Sự càn quét của "cơn sóng thần" dịch bệnh Covid-19 khiến các nhà sản xuất may mặc, các hãng thời trang danh tiếng trên thế giới dấn thân vào một cuộc chiến sinh tồn để có thể trở lại thị trường.
Sự càn quét của “cơn sóng thần” dịch bệnh Covid-19 khiến các nhà sản xuất may mặc, các hãng thời trang danh tiếng trên thế giới dấn thân vào một cuộc chiến sinh tồn để có thể trở lại thị trường.
Một show diễn thời trang của hãng Giorgio Armani tại Thượng Hải, Trung Quốc khi chưa xảy ra dịch Covid-19 (Nguồn: CNN) |
Được ví như một “cơn sóng thần” càn quét qua hàng trăm quốc gia trên thế giới, đại dịch Covid-19 đang len lỏi vào từng ngõ ngách kinh tế toàn cầu. Giữa bối cảnh ấy, các mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu như may mặc và giày dép chắc chắn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Sự trở lại của các nhà sản xuất thậm chí còn được ví như một cuộc chiến sinh tồn, theo nhận định của giới chuyên gia.
* Những gián đoạn đột ngột
Tại Tuần lễ thời trang Milan diễn ra vào tháng 2 năm nay, giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến khó lường, nhà mốt Giorgio Armani đã quyết định đóng cửa show và chỉ phát trực tiếp qua mạng những sản phẩm nằm trong bộ sưu tập mới nhất của mình.
Trong khi đó tại Anh, quốc gia thu hút đến hàng tỷ lượt khách du lịch mỗi năm từ khắp nơi trên thế giới, người ta ước tính rằng ngành may mặc sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, một phần bởi xu hướng tiết kiệm chi tiêu trong khủng hoảng.
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc mảng tiếp thị - nghiên cứu và phát triển Alice Tonello của Tonello, công ty Italy hàng đầu trong lĩnh vực sáng chế công nghệ hoàn thiện đồ may mặc nhận định rằng, trong thời gian tới, các doanh nghiệp sẽ tính đến các phương án bao gồm việc tái tổ chức trong sản xuất, hướng tới sự linh hoạt và nhanh chóng, từ đó gia tăng các vòng bảo vệ. |
Theo tính toán, chi tiêu tiêu dùng tại xứ sở Sương mù đã giảm đến 1/5, tương đương 20,6%, so với mức chi tiêu thông thường. Cùng với đó, doanh số bán quần áo và giày dép tại quốc đảo cũng dự kiến sẽ giảm 11,1 tỷ bảng Anh (13,06 tỷ USD). Con số mất mát này tương đương với tổng doanh số bán quần áo của 3 nhà lãnh đạo tiên phong trên thị trường may mặc Anh, đó là Primark, Marks & Spencer và Next.
Tất cả 376 cửa hàng Primark trải rộng ở 12 quốc gia đã đóng cửa cho đến khi có thông báo mới. Chủ sở hữu Primark là ABF (Associated British Food), một trong những tập đoàn chế biến thực phẩm và bán lẻ đa quốc gia lớn nhất thế giới tuyên bố rằng, họ sẽ mất đi khoảng 751,5 triệu USD doanh thu ròng mỗi tháng nếu tình hình tiếp diễn.
Trong khi đó, lần lượt các thương hiệu bao gồm Nike, Gap và H&M cũng đã tạm thời ngừng hoạt động trực tuyến và đóng cửa các chuỗi cửa hàng bán lẻ của mình để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Châu Á, trung tâm sản xuất hàng may mặc và giày dép của thế giới được dự đoán sẽ phải hứng chịu nhiều hậu quả tàn khốc. Đặc biệt, các đơn vị sản xuất có sử dụng nguyên vật liệu từ Trung Quốc đến nay cũng ở trong tình trạng nghiêm trọng.
Trong bối cảnh đó, chính phủ các nước đã lần lượt đưa ra những quy định nhằm bảo vệ quyền của người lao động. Chính phủ Ấn Độ đã ra chỉ thị nghiêm ngặt rằng các doanh nghiệp không thể chấm dứt hợp đồng với người lao động và yêu cầu hạn chế cắt giảm lương. Việc đóng cửa một phần nhà máy ở Bangladesh đã khiến 1 ngàn nhà máy, vốn là nguồn sinh kế của 1,96 triệu công nhân, ngừng hoạt động.
Ngoài ra, sự sụt giảm doanh số nhanh chóng cũng được ghi nhận tại các cửa hàng ở Mỹ và trên khắp châu Âu. Virus SARS-CoV-2 đã khiến trung tâm thời trang thế giới New York phải dừng lại đột ngột. Ở Mexico và khu vực Trung Mỹ, nhiều cơ sở sản xuất đã phải đóng cửa vì các cửa hàng bán lẻ đột nhiên ngừng hoạt động để thực hiện giãn cách xã hội.
Trong khi đó, mùa cưới ở Ấn Độ bắt đầu vào tháng 10 và sẽ tiếp tục đến đầu mùa xuân năm sau. Tuy nhiên, đối với nhiều người, mùa cưới đẹp nhất bắt đầu vào thời điểm tháng 4. Đây là khoảng thời gian được mọi thành phần trong chuỗi cung ứng thời trang mong chờ nhất. Tất cả các mắt xích liên kết như nhà thiết kế thời trang hay thợ thủ công làng nghề thêu zardozi truyền thống đều coi trọng “thời điểm vàng” của năm.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của Covid-19 cùng các biện pháp ngăn chặn sự lây lan như giãn cách xã hội đã làm trì hoãn nhiều kế hoạch cưới, trong khi các nhà thiết kế thời trang đình đám của quốc gia Nam Á như Manish Malhotra, TarunTahiliani và Sabyasachi cũng tạm thời “bế quan tỏa cảng.”
Tại châu Âu, Phòng Thời trang quốc gia Italy có trụ sở tại Milan thông báo Tuần lễ thời trang Xuân/Hè 2021 sẽ hoãn đến tháng 7-2020 và chỉ diễn ra trên nền tảng kỹ thuật số để giúp các nhà thiết kế giới thiệu sản phẩm của mình, tránh nguy cơ lây nhiễm.
* Giai đoạn “lửa thử vàng”
Có thể nói, những gì đang diễn ra không giống với bất cứ điều gì mà thế giới từng chứng kiến. Tuy nhiên, câu nói “lửa thử vàng” lâu nay vẫn đúng trong hầu hết trường hợp và có lẽ ngành thời trang thế giới cũng không phải ngoại lệ.
Tại Italy, sau gần 2 tháng “án binh bất động” để ngăn chặn đà lây lan của đại dịch Covid-19, phần lớn các công ty thời trang đã bắt đầu tái khởi động trong tuần qua, bất chấp những quan ngại về một tương lai không chắc chắn.
Là một trong những “viên ngọc quý” trong lĩnh vực sản xuất, cả về mặt kinh tế lẫn biểu tượng, ngành thời trang và may mặc của Italy vẫn không tránh khỏi vòng ảnh hưởng của dịch Covid-19. Mặc dù vậy, sau khi các biện pháp hạn chế đối với một số lĩnh vực sản xuất (bao gồm cả chế tạo) được gỡ bỏ vào ngày 4-5, tâm trạng các “đại gia” thời trang dường như khá lạc quan.
Claudio Marenzi, Chủ tịch Hiệp hội các công ty dệt may và thời trang của Italy Confindustria Moda cho biết: “Chúng tôi đang tiếp cận giai đoạn này với cả sự nhiệt tình và lo lắng”. Confindustria Moda hiện đang đại diện cho khoảng 66 ngàn công ty hoạt động trong lĩnh vực dệt may, thời trang và phụ kiện (trong tổng số khoảng 80 ngàn doanh nghiệp trên toàn quốc), với rất nhiều trong số này có quy mô vừa và nhỏ.
Hầu hết các công ty đều theo định hướng xuất khẩu mạnh mẽ, với doanh số bán ra nước ngoài chiếm 66,3% tổng doanh thu trong năm 2018. “Tất cả chúng tôi đều mong muốn mở cửa trở lại và chúng tôi cảm thấy tự tin rằng mình sẽ cố gắng hết sức. Đây là nguồn lạc quan chính của chúng tôi” - Chủ tịch Marenzi chia sẻ.
Khi hầu hết cửa hàng phải đóng cửa vì dịch, các nhà bán lẻ đã chọn phương án chuyển sang giao dịch trực tuyến. Theo chuyên gia Alberto De Conti đến từ Hub 1922, một thương hiệu trực thuộc Tập đoàn Rudolf và hoạt động ở cả Italy và Đức, thị trường đã xuất hiện nhiều kênh truyền thông và kỹ thuật số B2B mới (kênh giao dịch thương mại giữa các doanh nghiệp).
Lấy công ty may mặc Lycra có trụ sở tại Mỹ làm ví dụ, Lycra đã hoạt động trên nền tảng kỹ thuật số nên các đơn đặt hàng của công ty này hầu như không gặp phải bất kỳ sự gián đoạn nào.
Có thể nói, không chỉ tạo ra những phương án nhằm giúp các doanh nghiệp xoay xở trong thời kỳ khó khăn, việc chuyển đổi sang giao dịch kỹ thuật số còn là một lựa chọn rất thân thiện với môi trường.
Những khó khăn đang buộc các công ty phải nhìn nhận lại vai trò của mình theo một cách rất khác biệt. Họ không chỉ lên kế hoạch đảm bảo chuỗi cung ứng mà còn phải chuẩn bị những phương án dự phòng.
TTXVN