Báo Đồng Nai điện tử
En

Cuộc sống đổi thay cùng dòng nhựa trắng

03:06, 19/06/2020

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, cây cao su vẫn vươn mình xanh tốt, dòng nhựa trắng cao su mang lại cuộc sống ấm no cho rất nhiều hộ gia đình ở nông thôn khắp cả nước, trong đó có Đồng Nai.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, cây cao su vẫn vươn mình xanh tốt, dòng nhựa trắng cao su mang lại cuộc sống ấm no cho rất nhiều hộ gia đình ở nông thôn khắp cả nước, trong đó có Đồng Nai.

Cao su mùa lá rụng. Ảnh: Đoàn Ngọc Ẩn (Long Khánh)
Cao su mùa lá rụng. Ảnh: Đoàn Ngọc Ẩn (Long Khánh)

* Những đổi thay

Tư liệu lịch sử ngành cao su còn lưu, quá trình phát triển các đồn điền cao su dưới thời Pháp thuộc, người công nhân bị bóc lột sức lao động cùng kiệt, bị đối xử thậm tệ và tàn nhẫn, bị ép tuân theo những quy định hà khắc.

Không chịu đựng sự bất công đó, từng tốp công nhân cùng cảnh ngộ đã mạnh dạn đấu tranh với giới chủ bằng nhiều hình thức từ lãn công kín, lãn công công khai đến đình công đòi quyền dân sinh, dân chủ. Về sau, phong trào đấu tranh của công nhân cao su dần có tổ chức, bên cạnh những yêu sách về kinh tế, dần xuất hiện những yêu sách về chính trị như: chống đánh đập, chửi mắng và yêu cầu được đối xử như con người. Trong hai cuộc kháng chiến, dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng, nhiều cuộc đấu tranh quy mô của công nhân cao su diễn ra, góp phần cùng các lực lượng khác và nhân dân làm nên chiến thắng vẻ vang của dân tộc.

Theo thổ ngữ Mainas, ouchouk là tên gọi cây cao su, cũng có nghĩa là “nước mắt của cây”. Cây cao su có nguồn gốc từ rừng Amazon Nam Mỹ, “theo chân” người Pháp, cây cao su đến Việt Nam cuối thế kỷ XIX và nhanh chóng trở thành cây công nghiệp chủ lực. Dưới thời kỳ Pháp thuộc, cuộc sống của công nhân cao su vô cùng khổ cực. Sau ngày giải phóng, đất cao su được giao về cho các công ty quản lý và khai thác, cuộc sống của những công nhân cao su từng bước sang trang mới. Đến nay, hầu hết các gia đình công nhân cao su đều có cuộc sống no đủ; số lượng các gia đình công nhân có 3-4 đời gắn bó với cây cao su ngày một nhiều. Đồng Nai trở thành thủ phủ cây cao su của cả nước với khoảng 37 ngàn ha. Các sản phẩm từ mủ cao su được xuất bán rộng rãi trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Việt Trân, nguyên Bí thư Đảng ủy Tổng công ty Cao su Đồng Nai, người nhiều năm gắn bó với ngành cao su sau giải phóng chia sẻ, cây cao su được đưa về Đồng Nai trồng những năm đầu thế kỷ XX. Trước giải phóng, cuộc sống của công nhân cao su trên đất Đồng Nai nói riêng và vùng Nam bộ nói chung vô cùng cực khổ. Họ sống ở các lán lá nhỏ trong rừng cao su, vật chất thiếu thốn, giờ giấc bị quản thúc. Họ phải làm việc trung bình 10-12 giờ/ngày, những công nhân làm sai, làm không hiệu quả bị đánh đập, chửi bới. Cây cao su không phải là “cây nước mắt” đem lại dòng nhựa cho đời theo ngữ nghĩa mà là mồ hôi, nước mắt và máu của người công tra đã đổ xuống để đổi lấy cuộc sống. Chia sẻ này đồng quan điểm với cố nhà thơ Tố Hữu: “Bán thân đổi lấy đồng xu/ Thịt xương vùi gốc cao su mấy tầng!”.

Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, các đồn điền cao su trên đất Đồng Nai được giao cho Công ty Cao su Đồng Nai quản lý và khai thác, cuộc sống của người công nhân dần khấm khá. Họ được trả lương xứng đáng với công sức lao động; được cấp đất xây nhà. Công ty còn đầu tư xây dựng bệnh viện, trạm y tế; trung tâm văn hóa; trường học các cấp phục vụ công nhân cao su và thân thuộc. Dịp Tết cổ truyền của dân tộc, công nhân cao su được thưởng có khi đến vài chục triệu đồng để sắm sửa. “Tôi cho rằng cuộc sống của công nhân cao su hiện tại đã hoàn toàn thay đổi, đặc biệt là người dân ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn” - ông Trân chia sẻ.

Chị Đặng Thị Hiền Vi, công nhân cạo mủ Nông trường cao su Cẩm Mỹ là một trong số 90 người được vinh danh Công nhân cao su ưu tú năm 2019 tự hào: “Tôi là thế hệ thứ 4 trong gia đình gắn bó với cây cao su. Từ nhỏ, tôi được nghe bà nội kể nhiều câu chuyện về cuộc sống của người công nhân khai thác mủ. Càng nghe, tôi càng trân quý công việc hiện tại. Tuy có lúc thăng, lúc trầm, nhưng nhờ cây cao su, 4 thế hệ trong gia đình tôi có cuộc sống no đủ, tôi và các con được đến trường. Công nhân cao su ngày nay, ngoài tiền lương mỗi tháng còn có các chế độ chính sách khác chăm lo cho mình sau này. Ngoài ra, các tổ chức đoàn thể như Công đoàn, Đoàn thanh niên cũng thường xuyên quan tâm, hỗ trợ, tôi rất an tâm”.

* “Vàng trắng” cho đời

Như một đặc ân của đất trời, cây cao su trồng khoảng 5-6 năm tuổi sẽ cho mủ. Mủ cây cao su là nguyên liệu để sản xuất nhiều vật dụng hữu ích như: săm lốp xe, dây thun các loại, nệm mút, thiết bị y tế. Mùa khai thác mủ cao su diễn ra từ khoảng tháng 5 dương lịch kéo dài đến tháng 2 năm sau. Trung bình 2 ngày, người ta khai thác mủ 1 lần trong suốt thời gian 20-30 năm, tùy mức độ chăm sóc. Để khai thác được tối đa mủ, những người công nhân thường phải thức từ 4 giờ sáng đi cạo, mủ nước sau đó được thu gom về các nhà máy để phân loại xuất khẩu hoặc chế biến. Ngày nay, khoảng 60% mủ cao su thiên nhiên đang được xuất khẩu đi các nước trên thế giới.

Công nhân khai thác mủ cao su. Ảnh: H.Lộc
Công nhân khai thác mủ cao su. Ảnh: H.Lộc

Trước đây, gỗ cây cao su không được trọng dụng, tuy nhiên, sau này gỗ thiên nhiên hiếm, công nghệp phát triển, thân cây cao su sau khai thác trở thành nguồn nguyên liệu lớn cho ngành công nghiệp chế biến gỗ.

Nằm dọc hai bên quốc lộ 1, quốc lộ 20, 56, 769, 51 đoạn qua TP.Long Khánh, các huyện Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Định Quán, Long Thành là bạt ngàn rừng cao su. Đây cũng là đặc trưng riêng của vùng đất đỏ bazan.

Vài năm trở lại đây, thực hiện chủ trương phát triển các công trình công cộng như: đường giao thông, trường học, bệnh viện và đặc biệt dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, hàng ngàn ha cao su được bàn giao lại cho tỉnh thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, đời sống, việc làm của người công nhân không bị ảnh hưởng nhiều, thu nhập bình quân năm 2019 khoảng 9 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, để hỗ trợ công nhân ổn định và cải thiện cuộc sống, vào mùa nghỉ cạo, công ty thực hiện trợ cấp lương; hằng năm, công ty hỗ trợ người lao động ứng trước tiền lương vào đầu năm học mới để chia sẻ gánh nặng, tín chấp với ngân hàng cho công nhân vay vốn lãi suất ưu đãi để tăng gia sản xuất; thu nhận con em công nhân vào các nông trường làm việc.

Mỗi mùa, rừng cao su trở thành nét đẹp riêng và mang lại “lộc” riêng cho con người. Chẳng hạn như mùa cao su thay lá (khoảng tháng Chạp đến hết tháng 3 năm sau), khi chồi non chuyển qua bánh tẻ là lúc người nuôi ong ở các tỉnh, thành di chuyển đàn về đây cho ong hút mật. Mật lá cao su đặc quánh, có màu vàng nâu và đặc biệt hoàn toàn miễn nhiễm với các loại thuốc bảo vệ thực vật nên ong rất “khoái”, chủ trại yên tâm. Khi những cơn mưa đầu mùa xuất hiện, rừng cao su bạt ngàn màu xanh là nơi sản sinh ra nhiều nấm mối. Nấm mối có vị ngọt, mùi thơm, ăn dai, chỉ xuất hiện khoảng 1-2 tháng/năm và đặc biệt là rất khó trồng nên về bán với giá từ 200 ngàn đồng đến hơn nửa triệu đồng/kg. Thời điểm nấm ngon nhất, giá trị cao nhất là lúc mới mọc, nấm có hình búp, do đó, người ta thường vào rừng tìm nấm mối từ lúc sáng sớm đến non trưa. Ngoài ra, vào mùa mưa, rừng cao su mọc nhiều loại rau ngon như: khổ qua rừng, càng cua, tàu bay...

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều