Tạc tượng, điêu khắc tượng là nghề truyền thống ở nhiều vùng quê của Việt Nam. Trước đây, người ta chủ yếu tạc tượng trên chất liệu gỗ, đất sét, đá tự nhiên, nhưng ngày nay, do nguồn tài nguyên thiên nhiên dần cạn kiệt nên những người thợ chuyển sang tạc tượng bằng chất liệu xi măng, thạch cao, nhựa cứng (composite).
Tạc tượng, điêu khắc tượng là nghề truyền thống ở nhiều vùng quê của Việt Nam. Trước đây, người ta chủ yếu tạc tượng trên chất liệu gỗ, đất sét, đá tự nhiên, nhưng ngày nay, do nguồn tài nguyên thiên nhiên dần cạn kiệt nên những người thợ chuyển sang tạc tượng bằng chất liệu xi măng, thạch cao, nhựa cứng (composite).
Ông Nguyễn Thành Phong đắp tượng chuột bằng đất sét |
Tuy số lượng người làm nghề không nhiều như trước, nhưng sản phẩm làm ra nhiều, đa dạng và tinh xảo hơn. Các tác phẩm tạc tượng có giá trị không chỉ được tiêu thụ rộng rãi trong nước mà còn xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.
* Thổi “hồn” cho tượng
Giữa trưa nắng tháng 7, một người thợ cần mẫn sửa tới sửa lui tượng chuột bố bằng đất sét, nhân vật trong bức tranh dân gian Đám cưới chuột nổi tiếng của Việt Nam. Ông là Nguyễn Thành Phong, dân trong nghề gọi là Trà My (xã Xuân Thiện, H.Thống Nhất).
“Sáng tạo nghệ thuật thì làm gì có giờ giấc. Có khi công việc gấp hoặc hứng thú, tôi làm việc xuyên đêm” - ông Phong nói rồi làm tiếp.
Ông Phong đến với nghề điêu khắc tượng từ năm 20 tuổi và bắt đầu bằng phụ việc cho các thầy điêu khắc ở Trường đại học Mỹ thuật TP.HCM. Thấy chàng trai trẻ có năng khiếu, thích công việc tạc tượng, các thầy đã dạy nghề lại cho ông. Khoảng 6 năm theo phụ việc, ông Phong ra làm cho một cơ sở điêu khắc tại Q.9, TP.HCM. Ban đầu, ông làm hoa văn trang trí trên cột nhà, mái đình, chùa, hình cô gái. Nghề dạy nghề, ông Phong biết làm thêm nhiều loại. Hiện tại, ông có thể tạc, điêu khắc được tất cả các loài vật, kể cả những con vật chỉ có trong truyền thuyết, tranh ảnh dân gian. Tính đến nay, ông Phong có 27 năm theo nghề và trở thành “thầy” của nhiều người.
Ông Phong cho rằng, tạc tượng là nghề kết hợp giữa điêu khắc với kiến trúc, trong đó khó nhất là đắp tượng bằng đất sét, vì nhiều loài vật, nhân vật không có ngoài đời thực. Người làm phải mua tranh ảnh hoặc lên mạng xem phim, sau đó mô phỏng hình dáng, kích thước sao cho nhìn giống như thật. Từ hình vẽ, người thợ phải dùng những sợi dây thép nhỏ uốn tạo hình, đắp đất sét. Theo ông Phong, nghề này vừa đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ vừa cần đến khả năng vẽ, trí sáng tạo và mắt thẩm mỹ để tránh trùng lắp, rập khuôn.
Anh Văn Minh Thức, thợ đắp tượng tại Cơ sở Điêu khắc Song Phụng (H.Long Thành) sơn tượng Nàng Bạch Tuyết và 7 chú lùn |
Anh Đặng Văn Ngọc (quê Bình Định), người có thâm niên đắp tượng hơn 20 năm, hiện làm việc cho một cơ sở điêu khắc ở xã Long An, H.Long Thành cho biết, trong số gần 10 khâu để tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh chỉ có đánh bóng là có thể sử dụng máy, còn lại hoàn toàn thủ công. Mỗi một bức tượng đều trải qua các công đoạn: vẽ hình, uốn thép tạo hình, đắp tượng bằng đất sét, đổ nhựa để lấy khuôn, đắp tượng bằng xi măng theo khuôn nhựa, phơi tượng, đánh bóng, sơn. Có những mặt hàng, khách chỉ đặt 1 món duy nhất. Nếu thực hiện đầy đủ các công đoạn nói trên thì mất nhiều thời gian, chi phí. Người thợ lúc này phải lên ý tưởng hình dáng, kích thước, rồi đắp tượng trực tiếp bằng xi măng, vừa đắp vừa chỉnh sửa, hoàn thiện trong lúc xi măng chưa đông cứng.
Một công đoạn không kém phần quan trọng để tạo “hồn” cho các bức tượng đó là sơn. Anh Ngọc cho rằng, khó nhất là sơn tượng người, đặc biệt là người nổi tiếng, các nhân vật lịch sử, tượng Phật. Chỉ những người “có nghề” mới dám nhận sơn tượng người, màu phối phải hài hòa, đường nét tô màu phải thanh thoát. “Tượng người hơn nhau ở đôi mắt. Đôi mắt đẹp sẽ làm cho khuôn mặt có hồn và có “thần”, bức tượng có giá trị. Ngược lại, bức tượng chỉ là khối xi măng thô cứng, vô hồn, vô giá trị” - anh Ngọc chia sẻ.
* “Chuyển mình” để thích ứng
Hiện nay, nhu cầu “chơi” tượng khá đa dạng. Từ các công trình công cộng như: công viên, khu du lịch, tòa nhà, văn phòng, trường học, đường phố cho đến nơi trang trọng hơn như: đình, đền, chùa, miếu, thậm chí khuôn viên gia đình đều có các bức tượng, phù điêu. Trong đó, tượng nhân vật lịch sử, nhân vật nổi tiếng, tượng Phật làm từ chất liệu đá, gỗ tự nhiên thường được lựa chọn cho những nơi trang trọng; tượng thú, tượng nhân vật dân gian, nhân vật truyện tranh làm bằng chất liệu xi măng, nhựa cứng thường có nhiều ở công viên, khu du lịch, trường học.
Theo nhu cầu của người “chơi”, những người thợ điêu khắc đã không ngừng sáng tạo, làm mới mình để tồn tại. Anh Văn Minh Thức, thợ đắp tượng tại Cơ sở Điêu khắc Song Phụng (H.Long Thành) cho biết: “Lúc trước tôi đắp tượng hoa là chính. Sau này, người ta ít sử dụng tượng hoa, tranh tượng, phù điêu cho các công trình xây dựng, tôi chuyển sang đắp tượng các loài vật, nhân vật dân gian, nhân vật hoạt hình. Chỉ tính riêng tượng thú, tôi đắp được hơn 30 loài”.
Một thợ nữ chà nhám cho bức tượng nai bằng xi măng. Ảnh: Hoàng Lộc |
Anh Thức chia sẻ thêm, để có bức tượng thú sinh động, anh phải tìm hiểu kỹ về tập quán sống, khả năng phát triển, hình dáng cơ bản của chúng trong mọi trạng thái: hiền, hung hăng, hài hước; màu sắc thay đổi như thế nào khi còn nhỏ, trưởng thành, già. Còn nếu tạc tượng về các đức Phật hay những nhân vật lịch sử khác cũng phải tìm hiểu nguồn gốc nhân vật; các trạng thái vui, buồn, giận dữ hay oai nghiêm; sắc phục; các vật dụng kèm theo như: đài sen, kinh sách, binh khí. Khi đã tham khảo đầy đủ các yếu tố, anh Thức mới tiến hành các công đoạn. “Với những tượng phức tạp, tôi đã phải thi công cả ngày lẫn đêm để ý tưởng không bị trôi mất” - anh Thức nói.
Chủ Cơ sở Điêu khắc Song Phụng chia sẻ thêm, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, cơ sở không ngừng cải tiến mẫu mã, đa dạng và từng bước nâng cao chất lượng các loại sản phẩm. Hiện tại, cơ sở đang có các sản phẩm trang trí nội, ngoại thất; tượng thú, tượng người bằng chất liệu xi măng, composite, thạch cao. Các sản phẩm không chỉ được tiêu thụ trong nước, một số được xuất khẩu sang Hàn Quốc, Thụy Sĩ, Hoa Kỳ theo đơn đặt hàng.
Đi theo nghề tạc tượng là nghề “bảo dưỡng” tượng. Theo đó, khi ít việc, những người thợ điêu khắc chuyển sang dịch vụ sơn, phục hồi cho các bức tượng không may bị sứt mẻ, phai màu với thời gian. Nghề này tuy không công phu như đắp tượng nhưng đòi hỏi người thợ phải có mắt thẩm mỹ, có kiến thức về điêu khắc và mỹ thuật.
Ông Nguyễn Thành Phong cho biết, trung bình mỗi năm ông đắp tượng khoảng 10 tháng, còn lại đi “bảo dưỡng” và sơn tượng thuê cho khách. Lần gần đây nhất là tháng 10 năm ngoái, ông sang Hàn Quốc 20 ngày phục hồi các bức tượng ngoài trời ở một công viên. “Sơn màu cho các bức tượng đã khó, phục hồi màu sơn còn khó hơn. Pha sơn phải không được quá non, cũng không quá già. Các lớp sơn mới khá nhạy cảm với thời tiết và dễ bị đổ mồ hôi dẫn đến nhòe hoặc lem màu. Người thợ không am hiểu cách phối màu, các bước sơn, không đủ kiên nhẫn rất khó gắn bó với nghề” - ông Phong cho hay.
Trong điều kiện hiện nay, các sản phẩm mỹ nghệ mang tính công nghiệp ngày càng nhiều, làng nghề thủ công dần thu hẹp, nhưng những “nghệ nhân” thực sự gắn bó với nghề vẫn biết cách để ổn định cuộc sống, duy trì đam mê.
Hoàng Lộc