Mỗi năm cứ đến thời điểm giao mùa, sau vài cơn mưa, giữa những tán cây rừng tự nhiên xanh mướt của H.Vĩnh Cửu bừng lên sắc hồng pha trắng tinh khôi của những chùm hoa thành ngạnh. Sự xuất hiện của hoa thành ngạnh đã giúp những cánh rừng tự nhiên thêm sống động, cuốn hút.
Mỗi năm cứ đến thời điểm giao mùa, sau vài cơn mưa, giữa những tán cây rừng tự nhiên xanh mướt của H.Vĩnh Cửu bừng lên sắc hồng pha trắng tinh khôi của những chùm hoa thành ngạnh. Sự xuất hiện của hoa thành ngạnh đã giúp những cánh rừng tự nhiên thêm sống động, cuốn hút.
Hoa thành ngạnh nở rộ tại rừng tự nhiên H.Vĩnh Cửu vào mỗi dịp tháng 5. Ảnh: H.GIANG |
Hoa thành ngạnh nở rộ vào khoảng tháng 5 hằng năm và được người dân nơi đây ví như hoa anh đào của núi rừng. Khoảng thời gian này, du khách đi trên tuyến đường xuyên rừng ĐT 761 và đường vào di tích Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ sẽ được chiêm ngưỡng hoa thành ngạnh khoe sắc lung linh giữa màu xanh thẳm của bầu trời và cây rừng. Đây cũng là thời điểm thu hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh, khách nước ngoài đến tham quan.
* Món quà từ thiên nhiên
Rời TT.Vĩnh An (H.Vĩnh Cửu), đi theo ĐT 761, con đường xuyên rừng có chiều dài gần 30km như một dải lụa giữa màu xanh của rừng núi chập chùng đã tạo nên một bức tranh thiên nhiên thơ mộng khiến những ai đi ngang qua đều có cảm giác như lạc giữa đất trời, thấm từng hương vị của núi rừng. Để thêm sức hút cho tuyến đường, đơn vị quản lý là Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai còn trồng thêm ven đường hoa sứ trắng, hồng xen lẫn những bụi hoa giấy hồng, tím rực rỡ dựa lưng vào những cánh rừng tự nhiên bạt ngàn.
Thành ngạnh là cây rừng mọc ở nhiều nơi trên thế giới như: Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Myanmar, Philippines, Indonesia, Ấn Độ... Cây thành ngạnh còn có một số tên gọi khác là: cây ngành ngạnh, cây lành ngạnh, cây đỏ ngọn, cây may tiên, cây cúc lương... |
Những ngày tháng 5, thời điểm hoa thành ngạnh nở rộ làm sáng cả một góc rừng, thu hút ánh nhìn từ mọi người. Khi hoa khoe sắc, tất cả lá trên cây đều rụng, nhường chỗ cho những cành hoa đua nở. Theo thống kê của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, thành ngạnh sinh trưởng trong khu bảo tồn có 3 loại gồm: thành ngạnh lá đào, hoa có màu hồng phớt, cánh hoa nhỏ và thành ngạnh đỏ ngọn hay còn gọi là cây đỏ ngọn, lá dài hình mác và ngọn lá có màu đỏ (nên được gọi là cây đỏ ngọn). Hoa đỏ ngọn có màu trắng hoặc hơi tía, cánh hoa hẹp và dài từ 1-4 cm, quả của cây đỏ ngọn có hình trái trứng nhỏ. Thành ngạnh lá đào và thành ngạnh đỏ ngọn là hai loại mọc phổ biến nhất tại rừng của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Loại thành ngạnh cuối cùng xuất hiện tại khu bảo tồn là thành ngạnh nam, loại cây này mọc thưa thớt hơn hai loại trên nên ít người biết đến.
Lần đầu tiên được ngắm hoa thành ngạnh, chị Trần Kim Hoa (TT.Vĩnh An) tỏ ra thích thú bởi những chùm “hoa anh đào” của núi rừng nổi bật giữa các loại cây rừng khác, mang một vẻ đẹp rất riêng, hút ánh mắt người đi qua. “Tôi mới biết loài hoa này cách đây vài năm trong một lần theo đám bạn đi chơi trong rừng. Lần đầu tiên thấy hoa nở, tôi ngỡ đó là một loài thuộc họ hoa anh đào nhưng người bạn đi cùng nhóm đã cho tôi biết đây là hoa thành ngạnh, chỉ mọc ở rừng và nở rộ vào giai đoạn giao giữa mùa khô và mùa mưa. Từ đó, cứ đến đầu tháng 5 hoặc khi thấy những cơn mưa giao mùa xuất hiện là tôi lại cùng đám bạn tìm về đây ngắm hoa, dã ngoại, thưởng thức không khí của rừng để giải nhiệt cho những ngày nắng nóng tại đô thị ồn ào” - chị Hoa chia sẻ.
Cùng cảm nhận về vẻ đẹp của hoa thành ngạnh, bạn trẻ Nguyễn Hoài Phương (P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) chia sẻ, mỗi năm có vài lần Phương và nhóm bạn thường cùng nhau tìm về vùng Chiến khu Đ để tham quan, thưởng thức không khí thiên nhiên trong lành và ngắm các loại hoa rừng khoe sắc. Hoài Phương đặc biệt thích ngắm những chùm hoa thành ngạnh khi nở rộ làm sáng rực một góc rừng. Phương kể: “Thời điểm thành ngạnh nở hoa đẹp nhất là sau khi xuất hiện một vài cơn mưa đầu mùa. Do đó, tôi và nhóm bạn thường xuyên rủ nhau về rừng vào mỗi cuối tuần trong cuối tháng 4 và tháng 5 để ngắm hoa nở”. Hầu hết các du khách đến tham quan, thám hiểm rừng tự nhiên H.Vĩnh Cửu dịp này đều có ấn tượng sâu sắc với đoạn đường dẫn vào di tích Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ vì có rất nhiều hoa thành ngạnh. Nhiều du khách đã dừng chân trầm trồ khen ngợi và tận hưởng khoảnh khắc giao thoa của tâm hồn với cái đẹp của thiên nhiên.
* Cây thuốc quý từ rừng
Ngoài mỗi năm nở hoa vào cuối tháng 4 và tháng 5 để tô điểm cho thiên nhiên giữa đại ngàn thì thành ngạnh còn là cây thuốc quý mà núi rừng ban tặng cho con người. Bởi lá, hoa, rễ thành ngạnh được một số lương y, công ty, cơ sở chế biến thành những vị thuốc, trà giúp người dùng phòng và trị được nhiều loại bệnh tật, tăng sức đề kháng cho cơ thể. Cụ thể, lá thành ngạnh có thể nấu nước uống thay trà, thanh nhiệt, giải độc tố trong cơ thể, giảm bớt mệt mỏi. Thành ngạnh còn được điều chế thành thuốc để điều trị chứng mất ngủ, bệnh cảm cúm, sốt cao, cảm nắng, nhức mỏi chân tay, đổ mồ hôi trộm, huyết áp cao, viêm đường tiêu hóa, tăng cường tuần hoàn não... Bên cạnh đó, thành ngạnh còn có tác dụng chống lão hóa, viêm dạ dày và làm các vết thương nhanh liền da.
Lá thành ngạnh còn được người dân sống gần rừng dùng làm rau ăn cùng với các món thịt luộc, cuốn bánh tráng khá ngon miệng lại rất tốt cho sức khỏe.
Bà Lê Thị Linh (ở xã Mã Đà, H.Vĩnh Cửu) cho hay: “Cây thành ngạnh mọc trong rừng tự nhiên thuộc khu bảo tồn rất nhiều. Loài cây này ra lá rất nhanh và chỉ không có lá khoảng 1 tháng vào thời điểm hoa nở, còn lại xanh tốt quanh năm nên tôi và những hộ dân sinh sống gần rừng thường hái lá về ăn sống hoặc chế biến thành một vài món ăn dân dã. Lá thành ngạnh có vị chua, chát nhẹ và là cây rừng mọc tự nhiên nên được xem là một loại rau sạch, bổ dưỡng vì có công dụng phòng, chữa nhiều loại bệnh tật”.
Ở rừng tự nhiên các huyện Vĩnh Cửu, Tân Phú, Định Quán, cây thành ngạnh mọc rất nhiều và loài cây này còn có ưu điểm rất lớn trong việc tạo lớp thảm giữ ẩm cho các cây gỗ lớn trong rừng tự nhiên sinh trưởng và phát triển. Vì thế, nhiều người cho rằng, thành ngạnh là món quà tự nhiên ban tặng để làm giàu thêm đa dạng sinh học của rừng Đồng Nai, khu vực Đông Nam bộ. Đồng thời, đây là cây thuốc quý có số lượng lớn cần được bảo vệ và phát triển.
Ông Võ Quang Trung, Phó trưởng phòng Bảo tồn thiên nhiên và hợp tác (Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai) cho biết: “Thành ngạnh là cây dược liệu quý được một số cơ sở trong và ngoài tỉnh nghiên cứu chế biến thành thuốc, trà. Có thể sử dụng hoa, quả, lá, cành, rễ, vỏ cây thành ngạnh để làm thuốc và trà, nhưng hoa và quả thường chứa nhiều dược liệu nhất. Tuy nhiên, hoa, quả chỉ có theo mùa nên các cơ sở dược liệu thường dùng lá thành ngạnh”. Cũng theo ông Trung, thành ngạnh thường mọc ở những khu rừng cây còn thưa thớt. Sau vài năm, tán cây tỏa ra che bóng và tạo độ ẩm cho những cây rừng khác sinh trưởng. Vì thế, những nơi có nhiều thành ngạnh sinh sống chỉ sau 8-10 năm cây rừng sẽ tươi tốt và các thảm thực vật bên dưới cũng đa dạng hơn.
Ông Nguyễn Hoàng Hảo, Phó giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai cho biết: “Thành ngạnh mọc rất nhiều trong rừng do khu bảo tồn quản lý, về mùa hoa nở, rất nhiều du khách từ các nơi đổ về tham quan Chiến khu Đ, vừa chiêm ngưỡng hoa thành ngạnh”.
Thành ngạnh không chỉ mọc ở rừng của Đồng Nai mà ở các rừng tự nhiên của Tây nguyên, miền Trung và miền Bắc cũng có rất nhiều. Thành ngạnh đỏ ngọn là loại hay được sử dụng làm thuốc, trà, lấy lá để ăn thay rau nhiều hơn. Công dụng của cây thành ngạnh khá nhiều, nguồn nguyên liệu rất sẵn, song hiện nay vẫn chưa được khai thác, bào chế thành các loại thuốc phòng, chữa bệnh thông dụng.
Ngọc Liên - Hương Giang