhập thấp. Nhưng trong xã hội hiện đại, nhiều người vẫn chọn gắn bó với nghề nông, với công việc làm thuê cho các nhà vườn.

Khoảng tháng 2-5 dương lịch là mùa thu hoạch xoài chính vụ ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Để có những trái xoài đẹp, an toàn, chất lượng, các nhà vườn phải tiến hành bao từng trái từ khi còn nhỏ. Công việc này đòi hỏi nhiều nhân công, làm việc trong nhiều ngày. Đây cũng là cơ hội kiếm việc làm cho nhiều người dân địa phương, lao động tự do.

Anh Nguyễn Văn Viện, xã Phú Thanh (H.Tân Phú) cho biết, nhóm của anh dao động từ 10-15 thành viên, đa phần đều là hàng xóm, bạn làm ăn người trong cùng gia đình. Tùy theo từng thời điểm, nhu cầu của nhà vườn, thương lái, nhóm chia thành các đội: chăm sóc vườn cây, bao trái xoài và thu hoạch quả. Thông thường, việc chăm sóc vườn, tỉa cành, bao trái do phụ nữ, lao động lớn tuổi phụ trách. Riêng công việc hái và phân loại xoài phải là những người có sức khỏe tốt, có nghề để không bị hái phải xoài non, không làm giập nát xoài trong quá trình vận chuyển.

Người lao động thu hoạch bắp cải thuê cho thương lái tại xã Xuân Tây (H.Cẩm Mỹ)
Người lao động thu hoạch bắp cải thuê cho thương lái tại xã Xuân Tây (H.Cẩm Mỹ)

Hiện nay, nhiều nhà vườn áp dụng khoa học kỹ thuật để cây xoài ra quả trái vụ, vì thế, những người làm công việc chăm sóc vườn và thu hoạch xoài như anh Viện hầu như có việc làm quanh năm. Tiền công của họ được trả khoảng 200-250 ngàn đồng/ngày. Đây là khoản thu nhập tương đối cao so với công việc chân tay khác ở nông thôn.

Huyện Cẩm Mỹ những năm gần đây hình thành nhiều vùng sầu riêng lớn. Sầu riêng ở H.Cẩm Mỹ là giống mới, năng suất cao và cho thu hoạch muộn hơn những nơi khác. Vào mùa, nhà vườn, thương lái phải thuê những người có kinh nghiệm để “gõ” sầu riêng. Tùy theo tay nghề, công cắt sầu riêng có thể lên đến 700-800 ngàn đồng/ngày.

Hái tiêu thuê tại xã Suối Cao (H.Xuân Lộc)
Hái tiêu thuê tại xã Suối Cao (H.Xuân Lộc)

Bà Nguyễn Thị Mười, xã Phú Hội (H.Nhơn Trạch), một thợ “gõ” sầu riêng cho biết, hơn chục năm nay, cứ vào mùa trái cây, bà bắt mối với các thương lái đi cắt sầu riêng. Từ cuối tháng 5 cho đến hết tháng 8, bà theo thương lái rong ruổi từ vườn trái cây này qua vườn trái cây khác hành nghề. Công việc này đem lại thu nhập trung bình, hơn 10 triệu đồng/tháng.

Bà Mười tâm sự, hái trái cây thuê nhiều người làm, nhưng cũng lắm người phải bỏ nghề bởi khá vất vả. Nghề này đòi hỏi người làm phải có sức khỏe tốt, khéo léo để leo trèo. Đặc biệt là hái sầu riêng, ngoài việc phải phân biệt được âm thanh của sầu riêng già, sầu riêng non qua tiếng gõ cóc cóc của cán dao vào quả, người làm nghề phải hết sức cẩn thận, chỉ cần sơ ý ngã có thể bị thương bởi dao hoặc đụng trúng quả sầu riêng mới cắt. Chừng ấy năm theo nghề, bà Mười chưa từng bị té ngã, chưa bị thương lái chê vì cắt sầu riêng non. Bà Mười cũng cho rằng, đây là công việc khá cực nhọc, thế nhưng, vì nhiều lý do khác nhau, bà vẫn gắn bó từ năm này qua năm khác.

* Trợ thủ của lái buôn, nhà vườn

Anh Lê Thành Quân, chủ vựa trái cây xã Bảo Hòa (H.Xuân Lộc) cho biết, trước đây anh mua mít ở đâu thì thuê công cắt ở đó, tuy nhiên, chất lượng không đạt yêu cầu, tỷ lệ hao hụt do quả non nhiều. Rút kinh nghiệm, anh thuê 3 thợ cắt và vận chuyển theo tháng. “Giao cho những thợ có tay nghề tôi yên tâm hơn hẳn. Có khi tôi bận, chỉ gọi điện giao việc cho các thợ, đến giờ cho xe vào chở mít về. Mặc dù cắt hàng tấn mít mỗi ngày nhưng nhóm thợ cắt rất chuẩn, dư không đáng kể, không bị lẫn mít non” - anh Quân cho hay.

Thương lái Nguyễn Thị Đào, xã Hàng Gòn (TP.Long Khánh) cho rằng, những người thu hoạch nông sản thuê là trợ thủ đắc lực cho các lái buôn. Trong nhiều trường hợp, nếu không có “đội quân” hái thuê sẽ không đảm bảo được số lượng hàng cho bạn hàng. “Những người tôi mướn đều rất tận tình, làm việc trách nhiệm. Họ có thể làm việc từ sáng sớm, xuyên trưa. Chuyến nào lời nhiều, tôi mua quà, mua nước bồi dưỡng thêm cho họ, đây cũng là cách để họ gắn bó với mình” - chị Đào cho hay.

Một nhóm công nhân bao xoài ở xã Phú Thanh (H.Tân Phú) tranh thủ ăn trưa
Một nhóm công nhân bao xoài ở xã Phú Thanh (H.Tân Phú) tranh thủ ăn trưa

Ngày nay, nhiều nhà vườn không tự trồng, tự bán nông sản như trước mà cho thuê vườn, hoặc trồng cây nhưng bán mão (bán trọn vườn theo năm) cho thương lái nên nhiều người có thêm công việc để làm. Bình thường họ làm cỏ, bón phân, chăm sóc vườn, vào mùa thì thu hoạch quả, công việc gần như có quanh năm.

Anh Trần Công Minh, chủ vườn mít hơn 14ha tại xã Hiếu Liêm (H.Vĩnh Cửu) cho biết, sản xuất nông nghiệp là nghề mang tính bền vững. Hiện nay có nhiều người thuê đất, mở trang trại nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ tại các vùng quê, đây là cơ hội cho những người lao động cần việc. Ưu điểm của nghề làm vườn là người làm không cần chuyên môn, bằng cấp, lao động lớn tuổi, lao động nông thôn nhàn rỗi đều có thể làm được. Để giữ chân người lao động, anh Minh đầu tư nhà ở ngay tại vườn, hỗ trợ chi phí tiền điện sinh hoạt và khoán tiền lương 7 triệu đồng/người/tháng.

Hiên nay, trên địa bàn tỉnh xuất hiện khá nhiều cánh đồng lớn, trang trại nông nghiệp quy mô và hiện đại. Những người từ khắp nơi về đây làm việc cũng không ít. Có người đi một mình, có người mang theo cả vợ con đến đây sinh sống lâu năm, trở thành những người thợ, người “trợ thủ” cho các chủ vườn, cho lái buôn.

Ban Mai

Tin xem nhiều