Báo Đồng Nai điện tử
En

Có còn xuống ruộng nghe hò...

09:06, 27/06/2020

Những ngày sưu tầm văn hóa dân gian, nhiều người lớn tuổi nói với tôi rằng, cái đó có chi đâu mà tìm, xưa rồi, không ai nhớ đâu mà hỏi và ghi lại làm chi. Xa lơ xa lắc rồi, nhắc lại cũng mắc cỡ lắm, chọc ghẹo cho vui khi làm ruộng thôi.

Những ngày sưu tầm văn hóa dân gian, nhiều người lớn tuổi nói với tôi rằng, cái đó có chi đâu mà tìm, xưa rồi, không ai nhớ đâu mà hỏi và ghi lại làm chi. Xa lơ xa lắc rồi, nhắc lại cũng mắc cỡ lắm, chọc ghẹo cho vui khi làm ruộng thôi. Thế nhưng, khi câu chuyện lan man lúc nào không biết, chuyện xưa chuyện nay, rồi nhắc nhớ, các cụ cất lên tiếng hò. Một loại hình hò cấy khá độc đáo đã từng phổ biến ở vùng đất Đồng Nai nói riêng, Nam bộ nói chung một thời - gắn với mưu sinh trên những cánh đồng.

Ảnh minh họa - nguồn: internet
Ảnh minh họa - nguồn: internet

* Tìm về ký ức

Xưa, trên những cách đồng vào mùa cấy lúa ở Đồng Nai, nhiều câu hò vang lên giữa các cô thôn nữ và trai làng. Những câu hò ứng tác chọc ghẹo cho vui, cho quên mệt ban đầu tưởng chừng như chốc lát, như gió thoảng qua nhưng để lại những dấn ấn khó phai. Bởi, qua những hò vui, ghẹo khi cấy lúa, nhiều người mến tài nhau, hiểu được tình cảnh rồi hẹn hò, tìm hiểu và một số cặp đôi nên duyên vợ chồng.

Ngày nay, trước sự phát triển, những cánh đồng dần bị thu hẹp, đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, người cấy lúa vắng dần và hò cấy cũng dần bị lãng quên, chỉ còn lại trong ký ức.

Những câu hò một thuở của cha ông xưa trên cánh đồng thể hiện nhiều cung bậc của tình cảm, cuộc sống. Nếu chung một làng, một đồng, những câu hò như thể một kênh thông tin để hiểu thêm về gia cảnh, nỗi lòng và cả giao duyên khi họ có tình cảm với nhau. Cả nam lẫn nữ qua đó có thể giãi bày tấm chân tình của mình: “Vô chùa lạy Phật cầu chồng. Ông Phật ổng bảo đàn ông hết rồi” như một hò rao để tự giới thiệu về tình cảnh, làm quen và xem chàng trai ứng đối thế nào?

Trước đây, cấy lúa có vạn bởi chủ ruộng cần nhiều công, khoán cho ông trùm lo việc này. Trùm vạn lo công cấy và tổ chức nhận nhiều nơi cấy thuê chuyên nghiệp, đặc biệt các vùng lân cận. Ở Đồng Nai, có nhiều trùm vạn ở miệt Long An, Bến Tre, Bình Chánh… dẫn công cấy làm dài ngày nên có việc giao lưu với nhau giữa người cấy lúa và hò đối đáp. Trong tình cảnh cấy như thế, có những cuộc hò với nhau giữa các nhóm cấy và đòi hỏi cách ứng phó nhanh chóng. Nên chi, nhiều cô gái, chàng trai trước khi ra cấy, biết thế nào cũng có người hò nên tìm hiểu, cũng học, chuẩn bị vốn câu hò để dành. Bởi, im lặng nghe người khác hò thì cũng không vui mấy, mà biết hò hay thì cũng là cách “giới thiệu” mình, chứ không bị chê: “Tới đây không hát thì hò, Không phải con cò ngóng cổ mà nghe”.

Hò cấy, cũng tập trung trong nội dung giao duyên khá nhiều, từ mức độ vui, thân mật đến cả chọc ghẹo khá phóng khoáng. Thế nhưng, những câu hò rao, chào, mời với ứng xử lịch sử luôn đi trước, chẳng hạn: “Gặp anh đây, hỏi anh ở tổng, làng nào. Cha mẹ ở nhà đầy đủ, chốn phòng đào có chưa?”, để rồi được cung cấp thông tin: “Phụ mẫu ở nhà như trời chuyển chưa mưa. Anh em còn đầy đủ, anh chưa nơi nào?” một cách khéo léo; “Thấy em hữu sắc anh ưng. Choàng tay qua cổ anh hôn đỡ lòng”, “Kính lời về thăm má với ba. Còn nàng, mai mốt sẽ qua thăm nàng”. Có thể dùng từ ngữ hôm nay nói vui rằng, cách “phát sóng”, “thả thính” của ngày xưa sao mà ý nhị đến thế.

Rồi còn cấy, còn gặp để thử tài với nhau qua việc dùng những hình ảnh, điển tích, truyện xưa… Kiểu như cô gái hò với câu thách khó: “Tiếng đồn anh ăn học thường xuyên. Bữa nay em hỏi thử mặt trời nghiêng phía nào” để rồi được câu trả lời thật lòng mà cũng trách nhẹ: “Em hỏi anh, anh cũng nói nhào. Đất nghiêng thì có chứ trời nào có nghiêng”. Hoặc giả như thách cái chuyện khó tin, khó làm của người hò trước: “Đố anh (em) đếm cá dưới sông. Đố anh (em) đếm được mấy bông cây điều”, để rồi được câu hò đáp hay, đối ngược, thách lại “Anh (em) về tát cạn Biển Đông. Thì anh (em) đếm hết mấy bông cây điều” hay “Anh (em) về tát cạn Biển Đông. Ra đây anh đếm cá dưới sông rõ ràng” khá tài tình.

Rồi hẹn hò, gửi gắm tình cảm với nhau, nhắc nhớ với người thương: “Đêm nay nằm nghe vạc năm canh. Bạn hò ơi còn nhớ lời anh hẹn hò”, “Anh với em như cơm nguội chan canh. Thương không thương thì em để dạ, đừng có soạn sành tội nghiệp anh”, “Dầu cho trời đất phân chia. Hai đứa mình như khóa vào chìa đừng rơi”.

Mùa cấy cũng qua, trùm vạn dẫn công cấy về hay mỗi người chia ra, làm công việc khác, để lại những kỷ niệm, chưa nặng duyên tình bỗng thấy nhớ: “Mãn mùa đồng lấp lúa xanh. Còn đâu đi cấy gặp anh mà hò”, hay trách cứ nhau khi chuyện tình cảm không đến được với nhau bởi nhiều lẽ: “Em thương anh có chứng mặt trời vàng. Thủy chung em giữ trọn, hoang đàn tại anh” hoặc chàng trai đối hoàn cảnh, thương thêm chi để nỗi nhớ cho người khác: “Chiều rồi con ác gác mặt về tây. Vợ anh còn, con anh có mà anh còn hẹn bóng nhớ mây kiểu gì” hay “Trách ai bẻ khóa vặn chìa. Đôi ta mới gặp lại lìa xa nhau” qua những câu hò nói lên nỗi lòng một ý nhị, tha thiết xen với niềm trách cứ nhẹ nhàng mà như kim châm thấu trong lòng.

* Bổ sung vào vốn văn hóa đa dạng

Nhiều công trình về văn hóa dân gian Nam bộ đã sưu tầm khá phong phú và đa dạng các loại hò của người dân Nam bộ, bổ sung vào vốn văn hóa đa dạng của cư dân trên vùng đất phương Nam của Tổ quốc. Ở Đồng Nai, nhiều câu hò, trong đó có hò cấy của vùng cù lao Phố, Long Thành, Nhơn Trạch được sưu tầm, công bố trong các công trình nghiên cứu văn hóa: Địa chí Đồng Nai, Lịch sử - văn hóa cù lao Phố, Di sản văn hóa làng Hiệp Phước…

Ảnh minh họa - nguồn: https://www.khamphakhoahoc.info
Ảnh minh họa - nguồn: https://www.khamphakhoahoc.info

Năm 2019, hò Cần Thơ được liệt vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã phản ánh những giá trị của loại hình nghệ thuật này trên vùng dất Nam bộ. Không chỉ là một loại hình văn nghệ có tính chất dân gian của những làng quê, làm nông trên những cánh đồng, hò cấy đi vào cuộc sống của xứ quê xưa Nam bộ một cách mộc mạc, ẩn chứa tình cảm của con người. Sự tài tình trong sử dụng hình ảnh, ứng tác khi hò đã phản ánh tâm hồn thi ca khoáng đạt của những nghệ sĩ dân gian chân lấm tay bùn trên những cánh đồng lúa.

Những nơi vốn là đồng quê xanh lúa ở Đồng Nai đã là phố thị trên đà phát triển công nghiệp, đô thị, nghề nông vẫn hiện diện trong đời sống cộng đồng nhưng phương thức, người làm cũng đã dịch chuyển, đổi thay. Những người trẻ vùng quê không còn gắn bó ruộng đồng như thời cha ông trước đây bởi mưu sinh bằng nhiều nghề khác nhau trong thời buổi hiện đại. Những người lớn tuổi có giọng hò hay, biết và thuộc, thích hò thì không còn sức để xuống đồng cấy lúa. Những câu hò xưa, trong đó có hò cấy, chỉ còn là những mảng ký ức không trọn vẹn trong cuộc sống hiện tại. Nên chi, còn có cảnh xuống đồng mà nghe hò cấy cũng khó. Tâm tình như nhà thơ Nguyễn Duy trong bài thơ Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa - có thể xem như một nỗi niềm khi nghĩ về hò cấy cũng không là ngoại lệ - đã vắng dần trên những cánh đồng, liệu rồi có ai còn nhớ: “Mẹ ru cái lẽ ở đời. Sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn. Bà ru mẹ... mẹ ru con. Liệu mai sau các con còn nhớ chăng”.

Phan Đình Dũng

Tin xem nhiều