Báo Đồng Nai điện tử
En

Gặp gỡ những ''cua-rơ'' nghiệp dư

10:06, 27/06/2020

Sáng sớm, chiều muộn trên những tuyến đường lớn, nhỏ ở TP.Biên Hòa thường xuất hiện những "cua-rơ" nghiệp dư trên những chiếc xe đạp thể thao. Với họ, việc đạp xe là một đam mê, vừa rèn luyện sức khỏe vừa có dịp khoe "ngựa sắt" với bạn bè.

Sáng sớm, chiều muộn trên những tuyến đường lớn, nhỏ ở TP.Biên Hòa thường xuất hiện những “cua-rơ” nghiệp dư trên những chiếc xe đạp thể thao. Với họ, việc đạp xe là một đam mê, vừa rèn luyện sức khỏe vừa có dịp khoe “ngựa sắt” với bạn bè.

Có người còn tậu hẳn một bộ sưu tập xe đạp thể thao đắt tiền, có chiếc trị giá từ vài chục triệu tới trên 100 triệu đồng để “thỏa mãn” niềm đam mê với xe đạp thể thao.

* Đam mê xe đạp thể thao

Sở hữu 5 chiếc xe đạp thuộc loại “độc, lạ”, ông Năm Đức (tên thường gọi của luật sư Nguyễn Đức, Hội Luật sư tỉnh, 71 tuổi, ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) mỗi ngày chọn  một chiếc rong chơi cùng 2 bạn già: Tư Cường, Ba Danh (cùng ngụ P.Bửu Long). Ông Năm Đức tâm sự, đạp xe rèn sức khỏe là chính nhưng thấy xe của bạn già “chiến” hơn xe của mình thì lại muốn sở hữu thêm nhiều chiếc xe “ngon” hơn như một niềm vui của tuổi già.

Ông Huỳnh Văn Hải (56 tuổi, đại lý bán xe đạp và phụ tùng xe đạp trên  đường 30-4 (P.Thanh Bình, TP.Biên Hòa) cho hay, trên địa bàn TP.Biên Hòa có gần chục đại lý, điểm bán, sửa xe đạp thể thao. Người thích xe nhập khẩu thì tìm đến các đại lý lớn như: HTH (đường Phạm Văn Thuận, P.Tân Mai), Hiệp (đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến)... Còn người thích xe cổ, “độc, lạ” thì có tiệm của ông Lộc (P.Bửu Long). Những ông già mê xe đạp thường rất khó tính nhưng nếu hiểu ý họ thì rất dễ bán hàng vì họ rất chịu chi.

Dù hằng ngày ông Năm Đức đi làm bằng xe máy, ô tô riêng nhưng ông vẫn giữ thói quen đạp xe đạp thể dục 10km vào sáng sớm hay chiều tối mỗi ngày. Ông Năm Đức bộc bạch, thời còn bao cấp chiếc xe đạp là phương tiện chính để đi lại nên đạp xe đi làm, đi cơ sở hàng chục cây số đường rừng, gồ ghề vẫn không thấy mệt. Nay đường êm, xe tốt nhưng tuổi cao nên chỉ đạp khoảng  5-10km là thấm mệt, toát mồ hôi. Dù vậy, ông vẫn phải cố gắng luyện tập giữ gìn sức khỏe, đỡ đau bệnh để các con không phải lo cho mình.

Nhóm xe đạp của ông Năm Đức trước kia có hàng chục người trung niên, cao niên tham gia. Nay ông và 2 người bạn Tư Cường, Ba Danh tách nhóm riêng vì không theo kịp nhóm người sung sức, ngày tập luyện 20-30km trên những tuyến đường dài như: Bửu Long đi TT.Vĩnh An (H.Vĩnh Cửu), TT.Trảng Bom (H.Trảng Bom), TT.Long Thành (H.Long Thành)... Do đó, mỗi buổi sáng sớm ông và 2 bạn già chọn cung đường từ Thư viện tỉnh đi Văn miếu Trấn Biên, cù lào Rùa, cù lao Phố để rèn luyện sức khỏe.

Cũng theo ông Năm Đức, thể dục bằng xe đạp cũng có lắm chuyện buồn vui như: xe bị hư giữa đường thì bạn già xúm nhau sửa hoặc lai dắt về; cả nhóm ngồi nghỉ bên vệ đường thì bị kiến, ong đốt, bị kẻ gian “cắp nách” chiếc xe đạp phóng xe máy chạy mất; có khi sung sức đạp đua cũng làm huyết áp tăng đột ngột hoặc té xe đạp...

Là dân chơi xe đạp từ năm 1980, ông Bảy Hiền (57 tuổi, ngụ P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) kể, thời bao cấp xe đạp hiếm, là phương tiện chính trong việc di chuyển. Cho nên, người nào sở hữu được chiếc xe đạp được lắp ráp từ những món phụ tùng của Tiệp Khắc, Pháp, Đức luôn được bạn bè ngưỡng mộ. Những món phụ tùng này, dân TP.Biên Hòa phải về Sài Gòn tìm kiếm hoặc mua xe cũ về rã lấy phụ tùng. Mỗi chiếc xe như vậy có giá từ 3-4 chỉ vàng và phải đặt cả tháng trời mới có.

“Đến bây giờ tôi vẫn thấy vài ông già đạp xe thể dục sáng do tôi lắp ráp bán vào những năm 1970-1980. Đây là những chiếc xe thuộc hàng “độc” hiện nay rất khó tìm” - ông Bảy Hiền bày tỏ.

Đôi bạn Năm Đức, Tư Cường (ngụ TP.Biên Hòa) thường rủ nhau đạp xe tập thể dục vào mỗi buổi sáng sớm
Đôi bạn Năm Đức, Tư Cường (ngụ TP.Biên Hòa) thường rủ nhau đạp xe tập thể dục vào mỗi buổi sáng sớm

Điều đặc biệt hơn thỉnh thoảng thấy trên đường phố Biên Hòa, hình ảnh những người già dắt xe đạp dạo phố, chứ không “cưỡi”. Lý do, họ không còn sức khỏe để đạp, mượn chiếc xe làm điểm tựa để rèn đôi chân hoặc chủ yếu chỉ để... khoe xe.

* Cũng lắm công phu

Trên địa bàn TP.Biên Hòa có hàng chục nhóm xe đạp của thanh niên, trung niên, cao niên và hàng trăm, ngàn người chọn chiếc xe đạp đồng hành thể dục mỗi sáng. Sự khác biệt giữa thể dục bằng xe đạp theo nhóm với đạp xe thể dục “mồ côi” chính là chiếc xe đạp.

“Tham gia nhóm thì phải có xe đạp thể thao (cuộc), giá trị chiếc xe từ vài chục triệu tới trên 100 triệu đồng. Các thành viên trong nhóm thì sức khỏe phải đều nhau, có một chút tài chính để chia sẻ kinh phí cho chuyến đi xa hoặc làm từ thiện” - ông Hai Lý (nhóm xe đạp ở P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) cho hay.

Với xe đạp thể dục “mồ côi” thì không cần xe “ngon”, xe xịn, xe cuộc giá trị. Nét đặc biệt hơn là trong nhóm này có cả những chiếc xe đạp cổ thập niên 40 -80 thế kỷ XX của Tiệp Khắc, Pháp, Đức và những chiếc xe lắp ráp theo sở thích nên thuộc loại “độc, lạ”.

Ông Trần Hanh (56 tuổi, ngụ P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) bộc bạch, để sở hữu chiếc xe đạp được xếp vào loại “độc, lạ” cũng lắm công phu và tiêu tốn vài chục triệu đồng. Bởi vì ngoài đồ hiệu, kiểu dáng, màu sơn, chiếc xe phải trang trí thêm các phụ tùng như: bình nước, còi, đèn, đồng hồ đo tốc độ, huyết áp...

Cũng theo ông Trần Hanh, có người mới đầu chỉ sắm chiếc xe đạp bình thường có giá khoảng 2-3 triệu đồng tham gia nhóm bạn thể dục cho vui. Sau đó, thấy xe của bạn già “xịn xò” hơn xe mình nên đổi xe, “lên đời” xe liên tục. Đó là tâm lý chung, không có tiền thì thôi chứ trong thâm tâm dân chơi xe đạp, họ không bao giờ để chiếc xe đạp của mình bị lép vế, thiếu nét khác biệt so với xe của các thành viên trong nhóm. Cho nên, với những ông già đam mê xe đạp, “chơi” xe cũng khá tốn kém và sành điệu.

Nhiều “dân chơi” xe đạp ở TP.Biên Hòa thường kháo nhau chuyện bị các đại lý bán phụ tùng “chặt chém” hoặc bày vẽ để họ đổi xe, mua phụ tùng. Với những đại lý như vậy, bị những người sành chơi xe tẩy chay, khuyến cáo bạn bè tránh xa, giới thiệu những chỗ uy tín để sửa, đổi xe.

“Thường mới tập tành chơi xe, thế nào cũng bị họ dụ mua phải món hàng giá cao và bày vẽ thay cái này, đổi cái kia cho hợp mốt với giá trên trời” - ông Tư Cường nói.

Những hội, nhóm có cùng niềm đam mê xe đạp vẫn cùng nhau đạp xe trên những cung đường của TP.Biên Hòa vào các buổi sáng sớm hoặc chiều muộn để cuộc sống thêm vui, yêu đời. Nhiều chuyện bên lề thú vị, đáng yêu được các hội, nhóm này bàn đến như: nhóm này vừa tổ chức chuyến đi rừng kết hợp làm từ thiện, nhóm kia có người mới tậu chiếc xe “chiến” mấy chục triệu đồng... Việc đạp xe không chỉ rèn luyện sức khỏe mà còn chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với những người bạn có cùng đam mê, nhờ đó niềm đam mê ngày càng nhân lên. Chính vì vậy những hội, nhóm xe đạp ở TP.Biên Hòa mới có thể duy trì hoạt động suốt nhiều năm qua.

Đoàn Phú

 

Tin xem nhiều