Mạng xã hội giờ đây giúp con người giao dịch dễ dàng, không gian được rút ngắn, thời gian được thu hẹp. Thế nhưng, bên cạnh những tiện ích mà các mạng xã hội mang lại, cũng đã xuất hiện những mặt trái, trong đó có chuyện lừa đảo.
Mạng xã hội giờ đây giúp con người giao dịch dễ dàng, không gian được rút ngắn, thời gian được thu hẹp. Thế nhưng, bên cạnh những tiện ích mà các mạng xã hội mang lại, cũng đã xuất hiện những mặt trái, trong đó có chuyện lừa đảo.
Những hình thức lừa đảo qua mạng xã hội rất khó lường, đối tượng lừa đảo thì giỏi công nghệ và các nạn nhân thì cả tin |
Có thể nói, các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Skype, Twitter… đang trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống hiện đại. Nhiều dịch vụ có thể dùng mạng để thực hiện, trong đó có việc chuyển tiền. Nhiều hình thức mua bán online được thực hiện giao dịch khá nhanh, khá thuận tiện. Nhưng mạng xã hội cũng là môi trường mà những đối tượng xấu lợi dụng sự cả tin, nhẹ dạ của một bộ phận thành viên cộng đồng để lừa đảo.
* Lừa đảo ngày càng tinh vi
Một fanpage giới thiệu sản phẩm trên Facebook tung ra “chiến dịch marketing” rất kỳ lạ. Họ yêu cầu các thành viên tham gia chiến dịch copy và dán lại nội dung giới thiệu sản phẩm của họ trên trang cá nhân của mình để nhận thưởng của chương trình. Nếu nội dung giới thiệu sản phẩm được nhân bản ấy có những phản hồi (comment) đặt hàng, thì họ sẽ nhận được thưởng cao hơn.
Để đảm bảo an toàn tài sản cho chính mình, chúng ta luôn thận trọng trong các giao tiếp trên mạng xã hội: Không nên đặt niềm tin tuyệt đối vào các thông tin trên mạng xã hội, không nên để lộ các thông tin cá nhân như: số tài khoản, số điện thoại, số CMND... qua mạng xã hội. |
Nhiều nạn nhân của trò lừa đảo này đã vô tình rơi vào cái bẫy: ứng tiền ra lấy hàng từ “công ty” để giao hàng cho những người đặt mua trên trang Facebook của mình. Nhưng sau khi họ mua hàng với số tiền ứng ra khá lớn thì chờ mãi không thấy người đặt mua lấy hàng. Liên lạc lại thì những “kẻ đặt mua hàng” không nghe máy hoặc số máy không có thật. Họ tìm đến “công ty” thì mới biết: chẳng có cái công ty nào tên như thế, ở địa chỉ như thế…
Đây là một chiêu thức mới đã bẫy được rất nhiều người nhẹ dạ. Bên cạnh đó, những chiêu thức cũ từng được cảnh báo trên truyền thông hiện vẫn còn “tác oai tác quái”.
Mới đây, chị Việt Hương nhận được tin nhắn qua Messenger của anh Việt Dũng là em trai của chị đang làm việc tại Đức. Em trai chị Hương báo là sẽ chuyển về gia đình số tiền 20 triệu đồng để cùng lo chi phí giải phẫu cho cha. Cũng trong tin nhắn ấy, anh Việt Dũng yêu cầu chị Hương ghi rõ các thông tin về số tài khoản, số điện thoại, số chứng minh nhân dân để anh chuyển tiền qua e-banking.
Đúng là nhà chị Hương đang có sự cố: người cha lớn tuổi vừa bị té gãy xương khớp phải phẫu thuật. Câu chuyện chuyển tiền từ em trai không hề làm chị nghi ngờ. Chị đã làm theo yêu cầu trong tin nhắn của Việt Dũng và sau đó, chị nhận được 1 tin nhắn dạng SMS gửi đến số điện thoại. Tin nhắn ấy hình thức giống tin nhắn từ ngân hàng, nội dung tin nhắn yêu cầu chị truy cập vào hệ thống (là một đường link) để nhận tiền. Chị nhấn vào link và sau đó, điền các thông tin theo hướng dẫn trên đường link này. Nhưng, thay vì nhận được 20 triệu đồng từ người em, toàn bộ tiền trong tài khoản của chị lại bị rút sạch!
Khi phát hiện ra mình bị mất hết tiền trong tài khoản, chị đã gọi trực tiếp cho người em Việt Dũng ở Đức thì được biết tài khoản Facebook của anh Dũng đã bị hack từ mấy ngày qua. Kẻ gian đã mạo danh anh Dũng để liên lạc với chị. Thông tin về chuyện gia đình của chị, kẻ gian biết được khi đọc trên Facebook và một số thông tin liên lạc của hai chị em trước đó…
* Lòng tham và sự nhẹ dạ: Gót chân Asin
Không ít người dùng tài khoản Facebook đều đã gặp những tin nhắn qua Messenger đại loại: “Bạn đã trúng thưởng một chiếc xe máy Honda SH và một phiếu quà tặng tiền mặt trị giá 300 triệu đồng…”. Không ít người dùng Facebook đã từng gặp những nội dung tin nhắn từ Messenger của người quen nhờ mua dùm card điện thoại hay cho mượn tiền gấp!
Kẻ lừa đảo qua mạng rất giỏi công nghệ, đa phần những vụ lừa đảo qua mạng đều dẫn đến hậu quả nặng nề cho nạn nhân. Cảnh giác vẫn là giải pháp quan trọng nhất |
Những người cảnh giác thì bỏ qua, nhưng những người còn hạn chế về công nghệ, chưa có kinh nghiệm và nhẹ dạ thì tưởng thật và đã bị lừa.
Với những tin nhắn trúng thưởng, các đối tượng thường yêu cầu chuyển số tiền (khoảng 3 triệu đồng) để nộp tiền lệ phí. Nhưng chưa hết, sau đó, các đối tượng lại tiếp tục nhắn tin rất khéo léo để yêu cầu chuyển khoản thêm nhiều nữa với số tiền tổng cộng hàng chục triệu đồng.
Với hình thức lấy tiền trong tài khoản của người bị lừa như trường hợp chị Việt Hương nói trên, thủ đoạn của kẻ xấu là dụ người bị hại truy cập vào đường link ảo. Từ đó, chúng ghi lại các thông tin cũng như mật khẩu dùng để giao dịch ngân hàng qua mạng và sau đó dùng chính các thông tin này để truy cập vào hệ thống chính thức của ngân hàng và rút tiền của người bị hại.
Nhưng để rút được tiền, cần phải lấy được mã OTP (mã số bảo mật) mà ngân hàng gửi riêng cho người bị hại, nên trên đường link ảo, chúng đã tìm cách hướng dẫn nạn nhân điền mã số này, sau đó dùng nó để rút hết tiền trong tài khoản của họ. Hình thức lừa lấy mã OTP đôi khi là những cú điện thoại (do nạn nhân để công khai số điện thoại trên Facebook). Nội dung những cuộc điện thoại đóng vai nhân viên ngân hàng là “tài khoản của bạn có một giao dịch bị treo, cần mã OTP để xử lý”. Vì nhẹ dạ cả tin và không hiểu công nghệ, chủ nhân cung cấp mã OTP, chỉ ít phút sau, số tiền hàng chục triệu đồng trong tài khoản đã bị mất sạch.
Đa phần những vụ việc này, khi người bị hại báo cáo cho cơ quan công an, cho ngân hàng thì đã quá muộn. Kẻ xấu đã xóa được dấu vết, rất khó điều tra.
Số lượng các vụ lừa đảo không ngừng gia tăng. Hình thức các vụ lừa đảo ngày càng tinh vi. Những đối tượng lừa đảo không chỉ ở trong nước mà còn là các phần tử xấu ngoài biên giới quốc gia. Các vụ lừa đảo ấy không dễ giải quyết và ngày càng đòi hỏi sự cảnh giác cao của mọi thành viên, sự nỗ lực ngăn chặn của nhiều cơ quan chức năng.
Cảnh giác với các chiêu thức
Các chiêu thức lừa đảo qua mạng rất tinh vi và đa dạng nhưng tựu trung vẫn xoay quanh một số phương thức: lừa trúng thưởng, hù dọa, đánh cắp thông tin, đánh vào tâm lý tình cảm… Mặc dù đối với loại tội phạm này, pháp luật cũng có những hình thức hết sức nghiêm khắc nhưng điều tra và xử lý các đối tượng gặp rất nhiều khó khăn vì kẻ lừa đảo giỏi công nghệ thông tin và sử dụng tài khoản ảo, tài khoản của người dùng mà chúng đánh cắp để liên lạc, nên rất khó tìm. Các đối tượng này thường ẩn danh, cơ quan điều tra xác định nhân thân lai lịch không dễ… Chúng ít để lại dấu vết. Hầu hết các vụ lừa đảo qua mạng sau khi nạn nhân báo lên cơ quan chức năng là đã quá muộn hoặc không rõ ràng (đối tượng có nghề thường sử dụng địa chỉ IP giả, khi nhận được tiền thì chuyển ngay vào một tài khoản ngân hàng nước ngoài…).
Phú Trang