Đồng Nai là vùng đất văn hóa lịch sử lâu đời ở phương Nam. Quá trình hình thành và phát triển của vùng đất này có công đóng góp không nhỏ của các bậc hiền tài, danh nhân nhiều thế hệ.
Đồng Nai là vùng đất văn hóa lịch sử lâu đời ở phương Nam. Quá trình hình thành và phát triển của vùng đất này có công đóng góp không nhỏ của các bậc hiền tài, danh nhân nhiều thế hệ.
Người dân đến tham quan và tìm hiểu lịch sử danh nhân Trịnh Hoài Đức tại mộ ông. Ảnh: B.Mai |
Các bậc hiền tài, danh nhân có thể sinh ra và lớn lên trên đất Đồng Nai, cũng có thể đến từ những miền quê khác, nhưng những đóng góp của họ trong phát triển vùng đất này xứng đáng được lịch sử, nhân dân ghi nhận và tôn thờ.
* “Khai tên” cho vùng đất mới
Trong cuộc trò chuyện với nhà nguyên cứu lịch sử Trần Quang Toại, hiện là Phó chủ tịch - Tổng thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh cho rằng, người có công lớn và đầu tiên khai tên và định đặt địa giới hành chính cho vùng đất phương Nam là Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh.
Trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc, Đồng Nai còn có các nhân tài: Phạm Văn Thuận, Huỳnh Văn Lũy, Hồ Văn Đại, Lý Văn Sâm, Bình Nguyên Lộc… Phó chủ tịch, Tổng thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Trần Quang Toại cho rằng, ghi nhớ công lao của các bậc tiền nhân có công khai hóa, giữ gìn và đóng góp cho sự phát triển của tỉnh, Đồng Nai đã lấy tên của các vị đặt tên đường, trường học, dựng tượng và bài vị ở nơi trang trọng như cách thể hiện sự tôn kính nhân tài, giáo dục các thế hệ về sự hy sinh cao cả, phẩm chất đạo đức của những con người làm rạng danh đất Đồng Nai. |
Sử sách còn lưu, cuối thế kỷ XVIII, Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh được chúa Nguyễn cử vào kinh lược xứ Đàng Trong tìm vị trí thuận lợi đặt địa giới và tổ chức cơ cấu bộ máy quản lý vùng đất mới. Sau thời gian thăm dò, năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh chọn vùng đất Gia Định - Đồng Nai làm nơi “đóng đô” và tiến hành các công việc đầu tiên thiết lập nền hành chính ở Nam bộ. Ông cho dựng dinh ở nhiều nơi, trong đó có Trấn Biên, Long Phước. Cùng với đó, ông chiêu mộ người dân, người tài từ duyên hải Nam Trung bộ vào lập làng, lập ấp; tổ chức khai hoang đất làm kinh tế và lập các thiết chế ổn định xã hội. Dưới thời cai quản của Nguyễn Hữu Cảnh, bờ cõi phương Nam được mở rộng, dân số gia tăng, cuộc sống yên ổn. Năm 1698 được lấy làm mốc ra đời vùng đất phương Nam.
Tưởng nhớ công lao lập địa và an dân của ông, nhiều tỉnh, thành vùng đất Nam bộ lấy tên Nguyễn Hữu Cảnh đặt cho các công trình công cộng như: đường, trường học, lập đền hoặc bài vị thờ. Tại Đồng Nai, đền thờ Thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh được công nhận di tích cấp quốc gia.
Cùng thời với Nguyễn Hữu Cảnh, Đô đốc Trần Thượng Xuyên cũng được xem là người có công lớn trong bình định, phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai và dung hòa văn hóa cộng đồng người Việt - Hoa tại đây. Sách Đại Nam nhất thống chí viết: “Với nguồn lực và mối quan hệ rộng, Trần Thượng Xuyên và cộng đồng người Hoa ở Trấn Biên đã góp công lớn xây dựng cù lao Phố thành một thương cảng sầm uất trong thế kỷ XVIII”. Đô đốc Trần Thượng Xuyên chiêu nạp được người buôn Trung Quốc đến đây giao thương, xây dựng đường phố, công trình văn hóa tín ngưỡng, lầu quán liền dải dọc bờ sông Đồng Nai. Công trình văn hóa tín ngưỡng ấn tượng mà ông để lại đến ngày nay là Thất Phủ cổ miếu (hay còn gọi là chùa Ông). Năm 2001 Thất Phủ cổ miếu được Bộ VH-TTDL công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Sau này, con cháu của Đô đốc Trần Thượng Xuyên xem Biên Hòa - Đồng Nai là quê hương thứ hai. Ghi nhớ công lao của vị Thượng đẳng thần, người dân Biên Hòa lập đình Tân Lân hướng mặt ra sông Đồng Nai thờ ông.
* Làm nên hào khí Đồng Nai
Với người dân xứ Biên Hòa - Đồng Nai, danh nhân văn hóa Trịnh Hoài Đức là một tài năng lớn, một nhân cách lớn, danh nhân văn hóa đã góp phần đặt nền móng cho hào khí Đồng Nai, văn hóa Đồng Nai. Tên ông được lựa chọn để đặt tên đường, tên trường học ở TP.Biên Hòa, H.Trảng Bom. Không những thế, tên tuổi cũng như sự nghiệp to lớn của ông sẽ còn sống mãi trong lòng người dân đất Việt.
Tương truyền, ở thế kỷ XIX dưới thời nhà Nguyễn, Trịnh Hoài Đức được xem như bậc khai quốc công thần, là một trong những trụ cột của triều đình, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Không chỉ có tài an dân trị nước, được 2 vua tin yêu, quần thần ngưỡng vọng, ở danh nhân Trịnh Hoài Đức còn toát lên một nhân cách lớn của bậc sĩ phu với cuộc sống giản dị, thanh cao, gần dân.
Dâng hương nhân ngày giỗ thi tướng Huỳnh Văn Nghệ |
Trịnh Hoài Đức còn để lại cho hậu thế một kho tàng văn hóa, lịch sử, điển hình là: Lịch Đài kỷ nguyên, Gia Định thành thông chí, Gia Định Tam gia thi tập, Cấn trai thi tập, Bắc sứ thi tập. Trong đó Gia Định thành thông chí được đánh giá là bách khoa địa lý học - lịch sử của Nam bộ, là thư tịch cổ của đất nước. Bộ sách ghi lại đầy đủ nhất, toàn diện nhất về xứ Đồng Nai - Gia Định trong thời kỳ khai phá, lập nghiệp của cư dân Việt.
Hiện lăng mộ của Trịnh Hoài Đức nằm trong một con hẻm nhỏ thuộc P.Trung Dũng (TP.Biên Hòa), lăng mộ mở cửa thường xuyên cho người dân và du khách đến dâng hương tưởng nhớ ông. Ngoài ra, tượng của danh nhân này được phối thờ trang trọng tại Văn miếu Trấn Biên như một minh chứng cho tình cảm của người dân Biên Hòa - Đồng Nai đối với bậc tiền nhân đức độ, tài năng của vùng đất.
Những năm tháng đấu tranh giành độc lập dân tộc và giải phóng đất nước, vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai cũng có không ít nhân tài. Trong số này có Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ. Tuy xuất thân từ nhà nghèo, đông con nhưng ông được hưởng một nền giáo dục tốt cả văn lẫn võ. Ông tham gia hoạt động cách mạng những năm 30 của thế kỷ XIX. Trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945, Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ được giao nhiệm vụ chỉ huy trưởng lực lượng Giải phóng quân Biên Hòa trực tiếp chỉ huy bắt sống Tỉnh trưởng và Cảnh sát trưởng tỉnh Biên Hòa. Những năm sau đó, ông được giao chỉ huy nhiều trận đánh lớn tại miền Đông, trong đó có trận La Ngà ngày 1-3-1948, đơn vị ông được Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa tặng thưởng Huân chương Chiến công, riêng Trung đoàn trưởng Huỳnh Văn Nghệ được đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thưởng riêng một áo trấn thủ. Ông kinh qua nhiều chức vụ trong ngành quân đội, lâm nghiệp, ở cương vị nào, ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Với người dân Biên Hòa, Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ không chỉ là một nhà chỉ huy quân sự tài năng, mà còn là một cây bút sắc trong các lĩnh vực báo chí, thơ ca. Những tác phẩm của ông thể hiện tình yêu hòa bình, tình cảm với quê hương, tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường của nhân dân miền Đông Nam bộ. Tên của ông được đặt cho con đường đẹp nhất nhì của TP.Biên Hòa hiện nay, tượng ông được đặt trang trọng trong đền thờ Văn miếu Trấn Biên và Vườn tượng danh nhân văn hóa.
2 thập niên đầu thế kỷ XXI đã đi qua, Đồng Nai đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, phát huy truyền thống của các bậc hiền nhân, đã có không ít những doanh nhân khẳng định được tên tuổi, vươn tầm quốc gia, quốc tế như: ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ô tô Trường Hải; ông Phạm Đức Bình, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình; ông Lê Văn Kiểm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư golf Long Thành; ông Đặng Tường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức; ông Nguyễn Ngọc Luân, HTX Nông nghiệp Lâm San… Họ là những người đang góp phần truyền “lửa” khởi nghiệp cho giới trẻ ở nhiều lĩnh vực, đóng góp lớn cho sự phát triển của Đồng Nai và đất nước.
Ban Mai