Báo Đồng Nai điện tử
En

Để ''thuận tự nhiên'' bền vững

07:08, 01/08/2020

Những năm gần đây, "thuận tự nhiên" hoặc "giảm hóa chất" đã trở thành những cụm từ quen thuộc trong sản xuất nông nghiệp và "lan" sang cả phong cách sống của nhiều người. Có lẽ nó bắt nguồn từ nỗi sợ khi xung quanh, những can thiệp "phi tự nhiên" cứ mỗi lúc một nhiều lên và môi trường sống của con người đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ những can thiệp đó.

Những năm gần đây, “thuận tự nhiên” hoặc “giảm hóa chất” đã trở thành những cụm từ quen thuộc trong sản xuất nông nghiệp và “lan” sang cả phong cách sống của nhiều người. Có lẽ nó bắt nguồn từ nỗi sợ khi xung quanh, những can thiệp “phi tự nhiên” cứ mỗi lúc một nhiều lên và môi trường sống của con người đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ những can thiệp đó.

Riêng với sản xuất nông nghiệp, sự can thiệp “phi tự nhiên” giờ đây đã phổ biến đến nỗi ít khi người ta nuôi trồng thứ gì mà không dùng hóa chất, không can thiệp bằng khoa học, công nghệ. Từ khâu tạo giống, gieo trồng, thu hoạch… đến vận chuyển, bảo quản, tiêu dùng, hầu như khâu nào cũng có mặt hóa chất. Dĩ nhiên trong một giới hạn, liều lượng cho phép, không phải hóa chất nào cũng gây hại, song thực tế không phải ai cũng đủ tri thức, điều kiện (người tiêu dùng) và động lực (người sản xuất) để kiểm soát được lượng hóa chất trong giới hạn “vừa đủ” đó.

Có nhiều khái niệm và cách hiểu về làm nông nghiệp “thuận tự nhiên”. Nhưng triết lý cơ bản nhất vẫn là tuyệt đối tôn trọng những quy luật và đặc điểm của tự nhiên trong quá trình gieo trồng, thu hoạch. Trong đó, không một thứ gì gọi là “phế phẩm” bỏ đi, mà trái lại, mọi thứ phát sinh từ vòng đời sản phẩm đều được tái sử dụng trong vòng đời sản phẩm tiếp theo, giúp cây trồng hoặc vật nuôi sinh trưởng khỏe mạnh, hỗ trợ thêm độ màu mỡ cho đất và đất sẽ được nghỉ ngơi đủ để tái sinh dinh dưỡng chứ không phải bị khai thác đến mức kiệt quệ như thói quen làm nông lâu nay.

Quá trình nuôi trồng đó hoàn toàn không cần sử dụng đến phân hóa học, thuốc diệt cỏ, thuốc kháng sinh, thuốc tăng trưởng cũng như các loại thuốc hóa học khác. Đất màu mỡ là nhờ phân hữu cơ gắn với lối canh tác xen canh, luân canh để cho đất nghỉ. Trong đó, chất thải chăn nuôi, cành cây, lá cỏ, rác hữu cơ… được tận dụng trở thành phân bón nuôi dưỡng cây trồng. Những con vật nuôi “thuận tự nhiên” cũng được thoải mái sống theo bản năng, góp phần mình vào vòng chu chuyển tuần hoàn tự nhiên một cách nhẹ nhàng.

Làm nông “thuận tự nhiên” trên thực tế nhọc nhằn hơn rất nhiều so với làm nông sử dụng nhiều hóa chất. Thứ nhất là môi trường nông nghiệp tại Việt Nam nói chung hiện nay đã bị tổn thương rất lớn sau hàng chục năm bị lạm dụng. Đất, nước, không khí… đều đã bị nhiễm hóa chất, khô cằn, không còn chất dinh dưỡng nữa. Vậy nên người làm nông nghiệp theo hướng hữu cơ hay thuận tự nhiên phải mất rất nhiều công sức, thời gian, chi phí để lấy lại độ màu mỡ cho đất hoặc giảm thiểu hóa chất trong nguồn nước rồi mới tính đến chuyện gieo trồng.

Vượt trên cả câu chuyện năng suất - chất lượng của một ngành nghề, “thuận tự nhiên” ngày nay đã trở thành một triết lý sống, làm việc, sản xuất đáng để suy nghĩ và học hỏi. Trong cuốn sách nổi tiếng Cuộc cách mạng một cọng rơm của Masanobu Fukuoka - một nông dân Nhật Bản nổi tiếng, triết lý này được thể hiện rất rõ. Nôm na là, bất kể ai - một nông dân đơn lẻ hay một tập đoàn quyết định làm nông không phải là để chinh phục tự nhiên như ngộ nhận của nhiều người, mà trái lại là để học hỏi từ tự nhiên và vay mượn từ đó lương thực cho mình, hiểu được như thế nào là “đủ” rồi phải trả lại cho tự nhiên cơ hội phát triển, tiếp tục một vòng chu chuyển mới và trong đó, con người cũng chỉ là một thành phần như bao thành phần khác của tự nhiên.

Mặc dù triết lý sống “tôn trọng vòng chu chuyển của tự nhiên” được nhiều người đánh giá là đẹp đẽ, song nói cho cùng, đó vẫn chỉ là đốm lửa nhỏ nhoi giữa thời đại ngày nay, khi mọi ngành nghề đều phải chạy đua với thời gian và năng suất, trong đó có nông nghiệp. Để chuyển từ lối canh tác “phi tự nhiên” (lạm dụng hóa chất) sang lối canh tác “thuận tự nhiên”, đòi hỏi người nông dân phải bỏ ra rất nhiều công sức và thời gian, ít nhất phải “thanh lọc” đất, nước trong thời gian đầu và chấp nhận năng suất chưa thể cao, chất lượng chưa thể đồng đều trong những mùa vụ đầu tiên. Bài toán “cơm áo gạo tiền” đeo đuổi khiến không ít nông dân sớm bỏ cuộc sau vài mùa vụ quyết tâm làm nông nghiệp xanh, nông nghiệp sạch. Để giải bài toán căn cơ này, đòi hỏi cả người tiêu dùng lẫn nông dân phải tìm được “điểm gặp gỡ” về lợi ích thì mới mong duy trì bền lâu cách làm nông nghiệp sạch. Bởi cho đến cùng, nhu cầu và tiêu chí trong mua sắm của người tiêu dùng sẽ quyết định người nông dân sản xuất thế nào, xanh hay không xanh, sạch hay không sạch và có tôn trọng tự nhiên hay không một cách bền vững nhất.   

Vi Lâm

Tin xem nhiều