Mưu sinh nơi vùng đất mới cách đây hơn 3 thế kỷ, các thế hệ tiền nhân đã hy sinh rất nhiều công sức để tồn tại trước bao thử thách, khó khăn từ nhiều phía. Xứ sở của Đồng Nai xưa đất rộng người thưa, rừng núi bạt ngàn đầy "lam sơn chướng khí", "con chim kêu phải sợ, con cá vùng phải kinh" không hề dễ dàng để lập làng, phát rừng, đốt rẫy, cậy vào sông nước mà sống.
Mưu sinh nơi vùng đất mới cách đây hơn 3 thế kỷ, các thế hệ tiền nhân đã hy sinh rất nhiều công sức để tồn tại trước bao thử thách, khó khăn từ nhiều phía. Xứ sở của Đồng Nai xưa đất rộng người thưa, rừng núi bạt ngàn đầy “lam sơn chướng khí”, “con chim kêu phải sợ, con cá vùng phải kinh” không hề dễ dàng để lập làng, phát rừng, đốt rẫy, cậy vào sông nước mà sống. Nhưng lần hồi thích ứng nơi đất mới, cha ông nhiều đời khai khẩn đã biến vùng “đất lạ” thành “đất quen” sau quê gốc tận miền Ngũ Quảng.
Bày trí trong gian nhà chính được xếp hạng di tích năm 2005. |
Chính đó là cơ sở “dân làng đi trước, làng nước theo sau” làm cơ sở cho chúa Nguyễn trong chính sách hướng Nam đặt nền móng hành chính để quản lý. Thuở xưa, khi khó khăn chất chồng, nhiều thứ được khởi dựng khá tạm bợ để duy trì sự bình an trong sinh tồn, đến khi “bén rễ, xanh cây” thì cha ông chú tâm đến sự ổn định để phát triển. Thôn, làng, ấp, xã phát triển rồi mạnh lên, chia ra cùng với sự gia tăng dân số, những thế hệ tiền nhân đã xây dựng nhà cửa ổn định để “an cư lạc nghiệp”.
* Ký ức sống động của cha ông
Trong những di sản của tiền nhân, nhà cửa là loại hình kiến trúc mang ký ức rất lớn về thế hệ cha ông. Công tác kiểm kê di sản của Đồng Nai cho thấy, hiện còn hàng trăm nhà cổ khá độc đáo ở Đồng Nai, đặc biệt, vùng ven sông Đồng Nai từ miệt Vĩnh Cửu đến Nhơn Trạch. Nhiều nhà cổ là chứng tích của những nơi lập làng ổn định xưa, gắn với sự phát triển của cộng đồng cư dân qua nhiều thời kỳ. Công trình nghiên cứu với sự hợp tác của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho thấy sự đa dạng của nhà cổ ở Đồng Nai về kiến trúc, quy mô… Trên góc độ tiếp cận, các nhà nghiên cứu phân ra từng loại nhà cổ. Dựa trên kỹ thuật xây dựng, loại nhà tre gỗ có các dạng thức nhà xông, nhà chái; nhà gạch gỗ gồm các dạng thức nhà cặp, nhà xông, nhà chái, nhà rường, nhà rọi…; theo mặt bằng kiến trúc, có các dạng thức nhà theo lối chữ nhất, chữ nhị (sắp đọi), chữ đinh, chữ công…
Hầu hết, những ngôi nhà cổ trên đất Đồng Nai được xây dựng trong khoảng thời gian từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, được làm bằng những loại gỗ tốt với kiểu thức ba gian hai chái, nhà rường, nhà rọi - dạng thức nhà cổ vùng Nam bộ, gắn với những gia đình, dòng họ danh gia, giàu có. Danh sách nhà cổ hiện khá nhiều, dù có những đổi thay qua các đợt tôn tạo, mở rộng nhưng vẫn giữ được những nét cổ kính như nhà hội đồng Nguyễn Văn Lộ (năm 1891), nhà bà Nguyễn Bạch Liên (năm 1895), từ đường họ Tống Đình (năm 1897, cù lao Phố), nhà ông Nguyễn Văn Thôn (đầu thế kỷ XX, Bửu Hòa, Biên Hòa), nhà ông Trần Ngọc Du (Tân Vạn, Biên Hòa), từ đường họ Đào (cuối thế kỷ XIX, Phú Hội, Nhơn Trạch), nhà ông Nguyễn Văn Hảo (1914, Thạnh Phú, Vĩnh Cửu)…
Bức hoành phi Đức lưu quang trong nhà ông Trần Ngọc Du (P.Tân Vạn, Biên Hòa) |
Nhà cổ không chỉ là nơi cư trú mà còn là công trình nghệ thuật, mỹ thuật độc đáo theo ý niệm của gia chủ trong chủ đích xây dựng cùng sự thể hiện của những người thợ tài hoa. Sự thịnh vượng của gia chủ thể hiện qua việc làm nhà lớn, gỗ quý, mái ngói, nền gạch, vật dụng đắt tiền và mời những nhóm thợ giỏi danh tiếng với tiền công cao. Những nhà cổ Đồng Nai được các nhóm thợ tại địa phương, thợ xứ Quảng, xứ Huế, xứ Thủ (Thủ Dầu Một) thực hiện. Mỗi nhà được làm với kết cấu kiến trúc phổ quát, những lễ nghi, kiêng kỵ chung nhưng vẫn có nét riêng độc đáo thể hiện qua kỹ thuật, nội dung chạm trổ và các vật dụng trang trí. Có thể nói, những dấu ấn kiến trúc nhà ở của người Việt cổ, đặc biệt là bộ khung kiến trúc được lưu giữ, bảo tồn trên đất Đồng Nai. Sau này, một số nhà cổ ở Đồng Nai tiếp thu kiến trúc phương Tây. Vẫn bộ khung của kiến trúc gỗ nhưng nhiều nhà đã áp dụng tường gạch, hàng cột tròn, vòm cửa, đầu cột và tường đắp nổi hoa văn, phù điêu, cửa lá sách, gạch bông… Những nhà cổ theo kiểu Tây này đã thể hiện sự linh hoạt, giao thoa trong tiếp thu văn hóa, làm đa dạng kiến trúc nhà ở Đồng Nai.
Những ngôi nhà xưa bề thế ở Đồng Nai được đặt trong không gian vườn cây rộng, với địa thế được chọn lựa kỹ càng. Mỗi không gian trong nhà được bố trí, bài trí kỹ càng theo quan niệm của cha ông về truyền thống văn hóa (tín ngưỡng, đạo đức, tôn ti dòng họ…): nơi thờ tự, tiếp khách, sinh hoạt. Những vật dụng trong nhà được bài trí (tủ, bàn, bộ ngựa…), những mảng trang trí trên bộ khung kiến trúc (kèo cột, lá dung, bao lam, khám thờ, tranh, chữ…), hoành phi, liễn đối được chế tác, điêu khắc công phu, cẩn xà cừ, khéo léo phản ánh một thời về nghề thủ công độc đáo của thế hệ tiền nhân.
* Ẩn ý trao truyền cho con cháu
Nhà ở không chỉ đơn thuần là nơi cư trú mà còn ẩn chứa những khát vọng, mong ước của thế hệ đương thời và cho con cháu mai sau. Các thế hệ cha ông cũng răn mình giữ lấy truyền thống đạo lý qua việc tôn kính tổ tiên, nhắc nhớ đến những người trong dòng họ. Đạo nghĩa được truyền trao cho con cháu qua những hoành phi, liễn đối trong nhà đầy tính nhân văn. Thành viên của dòng họ, gia đình khi đến từ đường, biết được cái gốc tích của cha ông, truyền thông gia tộc, điều mong muốn của thế hệ đi trước. Những nội dung giáo huấn qua hoành phi liễn đối trong nhà cổ được viết bằng chữ Hán khá nhiều nên thế hệ sau này ít biết được ngữ nghĩa nếu không được giải nghĩa tường tận.
Nhà cổ là nơi lưu giữ lịch sử của gia chủ, của dòng họ vừa có tính chất cá nhân vừa có tính chất của xã hội đặt trong bối cảnh của lịch sử và sự kế thừa của thế hệ. Đó chính là những trang sử và di sản của cha ông cho đời sau, không đơn thuần là kiến trúc hiện tồn mà còn là tấm gương, giáo huấn về truyền thống, đạo lý của người Việt Nam. Tư liệu kiểm kê lưu tại Bảo tàng Đồng Nai cho thấy còn 401 nhà cổ ở Đồng Nai. Qua thời cuộc với những dịch chuyển, đổi thay, những khởi dựng của cha ông trên vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai cũng thay đổi nhiều, cái còn, cái mất. Tuy nhiên, di sản của cha ông vẫn còn đó, nối mạch cho các thế hệ kế thừa, vừa định hình trong những di sản văn hóa vật thể vừa bàng bạc trong dòng chảy đời sống tinh thần. Những giá trị của di sản văn hóa này cần được bảo tồn và phát huy hợp lý để đem lại hữu ích cho cộng đồng. |
Một trong những câu đối còn lưu giữ khá nhiều ở khám thờ trong nhà cổ về truyền thống ghi nhớ công ơn tổ tiên: “Đức thừa tiên tổ thiên niên thịnh, Phúc ấm nhi tôn bách thế gia/Tổ tiên công đức ngàn năm thịnh, Con cháu nhờ ơn vạn đại vinh” hay câu đối nhắc con cháu kế tục giềng mối của ông bà “Tôn vạn cổ thành hiền lễ lạc; Tự nhất gia thế đại nguyên lưu/ Làm theo cái cổ xưa là chăm chăm lo đến lễ lạc thánh hiền; Việc tế tự trong gia đình muôn đời phải kế tục”.
Các nhà thờ dòng họ tuy quy mô, kiến trúc, bài trí có khác nhưng cũng đều để lại những điều hay ý đẹp đối với thế hệ kế thừa. Từ đường họ Nguyễn (nhà ông Nguyễn Văn Ân, P.Thống Nhất) có các hoành phi đại tự trong từng gian: “Đức lưu phương/ Đức của dòng tộc mãi lưu danh thơm; “Chủ trung tín/ Cốt giữ lấy đức trung và tín”; “Thân hiếu để/ Duy trì đạo hiếu và thuận thảo”. Nhà bà Nguyễn Thị Hòa (P.Hiệp Hòa) có liễn đối mong muốn con cháu nhớ ơn của tổ tiên mà duy trì, hành thiện, tích đức, giữ lấy cơ nghiệp: “Sáng nghiệp duy gian tổ phụ bị đương tân khổ; Thủ thành bất dị tử tôn nghi giới xa hoa/ Mở mang cơ nghiệp là khó, ông bà chịu đủ nhiều điều cay đắng, Giữ lấy làm nên không dễ, cháu con nên phải chớ xa hoa”. Những giáo huấn đạo đức để trở thành người tốt trong gia đình, xã hội từ nề nếp gia phong: “Do nghĩa cư nhân xử thế hiểu xuất duy đạo lý; Khắc kỷ phục lễ chính gia sở trọng giả cương thường/ Ăn ở có nhân, xử thế phải chú trọng ở đạo đức; Sống phải khắt khe tuân thủ lễ nghĩa gia tộc vốn có nề nếp từ xưa” (nhà ông Phan Văn Cải, xã Hiệp Phước).
Nhiều mảng đề tài được trang trí qua nghệ thuật chạm, điêu khắc trong nhà cổ cũng là ẩn ý của ông bà truyền trao cho thế hệ con cháu như qua hình ảnh tam đa “Phúc, Lộc, Thọ” bằng chữ, tượng, tranh. Những mảng chạm khắc liên hoàn dây hoa lá, trái cây đan xen nhau nhắc về giềng mối dòng họ, gắn kết, liên tục và mong ước trường tồn. Nhiều nội dung trong điển tích, truyện xưa, đồ án biểu tượng hàm nghĩa về tốt lành được trang trí qua nghệ thuật như bài thơ cẩn xà cừ, các loài hoa, loài cây, loài chim (mai, lan, cúc, trúc; cúc - trĩ; cúc - trúc; phù dung - điệp; lựu - đào, cúc - thư; tùng - điểu, dơi, cá…) thể hiện sự mong ước an lành, sung túc, thanh cao, phú quý, trường thọ…
Phan Đình Dũng