Báo Đồng Nai điện tử
En

Bangladesh và vườn nổi

09:07, 17/07/2020

Bangladesh đang ở tuyến đầu của sự biến đổi khí hậu, do nằm ở vùng thấp của đồng bằng sông Hằng nên thường đối mặt với lũ lụt. Những cơn mưa gió mùa lớn hằng năm, nước biển dâng... là nguyên nhân nhấn chìm các vùng đất thấp ở Bangladesh trong nhiều tháng, gây thiệt hại kinh tế nặng nề mà quốc gia này phải gánh chịu trong nhiều năm tiếp theo.

Bangladesh đang ở tuyến đầu của sự biến đổi khí hậu, do nằm ở vùng thấp của đồng bằng sông Hằng nên thường đối mặt với lũ lụt. Những cơn mưa gió mùa lớn hằng năm, nước biển dâng... là nguyên nhân nhấn chìm các vùng đất thấp ở Bangladesh trong nhiều tháng, gây thiệt hại kinh tế nặng nề mà quốc gia này phải gánh chịu trong nhiều năm tiếp theo. Điều đặc biệt là cây trồng vẫn mọc lên cùng nước lũ.

Nông dân ở huyện nông thôn Pirojpur (Bangladesh) tự trồng và bán lương thực Nguồn ảnh: thenewhumanitarian.org
Nông dân ở huyện nông thôn Pirojpur (Bangladesh) tự trồng và bán lương thực. Nguồn ảnh: thenewhumanitarian.org

Người dân ở huyện nông thôn Pirojpur, phía Nam Bangladesh canh tác trên những chiếc bè được làm từ cây lục bình - loài thực vật ngoại lai từ rừng Amazon đang làm mất cân bằng hệ sinh thái ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng với khả năng chống xâm nhập mặn, độ nổi và sự dồi dào khiến nó trở thành vật liệu lý tưởng. Loài cây thủy sinh này được đan với xơ dừa, rơm để tạo ra bè có kích thước tùy vào mục đích sử dụng. Người dân vùng đồng bằng Bangladesh đã làm việc này trong hàng trăm năm. Với sự biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, cách làm cổ xưa đã trở thành một giải pháp tiên tiến. Kỹ thuật làm bè truyền thống từ cây lục bình - vườn nổi (được gọi là dhap) cho phép nông dân trồng trọt ngay cả khi lũ lụt nghiêm trọng đe dọa sinh kế của họ. Ông Abdul Jalil Hawladar (62 tuổi) nói: “1 năm mất 8 tháng, nơi đây chìm trong bể nước, chúng tôi không biết làm gì ngoài việc canh tác trên bè lục bình để tồn tại”.

Tổ chức Nông - lương của LHQ đánh giá vườn nổi của Bangladesh là một hệ thống di sản nông nghiệp quan trọng toàn cầu - một trong 57 phương pháp nông nghiệp truyền thống phù hợp với sự biến đổi khí hậu.

Mùa hè năm 1988, một trận lũ lớn đã tấn công Bangladesh. Sau đó là những thiệt hại nặng nề nhất về người và tiền của mà đất nước này phải gánh chịu trong nhiều năm. Ông Hari Podo, nông dân ở H.Gopalganj nhớ lại, ông và gia đình không có nơi nào để di tản, đành phải sống trong vùng nước ngập. Vì vậy, ông đã nhặt cây lục bình và bện thành một chiếc bè rộng vài mét, dài khoảng 10m. Ông Podo trả lời phỏng vấn với DW: “Chúng tôi sinh sống trên bè lục bình, người ở một bên, còn động vật nuôi ở một bên. Chúng tôi ngủ và nấu ăn trên bè được khoảng 2 tháng”. Lúc đó, vườn nổi truyền thống đã cứu gia đình ông Podo. Ngày nay, khi lũ lụt trở thành một mối đe dọa lớn hơn bao giờ hết, vườn nổi trở thành vị cứu tinh cho nông dân.

Trận lũ lụt vào tháng 7-2019 đã phá hủy ít nhất 160 ngàn ha đất canh tác và 300 ngàn người phải sơ tán ra khỏi vùng lũ trên khắp cả nước. Nhưng tại Pirojpur và hai huyện khác phía Nam Bangladesh, nơi nhiều thế hệ nông dân sử dụng vườn nổi để duy trì việc trồng trọt ngay cả khi nước dâng cao. Những dải bè thực vật đâm chồi nảy lộc được xếp thành hàng ngay ngắn trong vùng đất ngập nước. Cây trồng trên bè ít bị sâu bệnh và không cần phân bón hóa học. Tuổi thọ mỗi bè khoảng 3 tháng, sau đó được đưa lên bờ, rã ra và bón cho cây trồng trên đất liền. Di chuyển trên những chiếc thuyền nhỏ giữa những vườn nổi, nông dân chăm sóc cây trồng. Ở những địa phương ngập úng đến 8 tháng trong 1 năm như Pirojpur, người dân hoàn toàn sống phụ thuộc vào vườn nổi.

Do biến đổi khí hậu nên mưa gió mùa hằng năm ở Bangladesh ngày càng biến động và dữ dội hơn. Điều này khiến người dân di cư đến nơi khác an toàn, dễ làm ăn sinh sống. Các chuyên gia nông nghiệp cho biết, vườn nổi có thể là một cách thích ứng để khắc phục thiệt hại do thiên tai, đảm bảo an ninh lương thực; nhưng có thể không phải là giải pháp cho tất cả mọi người. Điều tiết nước ở một quốc gia dễ bị lũ lụt như Bangladesh là một sự cân bằng bất biến: bờ đê để bảo vệ các khu vực đông dân cư khi có lũ, đồng thời chặn nguồn nước chảy đến những nơi có vườn nổi phát triển mạnh.

Nông dân chăm sóc cây trồng, chủ yếu là đậu, mướp đắng, đu đủ, củ dền, bí ngô, cà chua và ớt
Nông dân chăm sóc cây trồng, chủ yếu là đậu, mướp đắng, đu đủ, củ dền, bí ngô, cà chua và ớt

Chính phủ Bangladesh và nhiều tổ chức phi chính phủ đã tính đến việc mở rộng nông nghiệp nổi như một phần của chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu. Tổ chức Phát triển quốc tế Practical Action (trụ sở tại Vương quốc Anh) đã làm việc với chính quyền từng huyện để giới thiệu vườn nổi ở H.Gaibandha, phía Bắc Bangladesh, giúp người dân trồng trọt suốt cả năm ngay cả khi lũ lụt. Tuy nhiên, vườn nổi cũng có những hạn chế. Để tạo ra những chiếc bè lục bình, cần phải có vùng đất ngập diện rộng, mặt nước tĩnh trong suốt cả năm thì việc canh tác trên bè mới thuận lợi, đem lại lợi ích kinh tế. Nông dân tự trồng và bán lương thực, thị trường hẹp khiến việc buôn bán khó phát triển - một thách thức trong việc mở rộng vườn nổi. Vườn nổi sẽ không “sống sót” khi xảy ra hạn hán, bão tố.

Ông Haseeb Md.Irfanullah, đại diện chương trình Giảm thiểu rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu của Tổ chức Phát triển quốc tế Practical Action tại Bangladesh cho biết, chính phủ nước này và các tổ chức phi chính phủ nên nghiên cứu kỹ các tác động của biến đổi khí hậu đối với ngành nông nghiệp nổi trước khi xúc tiến bè lục bình như một phương pháp chắc chắn thích nghi với thiên tai. Sự đơn giản và sức nổi của kỹ thuật nông nghiệp này đã hút được sự tài trợ của các tổ chức phi chính phủ.

Vườn nổi - hình thức thủy canh truyền thống là giải pháp tối ưu của Bangladesh cho nhà nông trước sự phức tạp của biến đổi khí hậu.

Trong thập kỷ qua, tỉ trọng GDP trong nông nghiệp đã giảm từ 50% xuống còn khoảng 20%. Xâm nhập mặn lấn tới 160km đất liền và đe dọa 40% đất nông nghiệp tại miền Nam Bangladesh.

Minh Hồng (biên dịch theo thenewhumanitarian.org/dw.com)

Tin xem nhiều