Trên Facebook những ngày đầu tháng 8 vừa qua đăng tải một đoạn clip dài hơn 3 phút, ghi lại cảnh một người chạy xe ôm công nghệ đi trước mở đường đang kẹt xe để giúp xe cứu thương đến bệnh viện kịp thời. Đoạn clip ngay lập tức "gây bão" trên các diễn đàn giao thông với lời khen về hành động đẹp của người thanh niên.
Trên Facebook những ngày đầu tháng 8 vừa qua đăng tải một đoạn clip dài hơn 3 phút, ghi lại cảnh một người chạy xe ôm công nghệ đi trước mở đường đang kẹt xe để giúp xe cứu thương đến bệnh viện kịp thời. Đoạn clip ngay lập tức “gây bão” trên các diễn đàn giao thông với lời khen về hành động đẹp của người thanh niên.
Qua báo chí được biết, người thanh niên lái xe ôm công nghệ có tên là Đàm Đại Trà (quê tỉnh Tây Ninh, hiện đang sống tại TP.HCM). Chiều 5-8, khi đang đi giao hàng cho khách thì anh Trà nghe tiếng còi xe cấp cứu hú vang trời nhưng nhiều người không nhường đường do lúc này đang thời điểm tan tầm, đoạn đường này bị ùn tắc giao thông. Thấy vậy, anh Trà liên tục vẫy tay, hô lớn báo cho mọi người tránh đường. Khi đã qua đoạn kẹt xe, anh tiếp tục đi trước mở đường trong suốt 7km, cho đến khi chiếc xe chở bệnh nhân đến được bệnh viện.
Anh Trà bộc bạch, đây không phải là lần đầu tiên anh mở đường cho xe cấp cứu và cũng không nhớ mình đã làm việc này bao nhiêu lần. Người bị nạn cần đến bệnh viện sớm từng giây, từng phút. Vì vậy khi đi đường, cứ thấy xe cấp cứu bị kẹt, khó qua được là bản thân anh không nề hà khó nhọc để giúp đỡ. Có nhiều lần vì mải mở đường cho xe cấp cứu, anh Trà chấp nhận hủy chuyến của khách.
Từ câu chuyện của anh Trà, nhiều người giật mình đặt câu hỏi: “Nhường đường cho xe ưu tiên, sao khó đến vậy?”. Đây có phải là “căn bệnh khó chữa” của nhiều người khi tham gia giao thông hay không, khi mà thời gian qua dư luận xã hội không ít lần “dậy sóng” với những hình ảnh người đi đường “phớt lờ” quy định, thể hiện thái độ tiêu cực khi “ngáng đường” xe ưu tiên.
Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định, những xe sau đây được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới: xe cứu hỏa, xe cứu thương, xe dẫn đoàn, xe hộ đê… Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường, không được gây cản trở. Quy định rõ ràng là thế, chế tài xử phạt cũng rất nghiêm, song nhiều người vẫn chưa tuân thủ hoặc “quên” mỗi khi tham gia giao thông trên đường.
Trong những năm gần đây, an toàn giao thông là vấn đề lớn được cả xã hội quan tâm. Đi khắp nẻo đường, câu khẩu hiệu “An toàn giao thông là hạnh phúc cho mọi nhà” như lời nhắc nhở cũng là lời cảnh báo với những người tham gia giao thông, hãy chấp hành luật giao thông để đem lại an toàn cho chính mình, cho gia đình và cho xã hội.
Việc chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông, tuân thủ các chuẩn mực đạo đức khi tham gia giao thông không những bảo vệ bản thân mà còn bảo đảm an toàn tài sản, an toàn công cộng và trật tự xã hội. Trong đó, có sự chung tay, góp sức từ những hành động nhỏ của mọi người bằng sự hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau khi tham gia giao thông, biết nhường nhịn nhau.
Để xây dựng văn hóa giao thông, ngoài trách nhiệm của các cơ quan quản lý, trách nhiệm của người thực thi công vụ về giao thông thì hành vi ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông là một trong các nội dung quan trọng nhất, có tính quyết định trong việc giảm thiểu ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông.
Đặc biệt, người trẻ vốn dĩ năng động, một khi họ có nhận thức tốt sẽ tạo ra ảnh hưởng tích cực trong cộng đồng nơi họ sinh sống, học tập và làm việc. Từ đó, ứng xử khi tham gia giao thông sẽ chuẩn mực hơn. Muốn làm được việc này, cần xem giáo dục văn hóa giao thông là nền tảng, nội dung cơ bản của việc giáo dục pháp luật trong nhà trường. Bởi đây là những kiến thức “nền” mà học sinh thực hành nhiều nhất trong đời sống. Qua đó, tạo nên một phần của kỹ năng “mềm” thể hiện lối sống, giao tiếp, ứng xử có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.
Hơn ai hết, mọi người cần tự giác bảo vệ tính mạng, tài sản và sức khỏe của chính mình bằng những hành động hết sức thiết thực mỗi khi tham gia giao thông. Tai nạn giao thông chỉ có thể thuyên giảm khi ý thức của mỗi người được nâng lên, mà trong đó xây dựng văn hóa giao thông luôn đóng vai trò then chốt.
Hải Dương