Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự kết hợp các công nghệ số đa và đang làm nên sự thay đổi mạnh mẽ trong toàn bộ hoạt động báo chí. Điều này tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức, đoi hỏi những người làm báo phải thích ứng để có thể tận dụng được những lợi thế về công nghệ thông tin, đồng thời giữ vững được sự nhạy bén, bản lĩnh và kiến thức - nền tảng mà công nghệ khôngthể thay thế.
Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự kết hợp các công nghệ số đa và đang làm nên sự thay đổi mạnh mẽ trong toàn bộ hoạt động báo chí. Điều này tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức, đoi hỏi những người làm báo phải thích ứng để có thể tận dụng được những lợi thế về công nghệ thông tin, đồng thời giữ vững được sự nhạy bén, bản lĩnh và kiến thức - nền tảng mà công nghệ khôngthể thay thế.
Các nhà báo tác nghiệp ở một sự kiện tại TP.Biên Hòa vào tháng 12-2019. Ảnh: PHƯỚC TUẤN |
* Khi công nghệ song hành
Để chuẩn bị cho chương trình phát thanh Lăn bánh cùng 97.5 của Đài PT-TH Đồng Nai, ngoài nội dung chương trình, bố trí khách mời, ê-kip thực hiện chương trình còn đặc biệt quan tâm đến khâu kỹ thuật livestream trên Fanpage “Lăn bánh cùng 97.5”. Khi chương trình bắt đầu, cuộc trò chuyện giữa biên tập viên và khách mời sẽ được phát trực tiếp trên Facebook với sự tương tác, đặt câu hỏi giao lưu, kết nối thông qua phần bình luận.
Là chương trình phát thanh đầu tiên của Đài PT-TH Đồng Nai ứng dụng hình thức livestream trên Fanpage, bước đầu chương trình đã thu hút sự quan tâm của khán thính giả. Đây cũng là cách thức để chương trình phát thanh đến với nhiều đối tượng người nghe hơn, bên cạnh các hình thức phổ biến hiện nay như nghe đài trên ô tô, trên mobile và các trang web.
Chương trình phát thanh Lăn bánh cùng 97.5 của Đài PT-TH Đồng Nai được livestream trên Facebook. Ảnh chụp màn hình livestream của chương trình |
Biên tập viên Vũ Ngọc Diễm Thúy, thành viên ê-kip thực hiện chương trình cho biết, trước sự phát triển và khả năng lan tỏa thông tin mạnh mẽ của mạng xã hội, các chương trình phát thanh được phát trực tiếp trên nền tảng này cũng sẽ tiếp cận rộng rãi hơn với khán thính giả. Thế mạnh của phát thanh không chỉ ở tin tức nhanh, trực tiếp mà thông qua lời nói, âm nhạc và tiếng động giúp người nghe cảm nhận đầy đủ, rõ nét hơn về sự kiện, nhân vật. “Ứng dụng hình thức phát trực tiếp trên mạng xã hội đã giúp chương trình phát thanh phát huy được thế mạnh của mình trước các hình thức truyền thông mới. Trong chương trình, khán thính giá có thể cùng bình luận, chia sẻ cảm xúc. Riêng trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, các chương trình của “Lăn bánh cùng 97.5” với sự tham gia của các nhạc sĩ, vũ công nổi tiếng tham gia sáng tác phòng chống dịch đã mang đến cho người nghe sự hứng khởi, lạc quan hơn trên con đường chiến thắng dịch bệnh” - biên tập viên Diễm Thúy chia sẻ.
Với đạo diễn, quay phim Lê Minh Vương (Đài PT-TH Đồng Nai) thì chính yêu cầu ngày càng cao của khán giả, công nghệ đã giúp các chương trình truyền hình hấp dẫn hơn rất nhiều. Do đó, việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất chương trình rất được quan tâm nhằm chuyển đổi công nghệ, kỹ thuật sản xuất chương trình, nâng cao chất lượng hình ảnh, âm thanh, phát sóng…
Theo anh Vương, các thiết bị phục vụ sản xuất chương trình truyền hình ngày càng hiện đại, trong đó có các thiết bị ghi hình như flycam, steadicam và spidercam… Cùng với việc đầu tư, trang bị các thiết bị hiện đại thì đội ngũ vận hành cũng cần được đào tạo về kỹ thuật để có thể ứng dụng một cách hiệu quả. “Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin cũng như công nghệ truyền hình trên thế giới đặt ra yêu cầu cho những người làm truyền hình phải liên tục cập nhật. Theo dõi, tìm hiểu và ứng dụng công nghệ trong điều kiện, khả năng có thể giúp chúng ta không bị tụt hậu. Trước sự biến đổi liên tục của công nghệ, tôi xác định phải không ngừng tự học để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; học kinh nghiệm của những đồng nghiệp đi trước và sự sáng tạo, mới mẻ ở những người trẻ” - anh Vương bộc bạch.
Đạo diễn, quay phim Lê Minh Vương (Đài PT-TH Đồng Nai) cùng các thiết bị hỗ trợ sản xuất chương trình truyền hình |
Có thể nói, ứng dụng đa phương tiện trong báo chí truyền thông đang ngày càng phổ biến, đặc biệt trên báo điện tử. Trong đó, có nhiều loại hình thông tin được kết hợp với nhau như: văn bản, hình ảnh, video, đồ họa… để mang lại tính tương tác cao, cung cấp thông tin cho độc giả một cách linh hoạt. Theo nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật, Phó tổng biên tập báo điện tử VietnamPlus (TTXVN), các tòa soạn báo có thể ứng dụng các hình thức thể hiện mới trên báo điện tử như long-form hay e-magazine, là kiểu bài viết chuyên sâu về nội dung, được đầu tư cao về mặt hình ảnh cũng như đồ họa, được trình bày theo một kiểu giao diện riêng biệt, tập trung cao nhất cho trải nghiệm của độc giả. Để làm được điều này, ngoài sự đầu tư về hạ tầng công nghệ của tòa soạn báo, nhà báo cần phải thay đổi tư duy trong cách kể chuyện so với kiểu truyền thống trên văn bản sang cách kể chuyện bằng hình ảnh, đồ họa, từng bước tiếp cận với xu hướng của báo chí hiện đại.
Tại Báo Đồng Nai, bên cạnh các thông tin được cập nhật liên tục trên Đồng Nai online, báo cũng đã sản xuất các video clip bám sát các vấn đề đời sống xã hội, thu hút sự quan tâm, tương tác của bạn đọc, nhất là trên mạng xã hội Facebook. Với sự lan tỏa thông tin trên nền tảng mạng xã hội, đã có những phóng sự truyền hình thu hút hàng triệu lượt xem. Đặc biệt, những lợi thế về công nghệ đã được ứng dụng hiệu quả trong thời điểm này. Ví như khi thực hiện phóng sự về tình hình dịch bệnh Covid-19 vừa qua, để kịp thời mang thông tin đến độc giả trong hoàn cảnh không thể tiếp cận trực tiếp bệnh nhân nhiễm Covid-19 khi đang cách ly, những người thực hiện phóng sự đã tiến hành phỏng vấn bệnh nhân Covid-19 đầu tiên của Đồng Nai qua ứng dụng video call của Zalo.
“Sống chung” với mạng xã hội
Những thành tựu của khoa học - công nghệ đã làm cho báo chí có bước phát triển vượt bậc, song cũng tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của báo chí truyền thống, tạo ra sự “cạnh tranh” giữa báo chí truyền thống với mạng xã hội. Thay vì đối đầu với mạng xã hội, một số cơ quan báo chí đã tìm cách “sống chung”, tận dụng những lợi thế mà mạng xã hội đem lại. Thời gian gần đây, cùng với các cơ quan báo chí cả nước, các cơ quan báo chí trong tỉnh như Báo Đồng Nai, Đài PT-TH Đồng Nai cũng đã chú trọng xây dựng trang Facebook, cập nhật thông tin báo chí lên nền tảng này nhằm gia tăng sự tương tác với công chúng.
Những thay đổi về công nghệ và thói quen tiếp nhận thông tin của công chúng cũng đem lại nhiều cơ hội và tiền đề thuận lợi cho sự phát triển của báo chí từ sản xuất đến phát hành. Điều này cũng tạo áp lực buộc các cơ quan báo chí, nhà báo phải đổi mới tư duy, cách thức làm việc trong hoạt động báo chí để đưa đến công chúng những tác phẩm báo chí hấp dẫn và chính xác nhất thông qua môi trường mạng.
Nhà báo tác nghiệp trong rừng ngập mặn tại H.Nhơn Trạch |
Nhà báo Đỗ Trung Tiến, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Đồng Nai cho rằng, mạng xã hội - nơi chứa đựng lượng thông tin khổng lồ được cập nhật nhanh nhạy là môi trường để các nhà báo khai thác thông tin, đề tài. Thông qua mạng xã hội có thể quảng bá, lan truyền thông tin báo chí một cách nhanh chóng và rộng rãi hơn nhờ số lượng người dùng lớn. Tuy nhiên, việc chắt lọc, kiểm chứng những nguồn thông tin trên mạng xã hội cũng là thách thức, đòi hòi đặt ra đối với mỗi nhà báo. Người làm báo phải nhận biết được tin giả, thông tin xấu, độc và đấu tranh, phản bác lại các thông tin, quan điểm sai trái. Trước việc thông tin báo chí phải cạnh tranh với mạng xã hội, nhà báo phải có trách nhiệm trả lời được những câu hỏi mà mạng xã hội nêu được công chúng quan tâm nhằm mang đến nguồn thông tin sâu, tin cậy.
Nhà báo Đỗ Trung Tiến cũng nhấn mạnh, trong quá trình phát triển của công nghệ ngày nay, bên cạnh việc ứng dụng công nghệ thì trách nhiệm, đạo đức của nhà báo rất quan trọng. Bởi tác phẩm báo chí không chỉ được khẳng định nhờ yếu tố công nghệ mà còn hội tụ tri thức, nhiệt huyết và bản lĩnh của mỗi nhà báo.
Là tác giả của rất nhiều bức ảnh báo chí được độc giả theo dõi, yêu thích cả trên báo lẫn mạng xã hội, phóng viên ảnh Nguyễn Khánh (Báo Tuổi trẻ) chia sẻ, nghề phóng viên ảnh không mang lại sự giàu có về tiền bạc nhưng đã cho anh nhiều cảm xúc và trải nghiệm vô giá. Phóng viên này có một nguyên tắc trên mạng xã hội, đó là cố gắng chia sẻ những điều tích cực. Thông qua những những bức ảnh, những khoảnh khắc khiến bản thân người làm báo rung động. Những câu chuyện tử tế đó giúp anh cân bằng cảm xúc và hơn hết là có thể lan tỏa những cảm xúc tích cực đó đến với mọi người.
Thảo Nguyên
Nhà báo Khắc Thiết (Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao TP.Biên Hòa):
Ưu tiên smartphone cho những “tin nóng”
Bên cạnh những tin tức phục vụ phát thanh của TP.Biên Hòa thì trong thời gian qua, với việc tận dụng tối đa sự hỗ trợ của các thiết bị công nghệ, nhiều tin bài, phóng sự của tôi đã được đăng tải trên Báo Đồng Nai online cũng như phát sóng trên Đài PT-TH Đồng Nai. Đối với nhiều vụ việc “nóng” xảy ra trên địa bàn, bản thân tôi đã tác nghiệp tại hiện trường bằng nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, tác nghiệp bằng smartphone (điện thoại thông minh) đã được tôi ưu tiên nhằm kịp thời chuyển tải thông tin và hình ảnh nhanh nhất về tòa soạn. Đơn cử như vụ sập công trình xây dựng tại Khu công nghiệp Giang Điền, H.Trảng Bom xảy ra chiều 14-5, tôi đã tận dụng tối đa tiện ích của điện thoại thông minh trong tác nghiệp. Chỉ trong khoảng 15 phút tôi đã hoàn thành cả nội dung bản tin, ảnh, clip gửi về Đài PT-TH Đồng Nai bằng điện thoại. Thông tin này cũng đã kịp phát sóng trong chương trình Thời sự Đài PT-TH Đồng Nai và Đài Truyền hình Việt Nam tối 14-5. Trong đó, việc truyền tải ảnh và clip được tôi thực hiện qua Zalo. Bên cạnh đó, cũng bằng chính điện thoại, tôi đã kết nối phát trực tiếp qua sóng FM của kênh PT-TH Quốc hội với thời lượng khoảng 7 phút ngay tại hiện trường vụ việc. Theo tôi, với nhiều sự kiện “nóng” thì điện thoại thông minh chính là giải pháp tối ưu thay cho máy quay phim, máy chụp hình và máy tính xách tay...
Nhà báo Ngô Phước Tuấn (Báo VnExpress):
Tính chính xác cao là điểm khác biệt để báo chí tồn tại
Phụ trách thông tin về các hoạt động trên địa bàn rộng như Đồng Nai là một khó khăn không hề nhỏ đối với phóng viên, đặc biệt trong thời đại số, yêu cầu thông tin phải nhanh, chính xác, sống động. Công nghệ luôn song hành với tác nghiệp nên tôi luôn ưu tiên đầu tư các dụng cụ tác nghiệp mới: như máy ảnh kết nối mạng, máy quay, flycam, điện thoại thông minh tích hợp máy tính... Ngoài ra, người cầm bút cần thường xuyên trau dồi kiến thức nghiệp vụ để làm chủ công nghệ đó. May mắn được làm việc với tờ báo luôn coi trọng phát triển công nghệ như VnExpress, tôi nhiều lần được cử đi học các khóa đào tạo chuyên môn từ những chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước để hoàn thiện kỹ năng cho bản thân.
Thực tế làm báo thời nào cũng đòi hỏi sự nhanh nhạy, chính xác và đa năng, thời công nghệ 4.0 càng cần thiết hơn. Với sự cạnh tranh thông tin càng khốc liệt với mạng xã hội, đòi hỏi nhà báo sự chính xác cao trong mỗi thông tin, có phát ngôn chính thức từ cơ quan chức năng, đó cũng là điểm khác biệt để báo chí tồn tại. Khi trên mạng có nhiều thông tin trái chiều, nhiễu loạn về một vụ việc nào đó, bạn đọc rất cần thông tin chính thức, khi đó họ cần đến báo chí. Nhà báo phải dẫn nguồn từ những người có trách nhiệm và có mặt sớm tại hiện trường để đưa đến bạn đọc những gì mắt thấy tai nghe.
Nhà báo Nguyễn Nhâm, (Báo Dân Việt):
Học hỏi để tránh “lạc hậu”
Làm báo thời 4.0 ưu tiên hàng đầu vẫn là tiếp cận, đưa thông tin nhanh chóng, chính xác đến bạn đọc. Đặc biệt nhà báo cần có tâm thế và kỹ năng chắt lọc, kiểm chứng thông tin một cách chặt chẽ, trách nhiệm. Ngoài kiến thức, kỹ năng tác nghiệp cơ bản thì người làm báo hiện nay cần thành thạo cách làm báo đa phương tiện, để sản phẩm có thể được sử dụng trên nhiều nền tảng, thể loại như báo in, báo nói, báo hình… Do vậy, trong thời đại 4.0 yêu cầu với mỗi nhà báo vẫn là nền tảng kiến thức, lối tư duy mở, năng lực truyền thông sáng tạo, khả năng tiếp cận và làm chủ công nghệ để không bị lạc hậu trong dòng chảy báo chí hiện đại.