Báo Đồng Nai điện tử
En

Âm nhạc có thể không giúp trẻ em thông minh hơn

02:08, 07/08/2020

Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Memory & Cognition, việc luyện tập âm nhạc không có tác động tích cực đến kỹ năng tự nhận thức và thành tích học tập của trẻ.

Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Memory & Cognition, việc luyện tập âm nhạc không có tác động tích cực đến kỹ năng tự nhận thức và thành tích học tập của trẻ.

Học đàn guitar giúp trẻ rèn luyện được tính kỷ luật, kiên nhẫn - Nguồn ảnh: startliverpool.net
Học đàn guitar giúp trẻ rèn luyện được tính kỷ luật, kiên nhẫn - Nguồn ảnh: startliverpool.net

Nhằm xác định mối liên hệ tiềm ẩn giữa luyện tập âm nhạc và nâng cao nhận thức cũng như cải thiện thành tích học tập của trẻ, những cuộc nghiên cứu trước đây đều đưa ra nhiều kết luận khác nhau. Một số ý kiến cho rằng có thể có mối liên hệ giữa chúng, một số khác chỉ ra sự tương tác rất ít. 2 nhà nghiên cứu Giovanni Sala (Trường đại học Y tế Fujita, Nhật Bản) và Fernand Gobet (Trường đại học Kinh tế và khoa học chính trị London, Vương quốc Anh) đã kiểm tra bằng chứng thực nghiệm hiện có về mối liên hệ này.

Phân tích lại dữ liệu của 54 cuộc nghiên cứu với 6.984 trẻ tham gia từ năm 1986-2019, họ phát hiện việc luyện tập âm nhạc dường như không hiệu quả trong việc nâng cao kỹ năng tự nhận thức, học thuật của trẻ hay bất kỳ kỹ năng nào khác như: giao tiếp bằng lời nói, bằng cử chỉ, tốc độ truyền đạt… dù ở độ tuổi nào hoặc thời gian học nhạc bao lâu.

Khi so sánh từng kết luận nghiên cứu trước đó với sự phân tích tổng hợp của mình, 2 nhà nghiên cứu này nhận ra rằng những nghiên cứu được thực hiện tỉ mỉ, chất lượng cao, chẳng hạn những thí nghiệm được kiểm soát - những trẻ không học âm nhạc mà thay vào đó học một kỹ năng khác như: khiêu vũ hoặc thể thao - cho thấy không có tác dụng của giáo dục âm nhạc đối với sự nhận thức hoặc hiệu suất học tập.

Ông Giovanni Sala cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi đã cho thấy quan điểm phổ biến “âm nhạc giúp trẻ em thông minh hơn” là không chính xác, có thể xuất phát từ việc phân tích sai các dữ liệu thử nghiệm trước đây. Thực tế cho thấy, dạy nhạc với mục đích để nâng cao kỹ năng tự nhận thức và kết quả học tập của trẻ là không có cơ sở. Não bộ được thiết lập: càng rèn luyện nhiều, trẻ càng chơi nhạc thành thạo hơn, nhưng điều này không có nghĩa năng lực toán học của trẻ nhờ vậy mà tốt hơn”.

Đồng quan điểm với ông Giovanni Sala, ông Fernand Gobet bổ sung: “Học nhạc có thể mang lại những lợi ích nhất định, ví dụ giúp trẻ cải thiện được các kỹ năng xã hội và có sự tự tin, kiên nhẫn. Kiến thức âm nhạc có thể hỗ trợ cho trẻ có tư duy chọn ngành nghề sau này”.

2 nhà nghiên cứu Giovanni Sala và Fernand Gobet lưu ý, hiện chưa đủ chứng cứ để có thể đưa ra kết luận cuối cùng về những tác động tích cực của giáo dục âm nhạc đối với nhận thức hoặc các đặc điểm phi học thuật. Những lợi ích tiềm năng liên quan đến những hoạt động âm nhạc cần được nghiên cứu thêm.

Minh Huyền (biên dịch theo scitechdaily.com)

Tin xem nhiều