Hẹn gặp tác giả thơ Hà Phạm trong một buổi chiều dịu mát cạnh dòng Đồng Nai, bên tách trà thơm, người đàn ông tuổi trung niên đối diện tôi với gương mặt sáng, giọng nói mộc mạc, trầm ấm. Tôi vẫn nói vui với Hà Phạm rằng, giọng nói của anh giống như những câu thơ "thật thà" mỗi ngày đều đặn phải "ra lò".
Tác giả Hà Phạm |
Hẹn gặp tác giả thơ Hà Phạm trong một buổi chiều dịu mát cạnh dòng Đồng Nai, bên tách trà thơm, người đàn ông tuổi trung niên đối diện tôi với gương mặt sáng, giọng nói mộc mạc, trầm ấm. Tôi vẫn nói vui với Hà Phạm rằng, giọng nói của anh giống như những câu thơ “thật thà” mỗi ngày đều đặn phải “ra lò”. Anh cười hiền: “Anh đâu dám nhận”. Và câu chuyện văn thơ giữa chúng tôi bắt đầu từ những bài thơ vừa mới ra đời của anh.
* Chạm đến trái tim…
Hà Phạm cho biết anh rất yêu thơ và tập tành sáng tác thơ ca từ năm 15 tuổi. Nhiều năm nay, anh được biết đến bởi một giọng thơ lạ, khá ấn tượng với độc giả. Thơ của Hà Phạm được “cất giấu” trong các tập lưu bút, trong sổ tay ghi chép, ghi chú trên điện thoại và được giới thiệu rộng rãi đến bạn đọc trên mạng xã hội Zalo, Facebook...
Hà Phạm tên thật là Phạm Thanh Hà, sinh năm 1978, quê Nghệ An. Sau khi tốt nghiệp cử nhân Giáo dục chính trị của Trường đại học Sư phạm TP.HCM, anh tiếp tục tốt nghiệp Học viện Báo chí và tuyên truyền Khoa Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước, trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, hiện anh đang công tác tại Văn phòng Tỉnh ủy Đồng Nai. |
Giọng điệu lạ của thơ Hà Phạm nằm ở sự khác biệt bởi xúc cảm thơ luôn mới, thi tứ đẹp, ẩn chứa một cá tính khó trộn lẫn và những chiêm nghiệm sâu xa. Nhiều bài thơ như: Những đóa hoa bất tử, Đừng quên dấu chấm nhỏ, Khúc ca Côn Lôn… vừa chạm đến trái tim vừa mang ý nghĩa tuyên truyền, đề cao giá trị lịch sử, nhân văn. Điều đáng chú ý thơ của Hà Phạm là những dòng ngắn gọn, cô đọng nhưng ngập tràn cảm xúc, dễ hiểu và sau mỗi bài thơ đều ẩn chứa thông điệp mà anh gửi gắm. Đây là yếu tố quan trọng tạo ra sức hút đối với người đọc.
Ngoài những sáng tác theo lối thông thường, quen thuộc, thơ Hà Phạm thường có ý thức tìm tòi, thể hiện sáng tạo mới trong cả nội dung và hình thức. Ở đó, cách diễn đạt không còn đi vào khuôn khổ sáo mòn, cũ kỹ mà đưa người đọc đến với thị giác, với sự sắp đặt. Mạch thơ cứ thế tuôn ra, những câu thơ như một sự thể nghiệm mới. Và dù ở chủ đề nào thì thơ anh vẫn in đậm tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình và rộng hơn là tình yêu quê hương, đất nước.
* Làm thơ để sẻ chia
Mặc dù chưa có ý định xuất bản các tập thơ riêng cho mình nhưng Hà Phạm cho rằng, trong thời đại công nghệ số, thơ ca không bị mất đi vị trí và chức năng của mình. Thơ ca còn là “vũ khí” sắc bén để đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, bên cạnh chức năng giao tiếp, tuyên truyền và giáo dục. Anh thường nói vui: “Trại sáng tác của tôi chính là mạng xã hội”.
Hà Phạm không nhớ hết anh có bao nhiêu bài thơ, câu thơ trong hơn 20 năm sáng tác. Anh chỉ biết rằng, làm thơ là thú vui mỗi ngày, như cơm ăn, nước uống không thể tách rời. Anh tận dụng ưu thế công nghệ truyền thông, thường xuyên chia sẻ thơ và các bài viết mang tính thời sự “nóng hổi” trên các trang mạng xã hội. Mỗi một bài thơ của anh khi đăng tải thu hút hàng trăm lượt xem, chia sẻ và bình luận. Đây được xem là cách tiếp cận người đọc nhanh nhất và hiệu quả nhất.
Tác giả Hà Phạm cùng con gái ngâm thơ, tìm hiểu câu chuyện về tượng gỗ |
“Là người viết, tôi chỉ đơn giản là để cái tốt đẹp được lan tỏa, đồng thời cũng phải đẩy lùi những cái xấu, tiêu cực. Tôi cho rằng, các bài thơ gây được sự chú ý hiện nay là những tác phẩm có sự kết nối giữa tác giả, hiện thực và bạn đọc. Người làm thơ có thể đưa đến độc giả ngay tức khắc những ý tưởng của họ và nhận những phản hồi, chia sẻ nhanh chóng” - Hà Phạm chia sẻ.
Hỏi Hà Phạm về trách nhiệm của người làm thơ, đặc biệt là việc định hướng, tuyên truyền sao cho mềm mại, dễ đọc dễ hiểu, anh bộc bạch: “Thực ra đó là cả một câu chuyện dài nhưng tâm huyết, niềm tin là thứ cần được nuôi dưỡng. Tôi luôn phải đặt ra những câu hỏi cho chính mình, phải luôn luôn trăn trở với mình qua mỗi bài thơ”.
Ly Na
Chùm thơ của tác giả Hà Phạm
Em bận rồi
Em bận rồi!
chẳng còn rảnh rỗi đâu
tiếng máy may cứ rè rè bắt nhịp
những sợi chỉ đều đều liên tiếp
để bắt kịp guồng máy của công ty.
Em bận rồi!
chẳng hò hẹn được đâu anh
ngày ngày tăng ca thêm vài ba tiếng
để cuối tháng được một phần lương trách nhiệm
trả tiền phòng, điện, nước, uống, ăn...
Em bận rồi!
nên cuộc sống trôi nhanh
mải chìm đắm nên lỡ thì con gái
và tình yêu ơi em xin nhường lại
cho một đời vui với kiếp công nhân
Em bận rồi,
em bận lắm nhé anh..!
Những đóa hoa bất tử
Ngày 14 tháng 3,
nơi Trường Sa, diễn ra bản hùng ca bất khuất
Các anh đã ngã xuống vì chủ quyền biển đảo
Biển ôm trọn các anh vào lòng rỉ máu
Biển gầm lên muốn nuốt chửng lũ xâm lăng
Chúng chiếm đảo rồi còn chấm dứt cuộc sống của các anh
Ôi, Gạc Ma!
64 đóa hoa hóa vòng tròn bất tử
Các anh là chứng nhân lịch sử
Cho ngày sau mãi nhớ chiến công này.
Hoài cổ
Anh lật tung cả nắng vàng để tìm em
Mà thời gian đã cất giấu vào đâu trong lớp lớp trùng trùng sương gió
Không gian xưa âm thầm về lối nhỏ
Bên tách trà quyện mùi gỗ thơm hương
Về đây nghe em!
Về đây mặc áo the đi guốc mộc,
Về đây hít căng lồng ngực,
Về để nghe lại tiếng xưa thổn thức, để nhận ra hơi thở của nghìn năm!
Đừng quên dấu chấm nhỏ
Đừng quên dấu chấm nhỏ
Trên bản đồ Việt Nam
Bởi một phần máu thịt
Rất thiêng liêng tự hào
Đừng quên dấu chấm nhỏ
Giữa Trường Sa bao la
Hoàng Sa vẫn là nhà
Tổ quốc mình ở đó
Chỉ vài dấu chấm nhỏ
Với dân tộc phi thường
Của nghìn năm đất nước
Mới trân quý yêu thương
Đừng quên nhé máu xương
Cha ông mình đã đổ
Giữa bạt ngàn gian khổ
Cho chủ quyền quốc gia
Biển đảo mãi là nhà
Nên đừng quên bạn nhé !
Long Khánh hóa rồng
Khi mùa mưa vừa đến
Trái chín ôm đầy tay
Mùa cho ta quả ngọt
Nặng trĩu ân tình này
Cây hòa vào lòng đất
Chan chứa một niềm vui
Lòng người thêm chất ngất
Tình quê nồng men say
Thị xã nay đổi thay
Thành phố mới chung tay
Vui tươi và thịnh vượng
Long Khánh hóa rồng bay.