Tỉnh ủy Bến Tre, Tạp chí Xưa và Nay, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ vừa tổ chức hội nghị khoa học Một thế kỷ nhìn lại danh nhân Phan Văn Trị.
Tỉnh ủy Bến Tre, Tạp chí Xưa và Nay, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ vừa tổ chức hội nghị khoa học Một thế kỷ nhìn lại danh nhân Phan Văn Trị.
Nguồn: Danh nhân Phan Văn Trị - Một thế kỷ nhìn lại |
Trong lần về tiếp xúc cử tri tại Đồng Nai sau kỳ họp giữa năm 2020, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Xưa và Nay, người tham gia tổ chức cuộc hội thảo có tặng chúng tôi tập kỷ yếu về cuộc hội thảo được Ban Tuyên giáo Bến Tre tổ chức tập hợp, tuyển chọn và in ấn, là ấn phẩm đặt hàng. Đây là sản phẩm văn hóa rất có ý nghĩa, khi nhắc đến tên tuổi vị danh nhân này chúng ta lại nhớ ngay đến các nhà yêu nước như: Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Thủ khoa Huân (tức Nguyễn Hữu Huân), Huỳnh Mẫn Đạt, Nguyễn Đình Chiểu... Khi nhắc đến cử nhân Phan Văn Trị, nhiều người cũng nhớ ngay đến cuộc bút chiến giữa ông và Tôn Thọ Tường, bạn cùng lứa, có chữ nghĩa nhưng khác chí hướng, Tôn Thọ Tường ra cộng tác với Pháp. Cuộc bút chiến có bài Tôn phu nhân quy Thục, đã đi vào chương trình giáo khoa Ngữ văn với câu nổi tiếng: Anh hỡi Tôn Quyền anh có biết/ Trai ngay thờ chúa gái thờ chồng. Tôn Thọ Tường biện bạch khi tham gia với Pháp: Ai về nhắn với Chu Công Cẩn/ Thà mất lòng anh đặng bụng chồng.
Phan Văn Trị sinh năm 1830, mất năm 1910, như vậy năm 2020 này là dịp kỷ niệm 190 năm ngày sinh và 110 năm ngày mất của Phan Văn Trị, một sĩ phu Nam hà yêu nước tiêu biểu khi thực dân Pháp xâm chiếm Nam kỳ lục tỉnh và cả nước.
Phan Văn Trị thường được gọi là Cử Trị do ông đỗ cử nhân khi còn rất trẻ, năm đó mới 19 tuổi, tại khoa thi Hương năm Tự Đức thứ 3, tức năm Kỷ Dậu 1849, 3 năm sau khi Tự Đức được vua Thiệu Trị truyền ngôi. Ông sinh ở tỉnh Bến Tre, nay là xã Thạnh Phú Đông, H.Giồng Trôm, mất tại H.Phong Điền, TP.Cần Thơ hiện nay.
Lòng yêu nước của Phan Văn Trị thể hiện ngay khi Nam kỳ lục tỉnh bị Pháp chiếm đóng, bài Thất tỉnh Vĩnh Long cho thấy điều ấy:
Tò te kèn thổi tiếng năm ba
Nghe lọt vào tai dạ xót xa
Uốn khúc sông rồng mù mịt khói
Vắng hoe thành phụng ủ sầu hoa
Tan nhà cảm nỗi câu ly hận
Cắt đất thương thay cuộc giảng hòa
Gió bụi đòi cơn xiêu ngã cỏ
Ngậm cười hết nói nỗi quan ta
Tư tưởng bài thơ nằm trong trường thơ yêu nước thời kỳ đầu thực dân Pháp xâm lược như bài Chạy Tây của Nguyễn Đình Chiểu.
Phong trào kháng chiến chống Pháp nổ ra khắp nơi, tại H.Phong Điền có cuộc khởi nghĩa của nhà yêu nước Đinh Sâm, khi giặc Pháp tấn công đàn áp, Đinh Sâm hy sinh, Phan Văn Trị làm câu đối còn truyền đến nay:
Võ kiếm xung thiên, Ba Láng đầu lưu hận huyết
Văn tinh lạc địa, Trà Niềng thôn lý đãi sầu nhan;
dịch nôm như sau:
Kiếm võ ngút trời, Ba Láng sông sâu tràn hận huyết
Sao văn sa đất, Trà Niềng thôn xóm thấy sầu mang
Thời chưa có phương tiện in ấn mà câu đối còn truyền đến ngày nay cho thấy nhân dân luôn tôn phục ông.
Phan Văn Trị là nhà Nho yêu nước tiêu biểu Nam bộ, tên ông chưa được đặt cho con đường nào ở TP.Biên Hòa, mong có tên ông trong các đề án đặt tên đường lần tới.
Trần Trị An