Các thiết bị công nghệ như: điện thoại thông minh, máy tính bảng, tivi... có kết nối mạng ngày nay đã trở nên gần gũi với mỗi người, trong đó có trẻ em.
Các thiết bị công nghệ như: điện thoại thông minh, máy tính bảng, tivi... có kết nối mạng ngày nay đã trở nên gần gũi với mỗi người, trong đó có trẻ em.
Sử dụng các thiết bị công nghệ để phục vụ việc học tập, làm việc. Trong ảnh: Website Hocchuthai.com tiện dụng khi có thể truy cập và học qua điện thoại. Ảnh: TTXVN |
Làm sao để khai thác những ưu thế của các thiết bị công nghệ này, phục vụ cho nhu cầu phát triển tri thức, đem lại các giá trị tinh thần, đồng thời hạn chế những tác động, hệ quả tiêu cực đối với mỗi cá nhân, nhất là trẻ em vốn chưa đủ trưởng thành về nhận thức, đó là mối quan tâm của toàn xã hội và mỗi gia đình hiện nay.
* Đồng hành để định hướng cho con
Cứ khoảng hơn 19 giờ, sau khi cả gia đình hoàn tất bữa ăn tối, vợ chồng chị Tạ Mỹ Hạnh (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) lại quây quần cùng hai con 11 tuổi và 2,5 tuổi xem các chương trình hoạt hình có lồng ghép dạy tiếng Anh trên kênh Monkey Junior của YouTube. Qua các hình ảnh hoạt hình sinh động đó, các con của chị có thể nắm bắt từ ngữ tiếng Anh một cách phản xạ, gần gũi theo từng nhóm chủ đề. Trên YouTube, mẹ con chị còn cùng nhau học cách nấu ăn, may vá, thêu thùa, nghe nhạc, xem phim.
Ngoài YouTube, mẹ con chị Mỹ Hạnh hiện còn cùng nhau sử dụng một số trang mạng xã hội khác như Facebook, Pinterest và tìm thấy ở đó rất nhiều điều thú vị, bổ ích. Chẳng hạn, con trai lớn của chị rất thích mạng xã hội Pinteres vì con học được nhiều ý tưởng, nhất là cách chế tạo những vật dụng từ đồ tái chế.
Vốn là giảng viên ngành sư phạm nên chị Mỹ Hạnh rất chú trọng việc quan sát, tìm hiểu các phương pháp để giáo dục con một cách phù hợp. Chị Mỹ Hạnh chia sẻ: “Nếu cha mẹ dành thời gian để cùng con chia sẻ cách dùng, khai thác những lợi ích của mạng xã hội thì rất tốt. Do đó, thay vì để con tự do khai thác mạng xã hội, tôi cùng con khai thác một cách có định hướng về một lĩnh vực, một nội dung nào đó và có kiểm soát về thời gian. Tất nhiên nội dung đó phải luôn có sự chọn lọc để phù hợp với mình. Chẳng hạn, tôi có tham gia một số diễn đàn trên Facebook để học hỏi cách nuôi con, vẽ tranh, may vá... nhưng qua theo dõi một thời gian thấy không phù hợp là bỏ theo dõi. Hoặc ngay bạn bè trên Facebook, tôi cũng lọc bớt những người hay chửi bới hoặc chia sẻ những nội dung không lành mạnh. Trên YouTube cũng vậy, tôi luôn định hướng cho con tránh những nội dung vô bổ, thiếu tính giáo dục…”.
Thực tế, thiết bị công nghệ là con dao hai lưỡi. Ở đó, nhiều người, trong đó có giới trẻ đã khai thác tốt các tiện ích của mạng, cũng như sử dụng ứng dụng trên mạng để bồi dưỡng kỹ năng ngoại ngữ, các lớp học trực tuyến của một số giáo viên, học các kỹ năng sống… Một số bạn trẻ còn “săn” học bổng du học nước ngoài, tham gia các tổ chức tình nguyện…
Tuy nhiên, chúng ta vẫn bắt gặp những tình huống quen thuộc như: máy tính bảng và điện thoại thông minh vẫn thường được ví như “bảo mẫu công nghệ” khi một số gia đình cứ đến bữa là dỗ trẻ ngồi im ăn, uống bằng cách cho xem điện thoại, máy tính bảng; hoặc trong các tiệm trà sữa, các quán cà phê, chúng ta cũng không lạ với hình ảnh một số nhóm thanh thiếu niên gặp gỡ nhau nhưng lại không giao tiếp trực tiếp với nhau vì trên tay mỗi người là một điện thoại để đấu Liên quân (một dạng game trực tuyến trên mạng) hoặc trò chuyện thông qua mạng xã hội dù đang ngồi gần nhau…
* Chia sẻ nhiều hơn và làm gương cho trẻ
Việc định hướng, rèn luyện kỹ năng sử dụng mạng xã hội nói riêng và giáo dục nhân cách cho trẻ nói chung không phải đạt được mục đích, yêu cầu đặt ra chỉ với một vài sinh hoạt chuyên đề của ngành Giáo dục, các tổ chức Đoàn, Đội, hoặc một vài giờ cha mẹ trao đổi với con.
Học online dưới sự giúp đỡ và giám sát của cha mẹ chính là niềm vui của các bé trong thời gian không được tới trường để phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: TTXVN |
Đó là cả một quá trình uốn nắn, xây dựng, rèn luyện kỹ năng, nhân cách cho trẻ. Do vậy, điều đầu tiên cần bồi dưỡng cho trẻ chính là sự gắn kết, quan tâm trong tình thương gia đình, tránh các rạn nứt, đổ vỡ để lại những sang chấn về mặt tâm lý, ảnh hưởng đến quá trình trưởng thành, có thể khiến trẻ cảm thấy cô đơn, chơi vơi trong chính gia đình mình, trong thế giới thực, từ đó dễ bị lôi cuốn vào thế giới ảo…
Có khoảng 10 năm kinh nghiệm tham gia, tổ chức các khóa học kỹ năng sống cho trẻ, anh Dương Bá Thông, phụ trách Phòng Phương pháp công tác Đội Nhà thiếu nhi Đồng Nai, cho biết, nhiều lần trao đổi với phụ huynh, anh luôn nhắn nhủ phụ huynh ngoài sử dụng mạng xã hội phục vụ cho nhu cầu công việc, giải trí thì còn cần xem đó như là một kênh để tương tác với con mình. Phụ huynh có thể kết bạn với con trên không gian mạng và định hướng cho con các kỹ năng sử dụng mạng xã hội nói riêng và các thiết bị công nghệ nói chung.
“Muốn kết bạn, làm bạn được với con từ trong thế giới ảo cho đến ngoài đời thật, phụ huynh phải xác định ngay từ đầu: ở một mức độ nào đó cần tôn trọng quyền cá nhân, riêng tư của con. Có như thế, khi theo dõi các thông tin, các hoạt động tương tác của con trên mạng xã hội, với những biểu hiện tiêu cực thì phụ huynh nên can thiệp, uốn nắn và định hướng ngay, còn với những điều bình thường thì phụ huynh nắm thông tin thôi, đừng nên can thiệp quá sâu, can thiệp một cách thô bạo sẽ phản tác dụng giáo dục. Lúc đó trẻ có thể sẽ hoảng sợ, có biểu hiện đề phòng với cha mẹ bằng cách: hủy kết bạn hoặc chuyển qua trao đổi trong các group (nhóm, hội) kín… thì cha mẹ càng khó gần gũi con mình hơn” - anh Dương Bá Thông chia sẻ.
Ngoài ra, theo anh Dương Bá Thông, cha mẹ không thể dạy con sử dụng các thiết bị công nghệ một cách có chừng mực, điều tiết nếu hầu như mọi khoảng thời gian, cha mẹ đều “ôm” điện thoại để “trốn” vào những “góc riêng”, “thế giới riêng” của mình. Thay vào đó, mỗi người hãy trao đổi nhiều hơn, trò chuyện nhiều hơn trong các sinh hoạt chung như dọn dẹp nhà cửa, bữa ăn gia đình… Việc sử dụng các thiết bị công nghệ chỉ nên diễn ra trong một khung giờ nhất định và nên có sự trao đổi, chia sẻ với nhau…
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM chia sẻ một số thông tin về nghiện game, nghiện điện thoại, máy tính bảng: Trẻ em hiện nay rất dễ nghiện game và nghiện game được xem khó chữa như nghiện ma túy hay nghiện thuốc lá. Trẻ nhỏ thì được phụ huynh dùng điện thoại cầm tay để “cầm chân” dụ trẻ ngồi yên. Việc phòng ngừa và phát hiện sớm rất quan trọng. 1. Các dấu hiệu nghi ngờ: - Chơi hầu như mỗi ngày. - Chơi trong thời gian dài (hơn 3 hoặc 4 giờ tại một thời gian). - Phấn khích quá mức khi chơi. - Bồn chồn, cáu kỉnh, khó chịu nếu không được chơi. - Chơi thay vì phải làm bài tập về nhà. - Mất dần sự để ý đến các hoạt động khác. - Trẻ nhỏ chơi điện thoại di động và máy tính nhiều sẽ chậm nói. - Dùng nhiều sẽ bị nháy mắt liên tục, bị TIC luôn. 2. Phòng ngừa: - Nói chuyện giải thích cho bé việc tại sao sử dụng máy tính quá mức, kiên quyết tìm ra lý do bé dùng nhiều thời gian trên máy tính. - Chuyển máy tính đến một khu vực khác làm cho trẻ khó hơn khi dùng và dễ theo dõi bé hơn khi bé dùng. - Tìm hiểu làm thế nào là xấu, nghiện và bé đang nghiện game gì, hay chỉ vào trang web, hay trò chuyện trên mạng… và giải thích nên hay không. - Khuyến khích khen ngợi trẻ khi trẻ dùng máy tính phục vụ học tập. - Kiên quyết bắt bé thực hiện thời gian biểu cho việc dùng máy tính: cho việc gì (chơi, học), sử dụng bao nhiêu lần trong 1 ngày và 1 lần là bao lâu. - Tìm hiểu những gì con bạn đang làm trên máy tính bằng cách dùng lịch sử truy cập, lịch sử duyệt web. - Nếu có nhiều máy tính cần theo dõi tất cả các máy tính, cài mật khẩu khi cần. - Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời, các trò chơi khác. - Trẻ nhỏ khi chơi máy tính bảng thì cha mẹ phải ngồi sử dụng cùng, giải thích để tập tư duy và nói. (Thông tin được đăng trên trang cá nhân và được sự cho phép của bác sĩ) |
Lâm Viên