Tác giả Hoàng Đình Nguyễn là hội viên sáng lập Hội Văn học - nghệ thuật Đồng Nai. Từ bấy đến nay đã hơn 40 năm (1979- 2020), rất nhiều thay đổi, lớp hội viên đầu tiên ấy cũng thưa thớt dần, kẻ còn, người mất, người chuyển đi nơi khác, nhưng Hoàng Đình Nguyễn vẫn bền bỉ chuyên tâm với "niềm yêu của mình".
Tác giả Hoàng Đình Nguyễn là hội viên sáng lập Hội Văn học - nghệ thuật Đồng Nai. Từ bấy đến nay đã hơn 40 năm (1979- 2020), rất nhiều thay đổi, lớp hội viên đầu tiên ấy cũng thưa thớt dần, kẻ còn, người mất, người chuyển đi nơi khác, nhưng Hoàng Đình Nguyễn vẫn bền bỉ chuyên tâm với “niềm yêu của mình”. Ông kỹ sư hóa thực phẩm - nguyên Giám đốc Xí nghiệp Mạch nha Đồng Nai (nguyên học sinh miền Nam tập kết) vẫn đi song song hai niềm đam mê Nghề và Nghiệp: Chế biến thực phẩm và sáng tác văn chương. Nghề cũng có lúc dừng (nghỉ hưu) thì ông tiếp tục đi dạy nghề khắp trong Nam ngoài Bắc, lại càng có cơ hội kết hợp đi thực tế sáng tác, tiếp thêm năng lượng bổ sung cho nghiệp văn chương.
Tác giả Hoàng Đình Nguyễn trong chuyến đi thực tế sáng tác tại Vũng Tàu |
* Cây bút tiêu biểu của công nhân công nghiệp
Từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước, tỉnh Biên Hòa, bây giờ là tỉnh Đồng Nai đã là trung tâm công nghiệp lớn nhất miền Nam. Đến năm 1975, có tới gần 100 nhà máy, xí nghiệp tập trung tại Khu công nghiệp Biên Hòa. Từ năm 1990 trở lại đây, tỉnh Đồng Nai nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với hàng ngàn công ty, xí nghiệp vốn đầu tư nước ngoài và trong nước, trên cả nửa triệu công nhân lao động. Mảng công nghiệp chiếm một tỉ trọng áp đảo, là chủ lực trong phát triển kinh tế của tỉnh.
Văn học - nghệ thuật không thể đứng ngoài thực tế này. Ngay khi thành lập Hội Văn học - nghệ thuật Đồng Nai, lãnh đạo Hội lúc đó là các nhà văn Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn, Anh Hoàng (Hoàng Kim Chung) đã rất quan tâm đến xây dựng và phát triển lực lượng sáng tác văn học nghệ thuật trong đội ngũ cán bộ, công nhân các nhà máy, xí nghiệp. Tác giả thơ Hoàng Đình Nguyễn lúc đó đang là Phó giám đốc Xí nghiệp Mạch nha Đồng Nai. Các cây bút “xuất thân” từ mảng công nghiệp hồi đó có cây bút văn xuôi kỳ cựu, như kỹ sư Nguyễn Duy Thinh, Phó giám đốc Công ty Thương nghiệp khu công nghiệp Biên Hòa; kỹ sư cây bút văn xuôi Nguyễn Văn Minh (Nhà máy Cơ khí Đồng Nai), chị Thu Yên viết văn xuôi (Nhà máy Sơn Đồng Nai); cô cán bộ Công đoàn Nhật Tú làm thơ (Công ty Giấy Tân Mai), kỹ thuật viên Thân Văn Kích làm thơ (Nhà máy Phân bón Đồng Nai)...
Xí nghiệp Mạch nha Đồng Nai tọa lạc bên sông Đồng Nai, nhìn ra cây cầu Mới (P.Hóa An), với hơn trăm công nhân đa phần tuổi trẻ cùng vị giám đốc xí nghiệp hồi đó cũng là cán bộ miền Nam tập kết, yêu thơ văn, quý trọng kẻ sĩ, càng tiếp thêm năng lượng, hứng khởi cho những vần thơ của kỹ sư Hoàng Đình Nguyễn cất cánh. Hình tượng người công nhân lao động, những trăn trở, xao động tâm hồn họ đã ánh vào trang thơ của ông: “Những ánh đèn nhấp nhánh/ Tựa như rừng sao rơi/ Rực sáng cả triền đồi/ Dọc ngang khu công nghiệp” (Những ánh đèn khu công nghiệp). Hoàng Đình Nguyễn là cây bút thơ tiêu biểu về mảng công nhân công nghiệp Đồng Nai suốt nhiều năm qua. Giữa bề bộn chói chang của sắt thép, xi măng, nghiêm nhặt, phức tạp của những chỉ số tính toán, bận rộn của ca kíp, Hoàng Đình Nguyễn vẫn tìm ra những ánh thơ, chất thơ, những nét trữ tình từ đời sống; từ dáng “em nhỏ nhắn vai gánh đầy nắng hạ”, “Màu áo ka ki bạc phếch giữa công trường”, “Bao nhà máy dọc dài khu công nghiệp. Màu áo thợ xanh những con đường”, đến những xao động “Sắc màu đẹp nhất trên đời. Đi vào với gốm từ đôi tay này”, và “Ngày không gặp là ngày dài theo ca máy. Chiếc cầu kia bỗng thấy dài ra”...
* Những nỗi niềm sâu nặng
Nhớ thương, gắn bó sâu nặng với quê hương, với miền đất mình đang sống, với mẹ, cha và những người thân yêu là tình cảm nhiều người mang nặng, nhưng đối với Hoàng Đình Nguyễn, cậu bé 9 tuổi đã xa quê hương theo cha tập kết ra Bắc thì có những nét riêng, da diết: “Ngày Quy Nhơn tiễn chân tôi/ Tròn chín tuổi lên đường ra Bắc/ đằng đẵng hai mươi năm/ Những buồn vui góp nhặt/ Ngày trở về nước mắt đã cạn khô” (Quy Nhơn thêm một lần tôi đến).
Mảng “trữ tình riêng tư” trong thơ Hoàng Đình Nguyễn đậm nét, đau đáu, khắc khoải. Hơn 60 năm qua đi, những người thân yêu nhất cũng đã về nơi xa thẳm nhưng nỗi nhớ thương thì mãi đầy thêm, xa xót: “Hai mươi năm sống trên đất Bắc/ Con học trường miền Nam, ba ở công trường/ Những ngày Tết xa nhà chạnh nhớ quê hương/ Ba lại đến đón con trong mưa phùn gió bấc”; “Qua trăm miền, qua bao vùng đất mới/ Sông nuôi đất, nuôi người bằng dòng nước ngọt trong/ Mẹ mòn mỏi đợi cha, thương nhớ chờ mong/ Khúc ru buồn nơi hàng dừa xao xác...”; “Bao lâu nữa sẽ thành sương khói/ Tình nghĩa nặng sâu con nào đã đáp đền/ Giữa dòng đời nhớ nhớ quên quên/ Vẫn đầy ắp trong con bóng hình cha thời tuổi trẻ”, “Mẹ cha đã đi trọn dòng đời - xuôi về miệt thứ/ Chốn nhân gian tôi nhận hết vui buồn”...
Trong 6 tập thơ xuất bản đã có đến 2 tập thơ Hoàng Đình Nguyễn mượn lời ru đặt tên: Lời ru dòng sông, Tìm lại lời ru. Lời ru rất nhiều lần được nhắc tới, trở đi trở lại. Lời ru ở đây là ẩn dụ về tất cả những điều tốt đẹp, là đạo nghĩa, là lẽ sống, là tình cảm yêu thương, nhân ái, là sự chân thành, trong sáng, thủy chung, là những giá trị đẹp đẽ của quá khứ, giá trị tinh thần cao quý cha ông để lại. Văn chương phải góp phần lưu truyền và gìn giữ. Có thể hiểu như một tuyên ngôn của tác giả.
Hơn 40 năm qua, công tác và định cư ở Đồng Nai - nơi đã trở thành quê hương thứ hai, tình cảm gắn bó sâu nặng với vùng đất cũng thường trực trong thơ ông: “Có những ngày đi xa/ Lòng bỗng nhớ Biên Hòa da diết/ Đếm từng ngày thời gian cách biệt/ Để trở về thêm rộng lớn yêu thương”; “Cây nghiêng bóng đổ bên thềm/ Vườn sầu riêng vẫn êm đềm đưa hương/ Chiều nay về với miệt vườn/ Long Thành như ngỡ vấn vương kiếp nào”; “Đốt nén nhang thơm gửi lòng vào cõi nhớ/ Bến sông xưa vẫn ấm nồng hơi thở/ Chiều Biên Hòa nhớ mãi một người đi”…
* Những đóng góp trong đề tài cách mạng và kháng chiến
Sẽ là rất cơ học khi điểm nội dung sáng tác của một tác giả phân chia tách bạch theo đề tài. Đối với tác giả Hoàng Đình Nguyễn, đề tài cách mạng và kháng chiến là sự nằm lòng và đã được ghi nhận. Ông đã 2 lần (các năm 2012, 2019) đoạt giải cao nhất về thơ Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí chủ đề tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của Tỉnh ủy Đồng Nai và năm 2013 đoạt giải này tại Tỉnh ủy Bình Phước. Tình cảm yêu kính lãnh tụ, khâm phục những tấm gương chiến sĩ cộng sản kiên trung, những con người tốt đẹp, gương mẫu, hy sinh, cống hiến hết mình cho sự nghiệp cao đẹp vì Nước, vì Dân chiếm mảng đậm trong những trang thơ Hoàng Đình Nguyễn. Ông ca ngợi những chiến sĩ cộng sản kiên trung trong Nhà lao Tân Hiệp “Không khuất phục trước nhục hình, áp bức, khảo tra/ Nhất loạt vùng lên - kết thành một khối/ Chặt đứt xích xiềng giành lại tự do”; nhà thơ chiến sĩ Huỳnh Văn Nghệ “Sang sảng đọc thơ/ Những năm tháng nhọc nhằn/ Nắm cơm nguội theo người đi đánh giặc/ đêm đêm nghe chầm chậm bước người về”; nhà văn lớn của Miền Đông Nam bộ - Hoàng Văn Bổn “Sống trọn với quê nhà năm tháng chờ mong/ Lũ chúng tôi theo Anh đi mãi/ Chiến trường gần đến chiến trường xa/ Sông Đồng Nai oằn mình cuộn chảy/ Giữa dòng đời ngược xuôi xuôi ngược/ Tìm về sưởi ấm những dòng sông”; nhạc sĩ tài danh Phan Huỳnh Điểu “Vốn liếng cả đời là những bài ca/ Lũ trẻ theo Anh tiếng đàn vẫy gọi/ Thẳng hướng Trường Sơn đi giải phóng quê nhà”.
Ở đây xin thêm mở ngoặc, được biết bà mẹ ông Hoàng Đình Nguyễn ở H.Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi là một trong những cơ sở cách mạng kiên trung đào hầm nuôi giấu nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đến thực tế sáng tác tại địa phương trong kháng chiến chống Mỹ (1965-1975). Sau này, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu vẫn còn giữ mối quan hệ gắn bó thân thiết với gia đình ông Hoàng ở quê…
Những trang văn, thơ du ký
Những năm gần đây, do điều kiện cho phép, Hoàng Đình Nguyễn được đi thăm nhiều nơi trên đất nước, nhiều nước trên thế giới. Ông đã viết 3 tập ký và sáng tác nhiều bài thơ về những chuyến đi này. Hoàng Đình Nguyễn đi từ Sa pa nơi: “Đường phố quanh co nhưng tình người chân chất/ Mây bồng bềnh quấn quýt yêu thương” (Sa Pa chiều tôi đến) - nơi có đỉnh Fansipan - niềm tự hào của đất nước Việt Nam: “Vời vợi linh thiêng cờ Tổ quốc vẫy chào” (Nắng ấm Sa Pa); đến viếng “các vua Hùng nơi đất Tổ linh thiêng”; đến Đảo Ngọc (Đại Lải) gặp “những thiếu nữ chân trần/ từ quá khứ bước ra”; đến Mũi Cà Mau, Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ)...
Ông đến thăm nhiều nước thuộc châu Á, châu Âu, châu Mỹ... Nhưng càng đi xa, thấy nhiều, ông không choáng ngợp, lạ lẫm, mà lại quay về tâm sự với trái tim mình, với ký ức tuổi thơ mình: “Những cao ốc chọc trời/ Soi gương mặt nước/ Như tuổi thơ tôi/ Luôn đuổi bắt những phép màu mơ ước” (Trên đại lộ các ngôi sao). Ông đến “Những xứ sở vật chất dư thừa của các ông hoàng Ả Rập/ Để có những phút giây hồn phách hoang đường”. Sang đến nước Nga xa xôi, với nỗi niềm thành kính, ông còn gặp được: “Dấu ấn Bác Hồ nước Nga còn lưu lại/ Giữa cánh rừng bạch dương dào dạt những ân tình”...
***
Hoàng Đình Nguyễn đã xuất bản 5 tập thơ: Hai bờ thương nhớ, Tự tình, Dấu ấn thời gian, Lời ru dòng sông, Hạnh phúc lang thang và 3 tập văn xuôi: Những miền đất tôi qua (du ký), Một thời mãi nhớ (tự truyện), Đường đến chân trời (du ký). Năm 2020, Hoàng Đình Nguyễn xuất bản tập thơ thứ 6: Tìm lại lời ru. Ông đã 3 lần được Giải thưởng văn học nghệ thuật Trịnh Hoài Đức của tỉnh và nhiều giải thưởng các cuộc thi thơ trong và ngoài tỉnh. Ngôn ngữ thơ Hoàng Đình Nguyễn giản dị, giàu chất tự sự và bộn bề chất liệu đời sống. Những đóng góp tích cực của Hoàng Đình Nguyễn đối với phong trào văn học nghệ thuật Đồng Nai hơn 40 năm qua là rất đáng ghi nhận. Không ồn ã, bon chen, ông bình lặng, chuyên tâm sáng tác, kiên trì với niềm đam mê của mình. Trong làng văn chương nghệ thuật Đồng Nai, Hoàng Đình Nguyễn có một chỗ đứng trân trọng bởi sự đam mê, chân thực trong sáng tạo và cuộc sống.
Phước Long Giang