Báo Đồng Nai điện tử
En

Sức mạnh của gió

09:07, 03/07/2020

Từ nhiều thế kỷ trước, người xa xưa dùng cối xay gió để tận dụng sức gió phục vụ sản xuất và tạo ra điện. Và cũng từ sức gió,  ngày nay chúng ta có nguồn năng lượng xanh, sạch.

Từ nhiều thế kỷ trước, người xa xưa dùng cối xay gió để tận dụng sức gió phục vụ sản xuất và tạo ra điện. Và cũng từ sức gió,  ngày nay chúng ta có nguồn năng lượng xanh, sạch.

* Nguồn gốc cổ xưa

Một số trong nhiều cối xay gió lâu đời nhất trên thế giới vẫn còn hoạt động ở Nashtifan (Iran), được làm từ đất sét, rơm, gỗ và cao đến 20m; đón những cơn gió mạnh giúp người dân xay bột trong hàng trăm năm. Cục Di sản văn hóa của Iran đã công nhận các cối xay gió này là di sản quốc gia vào năm 2002.

* Vùng đất của cối xay gió

Những cối xay gió cổ ở châu Âu được thiết kế dựa trên kiểu mẫu của cối xay gió Ba Tư (tên gọi cũ của Iran), dùng để phát điện và bơm nước ra khỏi vùng đất trũng. Ngày nay vẫn còn khoảng 1 ngàn cối xay gió ở Hà Lan, và trở thành biểu tượng của quốc gia này. Cánh quạt của cối xay gió có thể được sử dụng để truyền tải các thông điệp như niềm vui, nỗi buồn trong gia đình hoặc khoảng thời gian không hoạt động của cối xay gió.

* Dẫn đầu trong việc tái tạo

Tua bin gió hiện đại được sử dụng trên khắp thế giới để cung cấp nguồn năng lượng bền vững, sạch như ở Palm Springs, California (Mỹ). Điện gió là nguồn năng lượng tái tạo lớn nhất ở Mỹ, cung cấp hơn 7% điện vào năm 2019. Tại Liên minh châu Âu, chủ yếu là các nước: Đức, Tây Ban Nha, Anh, Pháp và Ý, điện gió chiếm khoảng 15% tổng sản lượng điện.

* Tạo ra điện

Tua bin gió không chỉ giới hạn ở những vùng đất trống, lộng gió và bờ biển. Các công trình kiến trúc hiện đại đã bắt đầu được xây dựng kèm theo tua bin gió như một cách thay thế để tạo ra điện, ý tưởng này chưa được phổ biến rộng rãi. Tòa tháp Strata ở London (Anh) được đưa vào sử dụng năm 2010, là tòa nhà đầu tiên trên thế giới tích hợp tua bin gió, giải quyết 8% nhu cầu điện.

* Tua bin gió nổi

Tua bin gió nổi đã được thử nghiệm trên một hồ nước nhỏ ở bang Lower Saxony (Đức) vào tháng 4-2020, có thể sẽ xuất hiện trên bờ biển châu Âu trong những năm tới. Nó được neo giữ cố định bằng dây dưới đáy biển, tốt hơn neo bằng khung thép, giảm chi phí và cho phép sử dụng trong vùng nước sâu 100m. Công ty Năng lượng EnBW và Aerodyn Engineering thực hiện dự án này.

* “Cây” tua bin

Tua bin gió nhỏ thường không đắt, nhưng “cây” tua bin Wind Tree của Công ty Công nghệ xanh NewWind (Pháp) được sản xuất vào năm 2015, có giá gần 50 ngàn euro. Sản phẩm được thiết kế bằng các tua bin nhỏ hình chiếc lá, trong đó một số tua bin được gắn pin mặt trời, không cần nhiều gió để tạo ra điện, đáp ứng khoảng 80% nhu cầu điện trung bình của một hộ gia đình.

* Tạo niềm vui

Tuổi thọ trung bình của tua bin gió là khoảng 20-25 năm, sau đó được xử lý bằng cách chôn lấp. Cánh quạt của nó dài hơn cánh máy bay Boeing 747, được chế tạo từ vật liệu chịu lực làm bằng sợi thủy tinh và nhựa, khó tái chế. Một khu vui chơi ở Rotterdam (Hà Lan) đã dùng ít nhất 5 cánh quạt của tua bin tạo ra một công trình leo núi giống như mê cung có các đường trượt và lưới leo núi.

 Minh Hồng (biên dịch theo dw.com)

Tin xem nhiều