Với vai trò là Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ ngành hàng bán lẻ Việt Nam, ông Hoàng Sơn Công đã đi khắp các vùng xa xôi khó khăn, hải đảo, miền núi, vùng cao, vùng dân tộc để triển khai nhiều dự án hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó có các dự án về sản xuất nông nghiệp sạch, đầu tư vào chế biến.
Ông Hoàng Sơn Công |
Với vai trò là Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ ngành hàng bán lẻ Việt Nam, ông Hoàng Sơn Công đã đi khắp các vùng xa xôi khó khăn, hải đảo, miền núi, vùng cao, vùng dân tộc để triển khai nhiều dự án hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó có các dự án về sản xuất nông nghiệp sạch, đầu tư vào chế biến.
Ông là một trong những thành viên tham gia khởi xướng thực hiện Đề án minh bạch sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Vĩnh Cửu với nhiều mô hình khởi nghiệp trong nông nghiệp đầy ấn tượng, tạo hứng khởi cho tinh thần khởi nghiệp ở các vùng nông thôn khác trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Để nông dân làm chủ
* Thưa ông! Ông có thể cho biết vì sao ông lại chọn tham gia Đề án minh bạch sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Vĩnh Cửu?
- Vì đề án này có 2 nhiệm vụ rất quan trọng, sản xuất theo hướng hữu cơ và vế thứ 2 là minh bạch.
Trước áp lực biến đổi khí hậu do ô nhiễm môi trường, sản xuất nông nghiệp sinh thái với cách canh tác thân thiện môi trường, trong đó có nông nghiệp hữu cơ ngày càng được quan tâm. Hiện chúng ta nhắc nhiều đến cụm từ nông nghiệp hữu cơ; Chính phủ cũng rất quan tâm và đẩy mạnh phong trào này. Tuy nhiên, phía người tiêu dùng luôn đặt câu hỏi nông sản hiện có thực sự đạt hữu cơ? Chính vì vậy, tôi luôn nhắc các nhà vườn có hợp tác với chúng tôi là nên sử dụng cụm từ chính xác hơn là sản xuất theo định hướng hữu cơ khi chưa có quy trình hoàn chỉnh đạt hữu cơ 100%. Ở đây, những tác động đầu tiên của chúng tôi là thay thế phân bón, thuốc trừ sâu hóa học bằng phân hữu cơ, thuốc sinh học nông dân tự làm với chi phí rẻ.
Không minh bạch đến tận cùng là điểm yếu của nền nông nghiệp nước ta và chính người nông dân chịu thiệt hại nhất. Hiện người tiêu dùng hầu như không rõ những món mình ăn hằng ngày được nuôi trồng kiểu gì, có sạch và an toàn không. Do đó, điều sống còn của đề án đang triển khai ở H.Vĩnh Cửu là tính minh bạch.
* Ông có thể nói cụ thể hơn về tính minh bạch này được thực hiện như thế nào để phù hợp với điều kiện của nông dân Việt Nam hiện nay?
- Minh bạch là gì, đầu tiên nó là sự minh bạch về nhân thân, con người, nói cụ thể hơn, dễ hiểu hơn là nhân hiệu. Tức là vườn rau, trái này của ai, người này có tử tế hay không để khi chúng tôi nêu tên các chủ vườn đó lên mạng xã hội thì có hàng ngàn, thậm chí hàng vạn ánh mắt nhìn vào con người đó. Nếu một trong hàng ngàn, vạn người nhìn đó, bất kỳ ai phát hiện ra nhà vườn này gian dối thì lập tức toàn bộ người tiêu dùng đến doanh nghiệp đều biết.
Ngoài vấn đề chuyển giao về mặt kỹ thuật, tôi rất chú trọng đến truyền thông. Chúng tôi luôn khuyến khích nông dân quay video clip hằng ngày về hoạt động sản xuất và đưa thông tin đó lên mạng xã hội là những phương tiện không mất tiền, nói cách khác là “khoe” thành tích của mình làm ngay từ những bước đầu. Ở đây, vai trò của giám sát viên cộng đồng rất quan trọng vì đề án này gắn liền với lợi ích của cả vùng sản xuất, ai làm không tử tế thì sẽ không được nằm trong cộng đồng tử tế và nếu ai mạo danh cộng đồng đó thì lập tức bị phát hiện và hàng sẽ không bán được. Người tiêu dùng cũng thông qua mạng xã hội để nắm mọi thông tin về vườn sản xuất từ cách làm, chất lượng đến sản lượng...
* Những chương trình nào ông đang và sẽ triển khai tại H.Vĩnh Cửu nói riêng, Đồng Nai nói chung?
- Hiện nay, chỉ có 2 huyện trong cả nước được chuyển giao toàn bộ các công nghệ chúng tôi đã nghiên cứu là H.Vĩnh Cửu và một huyện vùng sâu khác ở khu vực phía Bắc.
Toàn bộ phần công nghệ tôi đang triển khai tại H.Vĩnh Cửu nói riêng và Đồng Nai nói chung đều là tài sản nghiên cứu từ sự hợp tác giữa nhiều bên; thứ nhất là của Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ ngành hàng bán lẻ Việt Nam; thứ hai là của Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia (Bộ KH-CN) và thứ ba là của Trung tâm Hỗ trợ phát triển thanh niên nông thôn của Trung ương Đoàn cùng hợp tác, vận động các nguồn tài chính đầu tư nghiên cứu và đưa ra các công nghệ.
Ông Hoàng Sơn Công (trái) trao đổi với nông dân xã Mã Đà (H.Vĩnh Cửu) về giải pháp sấy hoa giấy bằng lò sấy năng lượng mặt trời |
Chúng tôi luôn cố gắng sử dụng những vườn mẫu để thiết kế các chương trình nghiên cứu, sau đó chúng tôi chấp nhận đẩy những nghiên cứu đó về hướng thất bại để tìm ra những lỗi, sai lầm để khắc phục. Rất may mắn là đến bây giờ, chúng tôi đã có những thành công bước đầu, có những vùng sản xuất nông nghiệp đạt được mức độ hữu cơ rất cao.
Khai thác đặc sản bản địa
* Ông luôn khuyến khích nông dân hãy khởi nghiệp trên chính mảnh đất mình sinh sống, vậy có những cơ hội nào cho nông dân vùng sâu khởi nghiệp làm giàu?
- Thay vì đầu tư những nghiên cứu kinh tế dài hạn, chúng tôi tìm ra được những nghiên cứu kinh tế ngắn hạn liên quan đến các sản phẩm chế biến. Tôi lấy ví dụ như ở H.Vĩnh Cửu hiện có hàng chục km đường hoa giấy, hoa đại, hoa dâm bụt, hàng ngàn ha bưởi, cam... Tôi đưa ra góc nhìn khác cho nông dân là liệu rằng 1 vườn cam, 1 vườn bưởi có thể tạo ra được thu nhập gấp 2 lần, thậm chí gấp nhiều lần hay không? Liệu rằng những đường cây hoa sứ, hoa đại, hoa dâm bụt... có thể trở thành thương phẩm hay không?
Kết quả triển khai bước đầu, hiện Vĩnh Cửu đã có những nông dân, cơ sở làm nông nghiệp theo hướng hữu cơ, đầu tư chế biến các đặc sản độc, lạ từ những cây trồng có sẵn tại địa phương, thậm chí là từ nguồn nguyên liệu vốn là rác thải trong sản xuất như: mứt vỏ bưởi, trà vỏ bưởi, tinh dầu bưởi, dưỡng tóc tinh dầu bưởi, trà búp ổi tẩm mật ong, trà hoa dâm bụt, mật ong lên men hoa đậu biếc, hoa cúc chi... Chúng tôi còn quan tâm hỗ trợ cho nông dân về giải pháp giảm chi phí đầu vào trong sản xuất và chế biến; giải pháp đầu tư cho bao bì...
* Điều gì khiến ông và các cộng sự tập trung hỗ trợ cho nông dân ở các vùng quê xa xôi, heo lánh khởi nghiệp?
- Hiện người nông dân chịu quá nhiều áp lực, tiền phân bón, thuốc trừ sâu, tiền thuê đất, tiền nhân công và quá nhiều rủi ro về sâu bệnh, thiên tai... Chúng tôi mong muốn là có cách nào đó giảm thiểu tối đa chi phí đầu vào cho họ. Với sự kết hợp của các tổ chức trên và nghiên cứu của riêng nhóm chúng tôi, chúng tôi đã tìm ra được hơn 30 giải pháp đều tập trung cho mục tiêu là người nông dân phải làm chủ được mảnh đất của mình; làm chủ được môi trường, nông sản của mình.
Từ trước đến nay, khi chuyển giao công nghệ sẽ gặp một vấn đề là mãi mãi người nông dân sẽ có cái gì đó liên quan và phụ thuộc vào chuyên gia, tức là chuyển giao không hết. Chúng tôi đặt ra những yêu cầu khi chuyển giao là phải rất dễ trong thực hành; thứ hai là sản xuất phải rất rẻ để tất cả mọi người đều sử dụng được; thứ ba đó là khi chuyển giao xong rồi thì không hề phụ thuộc vào những người đã từng chuyển giao, nghĩa là tôi chuyển giao cho nông dân, người nông dân đó sẽ chuyển giao tiếp cho những người nông dân khác mà không cần biết về chúng tôi.
* Xin cảm ơn ông!
Theo ông Hoàng Sơn Công, câu chuyện khởi nghiệp trong nông nghiệp không bắt đầu từ sản xuất đi lên mà nhà đầu tư cũng phải chủ động tìm những sản phẩm, nông sản mang tính thương mại. Những sản phẩm có giá trị sản xuất đầu vào thấp đồng thời có lợi nhuận nhanh, ngắn hạn thì không có lý do gì người nông dân không làm. |
Bình Nguyên (thực hiện)