Bền bỉ trong nhiều năm, ông Võ Quang Hà đã đưa Công ty CP Tân Vĩnh Cửu (Tavico) trở thành một trong những doanh nghiệp (DN) cung cấp nguyên liệu gỗ lớn nhất Việt Nam. Từ hội chợ đồ gỗ đến trung tâm phân phối gỗ tròn rộng gần 40ha, Tavico đang phấn đấu mục tiêu gắn kết ngành gỗ từ nhà cung cấp nguyên liệu đến nhà sản xuất và phân phối sản phẩm.
Bền bỉ trong nhiều năm, ông Võ Quang Hà đã đưa Công ty CP Tân Vĩnh Cửu (Tavico) trở thành một trong những doanh nghiệp (DN) cung cấp nguyên liệu gỗ lớn nhất Việt Nam. Từ hội chợ đồ gỗ đến trung tâm phân phối gỗ tròn rộng gần 40ha, Tavico đang phấn đấu mục tiêu gắn kết ngành gỗ từ nhà cung cấp nguyên liệu đến nhà sản xuất và phân phối sản phẩm.
Doanh nhân Võ Quang Hà |
Ông VÕ QUANG HÀ từng là sinh viên Khoa Chế tạo máy |
Không những thế, với vai trò Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (Dowa), ông Võ Quang Hà đang cùng ban lãnh đạo hiệp hội hướng tới xây dựng khu công nghiêp chuyên ngành, khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm, triển lãm quốc tế nhằm kéo “thế giới gỗ” về Đồng Nai. Đồng Nai Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với ông Võ Quang Hà.
Một đầu mối trăm giấc mơ
* Cách đây vài năm, Tavico đã có ý tưởng xây dựng một khu chợ đầu mối cho các DN đồ gỗ trong vùng, ông có thể nói rõ hơn về ý tưởng này?
- Tavico được thành lập từ năm 2005. Trải qua quá trình hoạt động và không ngừng phát triển, Tavico đã trở thành nhà cung cấp gỗ “cứng” hàng đầu tại Việt Nam.
Sau khi đi nghiên cứu tại các nước có nghề gỗ phát triển, tôi nhận thấy DN của chúng ta, đặc biệt các làng nghề gỗ khu vực Tân Hòa, Hố Nai quá manh mún, nhỏ lẻ, hoạt động tự phát nên mong muốn tập hợp họ lại trong một khu vực để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Chợ đầu mối gỗ sẽ là nơi giao thoa những nhu cầu khác nhau và cùng gắn kết các DN lại.
Khi triển khai năm 2017, các gian hàng cho thuê trong chợ đã được DN sản xuất gỗ trong vùng nhanh chóng ký kết hợp tác, lấp đầy diện tích. Đó là nhu cầu có thật, họ cần một nơi để trao đổi và mua bán.
* Vậy khi vào chợ đầu mối DN sản xuất gỗ được hưởng lợi gì, thưa ông?
- Chợ đầu mối tọa lạc ngay mặt tiền đường Điểu Xiển, P.Tân Biên, TP.Biên Hòa, cách quốc lộ 1 khoảng 1km. Mặt bằng thông thoáng rộng rãi, thuận lợi cho việc trưng bày, bốc xếp, đóng gói, vận chuyển hàng hóa đi lại các tỉnh, thành trong cả nước. Chợ có hơn 5ha cho thuê mặt bằng và hợp tác để trưng bày hàng hóa.
Được đầu tư phát triển ngay bên cạnh khu làng nghề Hố Nai, chợ sẽ giúp kết nối trực tiếp các nhà sản xuất và phân phối đồ gỗ nội thất với tất cả các nhà bán lẻ trên toàn bộ khu vực miền Nam, tạo ra một kênh trao đổi hàng hóa chuyên biệt, ổn định và hiệu quả cao với số lượng lớn cho cả nhà cung cấp và nhà bán lẻ.
* Không chỉ tạo cho các DN có mặt bằng để quảng bá sản phẩm mà ông còn xây dựng trung tâm nguyên liệu gỗ hàng chục ha. Phải chăng đây là ý tưởng táo bạo?
- Thực tế, ban đầu chúng tôi hoạt động ở khu vực là chợ đầu mối đồ gỗ hiện nay song tầm nhìn đặt ra từ lâu là rất lớn. Do vậy ngay từ sớm Tavico đã có hợp tác với ICD Tân Cảng Long Bình để xây dựng kho ngoại quan, dự trữ nguyên liệu gỗ nhập khẩu.
Khi khu vực chợ đầu mối có nhiều DN vào đăng ký gian hàng và đề xuất ở lại quanh năm, chúng tôi chuyển trung tâm phân phối gỗ nguyên liệu nhập khẩu ra ICD Tân Cảng Long Bình. Khu phức hợp này có diện tích gần 40ha, đây là một mô hình phân phối tập trung những nhà cung cấp lớn về nguyên liệu gỗ hợp pháp từ nhiều quốc gia và châu lục khác nhau với cơ sở vật chất hiện đại và khép kín, có khả năng cung ứng 200 ngàn m3 gỗ tròn và 200 ngàn m3 gỗ xẻ/năm.
Bên cạnh đó, đây còn là một khu liên hoàn với các dịch vụ xẻ, sấy gỗ, logistics, sản xuất, văn phòng đại diện, siêu thị gỗ xẻ, sản xuất nhà gỗ… nhằm giúp cho nhà cung cấp và khách hàng trực tiếp gặp nhau, giảm tối đa các chi phí trung gian.
Việc đầu tư lớn vào đây, với Tavico không phải là cuộc chơi mà là chiến lược dài hơi như đã nói. Từ khi bước chân vào làm gỗ, đưa nguồn nguyên liệu hợp pháp về Việt Nam, tôi đã nghĩ đến ngày phải thực hiện mô hình này. Trong chuỗi sản xuất, chế biến gỗ tại Việt Nam, việc thiếu tập trung các nguồn lực từ lâu đã trở thành rào cản chưa thể khắc phục, dù các cơ quan, ban, ngành, hiệp hội đã rất nỗ lực. Đây là một rào cản vì ở nhiều quốc gia khác, DN chỉ cần đến một thành phố, một trung tâm... là đã có thể gặp được tất cả các nhà cung cấp cho ngành. Khi DN sản xuất được đảm bảo nguyên liệu, thuận tiện trong giao dịch, chắc chắn là họ sẽ hoạt động tốt hơn.
Nhiều năm qua, Tavico luôn phấn đấu để hình thành trung tâm nguyên liệu này. Chúng tôi mang trong mình một giấc mơ lớn cho ngành gỗ là vì vậy.
Một góc trung tâm phân phối gỗ nguyên liệu Tavico. Ảnh: V.Gia |
Kéo “thế giới gỗ” về Đồng Nai
* Theo ông, thực trạng ngành sản xuất gỗ Đồng Nai nói riêng, Việt Nam nói chung hiện nay như thế nào?
- Dù có nhiều thành tựu, là nhà xuất khẩu gỗ lớn trên thế giới nhưng nhìn một cách công tâm, ngành gỗ Việt Nam vẫn còn ở nấc thang giá trị thấp, nếu không muốn nói là “làm thuê” cho nước ngoài. Tavico luôn trăn trở về ngành gỗ Việt Nam thật sự mạnh. Chúng ta nhìn nhận yếu tố “mạnh” phải là cộng đồng DN Việt Nam mạnh chứ không phải thu hút nhiều DN FDI ngành gỗ vào.
Trong chuỗi sản xuất ngành gỗ, khâu thiết kế là khâu rất quan trọng, tuy nhiên hiện nay DN Việt của chúng ta năng lực còn thấp, mới chỉ ở ngưỡng gia công sản phẩm theo đơn đặt hàng từ nước ngoài. Đó là chưa kể những khó khăn khác trong việc tìm kiếm nguyên liệu, đặc biệt là nguồn gốc gỗ hợp pháp.
Chúng ta phải cộng lực với nhau tạo ra một chuỗi lành mạnh, xóa bỏ tâm lý e ngại vì quy mô sản xuất nhỏ để thích nghi với một cuộc chơi mới, nâng cao cạnh tranh.
* Được biết, Dowa đang mong muốn được chính quyền tạo điều kiện để xây dựng một khu công nghiệp chuyên ngành nhằm nâng cao giá trị sản xuất gỗ. Ông có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?
- Đồng Nai là cái nôi chế biến gỗ của cả nước, lại có sự cân bằng giữa xuất khẩu và tiêu thụ thị trường nội địa. Dư địa phát triển ngành gỗ còn rất lớn nhưng thiếu mặt bằng cho sản xuất nên hiệp hội đã xây dựng kế hoạch, đề xuất Chính phủ cũng như tỉnh cho phép nghiên cứu, quy hoạch một khu vực để xây dựng khu công nghiệp tập trung cho ngành gỗ.
Chúng tôi cần một diện tích khoảng 350-500ha đất để làm khu phức hợp công nghiệp gỗ. Trong đó, chúng tôi sẽ xây dựng chuỗi liên kết sản xuất từ cung ứng nguyên liệu đến sản xuất và bán sản phẩm. Bên cạnh đó, sẽ xây dựng trung tâm triển lãm, giới thiệu mặt hàng gỗ, nguyên liệu, máy móc công nghệ... có quy mô quốc tế để kéo “thế giới gỗ” về Việt Nam.
Khi thực hiện được những kỳ vọng này sẽ góp phần giúp kéo được “thế giới gỗ” về Đồng Nai và nâng tầm ngành sản xuất gỗ lên một tầm cao mới. Bởi thực tế, Đồng Nai là địa phương có rất nhiều lợi thế về giao thông, nhân lực, nhất là hệ thống hạ tầng, cảng biển và tới đây là Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
* Xin cảm ơn ông!
“Dowa vừa tổ chức đại hội, kiện toàn lại nhân sự ban chấp hành. Hiện chúng tôi có hơn 60 nhà sản xuất là thành viên, trong tương lai sẽ ngày một mở rộng thêm. Nhiệm vụ của Dowa sẽ phải trở thành một tập thể mạnh, có vai trò kết nối, dẫn dắt các DN để đi đến mục tiêu to lớn là nâng tầm đẳng cấp cho nghề gỗ của Đồng Nai nói riêng và Việt Nam nói chung”- ông Võ Quang Hà cho biết. |
Văn Gia (thực hiện)