Đưa sân khấu đến gần khán giả trong đợt dịch Covid-19 có lẽ là bài toán khó nhất của những đơn vị, cá nhân làm nghệ thuật. Bằng những vở diễn mang yếu tố hài hước, lối dàn dựng hiện đại, ứng dụng nhiều thủ pháp mới..., Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai (Nhà hát) đang cho thấy những nỗ lực tích cực trong việc đổi mới sân khấu truyền thống thời gian qua.
Đưa sân khấu đến gần khán giả trong đợt dịch Covid-19 có lẽ là bài toán khó nhất của những đơn vị, cá nhân làm nghệ thuật. Bằng những vở diễn mang yếu tố hài hước, lối dàn dựng hiện đại, ứng dụng nhiều thủ pháp mới..., Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai (Nhà hát) đang cho thấy những nỗ lực tích cực trong việc đổi mới sân khấu truyền thống thời gian qua.
Trích đoạn cải lương Chí Phèo - Thị Nở do các nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn |
* Nhiều màu sắc hơn…
Việc tìm tòi để làm mới sân khấu cải lương Đồng Nai được thể hiện qua nội dung và hình thức các vở diễn. Trong đó, Nhà hát đã đưa các câu chuyện từ thực tế cuộc sống, câu chuyện trong văn chương kết hợp với ngôn ngữ, điệu bộ, cử chỉ hài, âm nhạc hiện đại… Dẫu các vở diễn chưa hẳn tạo ra đột phá, nhưng đã “thổi” làn gió mới vào loại hình nghệ thuật truyền thống. Bên cạnh đề tài lịch sử, cải lương có đề tài về xã hội đương đại mang yếu tố hài hước do Nhà hát dàn dựng và biểu diễn cũng tạo được nhiều dấu ấn trong lòng khán giả.
Yếu tố hài hước trong cải lương được Nhà hát xây dựng lồng ghép trong vở diễn Tiếng gọi (tác giả kịch bản NSƯT Quế Anh, đạo diễn NSND Giang Mạnh Hà). Tiếng gọi kể về những người trẻ trên hành trình chung sức cùng chính quyền xây dựng nông thôn mới. Theo Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Kim Bằng, bên cạnh nêu bật được thực trạng hiện nay có nhiều người tài có học vị cao tình nguyện về các vùng sâu, vùng xa làm việc, vở diễn còn là câu chuyện về một số trường hợp du học nhưng lại không muốn về nước để xây dựng quê hương.
Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Kim Bằng cho biết: “Các vở cải lương của Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai gần đây đã xây dựng nhiều đề tài về xã hội đương đại, phù hợp với thực tế cuộc sống. Một số vở diễn đã kết hợp các yếu tố hài hước, tạo hứng thú cho người xem. Nhiều trích đoạn, vở diễn có cảnh trí đơn giản, âm nhạc hay… rất phù hợp để công diễn, phục vụ ở cơ sở. Qua đó, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho các tầng lớp nhân dân”. |
“Điểm nổi bật trong vở cải lương Tiếng gọi là xây dựng được tuyến nhân vật hài hước. Cách thể hiện của tuyến nhân vật phụ: ông Thành, cô Hoa… trong Tiếng gọi đã giúp câu chuyện của tuyến nhân vật chính bớt đi nặng nề. Từ hành động gây cười của ông Thành đến tiếng cười của cô Hoa, cử chỉ, điệu bộ “lẳng lơ” của cô như níu người xem trở lại với sân khấu” - ông Lê Kim Bằng nhận xét.
Mới đây, Nhà hát đã đưa câu chuyện Chí Phèo trong văn học Việt Nam lên sân khấu cải lương. Trích đoạn Chí Phèo - Thị Nở kể lại câu chuyện trong tác phẩm của nhà văn Nam Cao nhưng được làm mới bằng kết thúc có hậu. Sau khi ăn cháo, Chí - Thị cùng nảy sinh tình cảm nhưng bị bà cô ngăn cấm. Bằng cách thuyết phục của mình, Chí - Thị đã được bà cô cho phép đến với nhau. Trích đoạn do 3 nghệ sĩ Phạm Hoàng Khải (vai Chí Phèo), Nguyễn Thị Băng Châu (vai Thị Nở) và Nguyễn Thị Bích Thúy (vai bà cô Thị Nở) biểu diễn, được công diễn phục vụ khán giả TP.Biên Hòa, tạo được nhiều dấu ấn.
Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu trích đoạn cải lương này được diễn như một vở kịch bình thường. Ở đây, tác giả chuyển thể đã đưa yếu tố hài hước vào cải lương bằng cách để cho nhân vật thể hiện câu chuyện bằng lời nói, hành động gây cười. Hóa trang của nhân vật vừa “lẳng lơ” vừa “quá xấu”, quá “vô duyên”… khiến khán giả chú ý và bật cười thành tiếng. Nhiều người xem trích đoạn Chí Phèo - Thị Nở đã nhận xét rằng, đã rất lâu trên sân khấu cải lương mới lại có những vở diễn hài hước, hấp dẫn đến vậy. Bởi trước nay phần lớn các vai diễn, vở diễn, trích đoạn cải lương đều chú trọng vào câu chuyện cảm động, lấy nước mắt của khán giả.
* Động viên nghệ sĩ theo đuổi sân khấu truyền thống
NSND Giang Mạnh Hà cho biết: “Việc đưa hài lên sân khấu cải lương vừa là cách đổi mới, vừa gần gũi với “gu” thưởng thức của khán giả hôm nay. Khán giả đến với đến sân khấu với mong muốn được giải trí, thư giãn thực sự hơn là tiếp cận với những vấn đề “đao to búa lớn”. Do đó, cải lương mang tính hài vẫn có “đất sống”, được khán giả quan tâm”.
Trích đoạn cải lương Chí Phèo - Thị Nở do các nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn |
Cũng bởi sự kỳ vọng của khán giả với sân khấu cải lương nên áp lực đối với những tác giả sáng tác, đạo diễn, nghệ sĩ là rất lớn. Theo NSND Giang Mạnh Hà, tác giả phải quan sát cuộc sống, tìm tòi những vấn đề mà người dân quan tâm, biến chúng thành những câu chuyện trên sân khấu. Đối với nghệ sĩ và diễn viên, dù tham gia vai diễn nào, họ cũng rất hồ hởi, chỉ mong sao được góp sức để sân khấu cải lương này ngày càng thăng hoa, trở về đúng với vị trí như thời “hoàng kim” của sân khấu trước đây.
NSƯT Quế Anh, Giám đốc Nhà hát khẳng định: “Đưa chất hài lên sân khấu cải lương là một trong những cách làm nhằm đổi mới sân khấu của Nhà hát hôm nay. Bước đầu, vở Tiếng gọi, trích đoạn Chí Phèo - Thị Nở đã nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả. Đây là những tín hiệu rất đáng mừng, đáng kỳ vọng cũng như là sự động viên cho các nghệ sĩ đã và đang theo đuổi sân khấu truyền thống”.
Trong thời dịch Covid-19 này, các nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát không mang các vở cải lương đi biểu diễn phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa, công nhân các khu công nghiệp. Thay vào đó, họ tổ chức chương trình ca múa nhạc và một số trích đoạn cải lương livestream trên các kênh YouTube, Facebook. Mỗi chương trình thu hút từ vài trăm đến vài ngàn lượt xem, bình luận. Mặc dù số lượng khán giả xem các chương trình chưa cao nhưng với các nghệ sĩ, đó cũng là cách giúp họ tiếp thêm “lửa” để làm nghề, thôi thúc họ phải có những sáng tạo mới mẻ hơn, phục vụ công chúng...
Ly Na