Xã Phú Điền (H.Tân Phú) vốn nổi tiếng với những cánh đồng lúa cò bay thẳng cánh. Tuy nhiên, những năm gần đây nông dân xã Phú Điền đã chọn những cánh đồng trũng để chuyển đổi cây lúa sang trồng sen. Sự thay đổi này ngoài mang lại giá trị kinh tế cao hơn còn tạo nên những ấn tượng đặc biệt về cảnh sắc quê hương, thu hút du khách đến tham quan.
Xã Phú Điền (H.Tân Phú) vốn nổi tiếng với những cánh đồng lúa cò bay thẳng cánh. Tuy nhiên, những năm gần đây nông dân xã Phú Điền đã chọn những cánh đồng trũng để chuyển đổi cây lúa sang trồng sen. Sự thay đổi này ngoài mang lại giá trị kinh tế cao hơn còn tạo nên những ấn tượng đặc biệt về cảnh sắc quê hương, thu hút du khách đến tham quan.
Mỗi buổi chiều và dịp cuối tuần, có khá nhiều người đến ngắm cảnh, chụp hình ở những cánh đồng sen thuộc xã Phú Điền |
Theo người dân nơi đây, diện tích trồng sen đang ngày càng nhiều tại những cánh đồng trũng, không thích hợp trồng lúa do thường xuyên bị ngập úng vào mùa mưa. Nhiều nông dân đã có thu nhập ổn định từ những ruộng sen.
* Bức tranh đồng quê
Đến xã Phú Điền, chỉ cần hỏi thăm người dân đường đến những cánh đồng sen thì đều có thể được chỉ đến đồng sen gần nhất, bởi Phú Điền có khá nhiều thửa ruộng trũng nên thường bị ngập úng, nếu trồng lúa thường xuyên bị mất mùa hoặc năng suất thấp, những thửa ruộng trũng này đã được bà con chuyển đổi sang trồng sen hoặc thả cá. Do phù hợp thổ nhưỡng nên sen trồng phát triển tốt, cho thu nhập ổn định, hiện nay trên địa bàn xã Phú Điền có hơn chục ha ruộng sen, diện tích này ngày càng nhiều hơn do nông dân vẫn đang tiếp tục chuyển đổi cây trồng cho những vùng ruộng thấp.
Lần đầu được bạn đưa đi thăm cánh đồng sen ở Phú Điền, chị Minh Trang (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đã thốt lên những lời nhận xét thích thú khi vừa nhìn thấy đặt chân đến cánh đồng hoa sen: “Tôi đã từng ghé thăm đồng sen Tháp Mười ở miền Tây Nam bộ, lần này đến đây tôi cứ ngỡ mình đang lạc giữa cánh đồng sen đã từng đến, nhưng điểm thích thú hơn là tại cánh đồng sen này, tôi còn bị thu hút bởi những tảng đá đặc biệt nằm giữa các cánh đồng bên cạnh những ruộng lúa và ruộng sen, tạo nên một bức tranh đồng quê hoàn toàn khác biệt”.
Cùng nhận định như chị Minh Trang, anh Đặng Hùng Minh, quê tỉnh Lâm Đồng cũng không khỏi xuýt xoa trước hình ảnh những cánh đồng sen đang kỳ nở rộ hoa. Lần đầu tiên được ngắm cảnh sen nở rộ khắp đồng, anh Minh tiếc nuối vì những hình ảnh chụp lại trên điện thoại không thể tả hết vẻ đẹp như thực tế. Sau khi quanh quẩn dưới ruộng sen tìm nhiều góc chụp đẹp nhất để lưu lại khoảnh khắc bên những cánh đồng sen, nhóm bạn trẻ của Hùng Minh, Minh Trang lại leo lên các tảng đá lớn để được ngắm toàn cảnh những cánh đồng sen và đồng lúa vùng đất Phú Điền từ trên cao.
Không chỉ ấn tượng bởi hoa sen hay những cánh đồng lúa, Phú Điền còn thu hút nhiều thanh niên trong vùng cũng như du khách đến tham quan bởi những hòn đá lớn nằm giữa các cánh đồng mà thời gian gần đây khá nổi tiếng trên mạng xã hội với các tên như: đá chữ thập, đá 5 tài, đá voi…cùng nhiều hòn đá nhỏ trên khắp những cánh đồng. Theo người dân Phú Điền, những tảng đá đã tồn tại từ lâu trên những cánh đồng. Những năm gần đây, do có nhiều người đến tham quan, chụp hình hoa sen nên đã phát hiện và chụp hình đưa lên mạng xã hội nên những tảng đá lớn này cũng trở thành điểm nhấn thu hút nhiều người, nhất là thanh niên.
Anh Trần Thanh Hoàng (TT.Tân Phú, H.Tân Phú) cho biết, anh thường cùng các bạn đến khu đá chữ thập để chụp hình cùng những cánh đồng hoa sen. “Tân Phú có một số trang mạng xã hội thường xuyên đăng những cảnh đẹp của miền quê, tôi theo dõi fanpage này, mỗi khi thấy họ đăng ảnh đẹp ở đâu thì tôi và nhóm bạn sẽ tìm đến để tham quan và chụp hình. Tân Phú còn nhiều cảnh thiên nhiên rất đẹp như: hồ Đa Tôn, thác Hòa Bình, Vườn quốc gia Cát Tiên… Nhiều điểm chưa khai thác hết tiềm năng du lịch. Tôi cho rằng các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa việc khai thác những tiềm năng du lịch của địa phương” - anh Hoàng chia sẻ.
* Lợi thế khai thác sản phẩm du lịch địa phương
Xã Phú Điền nằm cách trung tâm H.Tân Phú khoảng 10km về phía Nam, diện tích tự nhiên của xã trên 2 ngàn ha, trong đó đất nông nghiệp trên 1,6 ngàn ha. Do địa hình đất bằng phẳng nên Phú Điền thuận lợi cho việc phát triển kinh tế nông nghiệp cây lúa.
Theo người dân xã Phú Điền, nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới nên hầu hết mọi nẻo đường trong xã hiện đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa. Để việc sản xuất nông nghiệp của bà con được thuận lợi, hệ thống giao thông, cũng như việc đầu tư lưới điện sản xuất cũng đã được Nhà nước đầu tư, đưa điện đến tận đồng. Cùng với lúa, sự phát triển diện tích trồng sen của nông dân trong những năm gần đây đã dần tạo cho Phú Điền một hướng đi hiệu quả và bền vững.
Là nông dân chuyển đổi 8 sào lúa sang trồng sen được 2 năm nay, ông Nguyễn Ngọc Anh Hùng (ngụ ấp 2) cho hay, sau 2 năm chuyển đổi, hiệu quả kinh tế từ cây sen cao hơn hẳn cây lúa trước kia. Theo ông Hùng, do ruộng của ông là ruộng trũng nên hiệu quả từ cây lúa không cao, từ khi chuyển đổi sang trồng sen mỗi năm ông thu hoạch 2 vụ, mỗi vụ thu hoạch khoảng 4 tấn búp sen, sau khi trừ các chi phí, ông Hùng lời khoảng trên 30 triệu đồng/vụ, trong khi đó nếu trồng lúa như trước đây năng suất rất thấp, năm nào nước ngập sâu thì vụ đó kể như thua lỗ. Nằm liền kề với ruộng sen của ông Hùng còn khoảng 6 ruộng sen của các hộ dân khác với tổng diện tích khoảng 8ha cũng vừa chuyển đổi được 2 năm nay. Ngay giữa ruộng sen của ông Hùng cũng có một khối đá lớn nên vào dịp sen nở rộ đã thu hút khá nhiều người dân đến tham quan, chụp hình.
Hiện nay, sản phẩm từ sen của nông dân Phú Điền chủ yếu là bán búp sen tươi cho thương lái. Trong khi đó, theo một số người làm công tác quản lý du lịch, với phong cảnh thiên nhiên hài hòa, có điểm nhấn, cùng với lợi thế nằm gần các điểm du lịch nổi tiếng như Khu du lịch Suối Mơ (xã Trà Cổ giáp ranh Phú Điền), Vườn ca cao Trọng Đức (H.Định Quán, nằm trên đường từ quốc lộ 20 vào xã Phú Điền), nông dân có thể nghiên cứu, tạo ra các sản phẩm từ sen do chính tay mình trồng, đây sẽ là cơ sở tạo nên thương hiệu riêng của địa phương mình.
Bà Đinh Thị Hương, Phó chủ tịch UBND xã Phú Điền cho rằng, lãnh đạo xã rất quan tâm đến vấn đề phát triển kinh tế địa phương, trong đó khai thác tiềm năng về du lịch. Tuy nhiên, để làm được điều này, xã cần phải liên kết các hộ dân, cũng như việc tạo ra một sản phẩm mang thương hiệu riêng cho mình. “Chúng tôi dự kiến sẽ vận động các hộ dân khai thác tại chỗ những tiềm năng du lịch như: tạo thêm một số tiểu cảnh phát triển dịch vụ chụp hình, ăn uống, tham quan các cánh đồng sen. Tuy nhiên, về lâu dài cần có quy hoạch và định hướng phát triển chung, nhất là việc hướng dẫn các nông dân kỹ năng làm du lịch” - bà Hương cho hay.
Tân Phú là một trong những địa phương được đánh giá có tiềm năng phát triển du lịch mạnh của tỉnh. Thời gian qua, Tân Phú được khách du lịch biết đến với những điểm du lịch nổi tiếng như: Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu du lịch Suối Mơ, cảnh đẹp hồ Đa Tôn, làng du lịch cộng đồng Tà Lài… Gần đây, nông dân trên địa bàn H.Tân Phú cũng phát triển mạnh nhiều mô hình du lịch nhà vườn, homestay… Tuy nhiên, việc phát triển du lịch nông nghiệp gắn với các sản phẩm địa phương chưa được khai thác hết tiềm năng vốn có. Hơn nữa, Tân Phú cũng nằm dọc trên quốc lộ 20, tuyến đường kết nối du lịch giữa TP.Đà Lạt và các tỉnh, thành phía Nam, đây sẽ là cơ hội để du lịch Tân Phú “cất cánh”, nhất là mảng du lịch nông nghiệp nhằm quảng bá các sản phẩm nông nghiệp địa phương như: sầu riêng Phú An, bưởi da xanh VietGAP (khu vực các xã Phú Lộc, Tà Lài), tôm càng xanh VietGAP Trà Cổ, làng trầm hương (xã Phú Sơn), làng sen Phú Điền… |
Ngọc Liên