Một nghiên cứu gần đây cho thấy, hạt vi nhựa tồn tại trong thịt của 5 loài hàu, tôm sú nuôi, mực, cua xanh và cá mòi.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy, hạt vi nhựa tồn tại trong thịt của 5 loài hàu, tôm sú nuôi, mực, cua xanh và cá mòi.
GS Francisca Ribeiro, trưởng nhóm nghiên cứu kiểm tra hàu. Nguồn ảnh: uq.edu.au |
Các nhà nghiên cứu đã mua 10 con hàu, 10 con tôm sú nuôi, 10 con mực, 5 con cua xanh và 10 con cá mòi trong một khu chợ ở Australia để tiến hành thực nghiệm. Theo nghiên cứu, ít nhiều có mức độ ô nhiễm nhựa trong mỗi loài hải sản này. Cá mòi có hàm lượng hạt vi nhựa cao nhất.
Các nhà khoa học sử dụng một phương pháp mới để xác định và đo lường được 5 loại nhựa khác nhau tồn tại cùng lúc ở mô của mỗi mẫu phẩm. GS Francisca Ribeiro (Viện Đại học Queensland, Australia), tác giả chính của cuộc nghiên cứu này cho biết, mục đích của cuộc nghiên cứu là để hiểu rõ hơn về những mối nguy hiểm tiềm ẩn của hải sản chứa hạt vi nhựa đối với sức khỏe của con người.
Trong các loài sinh vật biển ăn được, đáng ngạc nhiên là cá mòi có hàm lượng nhựa cao nhất. Điều thú vị khác là lượng nhựa tồn tại rất khác nhau giữa các loài và khác nhau giữa các cá thể cùng loài. Trong đó, polyethylene có nhiều ở cá, còn ở hàu chỉ có duy nhất nhựa PVC.
GS Riberio so sánh mức độ tiếp xúc hạt vi nhựa của con người: Xét theo khẩu phần ăn trung bình, một người có thể tiếp xúc với khoảng 0,7mg nhựa khi ăn một phần hàu hay mực và tiếp xúc tới 30mg nhựa khi ăn cá mòi, bằng trọng lượng của một hạt gạo.
Đây là một bước tiến lớn đối với kỹ thuật định lượng nhựa có trong hải sản vì nó có thể đo được một khối lượng lớn, điều mà trước đây không thực hiện được. GS Ribeiro cho biết: “Giờ đây chúng tôi có thể xác định được nồng độ hạt vi nhựa có thể được coi là có hại đối với sức khỏe con người.”
Loại nhựa được các nhà khoa học tìm thấy là các loại được sử dụng phổ biến trong các bao bì và hàng dệt may tổng hợp như: polystyrene, polyethylene, nhựa PVC, nhựa PP, nhựa PMMA. Nhựa PVC được tìm thấy trong tất cả các mẫu nghiên cứu, còn polyethylene - loại nhựa phổ biến nhất trên thế giới có nồng độ cao nhất. Các loại nhựa này thường phân hủy thành hạt vi nhựa trong các dòng chảy và đại dương, các mảnh nhựa siêu nhỏ thường bị các sinh vật biển với mọi kích cỡ và chủng loại ăn phải. Các hạt vi nhựa này cũng được các loài sinh vật phù du hấp thụ và tiếp tục được tích lũy sinh học trong chuỗi thức ăn, cuối cùng là hiện diện trên bàn ăn của chúng ta.
Đồng tác giả nghiên cứu GS Tamara Galloway nói: “Chúng tôi không hiểu hết được những rủi ro khi ăn phải nhựa nhưng phương pháp mới này sẽ giúp chúng tôi nghiên cứu dễ dàng hơn”.
Minh Huyền (biên dịch theo ecowatch.com)