Thời gian gần đây, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ dần quen thuộc với đại đa số người tiêu dùng. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã đầu tư tiền tỷ để làm nông nghiệp công nghệ cao. Đây được xem là hướng đi bền vững góp phần nâng cao giá trị nông sản, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dùng trong nước và xuất khẩu.
Thời gian gần đây, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ dần quen thuộc với đại đa số người tiêu dùng. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã đầu tư tiền tỷ để làm nông nghiệp công nghệ cao. Đây được xem là hướng đi bền vững góp phần nâng cao giá trị nông sản, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dùng trong nước và xuất khẩu.
Anh Phạm Phú Cường, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Phú Cường (H.Cẩm Mỹ) thu hoạch cà chua |
* Green Farm đầu tư hơn 60 tỷ đồng
Đó là trang trại nông nghiệp hữu cơ kết hợp du lịch nghỉ dưỡng của anh Bùi Văn Thắng (Giám đốc Công ty TNHH 3T Plus - Green Farm xã Tân Hiệp, H.Long Thành). Anh Thắng chia sẻ, để hiện thực hóa “giấc mơ” nông nghiệp hữu cơ kết hợp du lịch nghỉ dưỡng, anh đã dành 3 năm nghiên cứu và đầu tư hơn 60 tỷ đồng mua đất, cải tạo vườn, làm nhà màng; xây dựng khu vui chơi giải trí, hệ thống nhà ăn, nhà nghỉ dưỡng trên diện tích 7,5ha tại H.Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Với anh Thắng, khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp hữu cơ, cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức, tài chính, nhân sự và lòng kiên trì. Mong muốn của anh là phát triển Green Farm thành trang trại nông nghiệp hữu cơ kết hợp du lịch - ẩm thực - nghỉ dưỡng tại chỗ. |
“Ngay từ những ngày đầu lên ý tưởng thành lập trang trại, tôi đã chọn làm nông nghiệp theo hướng hữu cơ để định vị thương hiệu. Nhưng quá trình từ vườn tạp đến trang trại nông nghiệp công nghệ cao mất nhiều thời gian hơn tôi tưởng” - anh Thắng nhớ lại.
Từ khâu lên ý tưởng thiết kế, tìm mua giống, quy trình chăm sóc và cả đầu ra anh đều tự mày mò. Có thời điểm, mưa lớn, cả trang trại của anh ngập chìm trong nước và rác. Sau này, anh được một doanh nghiệp ở TP.HCM hỗ trợ vật tư đầu vào, bao tiêu đầu ra nên phục hồi và phát triển trở lại.
Hiện tại, tất cả các loại cây ăn quả tại Green Farm đều được chứng nhận đạt chuẩn VietGAP, trong đó, sản phẩm dưa lưới trồng trong nhà màng đạt chứng nhận GlobalGAP từ năm 2017. Theo anh Thắng, cây dưa được trồng trong các túi giá thể chứa vật liệu sạch, nền đất được lót bạt, không tiếp xúc trực tiếp với đất nên hạn chế được các loại sâu bệnh làm thối rễ, đục quả. Chỉ tính riêng dưa lưới, trung bình mỗi vụ trang trại thu khoảng 12 tấn quả. Với giá bao tiêu tại vườn 70-80 ngàn đồng/kg, lợi nhuận đạt khoảng 40% doanh thu.
* Huấn luyện đàn ong thụ phấn cho cây ăn quả
“Từ khi “dụ” được bầy ong vào nhà màng sinh sống và hút mật, năng suất các loại cây ăn trái tăng khoảng 30%, đồng thời sâu bệnh giảm đáng kể” - anh Phạm Phú Cường, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Phú Cường (H.Cẩm Mỹ) chia sẻ.
Trước khi đến với nông nghiệp sạch, anh Cường trồng dâu nuôi tằm. Cũng do “mê” làm nông nghiệp sạch anh lấy những chiếc mùng không còn sử dụng may lại với nhau thành màng hạn chế muỗi và côn trùng cắn rau. Thấy hoa màu trồng theo hướng hữu cơ cho năng suất, chất lượng cao, anh quyết định đầu tư làm nhà màng. Từ vài luống rau ban đầu, đến nay anh Cường đã liên kết với các hộ dân phát triển được 6ha rau, trái VietGAP. Trung bình mỗi năm, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Phú Cường cung cấp ra thị trường khoảng 25 tấn rau ăn lá và dưa leo, 10 tấn dưa lưới, 10 tấn cà chua. Toàn bộ các loại cây ăn trái đều được thụ phấn nhờ ong.
Anh Bùi Văn Thắng, Giám đốc Công ty TNHH 3T Plus - Green Farm chia sẻ thông tin tại một sự kiện nông nghiệp |
Anh Cường kể, tình cờ trong một lần tìm đọc tài liệu liên quan đến làm nông nghiệp sạch, anh biết đến phương pháp nuôi ong thụ phấn cho cây ăn trái. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm nuôi ong, thêm vào đó chưa biết cách hạ nhiệt độ bên trong nhà màng nên đến bầy ong thứ 3 anh mới thành công. Hiện tại, anh Cường nuôi 3 đàn ong. Ong được luân phiên đưa đến các nhà màng trồng dưa leo, dưa lưới, cà chua để thụ phấn cho cây.
Theo anh Cường, quá trình hút mật ong sẽ đưa các hạt phấn chín đến nhụy, giúp tăng số lượng hoa được thụ phấn, nhờ đó mà năng suất tăng đáng kể, khoảng 30% so với thụ phấn tự nhiên. Hiện sản phẩm của HTX đang được bán online từ fanpage Rau sạch Phú Cường, bỏ mối tại chợ trên địa bàn huyện. Mới đây, một doanh nghiệp tại TP.HCM đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm đưa vào siêu thị nông sản sạch và xuất khẩu. “Tôi đang đầu tư vốn cho các hộ nông dân mở rộng nhà màng, sản xuất theo quy trình sạch, trong đó bao gồm cả nuôi ong thụ phấn cho hoa màu để đáp ứng số lượng và chất lượng cho thị trường xuất khẩu” - anh Cường cho hay.
* Nặng lòng với nông dân, nông sản
Sau nhiều năm gắn bó với Viện Cây ăn quả miền Nam, anh Vũ Mạnh Hà, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp bền vững (H.Trảng Bom) cùng với đồng nghiệp quyết định chọn Đồng Nai để nghiên cứu, phát triển các vùng cây trồng theo tiêu chuẩn GAP của Việt Nam và quốc tế rồi chuyển giao cho người dân.
Anh Hà kể, tốt nghiệp đại học anh không bám trụ lại Hà Nội mà vào Nam làm việc. Quá trình công tác tại Viện Cây ăn quả miền Nam anh nhận thấy, việc thay đổi thói quen làm nông nghiệp của nông dân sẽ không mang lại hiệu quả nếu chỉ tuyên truyền, hô hào. Năm 2016, anh cùng vài đồng nghiệp thành lập Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp bền vững rồi bắt tay với người dân làm các dự án nhỏ. “Lúc đầu, nhiều hộ đăng ký tham gia, nhưng khi thực hiện các yêu cầu bắt buộc như: viết nhật ký sản xuất; sử dụng phân hữu cơ và thuốc sinh học; chăm sóc và thu hoạch theo quy trình thì nhiều hộ xin rút” - anh Hà nhớ lại.
Anh Vũ Mạnh Hà, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp bền vững hướng dẫn nông dân xã Bàu Hàm (H.Trảng Bom) chăm sóc bưởi sạch |
Tuy nhiên, bằng sự kiên trì và tâm huyết, hơn 50 dự án nông nghiệp sạch đã được nhóm thực hiện và chuyển giao thành công cho người dân ở Đồng Nai và các tỉnh miền Đông Nam bộ. Trong đó có: bưởi GlobalGAP Tân Triều (H.Vĩnh Cửu), xoài GlobalGAP (H.Xuân Lộc), hồ tiêu GlobalGAP Lâm San (H.Cẩm Mỹ), sầu riêng VietGAP Nhân Nghĩa (H.Cẩm Mỹ), lúa hữu cơ Long Phước...
Để giúp các vùng dự án phát triển bền vững, trung tâm đứng ra tư vấn, hỗ trợ nông dân thành lập HTX, triển khai truy xuất nguồn gốc nông sản bằng công nghệ blockchain, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa nông dân. Cùng với đó, kết nối 3 nhà là nhà cung cấp vật tư đầu vào, nhà nông và doanh nghiệp thu mua tạo thành chuỗi bền vững.
“Chúng tôi đang phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, Sở KH-CN triển khai thêm nhiều dự án phát triển nông nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh như: dự án sản xuất giống lúa ngon nhất thế giới năm 2019 theo tiêu chuẩn hữu cơ tại xã Long Phước (H.Long Thành); nâng tiêu chuẩn VietGAP lên GlobalGAP đối với các sản phẩm: chôm chôm Lạc Sơn (H.Thống Nhất), bưởi Bàu Hàm (H.Trảng Bom), xoài Phú Lý (H.Vĩnh Cửu). Hy vọng sẽ góp phần nhỏ bé tạo sự thay đổi tích cực cho nông dân, nông nghiệp và môi trường” - anh Hà chia sẻ.
Hoàng Lộc