Trên đường đi học về, một cậu bé là học sinh lớp 6 ở H.Long Thành bất ngờ dừng lại, dựng xe đạp bên đường rồi cúi xuống nhặt rác đang phủ trên miệng cống thoát nước. Sau khi miệng cống này sạch sẽ, em lên xe tới vị trí khác... Cứ thế, suốt đoạn đường dài trở về nhà mình, em nhặt hết rác thải trên các nắp cống vì lo lắng rác gây nghẹt cống, ngập đường, ảnh hưởng đến môi trường và giao thông.
Trên đường đi học về, một cậu bé là học sinh lớp 6 ở H.Long Thành bất ngờ dừng lại, dựng xe đạp bên đường rồi cúi xuống nhặt rác đang phủ trên miệng cống thoát nước. Sau khi miệng cống này sạch sẽ, em lên xe tới vị trí khác... Cứ thế, suốt đoạn đường dài trở về nhà mình, em nhặt hết rác thải trên các nắp cống vì lo lắng rác gây nghẹt cống, ngập đường, ảnh hưởng đến môi trường và giao thông. Hành động đẹp của em được camera của người dân ven đường ghi lại đưa lên mạng xã hội và được cộng đồng mạng nhanh chóng chia sẻ. Chỉ trong một thời gian ngắn, clip này đã thu hút rất nhiều bình luận bày tỏ sự ngưỡng mộ, tán dương của “cư dân” mạng.
Cậu bé ấy tên là Phạm Trọng Đạt, học lớp 6/1 Trường THCS Long An, hiện sống cùng với ông bà ngoại tại xã Long An (H.Long Thành). Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng Đạt rất chăm chỉ học hành, sống lạc quan vui vẻ, hòa đồng với bạn bè. Vì xa cha mẹ ngay từ nhỏ, sống với ông bà nay đã già yếu nên Đạt khá tự lập. Ở nhà em thường phụ giúp ông bà nhiều việc. Tuy còn nhỏ nhưng em có thể tự mày mò sửa chữa các đồ dùng trong gia đình để ông bà không phải tốn tiền mua mới. Ở trường có các buổi lao động hay hoạt động ngoại khóa về môi trường, Đạt tham gia rất nhiệt tình. Em không bao giờ nề hà việc khó, việc nặng hay so sánh với các bạn.
Sau khi câu chuyện lan tỏa trên mạng xã hội, nhà trường cũng như các bạn học sinh rất tự hào về em. Chia sẻ câu chuyện của mình trước buổi chào cờ đầu tuần ngày 22-6, Đạt bẽn lẽn: “Em thấy nước không chảy được nên móc sạch rác cho nước chảy. Chuyện chỉ có vậy thôi. Em cảm ơn mọi người đã quan tâm và hứa sẽ làm những việc có ích cho xã hội”.
Hình ảnh cậu học trò không mũ nón, áo mưa lặng lẽ nhặt rác ở các miệng cống trên đường khiến ai xem qua cũng không khỏi xúc động. Vì mọi người biết chắc chắn, việc làm của Đạt là tự nguyện, làm một việc mà không đợi ai khen ngợi. Hành động đẹp, giản dị của em đã thực sự “chạm” đến trái tim của nhiều người. Bởi một việc tuy nhỏ, đơn giản nhưng không phải ai nhìn thấy, cũng sẵn sàng xắn tay vào làm.
Điều này trả lời cho câu hỏi, vì sao dư luận và cộng đồng mạng thời gian qua lại dành sự quan tâm đặc biệt đến câu chuyện cậu bé khơi rác thông miệng cống thoát nước. Giữa những thông tin ngồn ngộn trên mạng xã hội với những tin xấu đang được khai thác triệt để thì hành động của em quả thật đã có sức lay động lòng người và góp phần truyền đi những thông điệp đẹp, tích cực để bảo vệ môi trường. Mỗi người hành động vì cộng đồng một chút, ý thức hơn một chút, chắc rằng môi trường sẽ trong sạch hơn, cuộc sống sẽ tươi đẹp hơn.
Câu chuyện về cậu học trò Phạm Trọng Đạt khiến nhiều người nhớ lại hình ảnh vào năm học trước, 2 em Đinh Thị Anh Thư và Trần Hoàng Nam, học sinh lớp 4/1 Trường tiểu học Lam Sơn (xã Thanh Sơn, H.Định Quán) trên đường đi học về nhặt được chiếc ví bên trong có 7 triệu đồng rồi trả lại người mất. Hay em Vũ Thị Huyền Trang, học sinh lớp 7/9 Trường THCS Trảng Dài (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) tình cờ nhặt được số tiền 10 triệu đồng đã một mình đến Công an P.Trảng Dài trao lại số tiền nói trên cho công an nhờ tìm người đánh rơi để trao lại.
Các em làm những việc tốt một cách bản năng, tự nhiên giống như những bài học đạo đức ai cũng được dạy từ lúc còn nhỏ về sự tử tế, lòng trung thực, nhặt được của rơi hãy trả lại người đánh mất, lễ phép với người lớn, biết nhận lỗi và sửa sai, biết nói lời cảm ơn, sẻ chia với người khác trong lúc khó khăn.
Thực tế cho thấy, những việc làm, hành động trên xuất phát từ thói quen, thái độ tích cực và lành mạnh của mỗi học sinh. Đây cũng là một phần của kỹ năng “mềm” thể hiện lối sống, giao tiếp, ứng xử có trách nhiệm với cộng đồng. Qua đó, từng bước hoàn thiện nhân cách và định hướng phát triển bản thân tốt hơn dựa trên nền tảng giá trị sống mà toàn xã hội đang xây dựng. Vì thế, những “kỹ năng” này phải được rèn luyện thường xuyên từ trong chính mỗi gia đình thì mới tạo thói quen và dần hình thành nhân cách tốt cho các em.
Cũng như cây xanh, không thể lớn nhanh như thổi trong ngày một ngày hai, để lòng tốt của một đứa trẻ phát triển thành nhân cách đẹp cũng cần nhiều thời gian để “vun trồng” bằng sự hướng dẫn, chăm sóc, dạy dỗ của gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, chính “cái nôi” gia đình là nơi trực tiếp nuôi dưỡng những “mầm xanh” với sự quan tâm, dạy dỗ và nêu gương của các thành viên trong gia đình bằng những việc làm, hành động cụ thể. Đó mới là bài học thực tế, có giá trị và ý nghĩa nhất.
Hải Dương