Sau liên tiếp các vụ tai nạn đáng tiếc trong học đường đều liên quan đến cây phượng, thì loại cây vốn dĩ chở bao ký ức của tuổi học trò được "liệt" vào danh sách trở thành một trong những mối nguy cho học sinh.
Sau liên tiếp các vụ tai nạn đáng tiếc trong học đường đều liên quan đến cây phượng, thì loại cây vốn dĩ chở bao ký ức của tuổi học trò được “liệt” vào danh sách trở thành một trong những mối nguy cho học sinh.
Trường học "trảm" cây phượng vĩ. (Ảnh minh họa) |
Qua theo dõi thông tin thời sự của báo chí trong nước, vì chọn giải pháp nhanh và an toàn, một loạt các loại cây xanh trở thành mục tiêu cưa trụi cành, hoặc đốn hạ theo kiểu thà đốn “cho an toàn”.
Thực tế, nỗi lo của các bậc phụ huynh cũng như động thái của các ngành giáo dục và quản lý đô thị, dĩ nhiên là có cơ sở bởi sự an toàn, tính mạng của trẻ em phải được đặt lên hàng đầu. Tai nạn thương tâm đến tử vong của một học sinh do cây phượng bật gốc tại Trường THCS Bạch Đằng (Q.3, TP.HCM) xảy ra ngày 26-5 là không gì bù đắp nổi. Và mới đây, vụ cây phượng bật gốc ở Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP.Biên Hòa) làm 3 học sinh bị thương nhẹ xảy ra ngày 4-6 đã góp thêm hồi chuông cảnh báo đối với đơn vị quản lý cây xanh, nhà trường trong việc quản lý chăm sóc cây xanh và bảo vệ an toàn cho học sinh.
Thế nhưng, nhìn những sân trường thiếu vắng bóng mát cây xanh, hoặc cây xanh chỉ còn trơ thân khiến nhiều người không khỏi chạnh lòng.
Không chạnh lòng sao được khi ký ức của mỗi người ít nhiều đều gắn bó với những gốc phượng vĩ tỏa bóng mát cả một góc sân trường, nở những chùm hoa rực rỡ báo hiệu mùa thi về. Không chạnh lòng sao được khi những hàng cây không biết có tự bao giờ, chứng kiến bao thế hệ học trò tụm năm tụm ba vui chơi, nô đùa, lớn lên theo ngày tháng. Vậy nên, khi đi qua những trường học hoặc thấy những hình ảnh trên báo chí vì giải pháp an toàn trước mắt mà đốn bỏ hàng loạt cây xanh, và phượng không còn rực rỡ khoe sắc khi hè về, bản thân mỗi phụ huynh ít nhiều đều có sự bùi ngùi, tiếc nuối.
Rõ ràng, chúng ta đều khẳng định với nhau rằng trường học cần có mảng xanh, phải đưa thiên nhiên vào trường học để góp phần tạo môi trường gần gũi, mát mẻ. Vấn đề còn lại là việc quản lý, chăm sóc để cây xanh trở nên an toàn, và không còn là mối nguy cho học trò.
Trước mắt, qua theo dõi thông tin, một số trường học ở các địa phương đã tổ chức mé cành, tỉa nhành và có sáng kiến làm các trụ đỡ bằng sắt vững chắc xung quanh cây.
Một số nhà nghiên cứu về cây xanh nêu nhận định, cây phượng là cây rễ cọc, thân gỗ khá chắc chắn, tán cây rộng nhưng tuổi thọ không quá cao. Ở các đô thị, sân trường thường được lát nền bằng xi măng, phần nào hạn chế sự phát triển của bộ rễ, dẫn đến nguy cơ gây ngã, đổ nếu gặp gió lốc, mưa to. Do vậy, đã có đề nghị quan tâm, chăm sóc, bảo dưỡng, khám bệnh cho cây định kỳ để phát hiện dấu hiệu rỗng thân, hư hại để chữa trị hoặc có giải pháp phù hợp; tính toán kỹ việc trồng cây xanh gì là phù hợp trong trường học, nên dành một khoảnh đất vừa đủ để cây có thể phát triển...
Ở góc độ quản lý, cũng cần có những quy định cụ thể về lĩnh vực cây xanh. Đó không còn là chuyện nhỏ mà đòi hỏi sự chung tay góp sức của nhiều ngành, đầu tư bài bản từ kinh phí đến chuyên môn…
Tại TP.Biên Hòa, Phòng quản lý đô thị Biên Hòa cho biết từ nay đến ngày 20-6 tới, phòng chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, có biện pháp xử lý đối với các cây xanh không đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão tại các trường học, khu dân cư... trên toàn địa bàn thành phố. Theo đó, không chỉ cây xanh trong trường học mà cây xanh ở công viên, ven đường cũng cần được quản lý, kiểm tra thường xuyên.
Cũng như con trẻ, cây xanh không thể lớn lên như thổi trong ngày một ngày hai. Muốn cây xanh tỏa bóng mát phải cần đến khoảng thời gian nhiều năm gieo trồng, chăm sóc, tốn nhiều thời gian, công sức và tiền của. Đáng bàn hơn trong bối cảnh ở những đô thị loại I như TP.Biên Hòa đang ngày càng cần nhiều mảng xanh, thì giải pháp làm sao để vừa đảm bảo an toàn cho mọi người vừa đảm bảo mảng xanh cho môi trường là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết mà các ngành, các cấp cần phải tính toán.
Lâm Viên