Báo Đồng Nai điện tử
En

Câu chuyện về những người tử tế

05:08, 28/08/2020

Hai nhân vật đầu tiên mà người đọc tiếp cận là Hiếu và má nó trong căn nhà trọ bán hàng tạp hóa. Cô Ba Vẹo, qua lời nói và thái độ đối với con, có vẻ không chiếm được thiện cảm của bạn đọc. Dĩ nhiên, đó chỉ là cảm nhận ban đầu.

Tác giả Châu Hoài Thanh từng đoạt giải thưởng Hội Văn học nghệ thuật Bà Rịa - Vũng Tàu  giai đoạn 5 năm 2013-2018. Từ năm 2011 đến nay, chị đã in 7 quyển sách
Tác giả Châu Hoài Thanh từng đoạt giải thưởng Hội Văn học nghệ thuật Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 5 năm 2013-2018. Từ năm 2011 đến nay, chị đã in 7 quyển sách

Hai nhân vật đầu tiên mà người đọc tiếp cận là Hiếu và má nó trong căn nhà trọ bán hàng tạp hóa. Cô Ba Vẹo, qua lời nói và thái độ đối với con, có vẻ không chiếm được thiện cảm của bạn đọc. Dĩ nhiên, đó chỉ là cảm nhận ban đầu.

Giấc mơ bay được ghi là truyện dài thiếu nhi. Nhưng quyển sách không chỉ là chuyện của những đứa trẻ, Hiếu với hai người bạn Huy và Hiệp cùng bán hàng rong ở thành phố biển. Dễ nhận ra những đứa trẻ ở lứa tuổi thiếu niên này còn nhiều bất ổn về tâm lý và ứng xử. Chẳng hạn, mới thân mật với nhau đó đã hờn giận không nhìn mặt nhau, rồi lại vui vẻ như trước. Việc Hiếu quen biết với Gấu, một đứa trẻ khác, thuộc một thành phần xã hội khác, cũng nảy sinh sự ganh tỵ rất “trẻ con”, rồi cũng được hóa giải.

Không chỉ là chuyện trẻ con vì có cả chuyện của người lớn. Chuyện của má Hiếu, cô Ba Vẹo, người phụ nữ không chỉ tật nguyền mà còn có số phận bất hạnh. Từ đó trong lòng người mẹ xuất hiện tâm trạng đau khổ, thể hiện qua những ứng xử với con. Chuyện còn là của 3 ông già: người ở cửa hàng giải khát, người ở Nhà Thờ Ông, người là ông của đứa bạn mới của Hiếu. Cả 3 người già này đều tốt bụng dù hoàn cảnh khắc nghiệt khác nhau với mỗi người. Một người lớn tuổi khác xuất hiện ở gần cuối truyện là bà mẹ của Gấu, một phụ nữ có tấm lòng vì trẻ thơ và xã hội. Cũng có vài nhân vật người lớn “không tử tế” do đối xử không tốt với người thân, nhưng cuối cùng cũng ân hận và thay đổi…

Để chuyển tải hai câu chuyện trẻ con và người lớn, chủ yếu là chuyện của Hiếu và cô Ba Vẹo, tác giả dùng thủ pháp kể đan xen. Đây là một nghệ thuật viết đòi hỏi sự kết nối nội dung giữa đoạn trước và đoạn sau, sao cho vừa liền mạch, vừa hợp lý. Để làm được điều này, tác giả phải “thuộc lòng” diễn biến trong cuộc đời của các nhân vật, từ đó mới có thể kết nối liền mạch. Các nhân vật có thể có nguyên mẫu hay chỉ là hư cấu thì trong suốt thời gian viết, tác giả vẫn phải “sống” với thế giới riêng của câu chuyện. Một vài tháng, 1-2 năm hoặc có thể lâu hơn cho một truyện dài, là một thách thức lớn với bất cứ người viết nào, khi họ còn phải sống cuộc đời thật của mình. Trong Giấc mơ bay, Châu Hoài Thanh đã vượt qua được thách thức ấy của trang viết.

Khung cảnh của câu chuyện dễ được nhận ra là thành phố biển Vũng Tàu và một khu nhà trọ bình dân gần biển. Tác giả dẫn câu chuyện đến các địa điểm như bến cá, những khu hàng quán cà phê, Nhà Thờ Ông… để miêu tả các nơi này khá sinh động. Việc đổi tên các địa điểm có thật là một thủ pháp thường được sử dụng, để điển hình hóa, cũng để tránh những phiền phức có thể có. Tuy nhiên, sử dụng địa danh thực (và cân nhắc để loại trừ những hiểu lầm) vẫn có tác dụng tốt là người đọc dễ tin câu chuyện được kể hơn. Ngoài ra, một số kiến thức được đưa vào truyện để giải thích các hiện tượng có vẻ huyền bí được xem là “đất”.

Câu chuyện từ giữa sách đến đoạn cuối hấp dẫn người đọc nhờ những bất ngờ được kể. Đó là bí mật cuộc đời của cô Ba Vẹo mà Hiếu tình cờ phát hiện ra qua việc đọc tập nhật ký của người nó vẫn gọi là má. Qua đây giúp người đọc thông cảm được với những gì mà cô đã đối xử với Hiếu, đứa cháu mà trong lòng cô đã xem như con ruột. Là sự thật về mảnh trăng màu huyết. Là việc những trẻ em nghèo có một Ngôi Nhà Chung trong thành phố để sinh hoạt. Việc cha ruột của Hiếu hứa tặng trái tim của mình cho cậu bé Gấu khi cần…

Các bạn đọc tuổi thiếu niên có thể rút ra nhiều bài học: tình bạn tuổi thơ trong sáng không phân biệt thành phần, tuổi tác; lòng tốt hóa giải được nhiều điều khó khăn, thành kiến, đưa con người xích lại với nhau…

Sách có hình thức trang nhã với bìa đẹp và một số trang minh họa được chăm chút. Tuy nhiên nếu số tranh minh họa nhiều hơn, sẽ làm hài lòng các bạn đọc nhỏ tuổi hơn. Dù sao thì Giấc mơ bay vẫn là quyển sách đáng đọc của các em lứa tuổi thiếu niên.

***

Hầu như các nhân vật trong Giấc mơ bay, cả trẻ con lẫn người lớn, đều là những người có hành xử tử tế. Cái kết có hậu phù hợp với trẻ mà cũng là mong muốn của người lớn, nên cả hai phía bạn đọc đều cảm thấy hài lòng…

Nhà văn Nguyễn Thái Hải

(Đọc Giấc mơ bay, truyện dài thiếu nhi của Châu Hoài Thanh, NXB Văn hóa - văn nghệ năm 2020)

 

 

Tin xem nhiều