Báo Đồng Nai điện tử
En

Phụ nữ tự tin làm chủ cuộc đời mình

07:06, 06/06/2020

Phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng - quan niệm của một số người xem chồng là thước đo hạnh phúc, là thành công của đời mình và hôn nhân như một "canh bạc đỏ đen", may nhờ rủi chịu. Quan niệm ấy hiện vẫn còn là câu châm ngôn của một số người để khuyên bảo nhau hoặc khi nhìn nhận, đánh giá về một cuộc hôn nhân, một người phụ nữ.

Phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng - quan niệm của một số người xem chồng là thước đo hạnh phúc, là thành công của đời mình và hôn nhân như một “canh bạc đỏ đen”, may nhờ rủi chịu. Quan niệm ấy hiện vẫn còn là câu châm ngôn của một số người để khuyên bảo nhau hoặc khi nhìn nhận, đánh giá về một cuộc hôn nhân, một người phụ nữ.

Phụ nữ hiện đại trang bị kiến thức, kỹ năng để tự tin khẳng định mình. Trong ảnh: Khách tham quan, mua sách ưu đãi tại Đường sách TP.HCM nhân dịp Ngày quốc tế Phụ nữ 8-3. Ảnh: TTXVN
Phụ nữ hiện đại trang bị kiến thức, kỹ năng để tự tin khẳng định mình. Trong ảnh: Khách tham quan, mua sách ưu đãi tại Đường sách TP.HCM nhân dịp Ngày quốc tế Phụ nữ 8-3. Ảnh: TTXVN

Song thực tế, có nên chăng việc phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng?

* Phụ nữ không nên phụ thuộc quá nhiều vào đàn ông

Một số người quan niệm phụ nữ sướng hay khổ, hạnh phúc hay khổ đau đều phụ thuộc vào người chồng của mình, gửi gắm hoàn toàn số phận mình vào chồng, cũng như hôn nhân. Họ trông chờ “phép màu” ở hôn nhân và người “đàn ông của đời họ”, nếu gặp người chồng tốt, người phụ nữ đó xem như đã thành công; còn ở chiều ngược lại, cuộc đời người phụ nữ sẽ rơi vào bể khổ.

Quan niệm ấy cũng thường bắt gặp trong những câu ca dao: “Phận con gái mười hai bến nước/ Trong nhờ đục chịu”, “Thuyền theo lái/ Gái theo chồng” hoặc “Thuyền mạnh về lái/ Gái mạnh nhờ chồng”…

Ở đây có thể thấy, trong xã hội xưa, thân phận người phụ nữ vốn khép kín sau lũy tre làng, quanh quẩn trong gia đình và gắn bó với việc nội trợ bếp núc nên cuộc đời của họ phụ thuộc rất nhiều vào người đàn ông, người chồng. Việc phụ nữ nói chung và thiếu nữ nói riêng thời xưa ra sức rèn luyện tam tòng - tứ đức một phần cũng là để được “lọt” vào gia đình người chồng có điều kiện tốt.

Trong xã hội bình đẳng, tiến bộ ngày nay, người phụ nữ đã khẳng định mình ở nhiều lĩnh vực, thể hiện vị trí của mình từ trong gia đình đến ngoài xã hội. Nhưng quan niệm kiểu phụ nữ “hơn nhau ở tấm chồng” vẫn còn xuất hiện đâu đây để rồi một số người còn rỉ tai nhau những tiêu chí để chọn chồng?

Ngày càng có nhiều cuốn sách truyền cảm hứng dành cho nữ giới. Ảnh: sưu tầm từ internet
Ngày càng có nhiều cuốn sách truyền cảm hứng dành cho nữ giới. Ảnh: sưu tầm từ internet

Vẫn biết rằng, hôn nhân là một dấu mốc quan trọng của cuộc đời mỗi người, ai cũng muốn tìm cho mình “một nửa” đích thực và xây dựng hạnh phúc gia đình, nhất là phụ nữ. Việc yêu và tiến tới hôn nhân với một người đàn ông tốt quả nhiên là hạnh phúc của người phụ nữ. Tuy nhiên, phụ nữ có nên chăng xem chồng là tất cả thế giới của mình và đem tất cả số phận của mình giao phó cho họ?

Dưới góc nhìn của chuyên gia về các vấn đề khủng hoảng và xử lý khủng hoảng, TS Hoàng Xuân Phương, Khoa Báo chí - truyền thông, Trường đại học Khoa học xã hội - nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM, cho rằng: “Chồng không phải và không nên là thước đo giá trị của người phụ nữ vì như thế sẽ đưa người phụ nữ vào tình huống không có mục tiêu phấn đấu cho bản thân sau khi kết hôn. Việc quá phụ thuộc vào một người đàn ông cũng khiến phụ nữ mất đi sự tự tin. Đến khi xảy ra bất trắc như: người chồng không tốt, hôn nhân có trục trặc, thì người đó sẽ dễ rơi vào khủng hoảng hơn và khó giải quyết khủng hoảng cho chính mình hơn”.

Theo lẽ thường, mỗi người đều mong muốn điều tốt đẹp đến với mình, nhưng cuộc sống có khi đặt ra những tình huống không như mong muốn. “Đa số chúng ta không sẵn lòng đối mặt với những tình huống khó chịu, không chịu tin vào những tin xấu hoặc không muốn giải quyết chúng. Tuy nhiên, để không rơi vào hoàn cảnh bị phụ thuộc, điều chắc chắn là mỗi cá nhân nói chung và mỗi phụ nữ cần phải chuẩn bị cho mình những nền tảng, “vốn liếng” nhất định, trước ngưỡng cửa cuộc đời, cũng như hôn nhân” - TS Hoàng Xuân Phương chia sẻ.

* Hôn nhân bền chặt khi cùng nhìn về một hướng

Phản biện lại quan niệm phụ nữ “hơn nhau ở tấm chồng”, nhiều người nhại lại bằng các quan niệm như: Phụ nữ không phải hơn nhau về tấm chồng mà hơn nhau ở số dư tài khoản! Hoặc phụ nữ hơn nhau ở chính bản thân mình chứ không hơn nhau ở tấm chồng...

Thực tế, hiện thực hóa mơ ước nghề nghiệp, được sống với niềm đam mê là thành công bước đầu của mỗi người trẻ, trong đó có những thiếu nữ. Chính việc học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, tích lũy kinh nghiệm nghề nghiệp, vốn sống… là cơ sở để người phụ nữ sở hữu một công việc ổn định. Tiếp đó, họ có thể phát huy năng lực, sở trường để thăng tiến hơn, phát triển hơn trong công việc của mình. Lúc này, họ hoàn toàn có thể làm những điều mình thích, tự quyết cuộc đời của chính mình, không còn quá phụ thuộc vào bất cứ ai.

Về vấn đề này, TS Hoàng Xuân Phương nhận định: “Tình yêu - hôn nhân chỉ bền chặt khi cả hai cùng nhìn về một hướng và cùng nhau phát triển. Phụ nữ phải có bản lĩnh riêng của mình, sự phát triển của cá nhân, kể cả thăng hoa trong công việc. Phụ nữ phải độc lập, tự kiếm tiền và có sự thành công cá nhân. Bởi thành công của chồng cũng là của riêng anh ấy. Khi chồng phát triển, thành công mà người vợ đứng lại tụt lùi thì hôn nhân khó bền vững hoặc vui tươi”.

* Vẹn tròn hạnh phúc của người phụ nữ

Phụ nữ thành công, độc lập và tự chủ không có nghĩa không cần đến người chồng, bởi lẽ theo phần đông, cuộc sống của phụ nữ chỉ hoàn thiện khi có một người bạn đời của mình song hành cùng mình. “Phụ nữ tự chủ về kinh tế, cuộc sống của mình là điều tốt song trong tâm hồn, phụ nữ nào cũng rất cần một bờ vai làm điểm tựa, cần sự yêu thương, quan tâm, chia sẻ từ người chồng. Phụ nữ vẫn cần chồng cùng mình xây dựng hạnh phúc gia đình” - chị Nguyễn Thị Lĩnh (P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) chia sẻ.

Như vậy, ngoài trang bị cho mình nền tảng để có thể tự tin khẳng định vai trò, vị trí của mình ngoài xã hội, phụ nữ cũng rất cần học cách để làm tốt vai trò “xây tổ ấm” của mình trong gia đình, thực hiện tốt thiên chức làm vợ, làm mẹ, vốn là nét đẹp trong truyền thống văn hóa của dân tộc ta. Do đó, vấn đề công - dung - ngôn - hạnh, tề gia nội trợ ngày nay vẫn rất có giá trị và cần được vận dụng một cách linh hoạt, phù hợp hơn với nhịp sống hiện đại.

Các chuyên gia, nhà nghiên cứu về văn hóa truyền thống Việt Nam khi bàn về tính cách của người Việt Nam thường nhắc đến tính cộng đồng. Bên cạnh những hệ quả tốt của tính cộng đồng như: tinh thần đoàn kết, tương trợ; tính tập thể, hòa đồng, nếp sống dân chủ, bình đẳng, tính cộng đồng còn kèm theo những hậu quả xấu. Một trong những hậu quả xấu đó là thói đố kỵ. Trong phạm vi bài viết này, chuyện đánh giá, nhìn nhận về một cá nhân: “hơn nhau”, “kém nhau”… ở việc này, việc kia là biểu hiện cụ thể của đố kỵ. Bởi thực tế, mỗi người có một cuộc sống, hoàn cảnh và chí hướng phấn đấu riêng… nên mọi sự so sánh đều khập khiễng, miễn sao mỗi cá nhân tự cảm được hạnh phúc của mình, là đủ…

Lâm Viên

Tin xem nhiều