Báo Đồng Nai điện tử
En

Độc đáo ẩm thực xứ Đồng Nai

09:07, 03/07/2020

Không chỉ nổi tiếng với những địa danh văn hóa, ẩm thực xứ Đồng Nai mang trong mình nét đặc trưng văn hóa và cả lịch sử của vùng đất, con người nơi đây. Biết bao sách báo đã ngợi ca về sự đặc biệt của ẩm thực Đồng Nai, thứ "đặc sản" níu chân du khách gần xa.

Không chỉ nổi tiếng với những địa danh văn hóa, ẩm thực xứ Đồng Nai mang trong mình nét đặc trưng văn hóa và cả lịch sử của vùng đất, con người nơi đây. Biết bao sách báo đã ngợi ca về sự đặc biệt của ẩm thực Đồng Nai, thứ “đặc sản” níu chân du khách gần xa.

1B.jpg
Chị Trần Thị Thu Trang, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đồng Nai giới thiệu đặc sản chè bưởi của quê hương Đồng Nai
đến với du khách gần xa khi tham dự Liên hoan ẩm thực Đồng Nai năm 2019. Ảnh: VIETKINGS

 

Ngày nay, ẩm thực xứ Đồng Nai đã có sự giao lưu, tiếp biến để không chỉ phục vụ những người đang sinh sống trên mảnh đất này, mà dần trở thành một phần không thể thiếu trong bức tranh ẩm thực nhiều màu sắc của dân tộc.

* Đặc trưng văn hóa ẩm thực

Theo Địa chí Đồng Nai, trong dân gian không rõ tự bao giờ tên gọi Đồng Nai được dùng để chỉ vùng đất khai phá trù phú, rộng lớn, không phân định rõ địa giới, gắn liền với con sông cùng tên gọi ở phương Nam. Theo Đại Nam thực lục tiền biên, vào tháng 2 năm Mậu Dần (1968), chúa Nguyễn Phúc Chu phong Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống suất, cử vào kinh lược xứ Đồng Nai. Nguyễn Hữu Cảnh theo đường biển, đi ngược dòng Đồng Nai đến Cù lao Phố, ra sức ổn định dân tình, hoạch định xóm làng, lấy đất Nông Nại đặt làm Gia Định phủ, lập xứ Đồng Nai làm H.Phước Long, dựng dinh Trấn Biên; lấy đất Sài Gòn làm H.Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn.

Nói về sản vật của Đồng Nai, danh nhân văn hóa Trịnh Hoài Đức đã sử dụng phương ngôn dân gian trong Gia Định thành thông chí: Cơm Nai Rịa, cá Rí Rang (cơm gạo thì ở Đồng Nai, Bà Rịa; cá ngon thì ở Phan Rí, Phan Rang). Người Đồng Nai luôn tự hào “Gạo Cần Đước, nước Đồng Nai”; “Đồng Nai gạo trắng nước trong/ Ai đi đến đó lòng không muốn về/ Đồng Nai gạo trắng như cò/ Trốn cha trốn mẹ xuống đò theo anh”. Có khi, đặc sản ẩm thực của xứ Đồng Nai trở thành những câu hát vui trong dân gian: “Đồn rằng con gái Phú Yên/ Đồng Nai đi cưới một thiên cá mòi/ Chẳng tin giở quả ra coi/ Rau răm ở dưới cá mòi ở trên… Chị Hươu đi chợ Đồng Nai/ Bước qua Bến Nghé còn nhai thịt bò”.

Người Đồng Nai có thói quen ăn 3 bữa trong ngày. Bữa ăn với các món như: cháo đậu ăn với cá lóc kho tiêu, canh bầu nấu với cá trê vàng, cháo đậu nước cốt dừa, mắm đồng chưng trứng, canh khổ qua nhồi thịt, cơm trắng, canh chua cá lóc… Về mặt kỹ thuật chế biến món ăn của người Đồng Nai cũng khá cầu kỳ, nhiều kiểu cách. Chẳng hạn như món gỏi, thông thường là món trộn nhiều loại rau với thịt gà, vịt hoặc tôm, cá. Người Đồng Nai thích ăn gà trộn gỏi (gà xé phay) với vị chua của chanh, vị cay của tiêu ớt, vị nồng của rau răm, vị giòn tươi của bắp chuối, vị ngọt của gà tơ; hay các món cua, tôm, ghẹ rang me, rang muối là đặc sản của vùng ven sông rạch.

Hầu như các món ngon trứ danh của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai nổi tiếng gần xa được chế biến từ nguyên vật liệu đơn giản. Có thể kể đến các món ăn từ bưởi: như rượu bưởi, chè bưởi, gỏi bưởi, nem bưởi (H.Vĩnh Cửu); chem chép, sò huyết Phước An, trà Phú Hội (H.Nhơn Trạch); gỏi cá Tân Mai, xôi chiên phồng ăn với gà nướng, hến Cù lao Phố (TP.Biên Hòa)...  Người sành ăn ở Đồng Nai và các tỉnh, thành lân cận thường hay hò hẹn hoặc đưa gia đình, bạn bè cuối tuần về Biên Hòa thưởng thức xôi chiên phồng, ăn bánh canh đầu cá, nem nướng, gỏi bưởi, gỏi cá. Khi về, họ không quên mua thêm vài chiếc bánh phồng để làm quà.


Xôi chiên phồng, đặc sản ẩm thực Đồng Nai. Ảnh: TTXTDL Đồng Nai
Xôi chiên phồng, đặc sản ẩm thực Đồng Nai. Ảnh: TTXTDL Đồng Nai

Bên cạnh đó, những món ăn mang hương vị núi rừng, thể hiện nét văn hóa, phong tục tập quán, nếp sống của cộng đồng các dân tộc cũng rất được người dân và du khách quan tâm. Đó là rượu cần, cơm lam; là thịt nướng gói lá/nướng xiên; là rau rừng, nộm chua chát, măng đắng luộc, canh chua cá lăng… Tuy được chế biến đơn giản, hình thức mộc mạc và lạ vị nhưng vẫn luôn mang đến một đặc trưng riêng khiến cho bất cứ ai khi thưởng thức đều không thể nào quên.

* Giao lưu và tiếp biến

Nhà báo Bùi Thuận cho rằng, Đồng Nai thời hội nhập hiện nay món gì cũng có, từ ngoài Bắc, trong Nam cho đến cao nguyên, miền biển; còn đặc sản thì mùa nào thức nấy thật “ê hề” của khắp mọi vùng miền, kể cả đồ ngoại với đa dạng xuất xứ. Cũng bởi sự giao lưu, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau, vùng đất Đồng Nai xưa và nay đã hội tụ và chắt lọc được những tinh hoa của nền ẩm thực các vùng miền. Trong đó, sự đa dạng trong chế biến và tập tục ăn uống độc đáo vốn có của người dân nơi đây đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa Đồng Nai.

Đặc sản gỏi bưởi Tân Triều ở H.Vĩnh Cửu, Đồng Nai. Nguồn: dasavina.org
Đặc sản gỏi bưởi Tân Triều ở H.Vĩnh Cửu, Đồng Nai. Nguồn: dasavina.org

Theo TS Nguyễn Văn Quyết (giảng viên Trường đại học Đồng Nai), nhắc đến ẩm thực Đồng Nai, không thể không nói rằng đó là một kho tàng “nghệ thuật” vô cùng phong phú và đa dạng. Nhiều món ăn đã trở thành thương hiệu và trở nên phổ biến khắp nơi. Tuy nhiên, ẩm thực là loại hình văn hóa sinh hoạt, luôn giữ những đặc trưng cơ bản nhưng không bao giờ có mẫu hình bất biến. Sẽ không bao giờ có món ăn nào giống y hệt như cách đây 50 năm hay 100 năm, vì nhu cầu, khẩu vị, điều kiện sống thay đổi thì ẩm thực cũng thay đổi theo.

“Hiện nay ẩm thực Đồng Nai đã có sự giao lưu, tiếp biến hòa cùng với văn hóa ẩm thực ở các vùng miền nhằm phục vụ cho nhu cầu của đông đảo các tầng lớp nhân dân (cả bản địa và nhập cư). Chẳng hạn, ngoài món gỏi bưởi là đặc sản nổi tiếng, người Đồng Nai còn chế biến thêm các món gỏi sống, thường là cá sống, tôm sống với kỹ thuật của đồng bằng Bắc bộ lưu truyền vào Đồng Nai” - TS Nguyễn Văn Quyết chia sẻ.

Những năm gần đây, Đồng Nai rất chú trọng phát triển văn hóa ẩm thực gắn với du lịch. Cách làm này đã và đang làm tăng hiệu quả, tạo nên thành công cho các hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh, thu hút du khách đến các địa phương. Ngay trong các tour, tuyến du lịch, ẩm thực được xem như một lợi thế cạnh tranh giữa các vùng, là lời mời hấp dẫn với du khách khi đến Đồng Nai.

PGS-TS Nguyễn Công Hoan, Trưởng bộ môn Du lịch lữ hành, Trường đại học Tài chính - marketing cho rằng, thưởng thức ẩm thực là điều không thể thiếu trong hành trình du lịch. Về cơ bản, ẩm thực Biên Hòa - Đồng Nai đáp ứng được nhu cầu của các đối tượng khách du lịch khác nhau từ các đặc sản đến ẩm thực dân gian các dân tộc. Tuy nhiên, nó còn dừng lại ở chỗ “mạnh ai nấy làm”. Do vậy, việc kết hợp giữa ẩm thực và du lịch cần được tổ chức một cách bài bản hơn để giới thiệu thương hiệu hấp dẫn này đến với công chúng.

Không ai thống kê hết hiện nay ở Đồng Nai có bao nhiêu vùng miền, bao nhiêu dân tộc đang sinh sống, làm việc và mưu sinh. Chỉ biết rằng, việc tiếp cận và đan xen văn hóa các vùng miền đã và đang tạo nên một lối sống đẹp trong đời sống người dân Đồng Nai, nhất là những ai yêu thích văn hóa của vùng đất hơn 320 năm hình thành và phát triển. Và nhìn rộng ra, trong di sản văn hóa của người Đồng Nai đến hôm nay vẫn còn những dấu ấn văn hóa ẩm thực quý giá mà chúng ta cần bảo tồn, bởi suy cho cùng, đó là một bộ phận hợp thành trong di sản văn hóa của nhân loại.

Nắm bắt được “lợi thế” của ẩm thực trong phát triển du lịch, ngành du lịch tỉnh đã và đang tích cực tổ chức các hội chợ, triển lãm, liên hoan ẩm thực nhằm giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ đến với du khách và doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để ẩm thực trở thành một thế mạnh của du lịch, vẫn cần nhiều chủ trương cụ thể, chính sách, các chương trình hành động thực tế và liên tục trên cơ sở sử dụng các yếu tố văn hóa ẩm thực. Đó không chỉ đơn giản là phát triển du lịch, phát triển kinh tế mà còn góp phần giữ gìn, phát huy và phổ biến hơn nữa văn hóa truyền thống Đồng Nai nói riêng và Việt Nam nói chung tới bạn bè gần xa.

Ly Na

Tin xem nhiều