Thời gian gần đây, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam đã cơ bản được đẩy lùi, hoạt động sáng tác và biểu diễn văn học - nghệ thuật (VHNT) trên địa bàn tỉnh đã trở lại, sôi động hơn, thu hút được đông đảo người dân tham gia. Đối với văn nghệ sĩ, nguồn cảm hứng lớn hầu như xuất phát từ những chuyến đi thực tế sáng tác, đưa hơi thở cuộc sống vào tác phẩm.
Thời gian gần đây, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam đã cơ bản được đẩy lùi, hoạt động sáng tác và biểu diễn văn học - nghệ thuật (VHNT) trên địa bàn tỉnh đã trở lại, sôi động hơn, thu hút được đông đảo người dân tham gia. Đối với văn nghệ sĩ, nguồn cảm hứng lớn hầu như xuất phát từ những chuyến đi thực tế sáng tác, đưa hơi thở cuộc sống vào tác phẩm.
Văn nghệ sĩ Đồng Nai tham gia trại sáng tác về biển đảo tại Bạc Liêu |
Văn nghệ sĩ không chỉ đi để khơi nguồn sáng tạo mà còn đi để giao lưu, chia sẻ, trao đổi chuyên môn, truyền lửa cho nhau… Từ trại sáng tác, những tác phẩm VHNT mới ra đời, lan tỏa trong cộng đồng, qua đó gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp cho hôm nay và mai sau.
* Cơ hội quý…
Với văn nghệ sĩ, sáng tạo là một trong những nhu cầu thiết yếu, như thức ăn, nước uống hằng ngày. Có nhiều người không cần đi thực tế mà ở tại nhà họ vẫn có thể sáng tác, thậm chí có những tác phẩm xuất sắc. Tuy nhiên, không phải bất cứ ai cũng có được những giây phút xuất thần để thăng hoa như thế. Và để có được những tác phẩm hay, văn nghệ sĩ cần phải trải nghiệm thực tế, đi nhiều, viết nhiều, mở rộng tầm nhìn. Đó có thể là rung động trước cảnh sắc thiên nhiên; vẻ đẹp của thiếu nữ thôn quê hay khung cảnh của vùng quê thay da đổi thịt từ khi xây nông thôn mới... Những khoảnh khắc đó đã truyền cảm hứng vào hàng trăm tác phẩm VHNT mới.
Gần đây, Hội VHNT Đồng Nai đã tổ chức nhiều trại sáng tác có chủ đề gần gũi với đời sống con người giúp văn nghệ sĩ được cọ xát, đi vào những góc khuất của đời sống. Chẳng hạn như, trại sáng tác trẻ; trại sáng tác đề tài văn nghệ sĩ với người lính, biển đảo và quê hương đất nước; hay trại sáng tác nông thôn mới Đồng Nai năm 2020… Dù cho ở đề tài nào, các văn nghệ sĩ cũng đi sâu vào phản ánh đời sống của người lao động, họ là nông dân, công nhân, người lính; thành tựu trong xây dựng nông thôn mới của Đồng Nai, những tấm gương người tốt - việc tốt. Các chuyến đi đã bổ sung rất nhiều kiến thức, cảm xúc và tư liệu nóng hổi cho văn nghệ sĩ tỉnh nhà.
Biển đảo Việt Nam qua tranh ghép gốm của họa sĩ Đào Tấn Hưng. Ảnh: My Ny |
Trong số những tác phẩm có giá trị nghệ thuật và đoạt giải thưởng cao của mình, nhạc sĩ Cao Hồng Sơn nói rằng, nhiều tác phẩm “thai nghén” từ những trại sáng tác VHNT do Hội VHNT của tỉnh, của Trung ương tổ chức. Các tác phẩm tiêu biểu của nhạc sĩ có thể kể đến như: Tổ quốc và người lính, Hát Quốc ca giữa đảo Trường Sa, Những chàng trai của biển, Về hội chùa quê, Nhơn Trạch tình đất tình người…
“Đi trại là một trong những sinh hoạt để văn nghệ sĩ cùng nhau thâm nhập thực tế, chia sẻ kinh nghiệm từ đó “tạo lửa” cho tác phẩm. Đối với riêng tôi, tôi luôn tự đặt ra câu hỏi, đi trại với mục đích gì? Thu được kết quả gì? Do đó, dù tâm thế mỗi chuyến đi là rất phấn khởi nhưng đầu tôi vẫn luôn “nặng trĩu” ý tưởng và cảm hứng sáng tạo” - nhạc sĩ Cao Hồng Sơn chia sẻ.
Đối với lực lượng sáng tác trẻ, cứ mỗi dịp hè về, Hội VHNT tổ chức trại trẻ dành cho lứa tuổi dưới 35; đồng thời thường xuyên phối hợp với Nhà Thiếu nhi Đồng Nai, Tỉnh đoàn, Sở
GD-ĐT tổ chức các trại sáng tác Thơ văn tuổi học trò tỉnh Đồng Nai. Các trại này đã thu hút đông đảo học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh có năng khiếu tham gia. Theo nhà thơ Đàm Chu Văn, điều đáng ghi nhận là sau mỗi trại sáng tác, các em đều có cái nhìn sâu sắc, toàn diện và mới mẻ hơn về chân dung cuộc sống cũng như các khía cạnh của xã hội. Từ đó, các em tạo ra những tác phẩm hay, đặc sắc, phù hợp với trình độ, lứa tuổi của mình.
Từng tham gia nhiều trại sáng tác trẻ, tác giả Lê Phan Hiếu Anh (sinh viên năm 3 Trường đại học Văn hóa TP.HCM) cho biết, đi thực tế sáng tác cùng các văn nghệ sĩ là những nhà thơ, nhà văn uy tín và có tiếng trong làng văn chương Đồng Nai là cơ hội để các trại viên được trải nghiệm và học hỏi. “Mỗi chuyến đi trại thường kéo dài vài ngày, tôi gặp gỡ, giao lưu với nhiều bạn bè mới, đồng thời được nghe thầy cô góp ý, chỉnh sửa nâng cao chất lượng tác phẩm. Từ sự góp ý nghiêm túc, cởi mở và tận tình ấy đã giúp tôi có cảm hứng sáng tác, có cái nhìn đa chiều để viết hay, mới hơn, hấp dẫn hơn” - Hiếu Anh bày tỏ.
* Trách nhiệm của văn nghệ sĩ…
Đi trại là để trải nghiệm và sáng tác những tác phẩm nghệ thuật mới. Tuy nhiên, không phải bất cứ ai cũng lao động nghệ thuật nghiêm túc trong các trại. Không ít người lại xem trại sáng tác là nơi “đổi gió”, ngắm cảnh, thưởng ngoạn cuộc sống. Cũng bởi suy nghĩ, trại sáng tác chỉ là nơi “đổi gió” nên nhiều tác phẩm sau trại thiếu đi chiều sâu, chất lượng và giá trị nghệ thuật chưa cao, do đó chưa đáp ứng được nhu cầu của công chúng hôm nay. Điều này vô hình trung gây lãng phí thời gian, tiền bạc và công sức...
Họa sĩ Đào Tấn Hưng cho biết, không chỉ hội viên Ban Mỹ thuật mà các ban như: Văn học, Sân khấu, Nhiếp ảnh, âm nhạc… đều có ý thức và trách nhiệm trước mỗi chuyến đi. “Mỗi lần đi trại là một lần khó bởi chúng tôi phải sắp xếp thời gian, công việc gia đình. Ai nấy đều phải tranh thủ thời gian sáng tác ngay, nhờ bạn bè đóng góp ý kiến, hoàn thiện tác phẩm. Chúng tôi hiểu trách nhiệm của bản thân mình khi sáng tạo bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào. Chúng tôi mong sẽ có thêm nhiều chuyến đi, nhất là đến các tỉnh, thành trong và ngoài khu vực để có thêm cảm hứng về vẻ đẹp quê hương, con người Việt Nam” - họa sĩ Tấn Hưng nói.
Theo Phó chủ tịch thường trực Hội VHNT tỉnh Hoàng Ngọc Điệp, sau thời gian nghỉ do dịch Covid-19, các hoạt động của Hội VHNT đã và đang được tổ chức. Văn nghệ sĩ đã và đang tiếp tục hành trình “dấn thân”, nhập cuộc với những sự kiện lớn đang diễn ra ở trong và ngoài tỉnh với tất cả những mặt thuận lợi và khó khăn. Các trại sáng tác VHNT được Hội tổ chức thường xuyên và nhiều trại thu được kết quả cao. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa chất lượng trại, vẫn phụ thuộc rất nhiều vào ý thức, trách nhiệm và tài năng của mỗi người.
“Tôi vẫn tin rằng, mỗi trại sáng tác là một cuộc trở về của văn nghệ sĩ với vùng đất xứ Đồng Nai. Và càng tin hơn là sẽ xuất hiện những con người, những cuộc đời mới qua những trang viết, những bức ảnh, những ca khúc… giàu cảm xúc, nhân văn. Tôi tin, bức tranh về hiện thực tươi mới, sống động của con người và vùng đất Đồng Nai sẽ luôn là niềm cảm hứng bất tận cho văn nghệ sĩ” - bà Hoàng Ngọc Điệp nhấn mạnh.
Từ nay đến hết tháng 8-2020, Hội VHNT Đồng Nai tổ chức 2 trại sáng tác VHNT Xây dựng nông thôn mới Đồng Nai và trại Văn nghệ sĩ với người lính, biển đảo quê hương, đất nước tại Đà Nẵng. Những chuyến đi hứa hẹn sẽ mang đến cho văn nghệ sĩ Đồng Nai những tác phẩm nghệ thuật ấn tượng, đoạt giải cao trong các cuộc thi, liên hoan của tỉnh và toàn quốc. Qua đó, lan tỏa giá trị văn hóa trong cộng đồng dân cư. |
My Ny