"Khi con còn mắc kẹt lại ở nước ngoài, mẹ thức trắng đêm thắp nến nguyện cầu. Ngày con về tới Việt Nam, nước mắt mẹ tuôn dài vì hạnh phúc dẫu chỉ nhìn thấy con vẫy tay qua kính cách ly…" - trích nhật ký 4 tháng xa con vì đại dịch Covid-19 của một người mẹ.
“Khi con còn mắc kẹt lại ở nước ngoài, mẹ thức trắng đêm thắp nến nguyện cầu. Ngày con về tới Việt Nam, nước mắt mẹ tuôn dài vì hạnh phúc dẫu chỉ nhìn thấy con vẫy tay qua kính cách ly…” - trích nhật ký 4 tháng xa con vì đại dịch Covid-19 của một người mẹ.
Ba mẹ con chị Hoàng Thị Thu Hiền |
Chị Hoàng Thị Thu Hiền (giám đốc một công ty tổ chức sự kiện tại TP.HCM), có hai người con Tường Vy và Gia Bảo đều du học và kẹt lại ở Singapore vì Covid-19. Ba mẹ con trải qua những tháng ngày đầy đủ cung bậc cảm xúc. Nhật ký dưới đây của người mẹ hệt như một bộ phim nhiều tập, tái hiện từ nỗi âu lo đến niềm hy vọng cho cuộc đoàn tụ tại quê hương.
* Những ngày tháng Hai
Tháng 2-2020, sau kỳ nghỉ tết ngắn ngủi với mẹ, hai chị em con bay sang nước ngoài tiếp tục việc học. Khi đó, nước bạn phát hiện chưa đến 100 ca nhiễm Covid-19, mẹ hơi lo nhưng vẫn để hai con bay đi, với suy nghĩ rằng một quốc gia tiên tiến sẽ phòng, chống dịch tốt.
Ngày đưa hai con ra sân bay, như thường lệ, mẹ vẫn nán lại cho đến khi cả hai vào khuất hẳn bên trong phòng chờ bay. Nhưng sao lần này mẹ có linh cảm bồn chồn hơn thường lệ.
Các con trở lại trường nơi xứ người, mẹ quay cuồng với công việc tại Sài Gòn như mọi khi… Chúng ta vẫn update (cập nhật) tình hình cho nhau từng giờ, để mẹ biết con đi học như thế nào, ăn uống ra sao, dặn dò nhau cẩn thận đủ kiểu…
* Những ngày tháng Ba
Công việc tổ chức sự kiện của mẹ đình hoãn do ảnh hưởng từ Covid-19. Hai con từ xa nhắn gọi hỏi thăm, chia sẻ, động viên mẹ vượt qua. Đến cuối tháng, mẹ lại phải liên tục nhắn gọi động viên hai con ngược trở lại, vì nơi các con học hành có dấu hiệu dịch bệnh bùng phát. Lúc này, các con vẫn đến trường học tập trung mỗi ngày. Vy còn thức khuya tại studio để làm cho xong bài thi tốt nghiệp. Đường bay về Việt Nam vẫn còn, nhưng mẹ chưa có ý định cho hai con về.
* Những ngày tháng Tư
Nơi hai con học dịch bệnh lan đến chóng mặt, từ 1 ngàn ca nhiễm virus lên hơn 10 ngàn ca chỉ trong vài ngày. Chính quyền đẩy mạnh phòng, chống dịch triệt để. Các con học online tại nhà và hạn chế ra đường, song mẹ bắt đầu sống trong chuỗi ngày lo sợ. Sợ vì khu con ở gần bệnh viện chữa trị người nhiễm, sợ con không mua đủ thực phẩm... Đến lúc này, mẹ mới tất tả tìm chuyến bay thương mại về Việt Nam cho hai con, nhưng đã quá trễ!
Thế rồi, một đêm chủ nhật trung tuần tháng 4, Vy nói cơ thể bị đau và kể triệu chứng mà ngay lập tức mẹ kiểm tra thông tin thì hết 70% là bất ổn. Mẹ bấn loạn gọi hỏi bác sĩ quen, nghe hướng dẫn này nọ nhưng không dám thuật cho Vy nghe, chỉ bảo con “bình tĩnh, lạc quan, mọi thứ không sao đâu”, chờ trời sáng đi khám ở bệnh viện.
Ở Việt Nam, mẹ trải qua một đêm trắng. Người bạn gợi ý mẹ thắp nến cầu nguyện cho Vy. Mẹ cũng không nhớ mình đã thắp hết bao nhiêu ngọn nến trong đêm đó với một điều cầu nguyện duy nhất là con sẽ không sao!
Khi Bảo đưa chị Vy vào Bệnh viện Mount Elizabeth, bác sĩ cho xét nghiệm các kiểu, rồi bảo “Serious” (nghiêm trọng), “Phải mổ”… và cho vài viên thuốc, bảo đợi kết quả một tuần. Mẹ sống trong sợ hãi suốt tuần đó, nhưng lúc nào cũng phải cố nói chuyện vui đùa với con để mọi thứ lạc quan hơn. Thật tình, sau mỗi cuộc gọi hay mỗi khi ai nhắc đến là nước mắt mẹ cứ tự tuôn. Mẹ sợ Vy đau đớn thể xác, sợ không ai chăm sóc, sợ không lo được cho con vì con đang ở xa mẹ quá!
* Những ngày tháng Năm
Hằng đêm mẹ vẫn luôn thắp nến và cầu nguyện cho Vy. Tạ ơn trời, kết quả xét nghiệm không quá tệ, nhưng con vẫn được bệnh viện chỉ định phải mổ gấp, càng sớm càng tốt… Cả nhà như được hồi sinh tâm lý. Đến lúc này thì mẹ cương quyết “bằng mọi giá” phải đưa Vy về nước. Con đã gửi thư đăng ký với sứ quán Việt Nam kèm kết quả xét nghiệm bệnh tình.
Từ Việt Nam mẹ cũng liên lạc, tìm cách đủ kiểu để hỗ trợ con làm thủ tục thuận lợi nhất có thể. Sau cùng, hai chị em con đã có tên trong danh sách hơn 700 người xin về. Nhưng khi nào có chuyến bay và có được nằm trong danh sách bay hay không thì chưa có gì chắc chắn cả. Thậm chí mẹ phải nghĩ đến trường hợp có thể cho Vy mổ tại chỗ.
Theo lời khuyên của một số cô, chú, mẹ yêu cầu con đi khám lại tại Bệnh viện Raffles. Kết quả lần này tình trạng của con trở nặng hơn chỉ sau hai tuần, dù chẩn đoán bệnh giữa Raffles và Mount Elizabeth là giống nhau. Vấn đề của cả hai bệnh viện này là đều không xếp được lịch mổ ngay cho Vy vì dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra cao điểm, hàng chục ngàn người đã nhiễm virus. Cho dù mẹ chấp nhận mức viện phí cao thì cũng phải đợi sau 2 tháng nữa ca mổ mới có thể tiến hành.
Tin từ Đại sứ quán cho hay ngày 31-5 có chuyến bay đưa hơn 340 công dân Việt Nam về nước. Danh sách có tên Bảo, do Bảo dưới 18 tuổi, nhưng lại không có Vy! May mắn là đến ngày 26-5, Vy nhận được cuộc gọi hỏi thêm thông tin từ sứ quán. Đợi đến ngày 28-5 thì Vy mới có email xác nhận trong danh sách về. Mẹ lập tức hoàn tất thủ tục mua vé cho hai con trong niềm vui khôn tả.
* Ngày trở về 31-5
Suốt chặng đường từ TP.HCM đi Cần Thơ đón các con, mẹ được Bảo nhắn tin liên tục báo tình hình. Mẹ cảm động khi biết lúc ở sân bay nước ngoài, có các anh chị tình nguyện viên tặng bánh và nước cho tụi con để lót dạ trong hành trình về nhà. Mới thấy tình người nơi đâu cũng ấm áp lắm.
Tường Vy và Gia Bảo |
Xế chiều, chuyến bay VN650 hạ cánh ở sân bay Cần Thơ. Dĩ nhiên không có bất cứ ai được phép tiếp cận khu vực cách ly. Mẹ đứng ngoài bãi đậu xe đợi tin nhắn của hai con, dù biết rằng chắc chắn không được gặp nhau nhưng vẫn an tâm phần nào.
Sau hơn 2 tiếng chờ các con hoàn tất các thủ tục nhập cảnh, kiểm tra sức khoẻ, lấy hành lý..., bất ngờ tin nhắn của Bảo hiện lên: “Mẹ ơi, mẹ quay lại đi, con đang phía sau mẹ, bên tay phải mẹ”… Giữa các mẹ con là khoảng cách hơn 150m… Mẹ thật lòng chỉ muốn chạy ào băng qua hàng rào các binh sĩ túc trực để ôm hai con vào lòng, nói với con rằng: “Về rồi, con được về với mẹ rồi”. Nhưng mẹ phải kiềm lại vì cần chấp hành quy định cách ly tuyệt đối.
Nước mắt mẹ tuôn dài nhìn con vẫy tay qua ngăn kính. Mẹ nhìn thấy Bảo khệ nệ xách vali cho chị Vy chất lên xe đẩy hành lý. Mẹ thấy hai con lên xe buýt vẫy tay chào mẹ liên tục qua ô cửa để về khu vực cách ly. Mẹ biết hai con đã an toàn và có mặt tại quê hương. Và đó là niềm hạnh phúc không gì sánh nổi của mẹ.
* Những ngày tháng Sáu
Tuần đầu tháng Sáu, các con nhắn mấy ngày đầu sống trong khu cách ly phải tập làm quen với môi trường sống mới, ăn chưa được nhiều, nhà vệ sinh dùng chung hơi bất tiện chút... Song những điều đó quá bé nhỏ so với tâm lý thoải mái được hít thở bầu không khí quê nhà và cảm giác nôn nao chờ cho qua thời gian cách ly để trở về bên mẹ. Các con xin mẹ tiếp tế cục phát Wi-Fi để học online và một ít đồ dùng.
14 ngày sống cách ly mà các con đang trải nghiệm sẽ nhanh qua thôi, mẹ lại được đón con về nhà, hôn đứa bên phải, cắn đứa bên trái. Các con lại được ngủ trên chiếc giường của mình, ăn món ưa thích mẹ nấu. Và để ý thức về niềm hạnh phúc vì được quá nhiều thương yêu từ gia đình, bác Hồng, các cô, chú… đã quan tâm, lo lắng và giúp đỡ cho chuyến trở về này của hai con.
Thật sự, nếu không vì Vy bất ngờ cần phải về Việt Nam để chữa bệnh gấp, thì mẹ vẫn muốn hai con nhường suất trở về này cho những người sống xa quê cần thiết phải về hơn. Đại dịch Covid-19 rồi sẽ qua đi trên toàn cầu. Trong đó, nước Việt Nam mình chống dịch quá tốt nên xã hội sớm trở lại cuộc sống bình thường mới. Hơn bao giờ hết, mẹ muốn các con hiểu cuộc sống là sự sẻ chia, tình thương và quê hương chính là cội nguồn của hạnh phúc. Và theo quy luật “Pay it forward” (đáp đền tiếp nối), các con sẽ thấy hạnh phúc hơn nếu mình làm được điều gì đó, dù nhỏ, cho mọi người xung quanh.
Hoàng Thị Thu Hiền