Đồng Nai đã được thiên nhiên ưu đãi có khá nhiều hồ nước rộng, đẹp trải đều ở các địa phương. "Món quà" quý giá này đã tạo nên một trong những thế mạnh của Đồng Nai về du lịch, góp phần thu hút khá tốt thị trường du khách của các tỉnh, thành lân cận như: TP.HCM, Bình Dương, Bình Thuận… bởi đã tạo được sự khác biệt so với các điểm du lịch khác.
Đồng Nai đã được thiên nhiên ưu đãi có khá nhiều hồ nước rộng, đẹp trải đều ở các địa phương. “Món quà” quý giá này đã tạo nên một trong những thế mạnh của Đồng Nai về du lịch, góp phần thu hút khá tốt thị trường du khách của các tỉnh, thành lân cận như: TP.HCM, Bình Dương, Bình Thuận… bởi đã tạo được sự khác biệt so với các điểm du lịch khác.
Khách du lịch ngắm hoàng hôn trên hồ Trị An (H.Vĩnh Cửu) |
[links()]* Nơi soi ánh mặt trời
Không gian buổi bình minh và hoàng hôn là 2 thời điểm được cho là đẹp nhất tại các hồ của Đồng Nai. Là một trong số các hồ nổi tiếng ở Đồng Nai có thể ngắm mặt trời đẹp nhất vào hai thời điểm trên là hồ Trị An (H.Vĩnh Cửu), nằm cách TP.Biên Hòa khoảng 30km. Đây là hồ nhân tạo lớn nhất Việt Nam, nằm “gối đầu” bên rừng tự nhiên và được đánh giá là nơi có cảnh sắc thiên nhiên đẹp ở khu vực Đông Nam bộ.
Anh Phạm Minh Tân, quản lý Trung tâm du lịch Đảo Ó - Đồng Trường, đơn vị khai thác du lịch tại 2 đảo là Đảo Ó và Đồng Trường trên hồ Trị An cho biết, du khách rất thích thú khi tham quan và nghỉ dưỡng tại Trung tâm du lịch Đảo Ó - Đồng Trường. Đây là 2 ốc đảo đẹp, nằm giữa hồ Trị An, khách đến nghỉ dưỡng tại đảo sẽ được hòa mình vào thiên nhiên, tận hưởng một không gian hoàn toàn khác với cuộc sống thường ngày. Được sống giữa bốn bề sông nước và đặc biệt, điều mà các du khách thích thú nhất là có thể ngắm mặt trời vào hai thời điểm đẹp nhất lúc bình minh và hoàng hôn.
Tên các hồ nước ngọt như: Trị An, Đa Tôn, Long Ẩn, Gia Ui, Lộc An… đã đi vào lòng người khi nhắc đến Đồng Nai. Cảnh sắc giao thoa giữa non nước trời mây tại các hồ này đã tạo nét ấn tượng riêng, “níu chân” những ai từng một lần đến để tận hưởng không khí trong lành, sự bình yên bên mặt hồ phẳng lặng, ngắm ánh mặt trời lúc ban mai cũng như hoàng hôn mỗi ngày. |
Để du khách được tận hưởng và thỏa mãn niềm say mê giữa thiên nhiên, Trung tâm du lịch Đảo Ó còn thiết kế các tour đi thuyền, ca nô trên hồ để “săn” mặt trời. Với tour này, du khách có thể nhìn ngắm mặt trời ở nhiều góc độ khác nhau rất thú vị.
Ngược dòng từ TP.Biên Hòa theo quốc lộ 20 lên huyện vùng cao Tân Phú sẽ được ngắm một “bức tranh thiên nhiên” về một hồ nước được ví như “hòn ngọc bích” giữa núi rừng Tân Phú là hồ Đa Tôn. Khác với sự mênh mông trải dài về phía chân trời của hồ Trị An, hồ Đa Tôn được bao bọc giữa một quần thể đồi núi, một bên hồ là bờ đê dài hàng trăm mét. Với địa thế giữa núi đồi chập chùng, hồ Đa Tôn tạo nên một bức tranh sơn thủy độc đáo của vùng quê thanh bình. Với diện tích trên 350ha, hồ Đa Tôn cũng trở thành tấm gương khổng lồ phản chiếu ánh mặt trời vào mỗi buổi bình minh và hoàng hôn.
Đang trong dịp nghỉ hè nên bạn Trần Thị Thu Hằng (ngụ TT.Tân Phú, H.Tân Phú) đã dành khá nhiều buổi sáng và chiều để đi dạo trên hồ Đa Tôn. Hằng cho biết, do phải đi học nội trú tại TP.HCM nên mỗi dịp nghỉ hè hay lễ, tết, Hằng đều thích về quê để khám phá những cảnh đẹp của quê hương.
“Hồi còn nhỏ không được thoải mái đi chơi, lớn lên phải đi học xa nhà nên em rất mong được về quê mỗi khi được nghỉ, thích nhất là ngắm ánh hoàng hôn trên hồ Đa Tôn, nó làm cho mình có cảm giác thanh bình, tạm quên tất cả những lo âu, căng thẳng sau những ngày học tập” - Hằng chia sẻ.
Ngoài những hồ nổi tiếng vừa kể trên, Đồng Nai còn rất nhiều hồ có diện tích lớn như Bửu Long, Lộc An, Gia Ui… đều là các điểm tham quan hấp dẫn, là nơi có thể giúp cho con người hòa mình với thiên nhiên, non nước, đất trời. Nói như bạn Hồ Quang Nhật, một nhiếp ảnh nghiệp dư mà chúng tôi tình cờ gặp tại hồ Đa Tôn: “Mỗi khi có cơ hội được đón bình minh hay tiễn hoàng hôn trên hồ tôi luôn có cảm giác rất khó tả. Buổi sáng cho tôi cảm giác ánh mặt trời như một cô gái vừa tỉnh giấc soi gương xuống mặt hồ khiến cho mình cảm nhận được một nguồn năng lượng mới, còn mặt trời buổi chiều khiến tôi cảm thấy như được tìm về nơi nhẹ nhàng, bình yên sau những bộn bề, vội vã trong công việc, trong cuộc sống hằng ngày”.
* Khai thác tiềm năng du lịch hồ
Không chỉ là nơi để tận hưởng không gian thiên nhiên, hay có nhiệm vụ điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, tiềm năng du lịch của các hồ nước ngọt trên địa bàn tỉnh là rất lớn. Thời gian qua, một số hồ đã khai thác tiềm năng du lịch này như: hồ Long Ẩn nằm trong quần thể hồ - núi của Khu du lịch Bửu Long (TP.Biên Hòa). Hồ nước này có diện tích gần 20 ngàn m2. Sở dĩ hồ Long Ẩn hình thành là do nhân dân trong vùng khai thác đá từ hàng trăm năm trước. Sự tác động do khai thác đá đã vô tình tạo nên cảnh sắc rất riêng của hồ Long Ẩn. Nơi đây được nhiều người ví như một bức tranh thu nhỏ của vịnh Hạ Long với cả một quần thể vách đá lớn nhỏ nằm rải rác khắp mặt hồ, soi bóng xuống mặt nước, tạo nên một vẻ đẹp độc đáo cho Khu du lịch Bửu Long.
Hay như tại hồ Trị An, ngoài Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai và một số doanh nghiệp khai thác các dự án nghỉ dưỡng lớn, khá nhiều mô hình du lịch homestay phát triển xung quanh hồ. Loại hình du lịch này thu hút các đối tượng du khách thích khám phá, trải nghiệm thiên nhiên hoặc các gia đình, nhóm bạn cùng chung sở thích. Theo đó, bước đầu đã hình thành các sản phẩm du lịch liên kết giữa rừng, hồ và các di tích, giá trị về văn hóa địa phương…
Học sinh khám phá hồ Trị An (H.Vĩnh Cửu) mùa nước cạn do Công ty TNHH Du lịch trải nghiệm Trị An Adventure tổ chức |
Anh Thân Văn Linh, Giám đốc Công ty TNHH du lịch trải nghiệm Trị An Adventure (H.Vĩnh Cửu) cho biết, công ty của anh hiện đang khai thác khá nhiều tour tham quan liên kết với khám phá rừng và hồ Trị An. Theo anh Linh, hồ Trị An có thể khai thác du lịch quanh năm. Mỗi mùa, hồ có vẻ đẹp và cách khám phá, trải nghiệm khác nhau nên hầu hết khách du lịch bên công ty anh đều hài lòng đối với các tour rừng và hồ Trị An.
Bên cạnh một số hồ khai thác tương đối tiềm năng du lịch như đã nhắc đến, nhưng thời gian qua, việc khai thác các tiềm năng trên vẫn chưa xứng tầm. Việc liên kết các thế mạnh để tạo thành sản phẩm du lịch đa dạng, phục vụ các nhu cầu vui chơi, nghỉ dưỡng vẫn còn là điểm yếu. Đơn cử như hồ Đa Tôn với diện tích mặt nước hơn 350ha, ngoài nhiệm vụ điều tiết nước cho sản xuất nông nghiệp và nuôi các loại cá nước ngọt như cá chép, trôi, mè, trắm và các loại cá thiên nhiên khác thì tiềm năng du lịch vẫn còn “ngủ yên” cần được “đánh thức”.
Hay như một số hồ Gia Ui, Núi Le (H.Xuân Lộc), hồ Lộc An (H.Long Thành), hồ Sông Mây (H.Trảng Bom)… đến nay vẫn còn nguyên nét hoang sơ cần được sớm đưa vào khai thác du lịch, tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch hồ độc đáo của Đồng Nai.
Tại buổi làm việc với các sở, ngành về công tác du lịch, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đã đề nghị các ngành chức năng cần đẩy nhanh tiến độ một số dự án, tạo điều kiện cho nhà đầu tư hoàn tất thủ tục ban đầu để sớm triển khai dự án, xây dựng thương hiệu cho du lịch Đồng Nai. Theo đó, rà soát lại các dự án du lịch trên địa bàn tỉnh để từ nay đến cuối năm 2020 phải hoàn thành thủ tục cho một số dự án đang được chủ đầu tư đề xuất chủ trương như: công viên thú bán hoang dã safari, Khu du lịch Thác Mai - Bàu Nước Nóng. |
Ngọc Liên