Sông Phố là tên gọi một thời của khúc sông Đồng Nai chảy qua địa phận TP.Biên Hòa. Dòng chảy này được xem như sự ban tặng của thiên nhiên cho thành phố trở nên hiền hòa mà có thời điểm, người Pháp gọi là "hồ Biên Hòa" bởi vùng sông lặng lờ, uốn võng để tạo nên một Cù lao Phố nên thơ.
Sông Phố là tên gọi một thời của khúc sông Đồng Nai chảy qua địa phận TP.Biên Hòa. Dòng chảy này được xem như sự ban tặng của thiên nhiên cho thành phố trở nên hiền hòa mà có thời điểm, người Pháp gọi là “hồ Biên Hòa” bởi vùng sông lặng lờ, uốn võng để tạo nên một Cù lao Phố nên thơ. Nhiều câu ca viết về Cù lao Phố - vùng quê và một thời là thương cảng sầm uất trong lịch sử phát triển Đồng Nai - Nam bộ lắng đọng tình người, tình đất. Nhà thơ Xuân Sách từng viết: “Phải giận hờn mà sông chia hai ngả. Chưa đi xa nhung nhớ lại chung dòng. Rồi để lại hòn cù lao yên ả. Nằm xoải dài giữa hai cánh tay sông”. Cù lao Phố cứ thế nhẹ nhàng đi vào lòng người…
Những cây cầu bắc qua Cù lao Phố. Ảnh: Nguyễn An |
* Nhiều dấu tích, bến đò
Sử sách viết về Cù lao Phố rất nhiều và một chuyên khảo của các nhà nghiên cứu đã công bố khá đa dạng về tư liệu khi Đồng Nai tổ chức kỷ niệm 300 năm xứ Biên Hòa (1698-1998). Cù lao Phố chứa đựng nhiều dấu tích, hiện vật lớp cư dân thời cổ, sự dung hòa của văn hóa tộc người Việt - Hoa, các thế hệ tiền nhân thời khẩn hoang lập làng, những thiết chế tín ngưỡng, tôn giáo, di tích lịch sử, kiến trúc nhà cổ, làng nghề… Nhiều người không khỏi ngạc nhiên một vùng quê lại có đến 11 ngôi đình, 6 ngôi chùa, 1 thánh thất, nhiều tịnh xá và miếu, mộ… với sự phong phú truyện tích, sự kiện được truyền tụng qua nhiều thế hệ.
Cầu Gành xưa. Ảnh tư liệu |
Bởi nằm giữa hai nhánh sông nên cù lao hình thành nhiều bến đò để người dân qua lại: bến đò Kho nối cù lao với làng Vĩnh Cửu xưa (nay là các phường Tam Hiệp, Tam Hòa, Bình Đa); bến đò An Hảo nối cù lao với P.An Bình để tới Long Bình, Bến Gỗ (nay là P.An Hòa); bến Tắm Ngựa và mé sông phía Tây từ làng Bình Kính (đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh) tới Tân Mỹ, Hưng Phú náo nhiệt với “kẻ buôn tấp nập, ghe thuyền lớn nhỏ neo liên tiếp nhau” của thời thương cảng phát triển được mệnh danh là “xứ đại đô hội”. Và, bên cạnh các bến đò ven sông, trước đây có đề cập đến cây cầu gỗ nối dinh Trấn Biên (địa phận nội đô Biên Hòa) với Cù lao Phố. Năm 1747, thương nhân người Hoa là Lý Văn Quang nổi dậy, tấn công dinh Trấn Biên, xưng Giản Phố đại vương đã phá cầu, cắt đứt đường bộ, hùng cứ xứ cù lao cho đến khi bị nhà Nguyễn trấn áp.
* Và chuyện những cây cầu
Đầu thế kỷ XX, hai cây cầu được thiết kế bằng sắt, thép nối hai nhánh sông vượt Cù lao Phố thuộc tuyến đường sắt Nha Trang - Sài Gòn. Chiếc cầu qua nhánh sông Rạch Cát (Sa hà) có 3 nhịp, dài 129m, từ nội ô Biên Hòa đến Cù lao Phố/xã Hiệp Hòa (nay là đường Nguyễn Tri Phương, P.Hiệp Hòa). Cầu có tên Rạch Cát bởi lấy tên nhánh sông đặt làm tên. Cầu bắc qua nhánh sông Cái (Phước Long) gọi là cầu Gành, có 4 nhịp, dài 238m, Cù lao Phố với P.Bửu Hòa (khu vực Chợ Đồn). Cả hai cây cầu có bề rộng 4,2m. Tuyến xe lửa và hai cầu sắt vắt ngang Cù lao Phố là trục giao thông quan trọng song song với đường bộ - quốc lộ 1 qua địa bàn Biên Hòa kết nối trung tâm đô thị Sài Gòn với vùng đồn điền cao su Xuân Lộc, đến Nam Trung bộ. Trước năm 1975, người dân gọi là cầu Gành với cách lý giải đoạn sông tại đây có dãy đá chắn ngang dòng tạo nên những gành đá. Hiện nay, bảng hiệu ghi là Cầu Ghềnh, được lý giải cách ghi tên cầu theo cách viết của người miền Bắc. Đặc biệt, cầu được thiết kế bởi hãng Eiffel danh tiếng của Pháp. Kiến trúc sư Gustave Eiffel sinh năm 1832 và mất năm 1923, tác giả công trình tháp Eiffel - đã thành lập nhiều công ty tham gia nhiều công trình ở châu Âu, Đông Nam Á. Địa chí Đồng Nai cho biết hai cây cầu này xây dựng năm 1903 và thông cầu, khai thác tuyến đường sắt Sài Gòn - Biên Hòa - Xuân Lộc vào năm 1904. Từ khi xây dựng cho đến nay, hai cây cầu sắt này được sửa chữa, duy tu nhiều lần, trở thành hình ảnh thân thuộc với người dân Biên Hòa qua rất nhiều sự kiện. Thế nhưng, Cầu Gành/Ghềnh trải qua hai vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Năm 2011, vụ tai nạn giữa đoàn tàu Thống Nhất với nhiều ô tô giữa cầu làm một số người chết và bị thương. Năm 2016, một sà lan 800 tấn tông vào trụ, làm sập nhịp cầu, khiến giao thông tê liệt chặng cuối Biên Hòa -TP.HCM, ảnh hưởng toàn tuyến đường sắt Bắc - Nam và giao thông đường thủy sông Đồng Nai. Khắc phục sự cố gãy cầu năm 2016, sau hơn 3 tháng thi công, cầu Gành được xây dựng mới với 4 nhịp, mỗi nhịp 75m, cao 13m với 260 tấn hợp kim thép. Nhịp cũ của cầu Gành hiện đang để trên khu vực vùng lõm ven sông Đồng Nai thuộc địa phận P.Quyết Thắng.
Cầu Gành nay. Ảnh: Vĩnh Huy |
Từ sự cố giao thông trên cầu Gành và quy hoạch phát triển của Biên Hòa, kết nối các trục giao thông với Cù lao Phố, cho đến thời điểm hiện tại có 3 cây cầu mới kiên cố. Ngày 19-1-2012, cầu Hiệp Hòa (dài 231m, rộng 10,5m) được khánh thành, nối nhánh sông Rạch Cát từ P.Thống Nhất đến ngã tư chợ Hiệp Hòa. Cầu Bửu Hòa (dài 493m, rộng 18m) được thông xe vào ngày 27-4-2013 nối Cù lao Phố và P.Bửu Hòa. Cầu An Hảo (dài 475m, rộng 23m) vượt nhánh sông Cái, nối Cù lao Phố với P.An Bình theo hướng ngã tư Vũng Tàu, thông xe ngày 30-4-2017. Trong quy hoạch, cây cầu Thống Nhất (dài 528m, rộng 31m) sẽ được xây dựng nối TP. Biên Hòa và Cù lao Phố trên tuyến đường kết nối từ điểm giao đường Võ Thị Sáu (P.Thống Nhất) và nút giao đường Đỗ Văn Thi đến đường Đặng Văn Trơn (P.Hiệp Hòa).
* Gìn giữ nét duyên…
Những cây cầu đã và sẽ xây dựng góp phần cho Cù lao Phố kết nối với các trục giao thông lớn vùng lân cận, góp phần giảm áp lực giao thông trên các trục lộ của Biên Hòa. Cù lao Phố không còn cô lập như trước đây trong giao thông hạn chế với cầu đường sắt nữa. Đã qua rồi cái thời khi còi hú vang, thanh barrier hạ xuống với người cầm cờ gác chắn hai đầu cầu Rạch Cát, cầu Gành, dòng người đổ về Cù lao Phố đứng đợi, nhìn và chờ đoàn tàu chạy qua để tiếp tục hành trình. Cù lao Phố đã được nối những bờ sông từ các hướng và những chuyến phà đã ngừng nhịp ở bến đò An Hảo. Và, Cù lao Phố sẽ vươn mình bởi sự nối kết giao thông từ những chiếc cầu và dòng người, phương tiện giao thông xuyên qua các trục đường không hạn chế về thời gian một cách thuận lợi. Với những nguồn lực đầu tư mạnh mẽ trong định hướng phát triển, một Cù lao Phố sẽ còn phát triển hơn nữa. Vị thế đặc biệt của Cù lao Phố xưa - nay, vẫn còn đó là cảnh quan của bốn bề sông nước, của điểm trung gian các tuyến đường thủy kết nối các vùng cù lao: Tân Triều, Thạnh Hội, Mỹ Qưới, Ba Xê… trên sông Đồng Nai.
Cầu Rạch Cát có 3 nhịp, dài 129m, từ nội ô Biên Hòa đến Cù lao Phố, đường Nguyễn Tri Phương, P.Hiệp Hòa. Ảnh: Vĩnh Huy |
Cù lao Phố đã và tiếp tục phát triển thuận lợi với những sự đầu tư mạnh mẽ từ nhiều nguồn. Diện mạo của “thương cảng xưa” đã thay đổi bởi sự định hình theo hướng đáp ứng nhu cầu con người với xu thế hiện đại. Di sản văn hóa đa dạng trên vùng đất này vẫn còn đó, nét sinh hoạt của bao thế hệ cư dân vẫn duy trì trong đời sống xã hội dù nét làng thôn dần thay đổi với dáng phố thị. Để trở thành điểm đến hấp dẫn và thú vị mà “ai đi đến đó lòng không muốn về”, Cù lao Phố làm sao giữ được nét thanh bình của vùng cù lao sông nước, những tuyến đường ven sông êm ả đón gió mát, những hàng cây xanh và mái đình, danh lam… cổ kính. Và, nhìn từ chứng tích hơn 1 thế kỷ của cầu Gành - đang nằm trơ trọi bên sông, mong muốn sao “hiện vật” này được đặt ở một nơi hài hòa trong cảnh quan ven sông trên dải đất Cù lao Phố, được tôn tạo với những hình ảnh xưa về chính nó và vùng đất này… sinh động, trở thành điểm nhấn trong phát triển du lịch. Mai này, những khu vực lân cận, chung quanh phát triển với những vùng kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp, thương mại, Cù lao Phố vẫn giữ được nét duyên là cù lao giữa sông, giữa phố Biên Hòa và các khu đô thị khác.
Đinh Huyền Dũng