Tác phẩm Tâm hồn cao thượng của nhà văn người Italy thế kỷ XIX Edmondo De Amicis là cuốn sách mà ở đó chứa đựng biết bao bài học làm người. Trong số những câu chuyện cảm động đó, có rất nhiều câu chuyện về tình yêu thương học trò của thầy, cô giáo.
Tác phẩm Tâm hồn cao thượng của nhà văn người Italy thế kỷ XIX Edmondo De Amicis là cuốn sách mà ở đó chứa đựng biết bao bài học làm người. Trong số những câu chuyện cảm động đó, có rất nhiều câu chuyện về tình yêu thương học trò của thầy, cô giáo.
Tôi có may mắn đã tham gia giảng bài, báo cáo cho rất nhiều lớp học mà ở đó phần đông là giáo viên các cấp, nhất là tiểu học, THCS. Hầu như trong các buổi giảng bài, báo cáo tôi luôn luôn lặp lại một câu hỏi là những ai đã đọc tác phẩm Tâm hồn cao thượng của nhà văn người Italy thế kỷ thứ XIX Amicis. Và, câu trả lời nhận được thường là không, thỉnh thoảng cũng có vài lớp học lác đác có một số cánh tay đưa lên. Và rồi, bao giờ cũng vậy, tôi luôn lặp đi lặp lại một điệp khúc rằng nếu có một lời khuyên, tôi tha thiết mong quý thầy cô giáo hãy đọc tác phẩm này.
Những câu chuyện về trách nhiệm của thầy cô giáo trong tác phẩm này là những câu chuyện giáo dục đầy cảm động, đầy tình thương và trách nhiệm. Chuyện Các cô giáo của trường tôi có đoạn: “Lúc các học trò ra về, cô chạy theo xếp chúng thành hàng dọc, chăm sóc tỉ mỉ từng em, quan sát áo quần của chúng có được tinh tươm không, tránh cho chúng cãi vã, ẩu đả nhau và không quên khuyên nhủ phụ huynh đừng trách phạt các em lúc ở nhà”.
Còn Thầy giáo bị bệnh là một câu chuyện thật cảm động về một thầy giáo già đã suốt đời làm việc, yêu thương học trò tới mức kiệt sức. Khi học trò tới thăm, dù bệnh nặng và rất yếu nhưng thầy vẫn cố gắng khuyên nhủ và khích lệ học trò vì học yếu môn Toán: “Thầy mong rằng sẽ qua khỏi cơn bệnh, nhưng nếu thầy không lành bệnh được… hãy cẩn thận với môn Toán, một môn yếu của con!... Hãy nỗ lực, cần thiết là một sự cố gắng lúc ban đầu, bởi vì một đôi khi đó không phải là thiếu năng khiếu, đó là một thành kiến làm chúng ta trở nên chểnh mảng”.
Cậu bé Garrone mất mẹ, cậu đến lớp với gương mặt hốc hác, xanh xao và đôi mắt đỏ hoe. Thầy giáo Perboni đã ôm chặt đứa học trò tội nghiệp vào ngực của mình và an ủi cậu bé: “Con hãy khóc, hãy khóc, đứa bé bất hạnh của thầy… Nhưng hãy can đảm lên. Mẹ của con sẽ không ở đây nữa, nhưng mẹ sẽ nhìn con, bà vẫn còn thương con, vẫn sống bên cạnh con… can đảm lên, đứa học trò bé bỏng tội nghiệp của thầy”.
Đó là câu chuyện về một cô giáo suốt đời kiên nhẫn, yêu thương học trò. Hai ngày trước khi mất, cô đã xin với thầy hiệu trưởng đừng cho phép những học trò nhỏ đi theo xe tang vì lo sợ các học trò sẽ khóc nhiều, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Đó là câu chuyện về thầy giáo già Perboni suốt cả cuộc đời luôn vì các học trò thân yêu của mình, chỉ đến kỳ thi cuối cùng, khi các trò nhỏ chuẩn bị chia tay trường lớp, thầy giả bộ trượt chân té ngã để cho đám học trò nhỏ vui lên: “Thầy đã làm việc nhiều biết chừng nào! Thầy đã đến lớp dạy những bài học dù bệnh, buồn, mệt mỏi… Thầy đã đòi chúng tôi những gì để đáp lại cho những cực khổ và nhiều sự chăm sóc? Chỉ một nụ cười”. Câu nói cuối cùng khi tất cả các học trò tạm biệt nhau, tạm biệt ngôi trường thân yêu là: “Tạm biệt thầy! Xin cám ơn! Chúc thầy mạnh khỏe! Xin đừng quên các con”.
Có dịp tiếp xúc nhiều người thuộc nhiều giới, nhiều lứa tuổi khác nhau, tôi nhận thấy những người sinh ra và lớn lên, đã từng đi học trước đây ở miền Nam khi hỏi tới đều cho biết đã đọc tác phẩm này. Không những vậy, nhiều người còn đọc vanh vách từng câu, từng đoạn trong bản dịch nổi tiếng của tác giả Hà Mai Anh. Những câu chuyện cảm động về tình thầy trò, về trách nhiệm của thầy cô trong tác phẩm này đã là niềm cảm hứng của biết bao thế hệ người Việt Nam và chắc chắn sẽ vẫn đem lại nhiều giá trị và bài học bổ ích cho giáo dục hôm nay.
Vũ Trung Kiên