Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vừa đạt được tâm nguyện kỷ niệm 70 năm tuổi đời của ông bằng việc ra mắt trở lại ấn phẩm đặc biệt: Tuyển tập Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp chứa đựng 42 truyện chọn lọc và tâm đắc nhất của ông cùng loạt tranh minh họa đặc sắc. Sách do NXB Văn học và Công ty Đông A ấn hành với nhiều phiên bản chất lượng phục vụ người sưu tầm sách, chơi sách và bạn đọc gần xa.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vừa đạt được tâm nguyện kỷ niệm 70 năm tuổi đời của ông bằng việc ra mắt trở lại ấn phẩm đặc biệt: Tuyển tập Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp chứa đựng 42 truyện chọn lọc và tâm đắc nhất của ông cùng loạt tranh minh họa đặc sắc. Sách do NXB Văn học và Công ty Đông A ấn hành với nhiều phiên bản chất lượng phục vụ người sưu tầm sách, chơi sách và bạn đọc gần xa.
* Ấn phẩm đặc biệt năm 2020
So với nhiều tuyển tập truyện ngắn, sách đã in trước đây, lần này tuyển tập Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đặc biệt ở chỗ chứa các truyện ngắn do đích thân ông tự tuyển lựa và sắp xếp theo thứ tự thời gian như một tổng kết đẹp để “gác bút từ giã nghiệp văn” (từ khoảng năm 2014 đến nay). Đồng thời, tuyển tập còn có nhiều tranh minh họa tuyệt đẹp do nhiều họa sĩ đương đại Việt Nam có tên tuổi vẽ được đưa vào ấn phẩm này. Đó là những danh họa như Thành Chương, Lê Thiết Cương, Đỗ Phấn, Đào Hải Phong, Phan Cẩm Thượng, Nguyễn Hồng Hưng, Hoàng Phượng Vỹ, Đỗ Hoàng Tường, Đặng Xuân Hòa, Trần Trọng Vũ, Lê Thánh Thư... Họ góp những tranh minh họa “cho thêm sinh động, vui mắt..., gọi là tình cảm liên tài với nhau” như lời nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đề tựa. Tác giả cũng không quên lý giải rằng ông “chơi với nhiều họa sĩ nổi tiếng. Bạn bè quý nhau, ai nấy đều phóng khoáng hào hiệp... Khi tôi mời cùng vẽ tranh để làm sách thì ai nấy đều vui vẻ nhận lời”.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sinh năm 1950, quê quán Hà Nội, là một trong những nhà văn tiêu biểu của văn học Việt Nam đương đại với những sáng tác truyện ngắn đặc sắc được sự quan tâm lớn từ giới phê bình lẫn công chúng, bạn đọc. Nguyễn Huy Thiệp từng được nhận Huân chương Văn học Nghệ thuật Pháp (năm 2007), giải thưởng Premio Nonino, Italy (năm 2008). |
Ấn phẩm ra mắt công chúng tháng 8-2020 này rất trang trọng với ấn bản bìa cứng có bìa áo in bằng công nghệ metalize (in màng kim loại) và ruột in bằng mực vi sinh, góp phần tôn vinh những tác phẩm truyện ngắn vượt thời gian của Nguyễn Huy Thiệp - một trong những nhà văn góp phần giúp văn đàn Việt Nam thời đổi mới khởi sắc đến huyên náo, tạo những cuộc tranh luận nghệ thuật văn chương đa chiều, thú vị. Điều này càng ý nghĩa hơn khi ấn phẩm ra đời sau thời gian nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vừa vượt qua những cơn bạo bệnh.
* Gặp lại Tướng về hưu...
Có sự nghiệp văn chương đồ sộ, được xem là “của hiếm”, là “hiện tượng độc đáo” (thậm chí đến mức gây tranh cãi) với các thể loại sáng tác gồm truyện ngắn, kịch, tiểu luận, phê bình văn học, song nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thành công nhất là truyện ngắn. Trong các tác phẩm nổi tiếng của ông, nổi bật nhất với Tướng về hưu (phổ biến lần đầu vào tháng 6-1987 trên Báo Văn nghệ - lúc bấy giờ Nguyễn Huy Thiệp còn là nhân viên Công ty Sách - thiết bị trường học thuộc Bộ Giáo dục và “chưa có tên tuổi gì ở trên văn đàn” như ông tự nhận).
Tướng về hưu là một truyện ngắn đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, theo nhiều nhà chuyên môn và phê bình công nhận. Năm 1988 có bộ phim tâm lý xã hội cùng tên của đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi ra mắt với kịch bản dựa theo truyện ngắn này của Nguyễn Huy Thiệp.
Với tác phẩm tiêu biểu như Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp, điều độc đáo mà bao nhà nghiên cứu phê bình văn học, giới mộ điệu văn chương và công chúng thưởng thức từng bình phẩm, tranh luận suốt hơn 30 năm qua đó chính là câu chuyện, dòng văn độc đáo, khó ai bắt chước trên một cốt truyện lẫn nhân vật bình thường. Thật vậy, những câu đơn với giọng kể chắt lọc, súc tích của ông đi sâu vào tâm trí người đọc dẫu cho nó có chua chát hay nhẹ nhàng. Hiện thực cuộc sống, số phận con người trong xã hội sau chiến tranh từ đó được phản ánh rất mạnh mẽ bằng thủ pháp văn chương rất riêng của Nguyễn Huy Thiệp.
* Nhà văn là người “sống trung dung”
Nguyễn Huy Thiệp còn nhiều truyện khác cũng gây chú ý như: Những ngọn gió Hua Tát, Chảy đi sông ơi, Sang sông, Con gái thủy thần, Những người thợ xẻ, Giăng lưới bắt chim, Thương nhớ đồng quê, Quan âm chỉ lộ... Truyện ngắn của ông cũng được dịch sang nhiều ngôn ngữ như: Pháp, Anh, Italy, Thụy Điển, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia...
Tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp viết đa đề tài từ lịch sử đến cổ tích, huyền thoại, từ xã hội Việt Nam đương đại đến chân dung tầng lớp những cựu chiến binh, người lao động. Ông phản ánh hiện thực xã hội bằng ngôn ngữ độc đáo, từ “ngôn ngữ nhà binh” đến “ngôn ngữ dân sự”, ý và tứ đan xen vào nhau tạo thành một lối hành văn hết sức “kỳ lạ” bởi nó chẳng những lôi cuốn người đọc mà còn khiến họ phải nhớ mãi những tình tiết nhỏ.
Trong ấn phẩm Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp vừa phát hành, bạn đọc không khỏi thích thú khi đọc những “Ghi chú cuối truyện” của tác giả kể lại “hậu trường” đằng sau một số truyện ngắn, đồng thời hiểu hơn về nhà văn khi Nguyễn Huy Thiệp bộc bạch khá thẳng thắn quan điểm về nghiệp văn chương trong lời bạt “Nói chuyện một mình”. Với dạng tự hỏi - đáp, Nguyễn Huy Thiệp bảo “nhà văn cũng như bao nghề khác, có thành bại, vinh nhục, giàu nghèo”. Nhưng nghề văn khác với nghề khác “có lẽ bởi nó vô chiêu, không có hình tướng. Nó đi tìm Đạo, tìm ý nghĩa cuộc sống, tìm sự giác ngộ”.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp khiêm tốn tự nhận ông “là một dạng ăn may, may mắn gặp thời” nhưng ông rất xác tín về “phẩm chất của một nhà văn”. Tác giả Tướng về hưu dẫn lại “lời của các cụ ngày xưa” mà ông tâm ý chính là lời nói của nhà bác học Lê Quý Đôn (1726-1784): “Văn học không phải trò chơi, là câu chuyện phiếm. Muốn văn hay phải hiểu biết và từng trải nhiều. Văn chương chữ nghĩa không phải là lời nói suông. Trong bụng không có ba vạn quyển sách, trong mắt không có núi sông kỳ lạ của thiên hạ thì không thể làm văn được”.
Tuyển tập Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp ấn bản năm 2020 dày 560 trang, hẳn người đọc sẽ dành thật nhiều thời gian để thưởng thức. Thế nhưng, đọc qua những câu đồng dao thuở nào tác giả chịu khó trích lại trên sách, có lẽ lòng ai cũng thấy nao nao: “Thôi thế là thôi/Gấp trang sách lại/Nhẹ tay bạn cũ/Mặc ai khóc cười...”.
Yến Thanh