Người phụ nữ sinh con trở thành người mẹ. Mẹ đã "mang nặng đẻ đau" và khi "vượt cạn" lại thường được ví sánh trong câu buồn: "Đàn ông đi biển có đôi. Đàn bà vượt cạn đơn côi một mình", ý muốn nói đến sự chịu đựng cơn đau đẻ tách cái ruột rà, máu mủ của "cha sinh, mẹ dưỡng" thành hình hài cho con cái của người mẹ.
Người phụ nữ sinh con trở thành người mẹ. Mẹ đã “mang nặng đẻ đau” và khi “vượt cạn” lại thường được ví sánh trong câu buồn: “Đàn ông đi biển có đôi. Đàn bà vượt cạn đơn côi một mình”, ý muốn nói đến sự chịu đựng cơn đau đẻ tách cái ruột rà, máu mủ của “cha sinh, mẹ dưỡng” thành hình hài cho con cái của người mẹ.
* Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ…
Tiếng gọi Mẹ, cũng có nhiều cách gọi khác nhau của các cộng đồng như: má, u, bu, bầm, mạ…, nhưng cái ý nghĩa cao nhất bao trùm lên đó là cả tình thiêng liêng mẹ - con. Mẹ gọi con với cả tình thương, trách nhiệm không nói thành lời mà là cả cuộc đời dù hoàn cảnh có thế nào chăng nữa. Con gọi mẹ là cả sự trông chờ chở che, dựa dẫm khi còn tuổi thơ và ấm áp trong mái ấm cả khi về già.
Nói về cha mẹ, biết bao thế hệ đã ví sánh, thốt lên để rồi trở thành câu được nhiều người dùng, đọc đến, viết đến, đem treo trong nhà, tự nhắc với bản thân, suy niệm khi nói về mẹ: “Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ. Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha”. Dường như đã là Mẹ, là hàm chứa cái tốt nhất cho con cái rồi. Cái tốt đi suốt đời khi người mẹ còn sống với những đứa con của mình.
Đã có nhiều nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ viết về mẹ với nhiều lời ngợi ca về tình yêu của mẹ lớn lao thế nào. Nhiều lắm. Nhưng tôi nhớ nhất, nhiều lúc bỗng chợt trào trong trí mình lời ca “Lòng mẹ bao la như biển thái bình”. Có lẽ, đại dương sâu thẳm, mênh mông ấy mới có thể ví với tình của mẹ dành cho con cái. Còn nghĩa mẹ ư, ai cũng thuộc lòng 4 câu: “Công Cha như núi Thái Sơn. Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha. Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Nước trong nguồn là mạch sống, trong veo ấy nhỉ. Nguồn ấy không hề cạn, không hề khô cạn, vẫn chảy trong đời của mẹ dành cho con cái, cho đến khi trở về với tổ tiên.
Đạo con với cha mẹ là chữ hiếu. Nghe tưởng chừng như đơn giản ấy mà không phải thế. Nghe tưởng chừng như dễ thực hiện thế mà không phải thế. Con cái phải có hiếu - ai cũng nói thế được nhưng không phải ai cũng sống có hiếu thế được. Bao nhiêu câu chuyện kể, bao nhiêu tích ở đời, bao nhiêu cảnh thực của đời… liên quan đến chữ hiếu mà người đi trước dùng để răn dạy cho con cái, cháu chắt của mình. Thế mà, chữ hiếu cứ phải nhắc đi nhắc lại trong đời sống của con người - đối với con cái qua bao nhiêu đời vẫn không sợ thiếu, vẫn không dư thừa.
Con cái nếu mang tội bất hiếu với cha mẹ là quá lớn, quá nặng, xã hội khó cảm thông, tha thứ.
Mỗi năm, cứ đến lễ Vu lan hay lễ Mẫu thân - biết ơn về Mẹ, nhiều người có tín ngưỡng hay không, đều muốn cài bông hồng lên áo của mẹ mình như một nghĩa cử của tấm lòng chân thành, yêu mẹ, quý mẹ. Có lẽ, người mẹ nào không vui, không thấy lòng mình ấm lại, không tự hào, không hy vọng từ cái đạo lý của con cái. Nhưng, có đủ chưa hay chỉ là hình thức nếu con cái không thực hiện đạo lý đó trong cách sống của mình.
Có mẹ, còn mẹ là niềm vui, niềm an ủi lớn của đời mỗi con người. Tôi cũng chạnh lòng khi nhắc đến điều này với những người không còn mẹ. Những dịp cài hoa trên áo tặng mẹ, tôi chứng kiến những dòng nước mắt nghẹn ngào của những người đã mồ côi mẹ khi họ hát, họ ca về tình mẹ. Đó là giây phút cảm xúc dâng trào, hình ảnh của người mẹ hiện lên trong tưởng nhớ, trong mường tượng, trong tình cảm nhất, thiêng liêng nhất cùng với khát khao, ước muốn và tiếc nuối. Giá như…
* Đi suốt cuộc đời, lòng mẹ vẫn theo con…
Trong mắt mẹ, con muôn đời vẫn là con, dù con đã lớn, đã trưởng thành, đã yên bề gia thất, thậm chí, có những người may mắn khi lên tuổi lão vẫn còn mẹ. Tình thương của mẹ là mạch nguồn đổ về cho con cái là vô bờ bến, không dứt. Tình thương đó gắn với trách nhiệm bảo bọc dù bao người mẹ đã quá già bởi thời gian và những nhọc nhằn của đời, nhưng hằn trong tâm trí, sâu thẳm của trái tim nồng nàn, tấm lòng bao dung… mẹ luôn có trách nhiệm với con cái mình. Mẹ vẫn thế, luôn nhắc con cẩn thận khi đi đường, mặc áo ấm khi trời lạnh, đội mũ khi trời nắng… Bỗng nhớ đến bài thơ Con cò của nhà thơ Chế Lan Viên: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ. Đi suốt cuộc đời, lòng mẹ vẫn theo con”.
Tôi xin phép được chép lại những câu thơ của Đỗ Trung Quân do chính nhà thơ đọc trong buổi ra mắt sách Có Cha trong đời, có Mẹ trong đời (Phương Nam books và NXB Phụ nữ ấn hành):
Ngày ta chào mẹ, ta đi
Mẹ ta thì khóc, ta đi thì cười
mười năm rồi lại thêm mười
ta về ta khóc, mẹ cười lạ không
ông ai thế ? Tôi chào ông
mẹ ta trí nhớ trả mênh mông rồi
ông có gặp thằng con tôi
hao hao...
tôi nhớ...
nó... người... như ông.
mẹ ta trả nhớ về không
trả trăm năm lại bụi hồng...
rồi... đi...
Chính những câu thơ đã làm cho tôi bừng tỉnh và tranh thủ những lúc có thể để chạy về với mẹ khi trong hoàn cảnh sống xa mẹ. May là tôi cũng còn mẹ để những lần gặp ấy, mẹ vẫn biết, vẫn nhớ... Một điều may mắn trong đời.
Con cái khi lớn lên, khi đã biết, đã hiểu thì thời gian đã qua rồi, có những người thì mẹ đã đi xa, xa mãi. Khi hiểu ra thì “giá như”, “nếu được”… để thời gian quay trở lại. Mình sẽ không làm mẹ buồn, không làm mẹ lo lắng, không làm mẹ khổ tâm, đau lòng… và mình sẽ nghe lời mẹ, sẽ làm theo lời mẹ, sẽ kính trọng mẹ, sẽ yêu thương mẹ, sẽ về với mẹ nhiều hơn, sẽ chăm sóc mẹ, sẽ hiểu ý mẹ… Tất cả là sẽ và là sự hối tiếc. Dù sao đi nữa, sự hối tiếc với bao điều về mẹ cũng nhắc cho chính lòng mỗi chúng ta về nguồn cội, về tâm thiện lành trong đời của những người được cha mẹ sinh ra.
Chúng ta - những con cái đều nợ mẹ mình. Cái nợ trong sự hối tiếc, của lương tâm con người trong thân phận làm con cái. Nợ đó không người mẹ nào đòi nhưng lương tâm của con cái mà ai cũng phải biết và sẽ mãi mãi không bao giờ trả được. Cái nợ của tình yêu quá lớn lao trong cuộc đời này.
Phan Đình Dũng (Tùy bút)