Nhà báo Châu Thái Bình - Trưởng đại diện Cơ quan thường trú Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) tại Trung Quốc (TQ) - phản ánh những điều "mắt thấy tai nghe" về đợt bùng phát ổ dịch Covid-19 mới đây ngay tại thủ đô Bắc Kinh, đồng thời chia sẻ với Đồng Nai cuối tuần về chuyện tác nghiệp đưa tin trong thời đại dịch lây nhiễm.
Nhà báo Châu Thái Bình - Trưởng đại diện Cơ quan thường trú Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) tại Trung Quốc (TQ) - phản ánh những điều “mắt thấy tai nghe” về đợt bùng phát ổ dịch Covid-19 mới đây ngay tại thủ đô Bắc Kinh, đồng thời chia sẻ với Đồng Nai cuối tuần về chuyện tác nghiệp đưa tin trong thời đại dịch lây nhiễm.
Nhà báo Châu Thái Bình |
“Đợt dịch Covid-19 mới bùng phát ở thủ đô Bắc Kinh - “điểm nóng” mới của TQ, có những biểu hiện khá giống với Vũ Hán (như lây nhiễm ngoài cộng đồng từ chợ đầu mối Tân Phát Địa, cung cấp đến hơn 80% rau củ quả, 10% thịt cho thủ đô) có 23 triệu dân. Do nó quá rộng, quá phức tạp nên việc phòng chống, truy tìm nguồn lây cũng là vấn đề đau đầu của chính quyền. Dư luận lo lắng Bắc Kinh sẽ là một “Vũ Hán thứ hai”. Nhưng cũng có nhiều chuyên gia và bản thân tôi cũng cùng suy nghĩ rằng TQ sẽ khống chế tốt ổ dịch mới, không để dịch bùng ra. Chính quyền rất quyết liệt khoanh vùng cách ly, nhanh chóng xét nghiệm axit nucleic cho 200 ngàn người tiếp xúc gần hoặc trực tiếp bán tại chợ. Rồi 9/16 quận được đưa vào diện “quản lý dịch” như kiểu thời chiến. Quan trọng nhất, tôi nghĩ nước bạn đã có quá nhiều “kinh nghiệm xương máu” từ Vũ Hán để xử lý triệt để và dập tắt thành công ổ dịch mới” - nhà báo Châu Thái Bình cho biết.
* Cảm ơn anh đã thông tin trực tiếp và xin gửi lời chúc sức khỏe và an toàn đến anh cùng gia đình. Nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6, xin anh có thể cho biết lịch trình “một ngày bận rộn” của anh diễn ra như thế nào?
- Vào cao điểm đại dịch Covid-19 (từ tháng 2 đến tháng 4-2020), cả ngày lúc nào chúng tôi cũng trong trạng thái tác nghiệp để cung cấp kịp thời 4-5 bản tin/ngày về tình hình dịch bệnh ở TQ, với nhiều thể loại tin, phóng sự, streambox trực tiếp gửi về Việt Nam.
Chúng tôi bắt đầu một ngày thời dịch bằng việc cập nhật số liệu trên mạng chính thống của Ủy ban Y tế quốc gia, nắm tình hình qua các báo chính thống TQ, các nguồn từ các hãng tin quốc tế... Sau khi phân bổ phù hợp thời gian đi quay hình, viết tin đăng ký với Hội đồng Tin tức của VTV ở Hà Nội, chúng tôi có thể ra ngoài và đi dự các cuộc họp báo hằng ngày của Ủy ban Y tế hay các cuộc họp lớn hơn của Quốc vụ viện về dịch bệnh.
Chúng tôi không quên cảm nhận, “nghe ngóng” tại địa bàn trong quá trình di chuyển tác nghiệp. Lúc cao điểm dịch (giữa mùa đông tuyết rơi) vẫn làm việc suốt từ 7 giờ tới 21-22 giờ mới xong là chuyện bình thường, chưa kể những bản tin đột xuất lúc 5-6 giờ sáng hôm sau.
* Tác nghiệp ở một đất nước quá rộng lớn với 1 tỷ 400 triệu dân, trong khi đơn vị chỉ có 2 phóng viên biên tập và 1 quay phim, hẳn là nhiều thử thách?
- Tất nhiên phóng viên thường trú tại đơn vị thường chịu nhiều áp lực. Thời dịch các địa phương “ngăn sông cấm chợ”, lái xe từ đầu này sang đầu bên kia Bắc Kinh cũng đã là chuyện không đơn giản bởi mỗi nơi một kiểu phong tỏa. Khi dịch bùng phát mạnh mẽ ở Vũ Hán thì nhiều vùng ngoại ô thủ đô, người dân lập các chốt chặn tự phát để ngăn xe cộ, người lạ đi vào các làng, chung cư. Việc tác nghiệp cực kỳ khó khăn, nhất là phóng viên nước ngoài tác nghiệp tại TQ thì lại càng không đơn giản. Chúng tôi phải có biện pháp phù hợp, cũng như cách thức phù hợp để tác nghiệp.
Người dân Bắc Kinh mong dịch bệnh không bùng phát trở lại. Ảnh: Châu Thái Bình |
Do lực lượng mỏng mà địa bàn lại quá rộng nên hầu như mỗi anh em đều chủ động làm rất nhiều công đoạn. Như tôi kiêm nhiệm vai trò là một phóng viên viết (VTV gọi là phóng viên biên tập) thì làm tất tần tật từ viết bài, dịch tiếng Anh, tiếng Trung, đọc, dựng hình, dẫn và kiêm luôn chuyện gửi sản phẩm hoàn chỉnh về nhà.
Việc gửi file hình về Việt Nam cũng phức tạp vì đường truyền mạng TQ ra bên ngoài thường trục trặc, không ổn định. Đôi khi không được thì phải tính tới giải pháp thứ hai là nối trực tiếp bằng tin điện thoại.
* Có khi nào anh và đồng nghiệp sợ mình sẽ bị lây nhiễm khi tác nghiệp ở một quốc gia là nơi phát sinh virus? Các anh giữ an toàn khi tác nghiệp bằng cách nào?
- Nhiệm vụ quan trọng nhất trong thời dịch bệnh là chúng tôi phải đảm bảo không được nhiễm bệnh, có cách trang bị khẩu trang, quần áo bảo hộ phù hợp và cực kỳ cẩn trọng trong khi đi ra ngoài lấy tin, quay hình ở những nơi có nguy cơ cao như: nhà ga xe lửa, tàu cao tốc, chợ...
Nhà báo Châu Thái Bình tác nghiệp tại Bắc Kinh đợt dịch Covid-19. Ảnh: VTV |
Chúng tôi cũng hạn chế tối đa xác suất bị lây nhiễm virus bằng cách tăng cường mua hàng online trên các trang thương mại điện tử, khi cần thiết lắm mới ra siêu thị mua hàng. Mỗi lần mua thật nhiều để dự trữ. Anh em cũng giữ cho tinh thần thoải mái, không bị stress (căng thẳng), sống cân bằng với cường độ làm việc và thời gian thư giãn (như tôi trồng rau, nuôi cá kiểng, chăm sóc vài chậu bonsai).
Vừa bận rộn làm tin bài nhưng cũng phải đảm bảo chuyện nấu nướng ăn uống sao cho đủ chất, có sức đề kháng. Thú thật nỗi sợ nhiễm bệnh từng là cảm giác thường trực, bởi chỉ cần bạn bị sốt là không qua được cửa bảo vệ của cao ốc nơi mình trú ngụ rồi, nói chi chuyện ra ngoài đường tác nghiệp. Nhưng mình có tinh thần nghề nghiệp, đồng thời quá bận rộn nên cũng... quên luôn nỗi sợ!
Giữ cho mình không bị bệnh cũng là một “nhiệm vụ chính trị” quan trọng, bởi đơn giản, chúng tôi hy vọng những tin tức từ TQ với những kinh nghiệm chống dịch nước sở tại cũng là một phần thông tin cho các cơ quan chức năng và người dân ở Việt Nam tham khảo phù hợp.
* Quá trình tác nghiệp thời Covid-19 mang đến cho anh những trải nghiệm, kinh nghiệm gì?
- Tôi ý thức luôn giữ cho mình sự bình thản và tự tin khi sống và làm việc ở TQ từ đầu thời điểm dịch Covid-19 cho đến nay. Yếu tố nằm lòng nhất là phải luôn cẩn thận đề phòng, trang thiết bị bảo hộ đầy đủ, hạn chế thấp nhất việc đi ra ngoài và phải theo dõi tin tức về nỗ lực chống dịch quyết liệt từ chính quyền nước bạn để mình có thêm niềm tin.
Dù bận rộn và đối diện nhiều thử thách đặc biệt với dịch bệnh nguy hiểm không ai dám lường trước này, tôi cho rằng mình đã có một hành trang cực kỳ quý giá trong cuộc đời tác nghiệp mà không phải ai làm nghề cũng có được. Quãng thời gian 6 tháng qua giúp chúng tôi trưởng thành nhiều, dù rằng hồi còn làm phóng viên thời sự trong nước thì cũng thường sẵn sàng đến nơi “đầu sóng ngọn gió”, “đón bão”... Để vượt qua những ngày “phong ba Covid-19”, chúng tôi rất ấm lòng khi nhận được sự động viên, khen ngợi và hỗ trợ kịp thời của lãnh đạo VTV. Nhiều anh chị em đồng nghiệp cũng điện thoại, nhắn tin hỏi thăm, an ủi. Nhiều bạn bè mới quen biết, kết bạn qua mạng xã hội, giao lưu tương tác... ở đợt dịch cũng là nguồn động viên tinh thần quý giá.
* Một câu hỏi riêng: Gia đình anh có gặp khó khăn vì Covid-19?
- Đợt cao điểm Covid-19 thì gia đình tôi ở Việt Nam không sang TQ được nên một mình tôi quán xuyến tất cả sinh hoạt cuộc sống riêng. Kỷ niệm đáng nhớ là tôi kho thịt, cá bị khét lẹt hết mấy lần vì mãi cố tranh thủ thời gian viết tin bài trong khi nấu ăn! Hiện vợ con tôi đã bay sang Quảng Tây, vừa chấp hành xong đợt cách ly 14 ngày (hôm 16-6) để bay về Bắc Kinh đoàn tụ thì kẹt lại vì hầu hết đường bay đến thủ đô đều bị cắt hết do đợt dịch mới. Tôi mong sớm được gặp lại họ.
* Xin cảm ơn anh và chúc gia đình anh sẽ sớm đoàn tụ trong an toàn. Chúc anh và đồng nghiệp tại TQ tiếp tục công tác tốt.
Trung Nghĩa (thực hiện)