Từ vùng núi hoang vu và băng giá trên đảo Sørøya gần cực phía Bắc Na Uy, Hoàng Lê Giang - người từng đại diện Việt Nam giành suất chinh phục lộ trình 300km ở Bắc Cực năm 2017 - chia sẻ nỗi lo của anh khi "mắc kẹt" ở đây gần 2 tháng vì dịch bệnh Covid-19.
Từ vùng núi hoang vu và băng giá trên đảo Sørøya gần cực phía Bắc Na Uy, Hoàng Lê Giang - người từng đại diện Việt Nam giành suất chinh phục lộ trình 300km ở Bắc Cực năm 2017 - chia sẻ nỗi lo của anh khi “mắc kẹt” ở đây gần 2 tháng vì dịch bệnh Covid-19.
Trở ngại bất ngờ vì đại dịch
“Tôi đang rất muốn về Việt Nam mà không biết đến khi nào mới về được đây” - Hoàng Lê Giang trao đổi với Đồng Nai cuối tuần qua cuộc liên lạc ngày 7-5. Là một lữ hành quốc tế giàu kinh nghiệm đi đây đó với 8 lần trekking (đi bộ dài ngày) nơi cung đường Himalaya, Bắc Ấn; chinh phục “nóc nhà châu Âu” - đỉnh núi Elbrus (Nga, cao 5.600m); chinh phục “nóc nhà châu Phi” - đỉnh Kilimanjaro (Tanzania, cao 5.895m)..., Hoàng Lê Giang gặp trở ngại bất ngờ vì dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở châu Âu và thế giới.
“Tôi rời Việt Nam từ ngày 23-2 đi Mông Cổ, sau đó từ Mông Cổ bay thẳng sang Na Uy từ ngày 10-3. Tôi dự định cùng vài người bạn đi ngắm cực quang ở vùng Bắc Cực và theo người dân tộc Sami chăn tuần lộc ở lãnh nguyên băng giá. Dự định ban đầu là chuyến đi chỉ kéo dài đến ngày 17-3 cùng nhóm bạn, sau đó tôi sẽ sang Thụy Điển thăm lại trường đại học cũ của mình trước đây và sẽ bay về Việt Nam ngày 31-3 với vé máy bay đã đặt chỗ trước của hãng Emirates” - Hoàng Lê Giang kể. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 khiến nhiều nước châu Âu lẫn thế giới phong tỏa, ngừng xuất nhập cảnh, các chuyến bay bị hủy... khiến mọi dự tính trở về Việt Nam của Hoàng Lê Giang bị đình lại... vô thời hạn!
* Anh đã xoay xở ra sao, tiếp tục làm gì trong thời gian kẹt lại trên đảo Sørøya ở Na Uy?
- Tôi tuân thủ theo quy định phong tỏa, giãn cách xã hội của Na Uy, đồng thời liên lạc với các đại sứ quán Việt Nam ở Na Uy, Thụy Điển, Pháp, Đức. Tuy nhiên cũng chưa có cách nào về được nên đành ở nhờ nhà bạn. Đổi lại tôi hỗ trợ họ trong công việc chăn tuần lộc, đi lấy nước ngọt, đốn củi... vì không muốn chỉ ở trong làng lướt web và phí hoài thời gian. Ở đây nhiệt độ từ tháng 3 là -200C về đêm, hiện giờ còn khoảng 1-20C. Tôi cố gắng tìm cách sống có ích, học hỏi thêm kỹ năng sống vùng cực này, giờ tôi có thể lái xe trượt tuyết khá thuần thục dù đôi khi vẫn bị lạc, hay xe mắc kẹt trong tuyết sâu.
* Những áp lực, căng thẳng và khó khăn của anh trong những ngày mắc kẹt vì Covid-19?
- Khó khăn nhất là không rõ ngày về, trong khi chi phí ăn ở tại đây rất cao (Na Uy xếp thứ tư trong số 20 quốc gia có mức sống đắt đỏ nhất hành tinh) và mọi thông tin đều chưa rõ ràng. Visa châu Âu của tôi đã quá hạn, vé máy bay tự mua đã bị hủy. Các hãng hàng không cũng chưa có câu trả lời khi nào bay đến Việt Nam được. Công việc trong nước của tôi bị gián đoạn nên cũng thêm phần lo lắng. Điều an ủi là trong chuyến đi này, tôi đã quá cảnh qua 10 sân bay quốc tế trong mùa Covid-19 mà vẫn may mắn không nhiễm virus, sức khỏe an toàn.
Vẫn có thức ăn mỗi ngày
* Anh có nhận được sự động viên nào trong thời gian qua?
- Từ bên nhà cũng có nhiều người theo dõi, cập nhật thông tin, quan tâm và gửi lời động viên đến tôi. Nhiều người Việt định cư ở Na Uy cũng như Thụy Điển đều nhắn tin nói nếu tôi cần thì hãy đến nhà họ tá túc. Đài Truyền hình Na Uy cũng đến phỏng vấn trực tiếp về chuyện tôi bị kẹt lại đây. Sống trong dịch Covid-19, người Na Uy vẫn điềm tĩnh và lạc quan, tập trung vào công việc trước mắt và nhìn nhận đây là cơ hội dành thời gian cho người thân trong gia đình. Đảo Sørøya là một nơi có phong cảnh thiên nhiên cực kỳ đẹp và thanh bình. Đây cũng là nơi xa cách, hẻo lánh nên an toàn trước dịch bệnh. Dẫu sao, tôi vẫn thấy may mắn vì có bạn cho ở nhờ, có thức ăn mỗi ngày.
* Tới thời điểm này, anh đã có tia hy vọng nào về đường trở về nhà chưa?
- Hiện tôi vẫn chưa có thông tin gì. Đại sứ quán Việt Nam tại Tây Ban Nha đã trả lời email của tôi rằng đại sứ quán sẽ hỗ trợ thông tin và đăng ký giúp tôi nếu có chuyến bay từ thủ đô Madrid về Việt Nam trong tương lai gần. Tôi cũng thử tìm đường bay từ châu Âu về Campuchia, Philippines và Thái Lan nhưng các nước này chỉ đón nhận công dân của họ.
* Nếu tình hình xấu nhất (buộc phải ở lại dài ngày nhất) thì anh có dự tính gì?
- Chắc tôi lại phải sống nhờ tình thương của người dân địa phương ở nơi xa xôi này. Được biết, Chính phủ Na Uy cũng hỗ trợ những công dân nước ngoài kẹt lại đây bằng cách không truy cứu việc quá hạn visa. Tất nhiên, tôi không thể xin việc làm ở đây trong thời gian này vì không có visa lao động.
* “Kinh nghiệm xương máu” từ chuyến đi bị kẹt lại bất đắc dĩ vì Covid-19 của anh?
- Có lẽ là bạn phải bình tĩnh trong mọi tình thế và cậy nhờ sự giúp đỡ xung quanh. Bạn bè, người quen vẫn theo dõi nhưng bản thân tôi cũng phải “tiếp tục hít một hơi thật sâu và giữ lòng không dao động”. Vài ngày trước, tôi cùng người Sami di cư đoàn tuần lộc qua nơi chăn thả mùa xuân để chuẩn bị đón chào tuần lộc con ra đời. Nếu ở đây tiếp tục, tôi sẽ theo đoàn tuần lộc băng qua lãnh nguyên, núi tuyết và những hồ băng để di cư qua hòn đảo mới vốn là nơi chúng sẽ sinh con và cư ngụ đến mùa thu.
“Trời đã sang xuân, hầu như không có ban đêm nữa. Bên ngoài trời vẫn âm độ nhưng tuyết đã tan khi nắng lên. Tôi thường ví Na Uy là “thiên đường” với không khí trong lành, yên tĩnh. Trớ trêu thay, khi bị “ép ở lại” vì Covid-19 thì tôi nhận ra rằng nếu những người mình có tình cảm hay bạn hữu không ở bên cạnh mình thì dù có là thiên đường (theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) thì cũng chưa chắc mình đã muốn ở! Bệnh dịch này không quan tâm quốc tịch, địa vị xã hội hay sự giàu có và cho chúng ta thấy con người cũng chỉ là một giống loài bình thường trên trái đất. Và đây chính là dịp nhìn lại để chúng ta thông cảm hơn cho những khó khăn của nhau, tha thứ cho những sai lầm, thiếu sót của người khác. Mỗi chúng ta là trung tâm của vũ trụ mình đang sống bởi mình là người hay quan sát và phán xét nó. Chỉ khi tách ra được, cố gắng cảm thông suy nghĩ hành động người khác, thì cuộc đời sẽ ấm áp hơn”. (Trích Nhật ký Hoàng Lê Giang tại Na Uy tháng 5-2020) |
Trung Nghĩa (thực hiện)